Mộng phái sinh

Một phần của tài liệu Ý NGHĨA một số BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG tác của DIÊM LIÊN KHOA (trường hợp đinh trang mộng và tứ thư) (Trang 89 - 131)

Diêm Liên Khoa nêu bật sự giằng co trong quá trình diễn hóa giữa nguyên nhân: khát vọng, ảo mộng, phồn hoa, và kết quả: tuyệt vọng, ác mộng, tiêu điều. Sự giằng co ấy được tác giả đặt trên nền của mộng.

3.2.2.1. Hồn, xác – “khéo giày cho tan”

Người Trung Hoa cổ đại cho rằng con người hoàn thiện là khi trong họ tồn tại song linh, một là linh hồn (魂) hai là linh phách (魄), gọi tắt là hồn phách. Khi mất đi, phách sẽ được tiêu táng theo thể xác, phần hồn sẽ tùy vào nghiệp lực của họ lúc còn sống mà hóa thành dạng hồn mới (thiện linh; ác linh – ma, quỷ; thần linh – thần, thánh, tiên). Tuy nhiên, dù người Trung Hoa xưa có ý thức phân biệt rạch ròi giữa hồn và xác, nhưng tư duy của họ vẫn là kiểu tư duy nhị nguyên, tư duy nhân quả. Từ tư duy ấy, họ mới có được những hình thức răn dạy người sống (các tư tưởng: Nho, Phật, Đạo, Pháp, Mặc ….) cũng như hình thức an táng dành cho người chết (địa táng, hỏa táng, thủy táng, tang táng, tế tự, na trừ, …). Có thể thấy, người Trung Hoa quan trọng cả lúc sống lẫn lúc chết.

Từ ý nghĩa đó, soi chiếu vào tác phẩm Đinh trang mộng, phần hồn và phần xác của con người đều là những đối tượng quan trọng để phản ánh trong bối cảnh đạo đức nông thôn, không gian nông thôn xuống cấp trầm trọng. Hồn và xác trong Đinh trang mộng bị “vắt kiệt” đến tận cùng. Nói cách khác, chiếu theo ý nghĩa vẹn toàn của một con người là để thấy được toàn vẹn thảm cảnh của làng Đinh. Tác phẩm lấy góc nhìn của một vong nhi - Đinh Tiểu Cường - làm điểm tựa

84

cho câu chuyện, theo nhà nghiên cứu Tawara (田原), điểm nhìn này như là “tiếng nói từ tâm hồn” (田原, 2013, 页.70)74. Nói cách khác, góc nhìn này cho phép nhà văn, độc giả và chính các sự kiện trong tác phẩm được nhìn ở mức “đại thể”: toàn cảnh thập kỉ con người hương trấn đổi máu lấy phồn hoa (chức năng logic của cách kể chuyện bằng giấc mộng). Bởi lẽ, trong quan niệm người xưa, linh hồn có thể thấu được tất cả sự việc của quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai, và thường sẽ được dự báo cho người còn sống thông qua giấc mơ. Diêm Liên Khoa đã vận dụng quan niệm này như một lí do logic để nhân vật Đinh Tiểu Cường đóng vai trò người kể chuyện “biết tuốt”. Từ đó, thông qua mộng chúng ta thấy được các chức năng của nó trong chỉnh thể tác phẩm:

