QLNN về ĐTC cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
- Một là, tuân thủ các quy định của pháp luật về ĐTC. QLNN về ĐTC trước tiên phải tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật Đầu tư công,
Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, cũng như pháp lý của hoạt động QLNN về ĐTC.
- Hai là, phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH, kế hoạch phát triển KT-XH 05 năm của đất nước, quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch phát triển ngành. Nguyên tắc này giúp đảm bảo việc thực hiện đầu tư có ưu tiên, trọng điểm, phù hợp với các quy hoạch và chiến lược phát triển của từng ngành, vùng, qua đó tránh việc đầu tư dàn trải lãng phí làm giảm hiệu quả nguồn lực ĐTC.
- Ba là, thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan QLNN, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn ĐTC.
- Bốn là, quản lý việc sử dụng vốn ĐTC theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực, không để thất thoát, lãng phí.
- Năm là, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ĐTC. Công khai minh bạch trong QLNN về ĐTC giúp việc giám sát, đánh giá, kiểm tra đối với ĐTC được hiệu quả, hiệu lực và tăng cường được sự tham gia giám sát của người dân đối với các hoạt động ĐTC.
- Sáu là, khuyến khích tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư hoặc đầu tư theo nhiều hình thức, nhất là hình thức đối tác công-tư vào dự án kết cấu hạ tầng KT-XH và cung cấp dịch vụ công. Nguyên tắc này phù hợp với xu hướng của thế giới, đó là kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, giúp giảm gánh nặng cũng như rủi ro đối với NSNN, các dự án được vận hành hiệu quả hơn, cũng như tạo nên sự sáng tạo, trách nhiệm và minh bạch đối với hoạt động ĐTC.