1.2.2.1. Đặc điểm của đầu tư công
ĐTC là loại hình đầu tư đặc thù, so với các loại hình đầu tư khác, ĐTC có những đặc điểm riêng, như sau:
(1) Chủ thể ĐTC là Nhà nước. Luật Đầu tư công của Việt Nam quy định chủ đầu tư và cơ quan quản lý là các cơ quan, tổ chức nhà nước. Việc thực hiện dự án ĐTC và QLNN về ĐTC là trách nhiệm của Nhà nước, bao gồm các cấp, các ngành từ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan cấp trung ương, cho đến chính quyền địa phương các cấp. Các cơ quan, tổ chức nhà nước quản lý toàn diện quá trình ĐTC với các chức năng từ ban hành chính sách, cơ chế quản lý, hướng dẫn, đến hỗ trợ, kiểm tra, giám sát. (2) ĐTC là khoản chi tích lũy NSNN. Chi ĐTC trực tiếp làm gia tăng số lượng và chất
lượng tài sản cố định cho nền kinh tế quốc dân; là cơ sở và nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân trên các mặt: phát triển cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực, các vùng kinh tế trên lãnh thổ quốc gia, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài và tạo động lực cho sự tăng trưởng.
(3) Quy mô và cơ cấu chi ĐTC của NSNN không cố định. Nhà nước sẽ điều chỉnh quy mô và cơ cấu ĐTC cho phù hợp với chiến lược phát triển KT- XH của Nhà nước và tình hình KT-XH trong từng thời kỳ.
(4) Chi ĐTC phải gắn chặt chi thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Sự phối hợp không đồng bộ giữa chi đầu tư với chi thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng thiếu kinh phí để sữa chữa, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác và sử dụng tài sản đầu tư. Sự gắn kết giữa hai nhóm chi tiêu này sẽ khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan, không tính đến hiệu quả khai thác.
(5) Quá trình đầu tư cũng như kết quả và hiệu quả hoạt động ĐTC chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất định theo thời gian và của điều kiện không gian tự
nhiên, của tình hình KT-XH và thường phải trải qua thời gian dài mới có thể thấy rõ được hiệu quả của hoạt động ĐTC đó.
(6) Hoạt động ĐTC thường đòi hỏi một khối lượng tiền vốn, vật tư rất lớn và mang tính chất lâu dài.
(7) Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động ĐTC là từ Nhà nước, kể cả vốn công trái quốc gia, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn Trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA... (8) Mục tiêu của hoạt động ĐTC là các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng
và phát triển KT-XH, trong đó chủ yếu là theo đuổi các mục tiêu của chính sách công.
1.2.2.2. Đặc điểm của quản lý nhà nước về đầu tư công
Ngoài đặc điểm chung của QLNN về kinh tế, QLNN về ĐTC còn có một số đặc điểm riêng, đó là: (1) QLNN về ĐTC phải được đặt trong chiến lược phát triển KT-XH, trong tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, cả về chính sách lẫn quy hoạch; (2) QLNN về ĐTC là lĩnh vực hết sức phong phú, rộng lớn và đa dạng với nhiều loại nguồn vốn, đầu tư cho nhiều loại công trình, dự án khác nhau, với những hình thức đầu tư khác nhau; (3) QLNN chỉ chủ động đối với nguồn vốn NSNN chi cho ĐTC, đối với các nguồn vốn khác, Nhà nước phải thông qua chính sách, cơ chế nhằm định hướng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và dân cư tham gia ĐTC; (4) QLNN về ĐTC gắn với điều kiện lịch sử, cụ thể của quốc gia, của địa phương, của ngành trong từng thời kỳ nhất định; (5) QLNN về ĐTC phải nhằm đạt hiệu quả cả về kinh tế và hiệu quả xã hội, ĐTC phải gắn với phát triển bền vững theo mục tiêu chiến lược đã định.