Khái niệm và vai trò

Một phần của tài liệu Tái bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội MIC. (Trang 26 - 28)

“Tái bảo hiểm là việc một doanh nghiệp bảo hiểm nhượng lại cho doanh nghiệp bảo hiểm khác một phần rủi ro và phí bảo hiểm mà doanh nghiệp đó đã chấp nhận cho bên mua bảo hiểm.” TS Đoàn Minh Phụng, Giáo trình Bảo hiểm Phi nhân thọ, NXB Tài chính, 2010.

Hay nói một cách khác, tái bảo hiểm là bảo hiểm cho các nhà bảo hiểm.Tái bảo hiểm chỉ hình thành trên cơ sở bảo hiểm gốc nhưng các thỏa thuận của hợp đồng tái bảo hiểm có thể khá độc lập với hợp đồng bảo hiểm gốc.

Tái bảo hiểm được chia thành hai phần tùy theo góc độ nghiên cứu là tái bảo hiểm đi (Outward Reinsurance) và tái bảo hiểm nhận (Inward Reinsurance).

Tái bảo hiểm đi hay còn gọi là nhượng tái bảo hiểm nghĩa là một doanh nghiệp bảo hiểm gốc (là công ty khai thác trực tiếp đứng ra kí kết hợp đồng với khách hàng) chuyển giao một phần rủi ro mà mình nhận cho các công ty tái bảo hiểm. Trong trường hợp này doanh nghiệp bảo hiểm gốc sẽ phải chuyển bớt một phần phí cho các

công ty tái bảo hiểm và nhận lại sự đảm bảo và ổn định cho quá trình kinh doanh của mình.

Quá trình ngược lại được gọi là tái bảo hiểm nhận hay là nhận tái bảo hiểm.

Với cơ chế hoạt động là chuyển giao rủi ro từ một doanh nghiệp bảo hiểm này sang doanh nghiệp bảo hiểm khác, tái bảo hiểm có vai trò rất lớn đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Thứ nhất, nó góp phần tăng khả năng chấp nhận bảo hiểm của người được bảo hiểm. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm gốc thì năng lực tài chính có giới hạn chính là rào cản lớn nhất không cho phép người bảo hiểm chấp nhận những dịch vụ lớn mà nếu tổn thất xảy ra vượt quá khả năng thanh toán của mình. Tuy nhiên năng lực bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm gốc có thể tăng gấp bội nhờ sự hậu thuẫn từ cam kết của người nhận tái bảo hiểm. Với những hợp đồng tái bảo hiểm cố định hoặc mở sẵn các doanh nghiệp bảo hiểm gốc sẽ càng chủ động, linh hoạt hơn trước các yêu cầu bảo hiểm lớn của khách hàng.

Thứ hai, nó trợ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm mới thành lập phát triển thông qua việc hỗ trợ tăng cường khả năng chấp nhận bảo hiểm và sự tư vấn kĩ thuật nghiệp vụ của những người nhận tái bảo hiểm do phần lớn các nhà tái đều là những công ty lớn và lâu đời, trình độ chuyên môn và kĩ năng nghiệp vụ cao.

Thứ ba, nó còn góp phần duy trì sự ổn định trong kinh doanh. Mặc dù việc vận dụng quy luật số đông đã cho phép nhà bảo hiểm bảo đảm được các biến cố ngẫu nhiên, tuy nhiên kinh doanh bảo hiểm không vì thế mà không bị chi phối bởi sự thất thường, đột biến của rủi ro. Những sai số về xác suất rủi ro, giá trị tổn thất so với dự đoán không phải là điều hiếm gặp, và những sai số này có thể ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của nhà bảo hiểm. Những hợp đồng tái bảo hiểm đặc biệt như hợp đồng tái bảo hiểm vượt tỉ lệ bồi thường (hợp đồng Stop Loss), hợp đồng vượt mức bồi thường cho thảm họa lớn ( hợp đồng Cat XOL – Catasthrophe excess of loss)… có thể giúp nhà bảo hiểm giảm nhẹ những tác động bất lợi của sự biến động quá lớn của rủi ro, hiện tượng tích tụ tổn thất của các thảm họa tự nhiên.

Cuối cùng, tái bảo hiểm còn mang lại lợi ích ở tầm vĩ mô do có thể phân tán rủi ro cho thị trường bảo hiểm trên toàn thế giới, như vậy khi có rủi ro xảy ra cũng sẽ không có tác động mạnh đến nền kinh tế của quốc gia.

Ngoài những vai trò trên, tái bảo hiểm còn được các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng như một công cụ nhằm giảm bớt những áp lực về vốn, tài chính trong những trường hợp đặc biệt.

Một phần của tài liệu Tái bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội MIC. (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w