5. Kết cấu báo cáo thực tập
2.1.1. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
Việc giao kết hợp đồng lao động muốn diễn ra một cách có hiệu quả thì cần phải tiến hành theo những nguyên tắc nhất định do pháp luật quy định. Giao kết
hợp đồng lao động là việc các bên bày tỏ ý chí theo nguyên tắc và cách thức nhất định nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ lao động với nhau.
Kế thừa từ Bộ luật Lao Động 2012, theo điều 15 của bộ luật lao động 2019 quy định “Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được xác lập và tiến hành qua thương lượng thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực, tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội”.
- Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực
Hợp đồng nói chung và hợp đồng lao động nói riêng về bản chất là sự thoả thuận của các bên nên sự tự nguyện của các bên trong giao kết hợp đồng là điều tất yếu. Sự tự nguyện ở đây được hiểu, các bên hoàn toàn tự nguyện tham gia quan hệ, không bên nào hoặc chủ thể nào được ép buộc, cưỡng bức bên kia hoặc các bên tham gia quan hệ lao động. Người lao động và người sử dụng lao động tự nguyện đề xuất việc giao kết hợp đồng, tự nguyện thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng, tự nguyện giao kết hợp đồng để xác lập quan hệ lao động. Hợp đồng lao động là kết quả của sự tự do tự nguyện, tự thoả thuận của các bên trên cơ sở quy định của pháp luật và khả năng, điều kiện thực tế của người lao đông và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, không phải bao giờ nguyên tắc tự nguyện cũng được áp dụng một cách tuyệt đối, có trường hợp bị chi phối bởi người thưa ba như trường hợp người lao động dưới 15 tuổi khi giao kết hợp đồng lao động đối với một số công việc được pháp luật cho phép thì phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp. Do đó sự biểu hiện của nguyên tắc tự nguyện bình đẳng, thiện chí, hợp tác trong hợp đồng lao động vừa có tính tuyệt đối, vừa có tính tương đối. Tính tuyệt đối của nguyên tắc này bị chi phối bởi ý chí chủ quan của các chủ thể trong quan hệ lao động. Còn tính tương đối của nguyên tắc này bị chi phối bởi sự không đồng đều về mặt năng lực chủ thể của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng lao động.
Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực đảm bảo cho vị thế của người lao động khi thỏa thuận với người sử dụng lao động. Theo nguyên tắc này, khi tham gia giao kết hợp đồng lao động người lao động và người
sử dụng lao động có sự tương đồng về vị trí và tư cách pháp lí. Tuy nhiên trong thực tế, nguyên tắc này vẫn chưa được áp dụng triệt để. Bởi lẽ, khi tham gia giao kết hợp đồng lao động người sử dụng lao động luôn ở vị trí thế mạnh vì họ là người quản lí, có quyền tổ chức điều hành quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phận phối lợi ích. Còn người lao động ở vị trí thế yếu là chỉ có sức lao động và chịu lệ thuộc rất lớn vào người sử dụng lao động như về việc làm, tiền lương, điều kiện lao động. Trong mối tương quan như vậy có được sự bình đẳng giữa các bên trong quá trình giao kết hợp đồng lao động là hết sức khó khăn. Chính vì vậy, nguyên tắc bình đẳng trong giao kết hợp đồng lao động được nhấn mạnh về khía cạnh pháp lí của quan hệ lao động.
Bộ luật lao động 2019 nhấn mạnh nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng lao động và nguyên tắc thiện chí, hợp tác và trung thực. Thiện chí, hợp tác chính là điều quyết định việc người sử dụng lao động và người lao động xích lợi với nhau, cùng nhau thiết lập quan hệ lao động bằng cách giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. Thiện chí biểu hiện cách đối xử tốt đẹp, chân thành, hợp tác là thể hiện sự phối hợp với nhau trong thỏa thuận hợp đồng. Khác với giao dịch, dân sự, kinh doanh, thương mại, hợp đồng lao động thường được thực hiện trong thời gian dài, giữa hai chủ thể có mối quan hệ mật thiết gắn bó về quyền lợi với nhau, vì thế yếu tố thiện chí, hợp tác là rất quan trọng trong quan hệ lao động. Hơn nữa sự trung thực cũng rất quan trọng trong giao kết hợp đồng lao động. Các bên trung thực với nhau thì mới có thiện chí và hợp tác, đảm bảo cho hợp đồng được hợp pháp, quan hệ lao động tồn tại lâu dài và bền vững. Chính vì vậy cần phải chú trọng thực hiện nguyên tắc này trong thực tế là hết sức quan trọng trong giao kết hợp đồng lao động.
- Nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thảo ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Bản chất của hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa các bên về các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động. Người lao động và người sử dụng lao động được tự do ý chí trong việc xác lập các điều khoản và nội dung của hợp đồng. Đây là nguyên tắc chung không những đảm bảo cho quyền và lợi ích của các bên tham gia
hợp đồng mà còn đảm bảo không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác có liên quan và lợi ích chung của xã hội. Hợp đồng lao động phải tuân thủ nguyên tắc tự do thỏa thuận, tuy nhiên sự tự do thỏa thuận ở đây phải nằm trong khuân khổ. Khuân khổ đó chính là chuẩn mực về đạo đức, không trái với pháp luật và thỏa ước lao động tập thể.
Ngoài việc chú ý đến quyền lợi của minh, các chủ thể phải hướng tới việc đảm bảo quyền lợi của tập thể lao động trong doanh nghiệp cũng như lợi ích của toàn xã hội. Pháp luật lao động là hệ thống các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ lao động theo định hướng của Nhà nước.
Còn thoả ước lao động tập thể là sự thoả thuận giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động về điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động cũng như các vấn đề trong quan hệ lao động. Do đó, nếu nội dung hợp đồng lao động trái pháp luật lao động và thoả ước lao động tập thể sẽ dễ dẫn đến việc pháp sinh tranh chấp.
Chính vì vậy, mặc dù các bên được quyền tự do giao kết hợp đồng nhưng nội dung hợp đồng lao động không được trái với pháp luật lao động và thoả ước lao động tập thể có nghĩa là những quyền lợi của người lao động trong hợp đồng lao động không được thấp hơn mức thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể.
Theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật lao động 2019 quy định: “Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.” Như vậy thỏa ước lao động tập thể là những thỏa thuận về điều kiện lao động, sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên khi tham gia quan hệ lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận và kí kết theo nguyên tắc bình đẳng công khai. Khi tham gia giao kết hợp đồng lao động nội dung của hợp đồng không được trái với những quy định của thỏa ước lao động và đạo đức xã hội, khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Nguyên tắc có ý nghĩa quan trọng nhằm
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể lao động trong quan hệ lao động.