Các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lợn nái:

Một phần của tài liệu Năng Suất Sinh Sản Của Lợn Nái F1 (Landrace X Yorkshire) Phối Với Lợn Đực Duroc Nuôi Tại Trang Trại Ông Đặng Minh Linh, Thôn Đoài, Xã Việt Hùng, Huyện Đông Anh, Thành Phố Hà Nội. (Trang 29 - 34)

Năng suất sinh sản của lợn nái được thể hiện qua nhiều chỉ tiêu và cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi yếu tố lại ảnh hưởng tới một chỉ tiêu theo một mức độ khác nhau. Bên cạnh yếu tố di truyền, năng suất sinh sản của lợn nái còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: biện pháp chăm sóc lợn nái khi đẻ, nuôi dưỡng và chăm sóc lợn nái sau cai sữa, công tác thú y, kiểu chuồng trại…

2.5.3.1. Ảnh hưởng của yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền ở đây chính là thành tích sinh sản của giống, mà cụ thể là giống con nái. Thành tích này thông thường đặc trưng cho giống và cũng mang tính cá thể. Antona và cs (1994), [35], căn cứ vào khả năng sinh sản và sức sản xuất thịt, các giống lợn được chia làm 4 nhóm chính như sau:

- Các giống đa dụng như Landrace, Yorkshire và một số dòng nguyên chủng được xếp vào loại có khả năng sản xuất thịt và sinh sản khá.

- Các giống chuyên dụng “dòng bố” như Pietrain, Landrace của Bỉ, Hampshire, Poland…có khả năng sinh sản trung bình nhưng khả năng sản xuất thịt cao.

- Các giống chuyên dụng “dòng mẹ” như Meishan có khả năng sinh sản đặc biệt cao nhưng khả năng sản xuất thịt kém.

- Các giống địa phương có đặc tính chung là khả năng sinh sản và sức sản xuất thịt kém song lại có khả năng thích nghi rất tốt với môi trường.

2.5.3.2. Thức ăn và chế độ dinh dưỡng

Điều quan trọng đối với lợn nái hậu bị và lợn nái là cần đủ số lượng và chất lượng dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo cho khả năng sinh sản tốt. Các mức ăn khác nhau trong giai đoạn từ khi lợn nái cai sữa con đến lúc động dục trở lại và phối giống có ảnh hưởng tới tỉ lệ thụ thai. Cho ăn mức năng lượng cao trong vòng 7-10 ngày của chu kỳ động dục trước khi phối giống, số trứng rụng đạt được tối đa. Tuy nhiên, nếu tiếp tục cho ăn với mức năng lượng cao vào đầu giai đoạn có chửa sẽ làm tăng tỉ lệ chết phôi và giảm số lượng lợn con sinh ra trong ổ. Cho lợn ăn quá mức không những làm lãng phí mà còn làm tăng khả năng chết thai. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng thiếu trầm trọng vitamin, khoáng cũng có thể gây chết toàn bộ phôi.

-Nhu cầu năng lượng :

Năng lượng không thể thiếu được cho cơ thể mẹ duy trì nuôi thai, tiết sữa, nuôi con. Nhu cầu về năng lượng khác nhau tuỳ thuộc từng giai đoạn. Cần phải đủ nhu cầu về năng lượng cho lợn nái, tránh cung cấp thừa gây lãng phí thức ăn, giảm giá thành sản phẩm. Nếu thiếu sẽ ảnh hưởng đến sinh lý bình thường của con vật. Năng lượng được cung cấp dưới hai dạng chính: Gluxit chiếm 70-80%, Lipit 10-13% tổng số năng lượng cung cấp.

