Biểu tượng trong thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 92 - 104)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.2.Biểu tượng trong thời gian nghệ thuật

“Thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học bởi vì nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể nhanh hay chậm, có thể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại, tương lai; có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời” [70, 63]. Thời gian nghệ thuật trở thành một ý thức vận động theo tư tưởng của hình tượng, gắn liền với sự phát triển cũng như quá trình tự ý thức thông qua những mối liên hệ chằng chịt giữa con người với con người.

Cùng là thành viên phong trào Thơ mới, nhưng so với các thi sĩ cùng thời, Chế Lan Viên có quan niệm thời gian độc đáo và lạ lẫm hơn. Thời gian mang bản chất tiêu cực là đặc trưng cơ bản trong thơ Chế Lan Viên giai đoạn này. Nhà thơ xem xét thời gian qua ý thức siêu thể và tuyệt vọng, đó là thời gian hoài vãng, siêu thực. Ông dựng lên một thời gian quá vãng với những biểu tượng nghệ thuật thê lương để khóc thương cho hiện tại, cho những tháng ngày đã mất. Chế Lan Viên bày tỏ khát vọng hão huyền muốn quay ngược thời gian để được trở về huyền thoại một thời xa xưa với “tháp Chàm cô tịch”, với “đầu lâu, sọ trắng, xương khô”: “Để nếm lại cả một thời xưa cũ - Cả một dòng năm tháng đã trôi xa!” (Cái sọ người).

Chế Lan Viên cảm thấy thời gian bị đóng khung bởi những nhớ nhung, tiếc nuối. Sự thay đổi của vạn vật càng khiến tâm hồn ông cảm thấy tái tê hơn. Dường như tất cả đang muốn lướt qua thời gian, lướt qua không gian vô hạn để tìm đến nước non Chàm. Và nhà thơ đưa bóng thời gian trở về quá khứ tìm những dòng sông Linh, tìm đàn voi trận, tìm dáng Chiêm nương. Thời gian là hằng số nghệ thuật đặc thù thích dụng khơi gợi niềm tiếc thương của Chế Lan Viên về một thời quá vãng:

Những cảnh ấy trên đường về ta gặp Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi

Và từ đây lòng ta luôn tràn ngập

Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời

(Trên đường về)

Chế Lan Viên tìm trong ánh nắng bóng thời gian, đưa ông về với dòng thời gian hiện tại. Nhưng đứng nhìn hiện tại bằng đôi mắt tư tưởng, Chế Lan Viên bao trùm tất cả các thời khắc. Nhà thơ như không phân biệt được đâu là thực, đâu là mộng, vì giữa thực và mộng đã không còn ranh giới. Chế Lan Viên như nhập thể vào quá khứ, vào tất cả mọi linh hồn để làm cho thời gian dừng lại trong nghĩa khổ đau, với một nhận thức có tính triết học sâu sắc và đầy chất hiện sinh:

Cả dĩ vãng là chuỗi dài vô tận

Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành Và hiện tại, biết cùng chăng hỡi bạn Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh (Những nấm mồ)

Đắm mình trong quá khứ để tìm chỗ trú chân khi phải đối diện với thực tế cuộc sống, nhưng mang tư tưởng siêu hình về thời gian nên Chế Lan Viên không tìm ra lối thoát. Nhà thơ muốn trốn chạy, muốn vũ trụ ngừng chuyển động. Dưới mắt ông, vũ trụ chỉ là một tinh cầu lạnh giá. Nơi đó, ông có thể ẩn náu thân mình để hy vọng thoát khỏi nỗi u buồn của kiếp nhân sinh. Hoài vãng về một không gian ảo tưởng, dựng lên một không gian siêu thực để than vãn, Chế Lan Viên đã xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ, hiện tại, tương lai.

Có một điểm đặc biệt trong nghệ thuật xây dựng thời gian trong Điêu tàn, đó là những từ chỉ tâm tư tình cảm của con người thường được di chuyển sang trường nghĩa chỉ thời gian khiến cho thời gian nhuốm đầy tâm trạng. Cả tập thơ, rất nhiều từ chỉ thời gian như: “phút”, “một phút”, “mỗi phút”... - một thời đoạn ngắn ngủi xuất hiện đi kèm với các từ chỉ cảm xúc. Nhà thơ triết lý về niềm vui hữu hạn trong nỗi u sầu vô hạn: “Vì mỗi phút vui tuổi thêm nhắc tới / Những điên cuồng chôn tận đáy hồn mơ / Những sầu muộn trong thành tim u tối / Trong mắt buồn, hình ảnh tuổi ngây thơ” (Những nấm mồ). Thế nên, ông quyết liệt chối bỏ trần thế để đến với

thế giới của ma Hời, của cái chết, của sầu bi ngự trị: “Cho hồn ta vụt bay lên vời vợi - Cho bóng đêm u ám của hàng mi / Kiêu ngạo rằng: đây là bầu thế giới / Tạo lập ra trong một phút sầu bi” (Tạo lập). Ông đắm chìm trong thế giới ma quái, thế giới của mộng, của hồn, của xương để đối thoại, chất vấn:

Hãy về đây! Về bên ta mi hỡi! Đem cho ta những phút rởn kinh hồn

Những phút mộng điên cuồng, mơ dữ dội! Ta sẽ vui giao trả khớp xương tàn.

