1.2.1.1. Khái niệm đầu tư công
Có nhiều quan niệm về ĐTC, các khái niệm có nội hàm như sau: (1) ĐTC là đầu tư của Nhà nước vào khu vực công. ĐTC là đầu tư vì mục tiêu của chính sách công hoặc phục vụ những lợi ích công cộng; (2) ĐTC là quá trình Nhà nước sử dụng nguồn vốn NSNN đầu tư vào phát triển KT-XH; (3) ĐTC là việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển KT-XH không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, nói cách khác là không vì mục tiêu kinh doanh; (4) ĐTC là đầu tư của một chủ thể đặc biệt – đó là Nhà nước. Theo quan điểm này thì ĐTC được hiểu rất rộng, nếu một dự án đầu tư được thực hiện bởi Nhà nước thì dự án đó được quan niệm là ĐTC, không phân biệt nguồn vốn, mục đích đầu tư.
Ở Việt Nam, bước vào thời kỳ đổi mới khái niệm ĐTC đã được đặt ra, nhưng lại được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, chủ yếu là: ĐTC hay đầu tư của Nhà nước tại Việt Nam thường được hiểu bao gồm tất cả các khoản đầu tư do Chính phủ và các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước tiến hành, bao gồm: (1) Đầu tư từ ngân sách; (2) Đầu tư theo các chương trình hỗ trợ có mục tiêu được thông qua trong kế hoạch ngân sách hằng năm; (3) Tín dụng đầu tư (vốn cho vay) của nhà nước có mức độ ưu đãi nhất định; (4) Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.
Theo tác giả, việc đưa đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi của ĐTC là không phù hợp với bản chất và chức năng chính của ĐTC. Bởi vì, ĐTC là đầu tư để phục vụ lợi ích chung, xây dựng nền tảng phát triển và tăng trưởng cho quốc gia hoặc địa phương. Mặt khác, ĐTC chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thể hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, không nhằm mục đích kinh doanh.
Tác giả nhất trí với khái niệm ĐTC đã được xác định tại Luật Đầu tư công (2014), theo đó lĩnh vực ĐTC sẽ bao gồm: (1) Đầu tư chương trình, dự án kết cấu
hạ tầng KT-XH; (2) Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; (3) Đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; (4) Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công-tư.
Vốn ĐTC theo quy định hiện hành, bao gồm: vốn NSNN, vốn công trái quốc gia, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn Trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.
Đây là định nghĩa đã được luật hóa và phản ánh được bản chất của ĐTC. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, khái niệm ĐTC sẽ được sử dụng đúng theo Điều 4, Luật Đầu tư công: “Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào
các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”…
1.2.1.2. Khái niệm quản lý nhà nước về đầu tư công
Quản lý nhà nước về đầu tư công là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước vào quá trình đầu tư công, do các cơ quan trong hệ thống hành chính thực hiện nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người đại diện sở hữu Nhà nước trong các dự án công, ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực của các dự án; kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong việc sử dụng vốn Nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước; đảm bảo hoạt động đầu tư công phục vụ tốt nhất mục tiêu phát triển KT-XH với chi phí thấp nhất.
Theo khái niệm này, cần quan tâm các yếu tố: (1) Nhà nước quản lý ĐTC bằng quyền lực nhà nước theo pháp luật; (2) Chủ đầu tư chỉ là đại diện cho sở hữu nhà nước trong các dự án công; (3) QLNN về ĐTC nhằm đảm bảo cho hoạt động ĐTC phục vụ tốt nhất mục tiêu phát triển KT-XH với chi phí thấp nhất; (4) Chủ thể QLNN về ĐTC chủ yếu do các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện.