3.3.3.1. Phát huy vai trò của nhà tạo lập thị trường
Nhà tạo lập thị trường cho TPDN ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở một số ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… với vị trí là đại lý phát hành, là nhà đầu tư chứng khoán tự doanh, trong khi hoạt động môi giới trái phiếu mặc dù có nhưng vẫn rất hạn chế. Điều này đã khiến các giao dịch trái phiếu diễn ra khá tẻ nhạt, thiếu nhân tố tạo nên những “cú huých” để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đại chúng.
Như vậy, giải pháp đưa ra là cần có sự can thiệp của Nhà nước. Cụ thể hơn, đó là sự tham gia của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trên thị trường TPDN. Trong giai đoạn chứng khoán sụt giảm, SCIC đã thể hiện tương đối tốt chức năng của mình thông qua các hoạt động mua - bán cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết. Nhưng đối với TPDN thì dường như SCIC chưa có sự quan tâm phù hợp. Do đó, với vai trò của một nhà tạo lập thị trường thuộc quyền điều hành của Nhà nước, SCIC cần có biện pháp điều tiết thị trường TPDN tốt hơn trong thời gian tới. Việc định hướng nhu cầu giao dịch trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng giúp nâng cao tính thanh khoản cho loại chứng khoán này đồng thời góp phần tạo ra sự sôi động cho thị trường trong giai đoạn sắp tới.
Một giải pháp nữa là cần khuyến khích sự tham gia của các quỹ đầu tư đầu tư vào TPDN. Đây là một trong các những thành viên tích cực của thị trường chứng khoán góp phần tăng tính thanh khoản của trái phiếu. Các quỹ đầu tư sẽ tập hợp các nguồn vốn nhỏ lẻ từ nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đầu tư vào danh mục các trái phiếu và cổ phiếu. Khi đó, một cách chuyên nghiệp và cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, các quỹ đầu tư sẽ thực hiện việc mua bán trái phiếu kiếm lời. Với lợi thế
về tiềm lực tài chính và trình độ chuyên môn, những động thái giao dịch của các quỹ đầu tư này sẽ tạo ra định hướng nhất định về cung - cầu trên thị trường trái phiếu thứ cấp.
3.3.3.2. Tăng cường năng lực kết nối thị trường thông qua chuyên nghiệp hóa đội ngũ môi giới chứng khoán
Tại những thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới, đội ngũ môi giới luôn được đánh giá rất cao và giữ vai trò quyết định trong các giao dịch. Ở Việt Nam hiện nay, môi giới chứng khoán chưa thực sự phát triển, các môi giới viên tại các công ty chứng khoán chưa đảm bảo được yêu cầu cần thiết cho một thị trường chuyên nghiệp, trong khi môi giới ở thị trường chợ đen luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với nhà đầu tư. Đây là lực cản khá lớn đối với tính thanh khoản của TPDN. Bởi vậy, chuyên nghiệp hóa đội ngũ môi giới chứng khoán sẽ là yêu cầu cấp thiết để tạo ra cầu nối giữa cung và cầu trái phiếu trên thị trường. Một số biện pháp cơ bản để thực hiện yêu cầu này gồm có: Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của những chuyên gia hoạt động môi giới tại các công ty chứng khoán theo những chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Đề cao và bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động môi giới chứng khoán - một yêu cầu không thể thiếu của một nhà môi giới.
Tuyên truyền, hướng dẫn nhà đầu tư về vị trí, vai trò của nhà môi giới đối với hoạt động giao dịch trái phiếu.
Tất cả những biện pháp này cần phải có sự tham gia hướng dẫn, điều hành và quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng mà cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc sớm ban hành những chuẩn mực cho người hoạt động môi giới sẽ là bước giải quyết đầu tiên để xây dựng một đội ngũ chuyên viên môi giới có chất lượng cao.
3.3.3.3. Chuẩn hóa cách thức xác định lãi suất phát hành
Thông thường, các nhà đầu tư thường xây dựng đường cong lãi suất dựa vào việc quan sát sự biến động của giá và lãi suất trên thị trường các trái phiếu Chính phủ. Bởi vì trái phiếu Chính phủ không có rủi ro vỡ nợ, đồng thời đây cũng là thị trường
hoạt động sôi động nhất và lớn nhất do các trái phiếu Chính phủ có tính thanh khoản cao, đây chính là đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường.
Còn đối với loại TPDN, đường cong lãi suất chuẩn được xây dựng dựa vào các trái phiếu của các công ty có uy tín. Các trái phiếu này được coi là có mức độ rủi ro thấp hoặc bằng không. Do đó, các mức lãi suất của các trái phiếu này được sử dụng làm lãi suất chuẩn cho các trái phiếu khác. Phần chênh lệch giữa lãi suất chuẩn và lãi suất của các trái phiếu khác phản ánh mức độ rủi ro của các trái phiếu đó, mức chênh lệch càng lớn thì trái phiếu đó càng rủi ro.
So với các nước trên thế giới, thị trường trái phiếu Việt Nam được đánh giá là khá non trẻ khi giá trị còn nhỏ, tính thanh khoản chưa cao và kỳ hạn trái phiếu chưa đa dạng… Tuy vậy, cùng với sự phát triển và hội nhập của thị trường trái phiếu, việc đưa ra một đường cong lãi suất mang tính định hướng kỳ vọng của thị trường là điều cần thiết. Thực tế cũng cho thấy, lãi suất trái phiếu dài hạn trong thời gian gần đây đều nhỉnh hơn so với mức lãi suất ở các kỳ hạn ngắn hơn. Nhưng cần lưu ý rằng hình dạng đường cong lãi suất sẽ luôn được điều chỉnh để phản ánh những biến động của kỳ vọng thị trường.
Việc xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản sau:
Lãi suất TPDN phải được xác định dựa trên quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường.
Trái phiếu có thời hạn càng dài thì lãi suất càng cao.
Lãi suất TPDN phải cao hơn lãi suất huy động và thấp hơn lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại ở cùng kỳ hạn.
Để xác định mức lãi suất phát hành TPDN phù hợp, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư cần phải xây dựng lãi suất trái phiếu Chính phủ trở thành lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính nói chung và thị trường TPDN nói riêng. Mức lãi suất này phải phản ánh đúng tình hình cung cầu vốn trên thị trường.
Phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 10-15 năm là cơ sở hình thành lãi suất cho thị trường tài chính nói chung và thị trường TPDN nói riêng.
Trên cơ sở giao điểm giữa đường cong lãi suất với các kỳ hạn tương ứng, chủ thể phát hành sẽ xác định mức lãi suất tương ứng. Mức lãi suất chuẩn này cộng với tỷ lệ rủi ro khác nhau của từng loại trái phiếu sẽ hình thành nên mức lãi suất huy động vốn trên thị trường. Do vậy, mức lãi suất TPCP sẽ là lãi suất cơ sở cho việc xác định lãi suất phát hành TPDN.
Rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp càng lớn thì nhà đầu tư đòi hỏi mức bù rủi ro cao hơn để bù đắp rủi ro có thể gặp phải. Lãi suất phát hành phải đảm bảo mức lãi suất thực và bù đắp được mức lạm phát.