Nhan đề Đinh trang mộng đã được Diêm Liên Khoa đã mượn lại cấu trúc “X + mộng” vốn phổ biến trong văn học Trung Quốc. Trong trường hợp này, nhan đề được bện chặt giữa tư tưởng và dụng ý nghệ thuật. Sự liên kết đó thể hiện thông qua tác phẩm và lời trần tình của tác giả ở phần Sự hụt hẫng của sáng tác (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.343 – 346). Về mặt tư tưởng, trong quá trình sáng tác ông bị chính cảm thức về “cái ác”/ “cái chết” chi phối, từ năm 1995 với những manh nha về ý tưởng cho tiểu thuyết, đến 2006 tác phẩm được trình làng, Diêm Liên Khoa đã thu thập và trích xuất cả “sinh mệnh và thọ mệnh” của mình để tái hiện lại công cuộc bán máu ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nổi bật trên đó chính là nhân sinh quan của tác giả trong xã hội lộn trái: nhân sinh như mộng. Về dụng ý nghệ thuật, mộng được đặt ở vị trí mở đầu, đồng thời cũng xuất hiện xuyên suốt trong tác phẩm, điều này làm cho nó trở thành sợi dây liên kết chắc chắn: nhân sinh thấy ở mộng, mộng lồng ghép vấn đề của nhân sinh.
80
Ngay từ Quyển một, tác giả đã trích dẫn lại những giấc mơ kinh điển trong kinh Cựu ước (phần Sáng thế kí), cả ba giấc mơ ấy đều là những ẩn dụ cho những phạm trù được – mất, phúc – họa thể hiện trong Kinh Thánh. Giấc mơ của Chánh chước tửu ngụ ý rằng: “ba cành” tức là ba ngày nữa, vua Pharaon sẽ phục chức cho ông, trở lại chức vụ là quan rót rượu cho vua, giấc mơ này thể hiện việc được như ý nguyện. Giấc mơ của quan Chánh ngư thiện ngụ ý rằng: “ba giỏ” tức là trong ba ngày, vua Pharaon sẽ treo ông lên cây và sẽ bị chim chóc đến rỉa thịt, giấc mơ này thể hiện việc mất mát. Cuối cùng, giấc mơ của vua Pharaon: hình ảnh “bảy con bò cái béo tốt/ bảy bông mạch xinh đẹp, chắc khỏe” là ẩn dụ cho bảy năm được mùa, bội thu; và hình ảnh trái ngược là ẩn dụ cho bảy năm mất mùa, đói kém. Giấc mơ này nói đến quan niệm: tính gắn bó chặt chẽ giữa phúc và họa, dùng cái thực tiễn (sự trù phù, giàu sang) làm phông nền cho một hiện thực sắp xảy ra (sự kiệt quệ, đói khổ). Như đã đề cập, thủ pháp lai ghép là một trong số cách thức mà trào lưu thần thực sử dụng để miêu tả hiện thực, trong trường hợp trích dẫn Kinh Thánh là minh chứng cho thủ pháp này: mượn cách hiểu về mộng trong văn hóa phương Tây hòa trộn với cách hiểu về mộng trong văn hóa phương Đông, góp phần tạo tác, bổ trợ cho diện mạo của mộng.
Dọc chiều tác phẩm luôn âm vang một nhận định: phồn hoa, phồn hoa đến bại hoại. Nhắc đến nghĩa của từ “phồn hoa” trong văn hóa phương Đông là nhắc đến các ý nghĩa về “tiền tài, danh vọng” (cách hiểu truyền thống), về sau còn mở rộng thêm ý nghĩa của “đô thị” (cách hiểu phái sinh), và nhắc đến “phồn hoa…” cũng không thể tách rời ý nghĩa của nó khỏi “…như mộng”. “Phồn hoa như mộng” là một quan niệm truyền thống của người Trung Hoa, bắt nguồn từ Nam Kha thái thú truyện, ngụ ý mọi tiền tài, danh vọng đều có thể mất đi, vật ngoài thân đều không có giá trị bền vững, chỉ có bản thân mình, đạo đức và tư tưởng của mình mới lâu bền. Ngoài ra, điểm đặc biệt trong suốt mạch kể, Diêm Liên Khoa liên tục
81
nhắc về hình ảnh “cây hòe” với nhiều trạng thái: cây hòe máu72, cây hòe chết73. Có thể thấy, “cây hòe” và “phồn hoa” là hai hình ảnh bổ sung, phụ họa cùng nhau, tạo dựng ý nghĩa lụi tàn, chết chóc.
Vào những trường đoạn cuối tác phẩm, xuất hiện các chi tiết gợi nhắc đến những thảm cảnh cuối cùng mà làng Đinh phải hứng chịu. Chi tiết giấc mơ về chín mặt trời tỏa ánh nắng, làm rực cháy và tận diệt sinh khí trên bình nguyên, gây ra đại họa hạn hán, có thấy được ở nguyên mẫu thần thoại Trung Hoa kể về thần tích bắn mặt trời của Hậu Nghệ. Khi đề cập đến chi tiết này, Diêm Liên Khoa dường như chuẩn bị phác họa một vị “anh hùng” cứu nguy cho làng Đinh, cuối chi tiết ấy có đoạn: “Chính lúc này, khi lại có một mặt trời sắp bị đuổi từ trên trời xuống…” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.280) là ngụ ý cho việc một nguyên nhân cuối cùng gây ra đại nạn của làng Đinh cũng sẽ bị tận diệt. Kết thúc tác phẩm, dự báo về sự hồi sinh được lồng vào trích dẫn thần thoại Nữ Oa tạo người, đó là giấc mơ về một người phụ nữ cầm nhành liễu vẩy nước, tạo ra hàng vạn người bùn, phục hồi sinh khí của bình nguyên.
