Giá trị tín ngưỡng và tinh thần

Một phần của tài liệu Hoạt Động Du Lịch Văn Hóa Tâm Linh Tại Quần Thể Di Tích Đền Trần Xã Đức Tiến, Huyện Hưng Hà, Tỉnh Thái Bình (Trang 36 - 40)

8. Cấu trúc khóa luận

2.4.1.Giá trị tín ngưỡng và tinh thần

Vào thời kỳ lịch sử các vua Trần lập nghiệp từ đất Long Hưng và chọn Long Hưng là hậu phương lớn, cung cấp sức người sức của trong ba cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên. Các vua Trần rất quan tâm, chăm lo cho nhân dân nhân Long Hưng. Ngược lại, nhân dân Long Hưng cũng làm hết nghĩa vụ của những thần dân với nhà Trần trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Vua Trần đã tin cậy người Long Hưng và Thiên Trường vào các đội quân cấm vệ, bảo vệ vua và cơ mật viện của triều đình. Để thể hiện sự biết ơn, của nhà Trần với nhân dân Long Hưng, những lần chiến thắng quân xâm lược Mông - Nguyên, vua Trần thường về tế tôn miếu ở Long Hưng.

Bên cạnh đó, nhằm khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thiết thực lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh trong năm 2010 và đặc biệt là

để thu hút khách du lịch đến với Thái Bình, dần hình thành các tour, tuyến du lịch góp phần phát triển du lịch tâm linh tỉnh nhà, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức thực hiện thành công tuần Văn hóa thể thao và Du lịch năm 2010 tại khu di tích đền thờ các vua Trần- xã Tiến Đức- huyện Hưng Hà từ ngày 27/02/2010 đến ngày 01/03/2010 ( tức ngày 13/1 đến 18/1 âm lịch).

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Hưng Hà chỉ đạo cho Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh và Trung tâm văn hóa - Thông tin thể thao huyện Hưng Hà phối hợp tổ chức khôi phục một số hoạt động văn hóa dân gian, trò chơi dân gian mà cách đây gần 100 năm nhân dân địa phương đã tổ chức hoạt động trong các lễ hội hàng năm tại khu di tích lịch sử đền Trần.

Tài liệu sử sách và những thông tin người dân cung cấp thì tại Thái Đường xưa, nay là làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hàng năm nhân dân đều tổ chức lễ hội tại khu đền thờ các vua Trần với các hoạt động tế, lễ, rước; các trò chơi như: chọi gà, thả diều, múa kỳ lân sư tử, các cuộc thi đấu thể thao như : vật, kéo co, cờ người, bóng chuyền,... các hoạt động văn hóa ẩm thực như: cỗ cá, bánh chưng, bánh dày; các hoạt động văn nghệ như: hát ca trù, trầu văn, hầu đồng, hát chèo,...

Năm 2010 là lần đầu tiên khôi phục lại lễ hội cổ truyền này. Trong đó, tâm điểm là lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Theo dân gian truyền tụng, sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công lớn giết giặc và bảo vệ đất nước. Cứ vào ngày này, đúng giờ Tý ( 23 giờ), các vua Trần lại “ khai ấn” đánh dấu sự trở lại việc quốc sự của vua quan sau kỳ nghỉ Tết. Theo thông lệ, lễ khai ấn đền Trần tại làng Tam Đường được tổ chức bắt đầu từ 23h00 ngày 13/1 âm lịch. Phần lễ tổ chức vào sáng ngày 14, sau phần lễ khai mạc và lễ dâng hương với sự tham gia của các các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà Nước,

Tỉnh ủy Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà, xã Tiến Đức cùng rất đông du khách thập phương trong nước và ngoài nước và người dân trong xã là phần biểu diễn màn sử thi “ Âm vang hào khí Đông A” do hàng nghìn diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp biểu diễn tạo nên các tiết mục đặc sắc. Sau đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trồng cây lưu niệm trước đền tưởng nhớ công ơn.

Buổi chiều ngày 14 và 15 là các hoạt động như : thi kéo co, thi đấu cờ người, thi chọi gà, biểu diễn rồng, lân, sư tử, giao lưu thơ nhân ngày Thơ Việt Nam ( 15 tháng Giêng âm lịch) và liên hoan diễn xướng chầu văn do các huyện, thành phố trong toàn tỉnh tham gia. Đặc biệt lần đầu tiên khôi phục cỗ do dân làng Tam Đường dâng lên Vua vào chiều ngày 14, có 3 kiệu cỗ cá với đầy đủ nghi lễ trang nghiêm và trân trọng do gần trăm người lễ phục chỉnh tề, cờ , lọng, trống, chiêng, kiệu chấp kích, bát bửu, giáo mác hành lễ tại sân Vua nhà Trần.

Tiếp theo chiều ngày 15 tháng Giêng đền Trần tổ chức diễn xướng chầu văn của 8 huyện, thành phố với hơn 20 bài hát văn, hát ca trù đã thu hút đông đảo nhân dân tới dự. Đây thực sự là buổi biểu diễn nghệ thuật mang lại hiệu quả cao được nhân dân đánh giá cao và khen ngợi.

Điểm nổi bật nhất trong Lễ khai ấn đền Trần tại xã Tiến Đức huyện Hưng Hà là Tục lễ cỗ cá Thái Đường. Năm 2012, dân làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà đã dâng lên đền Trần 3 mâm cỗ cá để làm lễ cúng các vị tiên đế, các vua Trần và các hoàng hậu, công chúa. Đây là tấm lòng của nhân dân địa phương đối với các vị tiên đế nhà Trần và là bước đầu khôi phục một tục lệ nét văn hóa ẩm thực của tiền nhân nhà Trần.

