giai đoạn tới
Thị trường trái phiếu đang đóng vai trò quan trọng trên thị trường vốn, trở thành kênh huy động vốn và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước do đó đầu tư trái phiếu là một nhu cầu tự nhiên, tất yếu của Ngân hàng. Việc nắm giữ chứng khoán có vai trò quan trọng không thể phủ nhận, giúp các ngân hàng gia tăng thu nhập, tăng cường thanh khoản và tính đa dạng trong danh mục tài sản của mình, qua đó hạn chế rủi ro trong hoạt động của Ngân hàng. Đồng thời, khu vực ngân hàng và thị trường trái phiếu có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, vừa là đối tượng cạnh tranh, vừa là đối tượng hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Với thế mạnh về tiềm lực tài chính và thông tin, kỹ năng phân tích, các ngân hàng luôn là những nhà đầu tư chiếm tỷ trọng lớn, nhà bảo lãnh phát hành, môi giới, tư vấn, nhận uỷ thác chính trên thị trường trái phiếu. Do vậy, sự tham gia hiệu quả và lành mạnh của Ngân hàng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thị trường trái phiếu, phối hợp hiệu quả với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp
phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, phát triển hoạt động đầu tư trái phiếu trong Ngân hàng là tất yếu, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững của bản thân Ngân hàng nói riêng và của hệ thống tài chính quốc gia nói chung.
Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu của Ngân hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ dẫn đến những biến tướng hay hành vi đầu tư mạo hiểm. Vì vậy cần có khung quản trị rõ ràng, hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển của bản thân Ngân hàng cũng như định hướng phát triển của thị trường. Đồng thời, Chính phủ, NHNN cũng cần có những quy định pháp luật rõ ràng để kiểm soát, điều chỉnh hoạt động đầu tư trái phiếu của Ngân hàng.
Thực tiễn cho thấy sự phát triển của thị trường trái phiếu trong nước có tác động hai mặt tới sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, thị trường trái phiếu và khu vực ngân hàng có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, vừa là đối tượng cạnh tranh, vừa là đối tượng hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Trước hết, việc chính phủ và các doanh nghiệp tăng huy động vốn qua phát hành trái phiếu giúp làm giảm áp lực về nhu cầu vốn tín dụng lên hệ thống ngân hàng, từ đó giúp giảm bớt sự bất cân xứng về kỳ hạn tín dụng của các ngân hàng và giảm rủi ro đối với nền kinh tế, gánh nặng về vốn đầu tư và rủi ro cho vay của các ngân hàng sẽ được san sẻ cho các nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường. Mặt khác, hệ thống ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường trái phiếu bởi với thế mạnh về tiềm lực tài chính và thông tin, kỹ năng phân tích, các ngân hàng luôn là những nhà đầu tư chiếm tỷ trọng lớn, nhà bảo lãnh phát hành, môi giới, tư vấn, nhận ủy thác chính trên thị trường trái phiếu. Trên thực tế, lợi nhuận từ những hoạt động này đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thu nhập hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu và hệ thống ngân hàng cũng là những đối tượng cạnh tranh xét trên khía cạnh đều là các kênh lưu chuyển vốn, dẫn vốn chính yếu trên thị trường tài chính. Nếu các nhà phát hành và các nhà đầu tư quá tập trung hoạt động trên thị trường trái phiếu, hoặc lãi suất trên thị trường trái phiếu (đặc biệt là lãi suất TPCP) được điều hành ở mức hấp dẫn hơn trong mối tương quan về rủi ro so với các sản phẩm huy động hay tín dụng của hệ thống ngân
hàng sẽ gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng trong việc thu hút tiền gửi và cấp tín dụng.
Có thể nhận thấy, quan điểm chung của ngành Ngân hàng trong hoạt động đầu tư Trái phiếu luôn đề cao tiêu chí: Tuân thủ pháp luật và các quy định nội bộ trong đầu tư trái phiếu.
- Lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp với điều kiện riêng của mỗi ngân hàng, đồng thời quan tâm giải quyết hài hòa các mục tiêu: an toàn thanh khoản, đa dạng hóa thu nhập, ổn định nâng cao khả năng sinh lợi và bù trừ rủi ro tín dụng.
- Nâng cao chất lượng quản trị điều hành và tăng cường kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu.