Khái niệm và đặc điểm của hoạt động đầu tư trái phiếu tại các NHTM

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động đầu tư trái phiếu tới hiệu quả hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam - PVcomBank. (Trang 25 - 30)

a. Khái niệm

Hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau về trái phiếu như:

Trái phiếu là loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành phải trả cho người nắm giữ trái phiếu một khoản tiền xác định bao gồm khoản cho vay ban đầu và lãi trong những khoảng thời gian cụ thể” (giáo trình Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Uỷ ban chứng khoán nhà nước năm 2013- TS Đào Lê Minh chủ biên)

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành” (Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019).

Như vậy có thể hiểu trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền vay cụ thể ghi trên trái phiếu (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định (thời hạn của trái phiếu) và với một mức lãi suất quy định (lãi suất coupon). Khác với người chủ sở hữu cổ phiếu giữ vai trò là người chủ sở hữu công ty, người mua trái phiếu (trái

chủ) là người cho nhà phát hành vay và họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả sử dụng vốn vay của người vay. Do đó, thu nhập của trái chủ từ trái phiếu (tiền lãi hay còn gọi là lợi tức) là khoản thu cố định không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán theo các cam kết nợ được xác định trong hợp đồng mua bán trái phiếu. Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản thì trước hết doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thanh toán cho các trái chủ trước, sau đó mới chia tài sản còn lại cho các cổ đông.

b. Đặc điểm của trái phiếu

Từ khái niệm “Trái phiếu là loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành phải trả cho người nắm giữ trái phiếu một khoản tiền xác định bao gồm khoản cho vay ban đầu và lãi trong những khoảng thời gian cụ thể”, trái phiếu có các đặc điểm sau:

- “Trái phiếu là chứng khoán nợ” và có thời hạn: Nó là nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành với người sở hữu trái phiếu. Đến ngày đáo hạn, người sở hữu trái phiếu được tổ chức phát hành hoàn trả số tiền theo mệnh giá. Trong một số trường hợp được quy định rõ trong phương án thông báo phát hành trái phiếu, người sở hữu trái phiếu có quyền nhận lại tiền khi chưa đến ngày đáo hạn hoặc thực hiện ứng trước tiền thông qua các nghiệp vụ chiết khấu trái phiếu tại các đơn vị được phép thực hiện nghiệp vụ này.

- “Người phát hành trái phiếu phải trả cho người nắm giữ lãi”: Như vậy, thông thường trái phiếu sẽ có lợi tức được xác định trước (thậm chí có lãi suất bằng 0%). Tùy theo từng loại trái phiếu mà lợi tức có thể là cố định hoặc lãi suất thả nổi theo biến động của thị trường.

- “Người phát hành trái phiếu phải trả cho người nắm giữ Gồm khoản cho vay ban đầu”: Khoản cho vay ban đầu là mệnh giá và mệnh giá trái phiếu luôn được thể hiện trên bề mặt của trái phiếu.

- Về quyền sở hữu trái phiếu: Người mua trái phiếu không nhất thiết là người sở hữu trái phiếu. Xét về mặt quan hệ sở hữu, Trái phiếu có 02 loại là loại vô danh

và loại ghi danh. Với loại vô danh thì việc chuyển nhượng cho tặng rất dễ dàng. Đối với Trái phiếu ghi danh, tên của người sở hữu trái phiếu (trái chủ) được ghi cụ thể thông tin trên trái phiếu nên việc chuyển nhượng không linh hoạt bằng trái phiếu vô danh. Mặt khác, loại trái phiếu này có thể chuyển nhượng tự do hoặc có điều kiện.