- Nhu cầu protein:

Các axit amin, đặc biệt là các axit amin không thể thay thế ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sinh sản của lợn nái. Nếu khẩu phần ăn thiếu Protein thì lợn sẽ chậm động dục và giảm lứa đẻ/năm. Trong giai đoạn mang thai mà không bổ sung đủ Protein thì khối lượng sơ sinh của lợn con giảm và nếu

thiếu trong giai đoạn nuôi con thì sẽ giảm khả năng sinh trưởng của lợn con. Tuy nhiên việc cung cấp protein phải đảm bảo đầy đủ về số lượng và cân đối về các thành phần axit amin không thay thế: Lysine, Methionine, Histidine, Tryptophan… hay nhu cầu về protein của lợn chính là nhu cầu về axit amin. Mặt khác phải đảm bảo có giá trị sinh học cao, dễ tiêu hóa, hấp thu. Để có được hàm lượng protein đủ tiêu chuẩn ta cần tiến hành nghiên cứu khẩu phần thức ăn cho lợn bằng nhiều loại thức ăn cần thiết.

Bảng 2.1. Nhu cầu protein cho lợn nái

Lợn nái Khối lượng (kg) Protein thô (%)

Hậu bị 90-130 14,5

Mang thai 130-170 14,5

Nuôi con 180 17

- Nhu cầu vitamin và khoáng chất:

Vitamin cần cho sự chuyển hoá bình thường cho sự phát triển của mô bào, cho sức khoẻ, sinh trưởng và duy trì. Một số vitamin lợn có thể tự tổng hợp để đáp ứng nhu cầu như vitamin B12. Một số vitamin lợn hay thiếu cần phải bổ sung (A, D, E). Nếu bổ sung không đúng, thừa hoặc thiếu đều không tốt.

+ Thiếu vitamin A: lợn con chậm lớn, da khô, mắt kém, lợn nái mang thai dễ xảy thai, đẻ non, lợn có hiện tượng chết phôi, chết thai, lợn không động dục hoặc động dục chậm.

+ Thiếu vitamin D: thai phát triển kém, dễ bị liệt chân trước và sau khi đẻ. Đặc biệt lợn nái mang thai, nếu thiếu Vitamin D sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Do vậy dinh dưỡng đầy đủ, khẩu phần ăn hợp lý, đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng, phát dục trước và sau khi đẻ, nuôi con…là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi. Trong cơ thể lợn khoáng chất chứa 3% trong đó có tới 75% là Canxi và Photpho, xấp xỉ 25% là Natri và Kali, cũng có một lượng nhỏ Magiê, sắt, kẽm, đồng, các nguyên tố khác tồn tại ở dạng dấu vết.

2.5.3.3. Điều kiện khí hậu

Biểu hiện sinh sản bị ảnh hưởng theo mùa vụ có thể dễ nhận biết như lợn nái chậm thành thục về tính, thời gian chờ phối sau cai sữa kéo dài, tỷ lệ chết thai cao hơn và tỷ lệ xảy thai tăng lên cũng như số con đẻ ra/ổ giảm. Nhiều nghiên cứu đã chia các ảnh hưởng này thành hai nhóm, bao gồm các ảnh hưởng của quang kỳ và các ảnh hưởng của nhiệt độ. Nhiệt độ thích hợp với nái sinh sản là 20-22ºC, độ ẩm 70-75%. Nếu nhiệt độ lớn hơn 30ºC sẽ làm giảm tỷ lệ thụ thai và số con đẻ ra. Paterson và cs. (1978) đã cho biết nhiệt độ cao trên 32ºC vào những tháng mùa hè ở Úc đã làm tăng tỷ lệ không đậu thai của lợn nái lên 19,7% trong khi các mùa khác là 12,7%. Điều này đã được tác giả giải thích rằng chính các stress nhiệt vào thời điểm phối giống có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và làm mất cân bằng nội tiết của các lợn nái. Ngoài ra, stress nhiệt còn ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa của lợn nái trong giai đoạn nuôi con (Black và cs...1993). Koketsu và cs. (1997), khi phân tích các nhân tố ảnh hưởng cho thấy, nái đẻ vào mùa hè và mùa xuân có thời gian từ cai sữa đến phối có chửa lứa tiếp theo là dài nhất, trong đó nái đẻ vào mùa hè có khối lượng cai sữa/lứa thấp hơn nái đẻ vào mùa xuân.