Hàng loạt các giấc mơ mang chức năng dự báo như: [M3]: Đinh Thủy Dương mơ thấy cống ngầm đều đang chảy máu, mơ thấy trên khắp bình nguyên đều toàn là màu máu đỏ lòm, tành nồng nặc”; [M13]: giấc mơ về xưởng quan tài; [M15]: giấc mơ về việc chặt phá toàn bộ cây cối, thực vật để làm quan tài; [M20]: giấc mơ về hạn hán, đói kém xảy ra trên bình nguyên, … đã cho thấy một thực trạng hiện hữu của làng Đinh, không chỉ là nền “kinh tế huyết tương kiểu mẫu” mà còn là “kinh tế ma chay”, “kinh tế âm hôn”. Đinh Huy chính là nhân vật gieo rắc cái ác trên giấc mộng đó của người làng Đinh, gieo rắc vào sở thích nằm mộng của họ: “Dường như, ai cũng thích mộng. Rải những giấc mộng lên thế giới này chắc chắn còn nhiều hơn lá rụng” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.12). Những người nông dân ấy có những ước mơ từ đơn giản đến xa vời: [M5]: ước mơ được đổi đời, sống ở những vùng đô thị trù phù, xa hoa bậc nhất; ước mơ xây được nhà cao cửa rộng, từ một tầng rồi lại hai tầng và ba tầng, ước mơ được sống trong mùi lưu huỳnh của gạch ngói mới; [M10]: ước muốn mua được một chai gội dầu; [M11]: ước muốn được chứng tỏ bản thân mình từng là một chiến sĩ cách mạng với khí phách hiên ngang, không sợ trời đất; … Tất cả những ước mơ ấy đều được hiện

85

thực hóa bằng việc bán máu: “Đinh Trang đùng một cái bán máu đến phát điên” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.47).

Đinh Huy cũng có ước mơ “dài đến chục dặm, hai chục dặm” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.122), nhưng ước mơ ấy sẽ là tham vọng xa vời nếu như không có sự chung tay góp máu, góp xác chết của dân làng. Anh ta bất chấp mọi thứ, kể cả những kiến thức y khoa, để tự tung tự tác tổ chức trạm máu tư nhân, hút lấy sinh mệnh vốn đã mong manh của người làng Đinh một cách tỉ mỉ, chu đáo. Chi tiết Đinh Thủy Dương: “mơ thấy tất cả các bác sĩ trong bệnh viện, đang bật to tiếng khóc bi thương vì bệnh nhiệt, nhưng mỗi ngày đều có một ông bác sĩ ngồi cười trên đường Đinh Trang. […] Ngồi cười trên hòn đá dưới gốc cây hòe già. Cười ha hả” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.13), là chi tiết ẩn dụ cho bản tính tàn độc của Đinh Huy. “Bác sĩ Đinh Huy” đã mạnh dạn cho “một cục bông có thể lau chín lần trên tay của ba người”, “bác sĩ Đinh Huy” vì tiết kiệm chi phí cho khoản chi “một tháng sáu trăm đồng” (Diêm Liên Khoa, 2019a, 2019, tr.61) mà đã biến ao hồ trong thôn làng trở thành ao máu.

Giấc mộng Đông Kinh của Đinh Huy chính là sinh mạng của anh ta và để nuôi dưỡng nó, anh ta không ngần ngại truy cùng đuổi tận người làng Đinh từ lúc sống cho đến lúc chết. Đinh Huy bám víu vào quan tài, tạo nên một xưởng quan tài, rồi phát triển nó thành nền “kinh tế ma chay”. Từ chỗ hoảng loạn vì người chết như ngả rạ, người làng Đinh chuyển sang hoảng loạn vì sợ không có quan tài để chôn: “giá quan tài tăng vùn vụt, một cỗ quan tài tốt từ bốn, năm trăm tăng lên bảy, tám trăm” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.253). Đinh Huy kinh doanh trên niềm mong mỏi có được quan tài để chôn, vì vậy mà xưởng quan tài Hạnh Phúc ra đời, Đinh Huy mang quan tài đi khắp thôn xóm để “cứu người hoạn nạn, trời tuyết đưa than” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.183). Từ chỗ chìm đắm trong mùi lưu huỳnh của gạch ngói, làng Đinh giờ đây ở khắp các thôn ngõ nhỏ to đều đậm đặc mùi quan tài. Đinh Huy bán cạn máu, bán hết quan tài nhưng vẫn được tung hô như kẻ “ân đức ngút trời” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.184). Có thể thấy, sự tàn nhẫn của

86

Đinh Huy nằm trong từng bịch máu, nằm trong từng cỗ quan tài mà len lỏi, phát tán khắp cả vùng nông thôn.