Có thể thấy, việc mượn thần cải tạo thiên nhiên (Hậu Nghệ) và thần sáng tạo loài người (Nữ Oa) từ nguyên mẫu thần thoại nguyên thủy trong văn hóa Trung Quốc, để từ đó lồng ghép vào giấc mộng là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Hai mẫu truyện thần thoại này được đặt vào phần kết của tác phẩm có tác dụng: dự báo cho cái chết cuối cùng của cái ác (cái chết của nhân vật Đinh Huy), dự báo cho sự hồi sinh của con người, sự phục hồi của bình nguyên với khởi đầu mới. Ngoài ra, việc mượn thủ pháp lãng mạn của thần thoại là nhằm nổi bật hiện thực
72 Chi tiết: “[vì hút nhiều máu] lá vàng của cây hòe trở nên đỏ như lá cây hồng mùa thu” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.47), Lý Tam Nhân nằm trong bóng mát cây hòe mà rút máu (để chứng tỏ bản thân mình, xem thêm phần lí giải bên dưới) (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.99). 73 Chi tiết: “…cây hòe trong thôn đã mọc những mầm non xanh, mầm non vàng, màu vàng xanh” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.141), “[cây hòe] trên Đinh trang và bình nguyên khô hạn” (Diêm Liên Khoa, 2019a, tr.328).
82
trong tác phẩm. Bởi lẽ, Đinh trang mộng không phải thần thoại, cũng không phải là tiểu thuyết giả tưởng, phiêu lưu của một người anh hùng mà là tiểu thuyết hiện thực. Hiện thực trong tác phẩm là thứ bị chi phối bởi nhân tính, trí tuệ và hành động của con người nông thôn bị tha hóa, chính vì vậy mà vị anh hùng ấy xuất hiện trong bộ dạng đầy tính châm biếm: ông lão Đinh Thủy Dương.
Từ những căn cứ trên cho thấy nhà văn có ý thức sử dụng thủ pháp liên văn bản, góp phần vào quá trình kiến tạo biểu tượng trong tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tịnh Thy cho rằng: “Liên văn bản đã khiến cho tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa giàu tính ẩn dụ, ám dụ, khơi gợi khả năng đồng sáng tạo của người đọc” (Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2021, tr.477). Liên văn bản không chỉ là một công cụ khai thác hữu hiệu, đóng vai trò củng cố cho tác phẩm có được “hiện thực riêng, đời sống riêng”, mà còn giúp làm sáng rõ hơn tính chất “nội nhân quả” của tác phẩm (tự thân biểu tượng đã có tính liên văn bản). Nói cách khác, việc sử dụng biểu tượng có sự hỗ trợ của thủ pháp liên văn bản giúp cho chỉnh thể tác phẩm được vận hành dựa trên mối quan hệ logic, xoay quanh nhân vật, câu chuyện.
Minh chứng là thủ pháp liên văn bản giúp nhà văn tái sáng tạo từ những gì đã có trong hệ ý niệm của mình, làm cho những tái trích dẫn đó được định hình thành một chất liệu cụ thể. Từ đó làm cho dòng mạch hiện thực của tác phẩm nhuốm màu sắc của “tinh thần và linh hồn” – một cách cảm nhận và lí giải mối quan hệ logic trong tác phẩm bằng niềm tin (niềm tin về một vị thần cứu thế, niềm tin vào cái kết tận diệt dành cho kẻ ác, …). Như vậy, việc đan lồng thêm thủ pháp liên văn bản đã giúp cho “mộng truyền thống” trong tác phẩm được kích hoạt tối đa về mặt chức năng dự báo, phơi bày và biểu đạt sự khủng hoảng nhân tính trong bối cảnh đại dịch AIDS.
Nhìn từ tổng thể những giá trị truyền thống về mộng trong tác phẩm, chúng ta có thể đúc kết được rằng việc mượn mộng của Kinh Thánh, mượn mộng của truyền thống văn học Trung Quốc, lồng mộng vào thần thoại, … trải dài theo trục
83
mở – thân – kết trong tác phẩm đã làm cho biểu tượng mộng được vịn vào những chất liệu quý giá, những chất liệu này đã đi sâu vào tâm thức của nhân loại nói chung và người Trung Hoa nói riêng. Từ đó, quá trình kiến giải mộng trở nên cứng rắn hơn, như chính cách sắp xếp đầy dụng ý của nhà văn. Có thể ví von rằng, “mộng truyền thống” là chất liệu khung dùng để nuôi dưỡng và truy vết những “mộng phái sinh” trong tác phẩm.