Phần 2 Tóm tắt nội dung lý thuyết 6.1 Thị trường độc quyền bán
6.1.1. Các đặc trưng của thị trường độc quyền bán thuần túy
- Thị trường độc quyền bán thuần túy chỉ có một hãng duy nhất đang cung ứng toàn bộ mức cung của thị trường.
- Một hãng sản xuất và bán một hàng hóa hoặc dịch vụ mà không có hàng hóa hoặc dịch vụ nào có thể thay thế gần trong thị trường.
- Có sự cản trở lớn đối với việc xâm nhập vào thị trường của các hãng mới. Kết quả là một hãng độc quyền có nhiều sức mạnh thị trường hơn bất kỳ một hãng nào khác.
Đường cầu của hãng độc quyền là đường dốc xuống về phía phải, có độ dốc âm và tuân theo luật cầu. Hãng độc quyền đối mặt với đường cầu dốc xuống cho nên nó có sức mạnh thị trường. Sức mạnh thị trường là
khả năng của các “hãng định giá” có thể tăng giá mà không bị mất đi tất cả doanh thu. Các nhà kinh tế thường sử dụng thuật ngữ “sức mạnh độc quyền” và thuật ngữ “sức mạnh thị trường” thay thế cho nhau, cả hai thuật ngữ đều có nghĩa hãng có khả năng tăng giá mà không bị mất đi tất cả doanh thu.
Hình 6.1: Đường cầu của hãng cạnh tranh hoàn hảo và hãng độc quyền bán
Hình 6.1 miêu tả đường cầu của hãng cạnh tranh hoàn hảo là đường nằm ngang song song với trục hoành và đường cầu của hãng độc quyền
thuần túy là đường dốc xuống có độ dốc âm. Khác với hãng cạnh tranh hoàn hảo có đường cầu nằm ngang trùng với đường doanh thu cận biên, đường doanh thu cận biên của hãng độc quyền luôn nằm dưới đường cầu (xem hình 6.1).
Ví dụ về thị trường độc quyền thuần túy: điện thắp sáng, tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam độc quyền trong việc in và kinh doanh tem thư, buôn bán vũ khí, hãng Microsoft với phần mềm Windows,…