Cân bằng cạnh tranh trong dài hạn của hãng

Một phần của tài liệu Bài tập và hướng dẫn giải bài tập kinh tế học vi mô (p2) (Trang 58 - 60)

Phần 2 Tóm tắt nội dung lý thuyết 5.1 Các đặc trưng của thị trường cạnh tranh hoàn hảo

5.3.1. Cân bằng cạnh tranh trong dài hạn của hãng

Hãng tối đa hoá lợi nhuận khi chi phí cận biên trong dài hạn bằng doanh thu cận biên MR = LMC. Theo hình 5.8, giả sử rằng một hãng cạnh tranh hoàn hảo sản xuất trong ngắn hạn, hãng sẽ lựa chọn mức sản lượng là QS* khi thỏa mãn điều kiện P0 = SMC, hãng sẽ thu được mức lợi nhuận kinh tế bằng diện tích AP0ESB. Trong dài hạn, hãng cạnh tranh hoàn hảo sẽ lựa chọn mức sản lượng QL* thỏa mãn điều kiện P0 = LMC, hãng sẽ thu được mức lợi nhuận tối đa là diện tích NP0ELM.

Hình 5.8: Lựa chọn sản lượng tối ưu của hãng cạnh tranh hoàn hảo trong dài hạn

Mặc dù một hãng đang trong trạng thái cân bằng tối đa hoá lợi nhuận dài hạn khi MR = LMC nhưng ngành sẽ không trong trạng thái cân bằng dài hạn cho đến khi không còn sự khuyến khích nào cho các hãng mới gia nhập hay các hãng hiện tại rời bỏ ngành. Thế lực kinh tế lôi kéo các hãng gia nhập ngành hay buộc hãng rời bỏ ngành là do có sự tồn tại của lợi nhuận kinh tế hoặc thua lỗ kinh tế.

Lợi nhuận kinh tế thu hút các hãng mới gia nhập ngành, và sự gia nhập của các hãng mới này làm tăng cung của ngành. Cung được gia tăng dẫn tới giá giảm. Khi giá giảm, tất cả các hãng trong ngành điều chỉnh các mức sản lượng của họ để duy trì trạng thái cân bằng tối đa hoá lợi nhuận. Các hãng mới tiếp tục gia nhập ngành, giá tiếp tục giảm, và các hãng hiện tại tiếp tục điều chỉnh sản lượng của họ cho đến khi toàn bộ lợi nhuận kinh tế không còn. Không còn một sự khuyến khích nào cho các hãng mới gia nhập, và chủ sở hữu của tất cả các hãng trong ngành kiếm được chỉ những gì họ có thể tạo ra bằng những sự lựa chọn tốt nhất của họ.

Hình 5.9: Lựa chọn sản lượng của hãng cạnh tranh hoàn hảo khi cung thị trường tăng

Sự thua lỗ kinh tế thúc đẩy một vài hãng đang tồn tại ra khỏi, hay rời bỏ ngành. Sự rời bỏ của các hãng đó làm giảm cung của ngành. Sự giảm sút về cung làm tăng giá thị trường. Khi giá được nâng lên, tất cả các hãng trong ngành phải điều chỉnh các mức sản lượng của họ để tiếp tục tối đa hoá lợi nhuận. Các hãng tiếp tục rời bỏ cho đến khi không còn thua lỗ kinh tế, và lợi nhuận kinh tế bằng không.

Khi đó, trạng thái cân bằng cạnh tranh dài hạn đòi hỏi không chỉ tất cả các hãng đang tối đa hoá lợi nhuận, mà còn cả lợi nhuận kinh tế bằng 0. Hai điều kiện đó được thoả mãn khi giá bằng chi phí cận biên (P2 = LMC), để các hãng đang tối đa hoá lợi nhuận, và giá cũng bằng với chi phí bình quân tối thiểu (P2 = LACmin), để không có sự gia nhập hay rời bỏ xảy ra. Hai điều kiện cho trạng thái cân bằng đó có thể được thoả mãn đồng thời chỉ khi giá bằng LACmin, tại điểm mà LMC = LACmin (xem hình 5.9).

Số lượng hãng là ổn định, và mỗi hãng hoạt động với một quy mô sản xuất được biểu hiện qua chi phí cận biên ngắn hạn và chi phí bình quân, tương ứng là SMC và ATC.

Một phần của tài liệu Bài tập và hướng dẫn giải bài tập kinh tế học vi mô (p2) (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)