Phân loại chi phí sản xuất

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tại công ty trách nhiệm hữu hạn KPF việt nam (Trang 28 - 33)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.1.Phân loại chi phí sản xuất

Mục đích của kế toán quản trị chi phí là cung cấp thông tin thích hợp về chi phí, kịp thời cho việc ra quyết định của các nhà quản trị doanh nghiệp. Vì vậy, đối với kế toán quản trị chi phí không đơn thuần nhận thức chi phí như kế toán tài chính mà chi phí còn được nhận thức theo các khía cạnh nhận diện thông tin để phục vụ cho việc ra quyết định kinh doanh. Kế toán quản trị chi phí thường chú trọng đến các cách phân loại chi phí sản xuất.

1.2.1.1. Phân loại chi phí sản xuất theo chức năng hoạt động

Cách phân loại này giúp dễ dàng kiểm soát chi phí phát sinh ở các giai đoạn sản xuất khác nhau từ đó có thể xác định chi phí theo từng thời điểm phát sinh để có thể gắn trách nhiệm của nhà quản lý trong đơn vị với từng địa điểm phát sinh. Đồng thời, vận dụng cách phân loại này kế toán có thể xây dựng định mức chi phí để sản xuất một đơn vị sản phẩm và khối lượng sản phẩm theo dự toán tiêu thụ được xây dựng.

Chi phí sản xuất là loại chi phí chế tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp. Chi phí sản xuất bao gồm ba khoản mục chi phí: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung.

- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Là toàn bộ chi phí nguyên vật liệu được sử dụng cho quá trình sản xuất chế tạo sản phẩm. Thuộc chi phí nguyên vật liệu trực tiếp có thể là nguyên liệu, vật liệu chính; vật liệu phụ sử dụng trực tiếp cho sản xuất sản phẩm. Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp có thể liên quan trực tiếp đến một hay nhiều đối tượng tập hợp chi phí. Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp liên quan đến nhiều đối tượng tập hợp chi phí cần phải phân bổ cho các đối tượng tập hợp chi phí theo những tiêu thức phù hợp.

- Chi phí nhân công trực tiếp: Bao gồm toàn bộ chi phí về tiền lương và các khoản phải trả cho công nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, các khoản trích theo tiền lương của công nhân trực tiếp sản xuất như BHXH,

BHYT, BHTN, KPCĐ. Chi phí nhân công trực tiếp có thể liên quan trực tiếp đến một hay nhiều đối tượng tập hợp chi phí. Chi phí nhân công trực tiếp liên quan đến nhiều đối tượng tập hợp chi phí cần phải phân bổ cho các đối tượng tập hợp chi phí theo những tiêu thức phù hợp.được tập hợp và phân bổ theo những tiêu thức phù hợp.

- Chi phí sản xuất chung: Là các khoản chi phí sản xuất liên quan đến phục vụ và quản lý sản xuất trong phạm vi các phân xưởng, đội sản xuất như lương và các khoản trích theo lương của nhân viên quản lý phân xưởng, khấu hao TSCĐ dùng sản xuất sản phẩm và quản lý phân xưởng sản xuất, chi phí vật liệu, chi phí dụng cụ sản xuất, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác phục vụ cho sản xuất ở tổ, phân xưởng sản xuất;

1.2.1.2. Phân loại chi phí theo yếu tố đầu vào của sản xuất

Phân loại chi phí theo yếu tố đầu vào của sản xuất thì toàn bộ chi phí sản xuất được chi thành chi phí ban đầu và chi phí chuyển đổi.

Chi phí ban đầu là các chi phí doanh nghiệp phải chuẩn bị từ đầu để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi phí ban đầu phát sinh trong mối quan hệ của doanh nghiệp với môi trường kinh tế bên ngoài. Chi phí ban đầu được chia thành các yếu tố chi phí sau: Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công, chi phí đào tạo nhân công.

Chi phí chuyển đổi phát sinh là do có sự kết hợp các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh. Sự kết hợp giữa lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động. Vì vậy, chi phí chuyển đổi là các chi phí tổng hợp, được cấu thành bởi nhiều yếu tố chi phí đơn nhất ban đầu. Chi phí chuyển đổi bao gồm: Chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung

Phân loại chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm là theo chi phí ban đầu có ý nghĩa quan trọng trong quản lý vĩ mô và các nhà quản trị doanh nghiệp.

Cách phân loại này có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết kế xây dựng mô hình chi phí trong mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận, xác định điểm hòa vốn cũng như đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng. Mặt khác việc phân biệt này còn giúp các nhà quản trị doanh nghiệp xác định đúng đắn phương hướng để nâng cao hiệu quả của chi phí và xây dựng dự toán chi phí hợp lý. Theo cách phân loại này chi phí được chia thành:

Biến phí là những chi phí thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi mức hoạt động của doanh nghiệp. Mức độ hoạt động có thể là số lượng sản phẩm sản xuất, số lượng sản phẩm tiêu thụ, số giờ máy hoạt động, doanh thu bán hàng thực hiện. Nếu xét về tổng số, biến phí thay đổi tỉ lệ thuận với khối lượng hoạt động, nhưng nếu xét trên một đơn vị khối lượng hoạt động thì biến phí có thể là hằng số đối với mọi mức hoạt động. Trong một doanh nghiệp sản xuất, biến phí tồn tại khá phổ biến như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí năng lượng. Những chi phí này, khi mức độ hoạt động của doanh nghiệp gia tăng thì chúng cũng gia tăng tỉ lệ thuận và ngược lại.