Không dừng lại ở đó, lợi dụng vào tập tục âm hôn của người Trung Hoa, Đinh Huy tiếp tục một hình thức kinh doanh đầy nhức nhối: tổ chức hôn phối cho những xác chết: “[…] thống kê xem từ khi có bệnh nhiệt, thôn Thượng Dương có tổng cộng bao nhiêu người chết, trong đó có bao nhiêu thanh niên chưa kết hôn lập gia đình” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.183). Sự táng tận thiên lương của Đinh Huy còn được thể hiện ở cả việc anh ta sắp xếp hôn phối giữa con trai của mình và tiểu thư của tỉnh trưởng Đông Kinh để đổi lấy lợi ích mà anh khao khát có được. Đinh Huy là nhân vật trung tâm của cái ác, ngay từ giấc mơ của anh ta đã hơn những người khác, dẫn đến hành động của anh ta cũng hơn những người khác, nói Đinh Huy vắt kiệt phần hồn lẫn phần xác của người làng Đinh là vì thế.

Bản chất tàn độc của Đinh Huy còn thể hiện qua những lần anh ta xảo biện cho tội ác, lỗi lầm của mình, tẩy sạch định kiến của người làng Đinh: “Mọi người hãy nhớ rõ, ở Đinh Trang, Đinh Huy tôi sẽ không làm bất kì việc gì có lỗi với mọi người. Chỉ có mọi người có lỗi với Đinh Huy, không có chuyện Đinh Huy có lỗi với mọi người” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.144). Không những vậy, anh ta còn khuếch đại việc an táng của Đinh Lượng và Linh Linh chỉ để thay việc chuộc tội với dân làng: “…việc mua bán máu năm đó là việc mà em trai Đinh Lượng làm, căn bản không can hệ gì đến Đinh Huy. Phải nói cả đời Đinh Huy chưa bao giờ làm đầu nậu máu” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.278). Dường như cả trong lẫn ngoài với Đinh Huy đều là cơ hội, nếu như bên ngoài với anh ta là mạng sống, nguồn máu, xác chết của dân làng thì bên trong chính là cốt nhục, gia đình, …đều được anh ta tận dụng triệt để. Đinh Huy lấy sự sống, cái chết của người ngoài để làm giàu và lấy cái chết của người thân để rửa tội.

Có thể xem Đinh Huy là trục chính cho những giằng co khác của người làng Đinh: giằng co giữa sống và chết; giằng co giữa vật chất, danh vọng ngoài

87

thân với bản tính; giằng co giữa tình yêu và định kiến; giằng co giữa tội lỗi và tình yêu thương. Đinh Huy lợi dụng lòng tin non nớt trong tâm trí của những người nông dân, từ đó kích động và hút lấy máu của họ để kiếm sống. Bán máu, lộ ra bản chất của con người, lộ ra những thèm khát đến tận cùng của sự tham vọng, lộ ra những ung nhọt của nhân tính. Giấc mộng phồn hoa của người làng Đinh chóng đến nhưng cũng chóng đi, chỉ duy nhất có ác mộng là theo họ đến cuối đời.

3.2.2.2. Mộng và ác mộng

Bắt đầu từ trạm máu của chính quyền chuyển sang trạm máu của tư nhân. Từ việc vận động và đe dọa hiến máu, người làng Đinh đã chuyển sang tự nguyện và thèm khát hiến máu. Từ chỗ thôn trang hiến máu kiểu mẫu, náo nhiệt những xe bán tải chở đầy máu cho đến việc chen đua nhau xây dựng những căn nhà, làng Đinh giờ đây chuyển sang cái tĩnh, cái lạnh. Cái tĩnh dày đặc, bao trọn lấy từng con người năm xưa bán máu: “cái tĩnh tuyệt đối, thôn xóm đã tàn, người cũng đã tàn” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.11); cái lạnh bao phủ tất thảy vạn vật của bình nguyên: “cái lạnh khi nghĩ đến một ngày không xa chính mình cũng phải ra đi” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.117). Hai trạng thái trên nổi trội trong ác mộng của Đinh trang. Tất cả các nhân vật có cùng một giấc mộng, có cùng khao khát làm giàu năm xưa đều được tập hợp lại ở trường tiểu học làng Đinh và ở đó, các nhân vật bắt đầu tranh giành lấy sự sống cho riêng mình. Hàng loạt những sự kiện đều được tiên báo trước sẽ có kết cục không khả quan: “Cuộc sống của bệnh nhân bệnh nhiệt sướng hơn ở trong mơ. Nhưng sướng được nửa tháng thì không thể sướng nữa” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.83).

