Nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu PHAN THỊ THANH DUNG - 1706030016 - TCNH K24A (Trang 44 - 46)

Nhân tố thuộc về chính sách, thể chế

Các chính sách điều hành kinh tế, đặc biệt là các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tác động một cách trực tiếp đến hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và hoạt động kinh doanh NHBL nói riêng. Trong các chính sách kinh tế vĩ mô thì chính sách tài chính và chính sách tiền tệ là hai chính sách quan trọng nhất và có tác động mạnh nhất đến hoạt động ngân hàng.

Khi nhà nước sử dụng chính sách tài chính và tiền tệ thắt chặt nhằm điều tiết nền kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng nóng thì tín dụng nói chung sẽ bị thắt chặt và tín dụng bán lẻ (nhất là những khoản vay tiêu dùng mang tính chất xa xỉ, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu thiết yếu của cuộc sống) có thể bị cắt giảm, điều đó sẽ hạn chế sự phát triển hoạt động kinh doanh NHBL.

Khi nhà nước sử dụng chính sách tài chính và tiền tệ nới lỏng nhằm điều tiết nền kinh tế vĩ mô đang suy thoái thì tín dụng nói chung sẽ được mở rộng và tất cả các hoạt động tín dụng bán lẻ (cho vay cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, cho vay tiêu dùng) sẽ có cơ hội phát triển. Đồng thời, với những chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ kích thích người dân tiêu dùng, qua đó họ sẽ gia tăng sử dụng các sản phẩm dịch vụ NHBL, từ đó kích thích sự phát triển hoạt động kinh doanh NHBL.

Nhân tố thuộc về yếu tố kinh tế

Hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung cũng như hoạt động kinh doanh NHBL nói riêng đều chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu và của mỗi nước. Tùy theo tình hình phát triển của nền kinh tế mà hoạt động kinh doanh NHBL có những chiều hướng phát triển khác nhau.

Khi nền kinh tế phát triển, điều đó cũng đồng nghĩa với một nền kinh tế lành mạnh, thể hiện ở các chỉ tiêu: tăng trưởng GDP cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, chỉ số giá tiêu dùng thấp và ổn định Khi đó mọi thành phần kinh tế đều phát triển, nhu cầu vốn của những doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình sản xuất nhỏ cũng tăng trưởng và khả năng thanh toán của các thành phần kinh tế này sẽ tương đối ổn định; Do vậy, hoạt động tín dụng bán lẻ cũng sẽ có nhiều thuận lợi để tăng trưởng và phát triển. Đồng

thời, khi nền kinh tế phát triển sẽ có thêm nhiều thành phần kinh tế phát triển, dư thừa của cải, họ sẽ tìm cách cất trữ và nhân giá trị lên, lúc này hoạt động huy động vốn sẽ có cơ hội phát triển. Như vậy, nền kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy kinh doanh ngân hàng bán lẻ phát triển.

Khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, tăng trưởng ở mức cao, bùng nổ nhu cầu tiêu dùng, xây dựng... điều đó cũng làm cho nhu cầu vay vốn của các cá nhân, hộ gia đình tăng cao thúc đẩy hoạt động tín dụng bán lẻ tăng trưởng nóng. Đồng thời, khi một nền kinh tế tăng trưởng nóng, thì các thành phần kinh tế sẽ ít có nhu cầu tích lũy từ đó làm giảm hiệu quả công tác huy động vốn. Như vậy, với một nền kinh tế tăng trưởng quá nóng thì sẽ gây nên sự phát triển không bền vững trong hoạt động kinh doanh NHBL.

Khi nền kinh tế suy giảm có thể xuất hiện tình trạng giảm phát, thất nghiệp gia tăng, tăng trưởng GDP chậm lại ... người dân sẽ thận trọng hơn trong việc vay vốn ngân hàng cho các nhu cầu đời sống và kinh doanh, từ đó sẽ kìm hãm tín dụng bán lẻ phát triển. Đồng thời, họ sẽ tăng tích lũy, tuy nhiên mức độ tích lũy sẽ không nhiều, chỉ tập trung ở một số bộ phận thành phần giàu có, do vậy hoạt động huy động vốn không phát triển mạnh như giai đoạn ổn định kinh tế. Ngoài ra, nền kinh tế khó khăn thì nhu cầu tiêu dùng người dân cũng giảm bớt, do đó họ cũng giảm bớt nhu cầu sử dụng các dịch vụ NHBL. Như vậy, khi nền kinh tế suy giảm thì hoạt động kinh doanh NHBL sẽ suy giảm.

Nhân tố thuộc về yếu tố xã hội

Nhân tố xã hội là một trong những nhân tố khá quan trọng tác động đến hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và hoạt động kinh doanh NHBL nói riêng. Trong các nhân tố xã hội thì các nhân tố: quy mô dân số, phân bố dân số, trình độ dân trí, lực lượng lao động, thu nhập bình quân đầu người là một trong các nhân tố chính ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh này.

Một quốc gia có mức dân số cao thì sẽ có nhiều người tiêu dùng hơn so với một quốc gia có mức dân số thấp và như vậy thì số người tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ NHBL sẽ nhiều hơn, qua đó cũng thúc đẩy hoạt động kinh doanh NHBL phát triển.

Một quốc gia có trình độ dân trí cao thì sẽ càng nhiều người tiếp cận với các SPDV ngân hàng qua đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh NHBL phát triển. Ngược lại, quốc gia có trình độ dân trí thấp, thì việc tiếp cận với các SPDV ngân hàng sẽ có những hạn chế nhất định, do đó hoạt động kinh doanh NHBL cũng sẽ kém phát triển. Tại các quốc gia phát triển, với mức thu nhập bình quân đầu người cao, thì việc tiếp cận và sử dụng các DVNH trở nên phổ biến, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh NHBL phát triển. Ngược lại, tại các nước đang và kém phát triển, với mức thu nhập bình quân đầu người thấp, thì việc người dân tiếp cận với các SPDV ngân hàng sẽ hạn chế và như vậy sự phát triển hoạt động kinh doanh NHBL cũng hạn chế.

Đối thủ cạnh tranh

Đối thủ cạnh tranh là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chiến lược và sách lược của ngân hàng để cạnh tranh thị phần khách hàng, phát triển các SPDV mới khác biệt. Bên cạnh đó, đối thủ cạnh tranh là một nguồn thông tin có giá trị được các nhà quản trị ngân hàng sử dụng để hỗ trợ cho việc ra quyết định liên quan đến phát triển sản phẩm. Những hành động của đối thủ cạnh tranh sẽ cho các nhà quản trị ngân hàng biết được họ nhận thức ra sao về xu hướng trên thị trường. Theo dõi sát sao các chiến lược sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh sẽ là cơ sở giúp cho ngân hàng đánh giá được sự thành công của các SPDV hiện tại trên thị trường làm cơ sở để phát kiến các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao. Một phần quan trọng của các ý tưởng về sản phẩm mới lại xuất phát từ đối thủ cạnh tranh dưới hình thức sản phẩm “bắt chước”.

Một phần của tài liệu PHAN THỊ THANH DUNG - 1706030016 - TCNH K24A (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w