Tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi kinh tế càng khó khăn thì nhà đầu tư sẽ tìm đến với các kênh đầu tư an toàn như TPCP thay vì TPDN. Do vậy, để có thể phát triển thị trường TPDN, cần phải tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả bởi nếu doanh nghiệp không có tiềm lực kinh tế, hoạt động kinh doanh thua lỗ và không tạo dựng được lòng tin đối với giới đầu tư thì việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu của doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn, thị trường TPDN theo đó cũng sẽ không thể phát triển được
Cần thực hiện tốt nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế, chính trị, xã hội trong giai đoạn khủng hoảng nhằm tạo đà cho sự phát triển đất nước. Trong đó, chính sách thuế và chính sách tiền tệ cần được quan tâm đặc biệt bởi hai yếu tố này có tác động trực tiếp đến những biến động trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn và dài hạn.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò quản lý của mình đối với thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Những chính sách, quy định mới ban hành cần phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích có khoa học và phù hợp với yêu cầu trong từng thời kỳ phát triển. Việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, của nhà đầu tư là cần thiết bởi chính những chủ thể này sẽ tạo ra sự sôi động của thị trường trái phiếu trong thời gian tới. Ngoài ra, cần có những ưu đãi nhất định đối với doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư để tạo thêm tính hấp dẫn của thị trường. Công tác hoàn thiện hành lang pháp lý cho các chủ thể khác tham gia thị
trường (nhà môi giới, quỹ đầu tư, đại lý phát hành, các ngân hàng thương mại…) cũng là cơ sở để nâng cao tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu, áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro nhằm đảm bảo quyền lợi cho tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư trái phiếu. Cuối cùng, cần phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan quản lý nhà nước trong điều hành thị trường trái phiếu nhưng phải đảm bảo sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này. Cụ thể:
Chính phủ có nhiệm vụ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách điều hành chung cho thị trường, thành lập các cơ quan chuyên trách để giúp việc cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ điều tiết thị trường thông qua các công cụ thuế, tiền tệ, ban hành các chính sách về thu nhập, quản lý tài chính doanh nghiệp…
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính quản lý các hoạt động của các tổ chức tài chính - tín dụng có liên quan đến các nghiệp vụ về trái phiếu; điều hành chính sách lãi suất cơ bản trong từng thời kỳ nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất hấp dẫn nhưng đảm bảo hiệu quả khi phát hành trái phiếu.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực tiếp điều hành thị trường, quản lý phát hành và giao dịch trái phiếu; quản lý và giám sát các công ty chứng khoán, các tổ chức định mức tín nhiệm, các tổ chức lưu ký và thanh toán; thiết lập các tiêu chuẩn niêm yết và cấp phép phát hành trái phiếu; giám sát hoạt động của thị trường giao dịch tập trung…
Trung tâm giao dịch chứng khoán kiểm soát các công ty thành viên và công ty niêm yết để duy trì thị trường công bằng, có trật tự; quản lý các giao dịch trái phiếu có niêm yết và không niêm yết trên thị trường OTC; thiết lập tiêu chuẩn niêm yết và quản lý biến động giá; công bố thông tin, kiểm soát các giao dịch và giải quyết các xung đột giữa các chủ thể khi tham gia thị trường trái phiếu.