2.5.3.4. Kỹ thuật phối giống

Kỹ thuật phối giống ảnh hưởng đến số lượng con/lứa. Chọn thời điểm phối giống thích hợp sẽ làm tăng tỷ lệ thụ thai và số con/lứa. Chú ý rằng nếu lợn nái kéo dài động dục 48 giờ thì trứng sẽ rụng vào 8-12 giờ trước khi kết thúc chịu đực. Cho phối giống quá sớm hoặc quá muộn thì tỷ lệ thụ thai và số con sinh ra/ổ sẽ giảm nhanh chóng.

Có hai phương pháp phối giống là trực tiếp và thụ tinh nhân tạo. Thông thường lần phối giống đầu tiên người ta cho lợn nhảy trực tiếp nhưng đến các lần động dục sau thì sử dụng thụ tinh nhân tạo. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng. Trong phối giống cho nhảy trực tiếp, ảnh hưởng của cá thể

giống là rất rõ rệt. Nếu phối trực tiếp sẽ làm giảm khả năng đảm nhiệm của lợn đực nhưng làm tăng khả năng thụ thai do lợn cái được kích thích nhiều hơn. Thụ tinh nhân tạo có nhiều ưu điểm hơn nhưng có nhược điểm là giảm tỷ lệ thụ thai do kích thích hưng phấn sinh dục thấp nên người ta thường tiến hành phối đơn, phối kép, phối lặp lại để tăng tỷ lệ thụ thai. Thụ tinh không tốt có thể làm sây sát đường niêm mạc sinh dục của con cái dẫn đến viêm đường sinh dục.

2.5.3.5. Lứa đẻ

Khả năng sản xuất của lợn nái ở các lứa đẻ khác nhau là khác nhau. Nghiên cứu của Nguyễn văn Thắng và Vũ Đình Tôn (2010),[34] đưa ra nhận xét, lứa đẻ là mooyj yếu tố ảnh hưởng nhiều và rõ rệt nhất đến các chỉ tiêu sinh sản của lợn nái. Thông thường ở lứa đầu, lợn cái hậu bị cho số con đẻ ra thấp nhất (so với các lứa về sau), ở các lứa đẻ sau số con đẻ ra bắt đầu tăng lên cho đến lứa thứ 5, đến lứa 6, 7 bắt đầu giảm.

2.5.3.6. Thời gian cai sữa

Thời gian cai sữa có ảnh hưởng đến khoảng cách lứa đẻ, số lứa đẻ/nái/năm. Để rút ngắn thời gian nuôi con cần tiến hành cai sữa sớm cho lợn con và cho lợn con tập ăn sớm khi lợn con ở 5-7 ngày.

2.5.3.7. Ảnh hưởng của yếu tố tuổi và khối lượng phối giống lần đầu:

+ Sự thành thục về tính bao giờ cũng lớn hơn thành thục về vóc, để tiến hành phối giống lần đầu cho lợn nái hậu bị cần bỏ qua một đến hai lần động dục đảm bảo lợn nái thành thục cả về tính và thể vóc. Tuổi đẻ lứa đầu và khối lượng phối giống lần đầu quá sớm hay quá muộn, quá thấp hay quá cao đều ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lợn nái.

+ Nếu lợn hậu bị được đưa vào khai thác quá sớm có thể cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, số trứng ít, tỷ lệ thụ thai kém. Hơn nữa nó còn ảnh hưởng đến phát triển sự phát triển của thể chất, thể vóc sau này.

+ Nếu lợn hậu bị đưa vào khai thác muộn sẽ làm giảm thời gian sử dụng con nái làm giảm hiệu quả kinh tế

Ngoài ra, yếu tố chăm sóc và bệnh tật cũng ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lợn nái.

Một phần của tài liệu Năng Suất Sinh Sản Của Lợn Nái F1 (Landrace X Yorkshire) Phối Với Lợn Đực Duroc Nuôi Tại Trang Trại Ông Đặng Minh Linh, Thôn Đoài, Xã Việt Hùng, Huyện Đông Anh, Thành Phố Hà Nội. (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)