Định phí là những chi phí mà về tổng số không thay đổi khi có sự thay đổi mức độ hoạt động của đơn vị. Nếu xét tổng chi phí thì định phí không thay đổi. Ngược lại, nếu xét định phí trên một đơn vị khối lượng hoạt động thì tỷ lệ nghịch với mức độ hoạt động. Như vậy, dù doanh nghiệp có hoạt động hay không thì vẫn tồn tại định phí và khi doanh nghiệp gia tăng mức độ hoạt động thì định phí trên một đơn vị hoạt động sẽ giảm dần.

Chi phí hỗn hợp: Chi phí hỗn hợp là loại chi phí mà bản thân nó gồm cả các yếu tố của định phí và biến phí.

Tác dụng của cách phân loại này là để thiết kế và xây dựng mô hình chi phí trong mối quan hệ chi phí, khối lượng và lợi nhuận. Mặc khác phân loại

theo cách này còn để xem xét, xác định điểm hòa vốn và xem xét các quyết định trong sản xuất kinh doanh.

1.2.1.3. Phân loại chi phí sản xuất theo khả năng quy nạp chi phí vào các đối tượng chịu chi phí

Theo cách phân loại này, chi phí sản xuất được chia thành hai loại: Chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.

Chi phí trực tiếp: Là những chi phí liên quan trực tiếp đến từng đối tượng kế toán tập hợp chi phí, chúng có thể được quy nạp trực tiếp cho từng đối tượng tập hợp chi phí. Trong quản trị doanh nghiệp nói chung và quản trị chi phí nói riêng, nếu loại chi phí này chiếm đa số trong tổng chi phí thì sẽ thuận lợi cho việc kiểm soát chi phí và dễ dàng trong việc xác định nguyên nhân gây ra chi phí.

Chi phí gián tiếp: Là các chi phí có liên quan đến nhiều đối tượng kế toántập hợp chi phí khác nhau nên không thể quy nạp trực tiếp cho từng đối tượng tập hợp chi phí được, mà phải tập hợp theo từng nơi phát sinh chi phí khi chúng phát sinh, sau đó quy nạp cho từng đối tượng theo phương pháp phân bổ gián tiếp.

Cách phân loại chi phí này có ý nghĩa về mặt kỹ thuật quy nạp chi phí vào đối tượng tập hợp chi phí sản xuất. Tuy nhiên, thông qua cách phân loại chi phí này, các nhân viên kế toán quản trị có thể tư vấn để các nhà quản trị doanh nghiệp đưa ra và thực hiện một cơ cấu tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý để đa số các khoản chi phí có thể quy nạp trực tiếp cho từng đối tượng tập hợp chi phí. Từ đó giúp cho việc kiểm soát chi phí được thuận lợi hơn.

1.2.1.4. Phân loại chi phí theo thẩm quyền ra quyết định

Theo cách phân loại này, nếu gắn quyền kiểm soát chi phí với một cấp quản lý nào đó thì phân biệt chi phí thành: chi phí kiểm soát được và chi phí không kiểm soát được.

- Chi phí kiểm soát được: Là những chi phí mà các nhà quản trị ở một cấp quản lý nào đó xác định được lượng phát sinh của nó, có thẩm quyền quyết định về sự phát sinh chi phí đó, cấp quản lý đó kiểm soát được những chi phí này.

- Chi phí không kiểm soát được: Là những chi phí phát sinh mà các nhà quản trị ở một cấp quản lý nào đó không thể dự đoán chính xác sự phát sinh của nó và không có thẩm quyền quyết định đối với khoản chi phí đó.

Cách phân loại này nhằm cung cấp thông tin để đánh giá hiệu quả của người quản lý, giúp các nhà quản trị thuộc từng cấp quản lý trong doanh nghiệp hoạch định được dự toán chi phí đúng đắn hơn, hạn chế sự bị động về huy động nguồn lực để đảm bảo cho các khoản chi phí. Mặt khác, còn giúp các nhà quản trị cấp cao đưa ra phương hướng để tăng cường chi phí kiểm soát được cho từng cấp như mở rộng, phát triển các quy trình sản xuất kinh doanh có tỷ lệ định phí cao hơn, phân cấp quản lý chi tiết, rõ ràng hơn về những chi phí gián tiếp, phục vụ quản lý sản xuất kinh doanh.

1.2.1.5. Nhận diện các chi phí khác phục vụ cho việc ra quyết định

Theo cách phân loại này chi phí sản xuất gồm: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Chi phí chênh lệch: là những khoản chi phí có ở phương án sản xuất kinh doanh này nhưng không có hoặc chỉ có một phần ở phương án sản xuất kinh doanh khác. Chi phí chênh lệch là thông tin thích hợp cho việc xem xét, lựa chọn phương án tối ưu.

- Chi phí cơ hội: là lợi ích mất đi do chọn phương án sản xuất kinh doanh này thay vì chọn phương án sản xuất kinh doanh khác. Chi phí cơ hội luôn luôn là thông tin thích hợp cho xem xét, lựa chọn phương án tối ưu.

- Chi phí chìm: là những chi phí đã phát sinh,có trong tất cả các phương án sản xuất kinh doanh được đưa ra xem xét, lựa chọn. Đây là những chi phí

mà các nhà quản trị phải chấp nhận không có sự lựa chọn. Chi phí chìm luôn là thông tin không thích hợp cho việc xem xét, lựa chọn phương án tối ưu.

Cách phân loại này là căn cứ cho việc lựa chọn phương án kinh doanh phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tại công ty trách nhiệm hữu hạn KPF việt nam (Trang 28 - 33)