Trong trường học, người làng Đinh bộc lộ hết tất thảy những ti tiện, tính ích kỉ và giả dối của mình: lén lút bỏ gạch đá vào trong quỹ gạo ăn chung của bệnh nhân (Đinh Lượng), lén lút cắt xén bớt phần gạo để đem về cho chồng con (Triệu Tú Cần), vì muốn thực hiện lời hứa tặng chiếc áo cho vợ mình mà lấy trộm áo của Linh Linh (Triệu Đức Toàn), vì thèm muốn chức vị trưởng thôn mà uy hiếp Đinh Thủy Dương, bốc trần gian tình của Đinh Lượng và Linh Linh (Đinh Dược Tiến,

88

Giả Căn Trụ), đó là ao ước giữ được con dấu chứng minh chức vị cựu trưởng thôn (Lý Tam Nhân). Ngay từ đầu, tất cả bệnh nhân muốn vào trường học ở đều phải tuân thủ luật hưởng chung, có phúc cùng hưởng phúc, có ăn cùng hưởng ăn. Thế nhưng ở hiện thực nông thôn nghèo đói ấy, ai cũng vì lợi ích cá nhân, đến nỗi: “Thực ra cũng chẳng thấy thiệt thòi gì lớn lắm, chỉ là cảm thấy mình không chiếm được món hời đó” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.142). Có thể thấy rằng, nhân cách của người sắp chết cũng sắp băng hoại theo thể xác.

Ngoài trường học, không gian sống cũng trở nên tận diệt khi người làng Đinh đua nhau chặt sạch hết cây cối trong vùng để đóng quan tài [M15], để rồi: “trong một đêm, Đinh Trang quả thật không còn cây nữa” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.203). Các chi tiết về việc chặt sạch cây cối, chi tiết người làng Đinh tranh giành, phân chia bàn ghế, bảng viết ở trường học, … có thể xem là một ẩn dụ về giấc mộng của tác giả bằng góc nhìn hậu nhân loại: thực hiện ước mơ bằng tất cả những gì đang có, bất chấp vấn đề đạo đức thì ắt hẳn lúc tỉnh mộng con người ta vẫn sẽ tiếp tục chịu hoặc giải quyết hậu họa bằng tâm lí ấy. Có lẽ, đây cũng là ý nghĩa của mộng được Diêm Liên Khoa biểu lộ: trong giấc mộng của làng Đinh, con người hủy diệt dần sự sống của chính mình, hủy diệt thiên nhiên, để khi tỉnh mộng con người ta vẫn tiếp tục bám víu vào thành quả của văn minh và băng hoại nó.

Diêm Liên Khoa làm bật sự sống và cái chết của người làng Đinh từ không – thời gian xoay quanh trường tiểu học. Từ đó thấy được rõ hơn trạng thái “tỉnh mộng” của các bệnh nhân AIDS. Trường hợp này, ông đã khai thác hình ảnh của văn minh – trường học – để nói đến việc người nông dân đã băng hoại nó và lãng quên mình như thế nào. Hơn thế nữa, khi đọc sáng tác của Diêm Liên Khoa, độc giả không tránh khỏi những ấn tượng về nỗi sợ quyền lực và sinh mạng. Minh chứng cho điều vừa đề cập, chúng tôi bắt gặp sự thừa nhận của chính tác giả: “Diêm Liên Khoa từng nói, hồi thanh niên ông sùng bái ba thứ, đó là quyền lực, đô thị và sinh mạng, vì thế cũng đã sợ hãi ba thứ đó và sợ hãi những gì ba thứ đó tạo ra” (Vương Nghiêu, 2017, tr.160). Trong sáng tác của ông, theo góc nhìn của

89

chúng tôi có sự thay đổi đôi chút, ở chỗ, nỗi sợ đô thị là thứ sản sinh hai nỗi sợ quyền lực và sinh mạng.

