Chức năng của biểu tượng trong văn học

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 25 - 28)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2.Chức năng của biểu tượng trong văn học

Biểu tượng là một loại năng lượng đặc biệt dồn nén sức mạnh to lớn. Nó có một những chức năng cơ bản sau:

Thứ nhất, biểu tượng trong văn học có khả năng tái sinh liên hồi từ cái biểu đạt đến cái được biểu đạt. Ý nghĩa của biểu tượng không hề khép kín mà nó là một cấu trúc mở có nhiều tầng bậc, có khả năng gợi liên tưởng lớn. Các nhà văn, nhà thơ lấy chất liệu từ kho tàng biểu tượng văn hóa của nhân loại rồi nhào nặn lại tạo cho biểu tượng thêm những lớp nghĩa mới. Hơn nữa, như trên đã nói, trong môi trường văn hóa, văn học của mỗi quốc gia, mỗi thời đại, ở từng tác giả khác nhau, biểu tượng lại mang trong mình những ý nghĩa đặc trưng. Nói cách khác, biểu tượng trong văn học luôn vượt lên tính trực quan của biểu tượng rút gọn và tính ước lệ của biểu tượng quy ước để gợi mở những xúc cảm thẩm mĩ, làm giàu thêm tư tưởng bạn đọc. Một mặt, biểu tượng mang những đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ như: tính gợi cảm, tính hàm súc…; mặt khác, nó chứa đựng khả năng hoà nhập với sự kiện, hồi ức, hình ảnh cấu thành trong tiềm thức mỗi người. Vì vậy mà ý nghĩa của biểu tượng liên tục được bồi đắp, được làm đầy, làm mới. Đó chính là đặc trưng thứ 2 của biểu tượng văn học. Chẳng hạn, trong

Thơ mới, “dòng sông” (Quê hương) của Tế Hanh là biểu tượng của tình yêu quê hương đất nước, nhưng “dòng sông” (Tràng giang) của Huy Cận lại là biểu tượng cho dòng đời rộng lớn với những kiếp người nhỏ bé, trôi dạt. Thậm chí, do quá trình liên tục sáng tạo và mở rộng nội hàm, biểu tượng đôi khi còn chứa đựng trong nó những ý nghĩa trái ngược nhau: “Thuyền - bến” trong ca dao là biểu tượng cho tình yêu chung thủy: “Thuyền về có nhớ bến chăng - Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” (Ca dao), nhưng cũng có khi lại là biểu tượng cho những mặc cảm chia lìa, cho những mối tình lỡ dở, lỡ nhịp: “Trăm năm đành lỗi hẹn hò - Cây đa bến cũ, con đò khác đưa”(Ca dao).

Có những biểu tượng hoàn toàn do tác giả tạo ra, không xuất phát từ mẫu gốc. Nghĩa là, biểu tượng có thể là loại tín hiệu thẩm mĩ hoàn toàn mới góp phần tạo nên sự thống nhất hình tượng tác phẩm, sự phong phú của hiện thực được phản ánh. “Lá diêu bông” trong thơ Hoàng Cầm vô hình, vô thực và khó nắm bắt là biểu tượng cho cái đẹp, cho niềm khát khao mà con người vươn tới. Đây có thể xem là loại tín hiệu lần đầu xuất hiện trong văn học, tạo nên một thế giới nghệ thuật nhất quán cho bài thơ. Nó là một phương tiện thẩm mĩ hữu hiệu giúp nhà văn có khả năng thâm nhập vào thế giới bên trong con người, khám phá và chiếm lĩnh thế giới theo chiều sâu mà bề nổi ngôn từ nghệ thuật khó chuyển tải được.

Biểu tượng chuyển hóa thành hình tượng thông qua các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng... Với ẩn dụ, hoán dụ, biểu tượng có tính năng động ngữ nghĩa; với tượng trưng, biểu tượng có được ổn định trong ngữ nghĩa. Tuy nhiên cũng phải khẳng định thêm rằng không phải ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng... nào cũng tạo ra biểu tượng.

