Theo Bách khoa toàn thư mở: “Phát triển là một phạm trù của triết học, là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật. Quá trình vận động đó diễn ra vừa dần dần, vừa
nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, quá trình diễn ra theo đường xoắn ốc và hết mỗi chu kỳ sự vật lặp lại dường như sự vật ban đầu nhưng ở mức (cấp độ) cao hơn” ((Theo https://vi.wikipedia.org). Ở đây, phát triển được xem là một quá trình vận động đi lên. Theo giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lê Nin (2005) cho rằng phát triển là nhằm mở rộng quy mô sản xuất nhưng không làm tăng năng suất lao động (phát triển theo chiều rộng) và phát triển nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng (phát triển theo chiều sâu). Đặc điểm của phát triển theo chiều rộng: (i) Lấy tăng trưởng về số lượng làm mục tiêu đầu tư, mà không làm thay đổi chất lượng sản phẩm, năng suất lao động hay giá thành sản phẩm, (ii) Tốc độ tăng lao động lớn hơn tốc độ tăng vốn, (iii) Chi phí lao động, chi phí nguyên liệu đầu vào có thể tăng nhưng không làm tăng năng suất lao động, (iv)Thời gian chuẩn bị đầu tư ngắn, vốn đầu tư không quá lớn. Đặc điểm phát triển theo chiều sâu: (i) Lấy hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng suất lao động làm động lực trực tiếp, làm mục tiêu của các hoạt động đầu tư, (ii) Phát triển theo chiều sâu thường dẫn đến giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn, (iii)Tốc độ tăng lao động nhỏ hơn tốc độ tăng vốn, (iv) Thời gian chuẩn bị đầu tư dài, (v) Phát triển theo chiều sâu và đổi mới công nghệ có quan hệ mật thiết, hữu cơ, và luôn luôn đi liền với nhau. Phát triển theo chiều sâu là nhân tố quyết định đổi mới công nghệ, tạo điều kiện và khả năng cho đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ là phương thức tiến hành hoạt động phát triển theo chiều sâu có hiệu quả.
Từ các quan điểm khác nhau trên đây, theo tác giả: Phát triển là quá trình tăng tiến, chuyển biến về mọi mặt của nền kinh tế trong một thời kì nhất định, trong đó bao gồm cả sự tăng lên về quy mô sản lượng sản phẩm, sự hoàn thiện, tiến bộ về cơ cấu nền kinh tế. Với quan điểm này, tác giả đưa ra quan điểm phát triển NHBL dựa trên hai khía cạnh đó là phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, có nghĩa là “Phát triển dịch vụ NHBL là tăng qui mô, số lượng, chất lượng của dịch vụ NHBL đã có, đồng thời phát triển thêm dịch vụ NHBL mới”. Sự gia tăng về qui mô, số lượng và chất lượng các dịch vụ NHBL thể hiện qua việc số lượng các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ biết đến và sử dụng các sản phẩm dịch
vụ NHBL không ngừng tăng lên. Ngày nay, Dịch vụ NHBL đã len lỏi vào hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội; các sản phẩm DVNH ngày càng được đa dạng hóa các tiện ích gia tăng cùng với sự phát triển bùng nổ của hệ thống internet, các sản phẩm có sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế và nhu cầu của người dân. Các ngân hàng không ngừng gia tăng các sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, phát triển theo mô hình chăm sóc khách hàng trên toàn thế giới. Phát triển dịch vụ NHBL chính là sự phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ với chất lượng ngày một tốt hơn, điều đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của NHTM. Sự phát triển dịch vụ NHBL, mà kết quả cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả hoạt động của NHTM, là cầu nối giữa Ngân hàng với các chủ thể hoạt động của nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.