Trong tác phẩm Phong nhã tụng, nhân vật Dương Khoa tỏ ra lép vế trước uy quyền của cặp “gian phu dâm phụ” Triệu Như Bình và Lý Quảng Trí, với giọng điệu hạ mình: “Một là tư tưởng tôi chưa giải phóng, việc giữa ông và Triệu Như Bình, đề nghị lần sau không thế nữa, có được không? Hai là quan niệm của tôi chưa đổi mới, xin hai người lần sau không thế nữa, có được không?” (Diêm Liên Khoa, 2016, tr.11). Rõ ràng Dương Khoa hoàn toàn có thể mạnh dạn, lấn lướt và lên giọng nhưng trong tình huống này nhân vật được đặt trong tình huống lộn trái. Hình tượng trí thức trong Phong nhã tụng là sản phẩm của việc băng hoại kỉ cương, nề nếp, còn hình tượng nông dân trong Đinh trang mộng là sản phẩm của thái độ nhu nhược, kém hiểu biết. Nếu như với tác phẩm Phong nhã tụng, có thể giải thích từ việc phân tích bi kịch của người tri thức để thấy được nỗi sợ quyền lực, thì ở tác phẩm Đinh trang mộng có thể giải thích từ cặp vấn đề mộng/ tỉnh mộng để lí giải cho nỗi sợ sinh mạng, và cả hai nỗi sợ này đều có dấu vết từ “đô thị”.

Vấn đề sinh mạng hương thổ qua giọng văn của Diêm Liên Khoa luôn đạt ở mức cực đoan, tạo cho trạng huống tồn tại của hiện thực một sự xuyên thấm: từ dự báo cho đến thực tại lẫn kết cục, đều là trạng thái hủ hóa và suy bại. Có thể thấy, yếu tố hiện sinh cũng tồn tại trong vấn đề sinh mạng mà nhà văn kiên trì thể hiện: trong bối cảnh biến động của lịch sử, chính trị, xã hội thì vấn đề mạng sống, lí tưởng, nhân tính đều phô bày trên nền của nghịch cảnh.

Có lẽ với tác giả, những thực trạng không thể xóa nhòa, biểu lộ ngay trong đời sống của ông/ nhân vật trong tác phẩm (khát khao đô thị, hiểu được hào nhoáng văn minh nhưng tuyệt nhiên không dung hòa được, không chạm đến được vì hồn cốt nông thôn, vì nỗi sợ đô thị) và khi đối diện với nó cũng vừa là lúc bị tước đi sinh mạng hoặc bị giày vò đến tận lúc chết đi. Nói về đạo đức nông thôn và không gian hương trấn trong tác phẩm Đinh trang mộng, chúng ta có thể thấy rằng, tất cả đều tàn lụi theo thời gian, tàn lụi theo tâm ý của người làng Đinh. Tuy nhiên cũng cần phải khách quan mà nhận định rằng Diêm Liên Khoa không chủ ý “bêu

90

xấu” hay “đả phá đối tượng”, mà ông đang nói đến hiện thực bằng văn ngôn của mình (tính mới của hiện thực). Tác phẩm Phong nhã tụng từng vấp phải những chỉ trích về việc đả phá hình ảnh trí thức, tác phẩm Đinh trang mộng cũng không tránh khỏi ấn tượng về sự đả phá hình ảnh nông thôn.

Một phần của tài liệu Ý NGHĨA một số BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG tác của DIÊM LIÊN KHOA (trường hợp đinh trang mộng và tứ thư) (Trang 89 - 131)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)