Thứ hai, biểu tượng góp phần định hình phong cách tác giả. “Có bao nhiêu yếu tố trong tác phẩm văn học thì có bấy nhiêu chỗ cho phong cách nhà văn thể hiện” (Phương Lựu). Hay nói như Lê Đạt: “Mỗi công dân có một dạng vân tay - Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ - Không trộn lẫn” (Vân chữ). Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, mỗi nhà thơ đều cố gắng xây dựng

nên cho mình một thứ “vân chữ” đặc trưng, không trộn lẫn với bất cứ ai, “vân chữ” đó chính là phong cách. Phong cách được tạo ra từ nhiều bình diện khác nhau, trong đó có hệ biểu tượng. Quá trình giải mã những tham số biểu tượng này giúp người đọc hiểu được đời sống tinh thần và dấu ấn riêng của mỗi nhà văn, nhà thơ. Nhắc đến những “Tháp Chàm”, “ma hời”, “xương trắng”, “sọ người”..., người ta nhớ đến một Chế Lan Viên kì dị trước cách mạng. Hệ thống biểu tượng đậm chất quê kiểng với đời sống nông thôn như: “quần nái đen”, “dây lưng đũi”, “ao bèo”, “bờ giậu”... làm nên hồn thơ Nguyễn Bính. Với Xuân Diệu, người ta bắt gặp ngay một hệ biểu tượng gắn với tình yêu và sự hưởng thụ như: “ánh mắt”, “bờ môi”, “trái tim”, “lồng ngực”... Còn đến với Hàn Mặc Tử, người đọc như lạc vào thế giới đau thương với hàng loạt các biểu tượng đầy ám ảnh. Việc tiếp thu lý thuyết tượng trưng làm cho biểu tượng trong sáng tác Hàn Mặc Tử mang ý nghĩa phổ quát cao. Sự sống của nhà thơ là sự tụ tán của Trăng - Hồn - Máu. Trăng là kết tinh vẻ đẹp đau thương và thánh thiện, hồn là phần anh linh của thi sĩ, máu là thể xác thống khổ về những thảm sử. Những biểu tượng này được đặt trong mối liên hệ, tạo nên sự kết dính và bổ sung cho nhau, tô điểm chân dung hủy hoại của bi kịch, kiếp sống.

Như vậy, để khám phá vẻ đẹp trong phong cách mỗi tác giả, chúng ta không thể không giải mã các biểu tượng đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của họ.

Thứ ba, biểu tượng giúp nhà văn, nhà thơ mã hoá những tư tưởng, cảm xúc về đời sống. Trong văn học, biểu tượng là phương tiện tất yếu để các nhà văn, nhà thơ lập mã, ký mã. Đặc trưng của văn học không phải điều gì các nhà văn cũng trình bày sẵn sàng, công khai, phơi bày lộ diện tất cả mà phải thể hiện một cách kín đáo, nhuần nhị và nhất là súc tích. Nói như Ăngghen: “Khuynh hướng của tác phẩm càng kín đáo bao nhiêu, càng tốt cho tác phẩm bấy nhiêu”. Hê-ming-uê với “nguyên lý tảng băng trôi” cho rằng, tác phẩm văn học chỉ một phần nổi và có bảy phần chìm. Để đạt được điều đó, không gì tối ưu hơn là sáng

tạo ra một hệ thống biểu tượng nghệ thuật. Bởi thế, biểu tượng trước hết đã giúp nhà văn mã hoá tư tưởng, tình cảm; nghĩa là dồn nén tư tưởng, tình cảm vào những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Biểu tượng do vậy đã giúp nhà văn diễn đạt một cách cô đọng những tư tưởng nghệ thuật, những suy nghĩ và cảm quan trước thế thái nhân tình. Khi sáng tạo văn học, mỗi nhà văn đều cố gắng gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình những quan niệm về cuộc sống, những sự chiêm nghiệm riêng tư… Tất cả những tư tưởng ấy cần dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để được vật chất hoá và hữu hình hoá. Biểu tượng nghệ thuật chính là phương tiện nghệ thuật đắc lực giúp nhà văn dồn nén tư tưởng này. Thấy được vai trò to lớn của biểu tượng trong văn học từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, các nhà văn, nhà thơ luôn lấy biểu tượng làm phương tiện nghệ thuật trong sáng tác. Ở Việt Nam, ngay từ thời xa xưa, trong văn học dân gian, người lao động bình dân đã biết tìm đến những hình ảnh, biểu tượng để ký thác nỗi niềm. Chẳng hạn, “chiếc áo” trong ca dao người Việt là biểu tượng vừa gợi cảm xúc tích, vừa lung linh biến ảo. Nó là vật gắn liền với con người, là phương tiện để thể hiện tình yêu, tình cảm nam nữ, nỗi nhớ nhung… Hình ảnh “con cò”, “con bống” cũng mang trong mình những mã nghệ thuật sâu sắc, nó là hình ảnh của chính những người nông dân cần cù, tần tảo lam lũ với ruộng đồng.

Có thể nói, với khả năng sản sinh ra những biến thể biểu tượng mới cùng với quá trình bồi đắp, sáng tạo dồi dào về nghĩa làm cho biểu tượng văn học ngày càng phong phú và có chiều sâu, vượt ra ngoài khuôn khổ của chính nó, tạo nên sức sống lâu bền của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 25 - 28)