Theo lời kể của cụ Trần Văn Chuyện, làng Thái Đường, xã Tiến Đức:

Cỗ cá bắt nguồn từ tục giao hảo giữa hai làng Thái Đường ( nay là Tam Đường) và Vân Đài. Hàng năm, cứ đến ngày 15/2 âm lịch ngày giỗ công chúa chị là Diệu Từ Ân ở làng Thái Đường- Tiến Đức ( Hưng Hà) , ngày 15/9-

ngày giỗ công chúa em là Diệu Từ Dong ở làng Vân Đài – Chí Hòa ( Hưng Hà). Tiền lệ tình hai chị em hai làng Thái Đường và Vân Đài giao hảo “ nhất niên nhị lệ tháng 2 tháng 9” và “ nhất Vãng, nhất Lai”. Lệ hai làng quy định trước khi về ăn giỗ, dân làng phải nghị những người không có tang tóc, bụi bặm mới được về ăn giỗ.

Sáng ngày 15 giỗ chị Diệu Từ Ân công chúa, dân làng Thái Đường tổ chức đội tế, lễ ( tế nam) đội phù giá khăn quàng áo đỏ, đai xanh thắt lưng, xà cạp bao chân, đi giầy, đầu đội nón chóp rứa khiêng kiệu, cờ, quạt, chiêng , trống, bát biểu, gươm đao; 4 nữ tỳ 4 cành phướn, 4 quạt đi sau kiệu, 4 lọng che kiệu, có người dịch loa để nhắc nhở mọi người và thông báo cho dân biết tục lệ. Đoàn rước đến địa điểm đã bố trí sẵn để đón đoàn Vân Đài lên ăn giỗ. Làng Thái Đường tổ chức 8 giáp, mỗi giáp làm 3 mâm cỗ đưa lên chùa thi cỗ. Cõ 3 giải: giải nhất 5 hào, giải nhì 3 hào, giải ba 2 hào. Thi xong vào tế lễ, tế lễ xong ra lấy cỗ về các giáp thụ lộc. Cách thức làm cỗ cá: có 2 loại cỗ gồm cỗ đơn và cỗ kép.

Cỗ kép: có 1 con cá trắm đen từ 3 kg trở lên ( mỗi con bằng chiều ngang 1 bàn tay khép vào), 4 con cá mè, mỗi con trên 1 kg. Cá xát muối, rửa sạch rồi lại xát muối lại và treo lên 2 tiếng cho khô, sau đó ấn lá sung vào bụng cá cho căng như khi sống, lấy lá chuối hơ mềm gói cá lại cho thật thẳng rồi đặt vào phên rọ, không được để trật vẩy, gẫy vẩy, gẫy đuôi. Khi đun nước nóng già lên rồi mới cho cá vào nồi; khi đặt cá vào nồi đốt một tuần hương đen to, dài; khi hết hương mới vớt cá ra, nắn ruỗi cá thẳng, để nguội giữ hình dáng cá như ban đầu. Cá trắm, chép, mè đều làm như vậy. Khi bầy cỗ thì cá trắm, cá chép, cá mè đặt trên gắng ( bằng phên gỗ đóng đẹp), cắm hoa mẫu đơn vào miệng và mang cá, rải lá đinh lăng chung quanh. Cá trắm ở giữa, 4 cá mè 4 góc, bụng úp xuống dưới, lưng cá quay lên trên ( không đặt cá nằm nghiêng), phủ vải đều lên trên.

4 góc đỡ gắng đựng cá trắm ở trên. Tầng dưới còn có 2 đĩa giò lụa, mỗi đĩa 2 khoanh 4 lạng, 2 đĩa giò pha mỗi đĩa 2 khoanh 4 lạng, 1 đĩa chả chìa có thịt rán, 1 đĩa nem 4 quả, 1 đĩa dưa hành, 1 bát mọc miến, 1 bát ninh 2 chân giò, 1 đĩa xôi.

Cỗ đơn : gồm cá chép từ 3 kg trở lên, 4 con cá mè từ 1 kg trở lên. Cách làm và bầy cõ cũng như cỗ kép, chỉ khác là không có cá trắm đen.

Tục lệ giao hảo hai làng hiện vẫn đang duy trì đều đặn hàng năm cho đến nay và vẫn lưu giữ một số nghi thức chính

Từ đó có thể thấy rằng, quần thể di tích này là nơi để các tầng lớp nhân dân bày tỏ và thể hiện một phần thiêng liêng và sâu kín nhất trong tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình cầu mình cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự tồn tại của di tích đền Trần nhằm thỏa mãn các nhu cầu tinh thần của một số bộ phận các tầng lớp nhân dân, củng cố niềm tin tưởng hy vọng ở tương lai tốt đẹp, đồng thời góp phần khơi dậy và củng cố tính thiện lành trong mỗi con người. Tất cả những điều này thể hiện trong nghi lễ với một thái độ thành kính, trân trọng dành cho những đối tượng được thờ cúng tại đền Trần.

Một phần của tài liệu Hoạt Động Du Lịch Văn Hóa Tâm Linh Tại Quần Thể Di Tích Đền Trần Xã Đức Tiến, Huyện Hưng Hà, Tỉnh Thái Bình (Trang 36 - 40)