2.5.1.1. Tuổi động dục lần đầu
Tuổi động dục lần đầu là tuổi tính từ khi sơ sinh đến khi lợn cái hậu bị động dục lần đầu. Tuổi động dục khác nhau tùy theo giống và chế độ chăm sóc. Chỉ tiêu này ở lợn Landrace là 219,4 ± 4,09 ngày. Lợn nái hậu bị nếu nuôi nhốt liên tục sẽ có tuổi động dục lần đầu muộn hơn lợn nuôi chăn thả. Lợn nuôi có thời gian chăn thả sẽ tăng cường trao đổi chất, tổng hợp được vitamin D và có dịp tiếp xúc với lợn đực, nên có tuổi động dục lần đầu sớm hơn.
2.5.1.2. Tuổi phối giống lần đầu
Sau khi lợn đã thành thục về giới tính và thể vóc phát triển tương đối hoàn chỉnh thì có thể cho phối giống. Thành thục về sinh dục tức là lợn cái hậu bị phải có biểu hiện về động dục và rụng trứng. Tuổi trưởng thành về sinh dục phụ thuộc vào đặc điểm của giống và điều kiện nuôi dưỡng, chính sách quản lý của cơ sở chăn nuôi. Trong chăn nuôi lợn ngoại như giống lai Landrace X Yorkshire thường phối giống từ 7 - 8 tháng tuổi. Thông thường bỏ qua 1-2 lần động dục đầu tiên nên phối giống vào lần thứ 2 hoặc thứ 3 nhằm nâng cao khả năng sinh sản của lợn nái cũng như khả năng sinh trưởng của lợn con
2.5.1.3. Tuổi đẻ lứa đầu
Đây là tuổi mà lợn cái hậu bị đẻ lứa thứ nhất, chính là tuổi phối giống có kết quả cộng với thời gian mang thai. Tuổi đẻ lứa đầu của gia súc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi phối giống lần đầu, kết quả phối giống, thời gian mang thai và từng giống lợn khác nhau. Đối với lợn nái nội tuổi đẻ lứa đầu thường sớm hơn so với lợn nái ngoại do tuổi thành thục về tính dục ngắn hơn.
2.5.1.4. Thời gian mang thai
Là khoảng thời gian được tính từ thời gian phối đạt cho đến khi đẻ
2.5.1.5. Khoảng cách lứa đẻ
Được tính bằng khoảng thời gian từ lứa đẻ này đến lứa đẻ sau, hay có thể tính bằng tổng thời gian mang thai, thời gian nuôi con và thời gian động dục đạt sau cai sữa. Trong đó thời gian mang thai ít thay đổi tùy từng lợn nái, còn thời gian động dục và thời gian nuôi con có ảnh hưởng lớn đến khoảng cách lứa đẻ.
Khoảng cách giữa hai lứa đẻ ngắn sẽ làm tăng số lứa đẻ/nái/năm.