- Quan hệ giữa người nắm giữ trái phiếu và tổ chức phát hành là quan hệ giữa chủ nợ và khách nợ. Cũng bỏ vốn cho đầu tư nhưng nếu như đầu tư cổ phiếu thì người nắm giữ cổ phiếu là cổ đông và có quyền vào việc quản lý điều hành doanh nghiệp (tùy thuộc vào tỷ lệ cổ phần), tuy nhiên, người nắm giữ trái phiếu không có quyền tham gia quản lý hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành trái phiếu. Mặc khác, tùy từng phương án phát hành trái phiếu, trái chủ sẽ được ưu tiên phân chia tài sản của doanh nghiệp phát hành trước cổ đông (chủ sở hữu cổ phiếu) nếu tố chức phát hành tuyên bố phá sản, được chuyển quyền từ trái phiếu sang cổ phiếu.

c. Các loại trái phiếu

- Căn cứ vào sở hữu trái phiếu có (1) trái phiếu vô danh và (2) trái phiếu ghi danh. Trái phiếu vô danh là loại trái phiếu mà trên đó không ghi tên người sở hữu trái phiếu do đó tính thanh khoản cao tuy nhiên người sở hữu sẽ gặp rủi ro nếu làm mất. Ngược lại, trái phiếu ghi danh ghi tên chủ sở hữu nên chỉ có người sở hữu mới có quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ với loại này, do đó, mặc dù không chịu rủi ro khi mất mát nhưng tính thanh khoản kém.

- Phân loại theo đối tượng phát hành:

Trái phiếu doanh nghiệp: là loại trái phiếu do doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn nhàn rỗi nhằm thực hiện các mục đích cụ thể như xây dựng, kinh doanh, của chính doanh nghiệp đó.

Trái phiếu Chính phủ: là loại trái phiếu do Nhà nước phát hành nhằm huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư hoặc để thực hiện bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước, và là công cụ để thực hiện các chính sách tiền tệ.

Trái phiếu công trình: đây là loại trái phiếu phát hành nhằm huy động vốn để xây dựng những công trình hạ tầng cơ sở hay công trình phúc lợi công cộng. Trái

phiếu công trình được phát hành bởi Chính phủ hoặc thậm chí chính quyền địa phương.

- Phân loại theo đảm bảo: có 02 loại (1) Trái phiếu không được đảm bảo và (2) trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản/uy tín của đối tượng phát hành hoặc bên thứ 3.

- Phân loại theo kỳ trả lãi có trái phiếu định kỳ trả lãi (tháng/quý/năm) và trả lãi cuối kỳ.

- Phân loại theo hình thức chuyển đổi: trái phiếu không được chuyển đổi và trái phiếu chuyển đổi (trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành).

1.2.2. Hoạt động đầu tư trái phiếu của NHTM

a. Khái niệm

Các khái niệm “đầu tư chứng khoán” và “kinh doanh chứng khoán” là các khái niệm phổ biến trong kinh tế học và đều hướng đến việc tìm kiếm lợi nhuận. Trong đó, đối với các Ngân hàng, khái niệm “Đầu tư” thường được hiểu là việc Ngân hàng thực hiện mua và nắm giữ các công cụ đầu tư (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ hoặc các công cụ đầu tư khác) trong khoảng thời gian dài để đạt được lợi nhuận kỳ vọng (lợi tức, cổ tức, trái tức, chênh lệch giá mua bán...); còn khái niệm “kinh doanh” gắn với việc mua và bán cổ phiếu, ngoại tệ & các công cụ tài chính khác trong khoảng thời gian ngắn nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở chênh lệch giá.

Trong cuốn “Quản trị ngân hàng thương mại” của GS.TS Lê Văn Tư (2005), dựa trên các nghiên cứu của mình, tác giả đã đưa ra các lý luận về hoạt động “đầu tư chứng khoán” và “kinh doanh chứng khoán”. Trong đó, hoạt động đầu tư là hoạt động mà các ngân hàng thực hiện đầu tư vào chứng khoán nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, đa dạng hóa các dịch vụ, nâng cao khả năng thanh khoản, phân tán rủi ro. Kinh doanh chứng khoán là nghiệp vụ mà ngân hàng thực hiện đầu tư vào chứng khoán để kiếm lợi nhuận bằng cách mua với giá thấp và bán với giá cao.

Mặc dù có nhiều khái niệm về đầu tư/kinh doanh chứng khoán khác nhau tuy nhiên chưa có khái niệm cụ thể nào về đầu tư trái phiếu tại các Ngân hàng thương mại. Do vậy, dựa trên các khái niệm này, trong phạm vi nghiên cứu về hoạt động đầu tư chứng khoán tại các ngân hàng được hiểu là hoạt động mà trong đó ngân hàng thực hiện mua các loại trái phiếu để giữ đến ngày đáo hạn hoặc bán trên thị trường thứ cấp nhằm hưởng lợi từ lãi (trái tức, các quyền lợi khác liên quan đến trái phiếu), đa dạng hóa tài sản để nâng cao thanh khoản, quản trị rủi ro.

b. Đặc điểm

Hoạt động đầu tư trái phiếu tại các Ngân hàng có những đặc điểm sau:

- Nguồn vốn được sử dụng cho hoạt động đầu tư trái phiếu thông thường là nguồn huy động từ các tổ chức kinh tế/cá nhân và có thời gian dài.

- Mục đích của đầu tư trái phiếu: Đối với mọi hoạt động kinh doanh, mục đích cuối cùng luôn là lợi nhuận mà ở đây lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trái phiếu đến từ hưởng lãi từ trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ. Bên cạnh đó, Ngân hàng thực hiện đầu tư trái phiếu còn nhằm mục đích đa dạng hóa tài sản, tăng cường/giảm khả năng thanh khoản.

- Trái phiếu có tính linh hoạt cao: trái phiếu, nhất là trái phiếu Chính phủ có khả năng thanh khoản cao nên việc đầu tư trái phiếu được coi như là một công cụ dự phòng thanh khoản đối với các ngân hàng. Trong trường hợp các suy thoái kinh tế, tín dụng không phát triển được thì các ngân hàng đẩy nguồn vào trái phiếu và ngược lại. Việc điều tiết nguồn vốn cho đầu tư hay tín dụng đều được các ngân hàng cân nhắc kỹ lưỡng để đưa vào chiến lược cân đối nguồn của mình. Bên cạnh đó, trong trường hợp có nhu cầu vốn trong thời gian ngắn khi chưa kịp huy động vốn tiền gửi, các ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu như công cụ chiết khấu/tái chiết khấu với NHNN và các ngân hàng khác.

- Tính chuyên nghiệp: tính chuyên nghiệp trong hoạt động đầu tư trái phiếu tại Việt nam được thể hiện qua trình độ của đội ngũ cán bộ thực hiện nghiệp vụ đầu tư trái phiếu từ cán bộ kinh doanh, cán bộ thẩm định, cán bộ quyết định và cán bộ quản lý khoản đầu tư. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp còn được thể hiện ở các

công cụ hỗ trợ như phần mềm công nghệ nhằm mục đích phân tích kỹ thuật, thông tin quản lý.

c. Các hình thức đầu tư trái phiếu của ngân hàng

Các ngân hàng có hai hình thức đầu tư trái phiếu, cụ thể:

- Đầu tư trực tiếp: là hình thức ngân hàng thực hiện dùng vốn của mình để mua trực tiếp trái phiếu từ tổ chức phát hành. Để thực hiện đầu tư trực tiếp, các ngân hàng phải có đội ngũ phân tích đánh giá kỹ thuật chuyên nghiệp nhằm lựa chọn ra loại trái phiếu phù hợp đồng thời phải thực hiện quản lý trực tiếp thường xuyên mục đích phát hành trái phiếu.

- Đầu tư gián tiếp: là hình thức các ngân hàng thông qua các quỹ/công ty quản lý quỹ để mua trái phiếu.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư trái phiếu có thể phân loại theo thời gian đầu tư (ngắn – trung – dài hạn) hoặc theo chủ thể phát hành (doanh nghiệp/chính phủ) hay theo thị trường trái phiếu (thị trường chứng khoán tập chung, thị trường sơ cấp) thậm chí phân loại theo loại trái phiếu.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động đầu tư trái phiếu tới hiệu quả hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam - PVcomBank. (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)