(Xương khô)

Lẩn trốn nơi thế giới ma thiêng do chính mình tạo lập, Chế Lan Viên vẫn không thoát khỏi nỗi buồn cố hữu. Nhà thơ vẫn khát khao một cách tội nghiệp: xin quên một phút buồn lo. Chỉ một phút để quên đi khổ đau, chỉ một phút để thoát khỏi những dày vò giữa hàng nghìn phút đau thương của cuộc đời, nhưng thi nhân vẫn không thể có: “Chiêm nương ơi, cười lên đi em hỡi / Cho lòng anh quên một phút buồn lo - Nhìn chi em chân trời xa vời vợi / Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta” (Đêm tàn).

Nhà thơ chỉ thấy những vang vọng lịch sử kia một thế giới “điêu tàn”, chỉ thấy cõi sâu u tối để triết lý với thời gian. Chế Lan Viên thường nhắc đến thời gian ban đêm. Màn đêm cố hữu ấy không phải là thời gian sống của con người mà là thời gian sống của những bóng ma, thời gian chứng kiến sự trở lại dương gian của nước non Chàm. Trong 36 bài thơ của Điêu tàn, “đêm”, “tối”, “bóng đêm”, “bóng tối” xuất hiện đến 32 lần. Đêm trở thành thời gian lý tưởng để Chế Lan Viên mơ những giấc mơ hoang đường. Cõi mơ của những nấm mồ, của những sọ người, hồn ma, Chiêm nữ... hấp dẫn ông hơn cả đời thực. Ông lang thang, lặn lội, ngụp lặn trong bóng đêm ấy mà chối bỏ bình minh, chối bỏ sự trở về của hiện thực phũ phàng. Trong bóng đêm ấy, các ma Hời, hồn phách “đội mồ sống dậy”, hết khóc than cho dĩ vãng lại tung hoành ngang dọc gây bao nhiềm kinh hãi cho dương gian: “Phải hay chăng đêm qua khi thuyền mộng /

Của Nàng Trăng vào đến bến mây xa / Có cô hồn về đây theo gió lộng / Trên mộ tàn tìm lại dấu ngày qua?” (Xương khô). Trong màn đêm ấy, vạn vật đều bị che mờ, là chứng nhân cho những đau khổ, bế tắc trong tâm trạng của chính nhà thơ:

Ta vẫn thấy hồn ta buồn ủ rũ Và cõi lòng dày đặc bóng đêm mờ Vì, bạn ơi, trong bao tia nắng rỡ Tia nào đâu rơi tự nước Chàm ta (Nắng mai)

Thời gian đang diễn ra từng khúc ca thù hận, những tiếng hát bi ai đang lần lượt hiện về: “Tiếng máu Chàm ri rỉ chảy không thôi” (Bóng tối). Đó một cách ẩn dụ về cuộc đời, là khát vọng tìm lại thời gian cho dân tộc và đồng loại của Chế Lan Viên. Thời gian hoài vãng, siêu thực là cách thức biện giải về tinh thần của thi nhân.

Tiểu kết chƣơng 3

Trong chương 3, chúng tôi khảo sát những đặc sắc nghệ thuật góp phần xây dựng nên thế giới biểu tượng phong phú, đa nghĩa và đầy ám ảnh trong Điêu tàn. Ở phương diện ngôn ngữ, Chế Lan Viên sử dụng một lớp ngôn từ độc đáo và ám gợi, đặc biệt là lớp từ gợi cảm giác nhục cảm và chết chóc. Nhà thơ khai thác tối đa hiệu quả của các biện pháp tu từ, như: so sánh, ẩn dụ, nhân hoá; vận dụng sáng, độc đáo phương thức tư duy nghệ thuật tương phản và tư duy nghệ thuật tương hợp để góp phần mở rộng các tầng nghĩa của biểu tượng. Không chỉ có thế, Chế Lan Viên còn đặt biểu tượng trong những chiều kích không gian và thời gian, từ đó mở ra một hướng đi mới trong việc thể hiện những ý tưởng tân kỳ của ông. Những sáng tạo của Chế Lan Viên trên phương diện này đã góp phần đem lại cho thơ ông tính hàm súc đa nghĩa và vẻ đẹp của trí tuệ, hiện đại.

KẾT LUẬN

1. Năm 1937, giữa bình nguyên nhiều màu sắc của Thơ mới, Chế Lan Viên với tập Điêu tàn đã khẳng định một vị trí đặc biệt trong Trường thơ Loạn nói riêng và phong trào Thơ mới nói chung. Ông đã mang đến cho Thơ mới nhiều tìm tòi theo hướng cách tân độc đáo. Chịu ảnh hưởng của thơ hiện đại phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực, Chế Lan Viên rất chú trọng tới việc xây dựng các biểu tượng nghệ thuật tân kỳ và bí hiểm trong thơ.

2. Tìm hiểu thế giới biểu tượng trong Điêu tàn của Chế Lan Viên, chúng tôi dựa trên nền tảng lý thuyết về biểu tượng và sự phân biệt biểu tượng được nhìn dưới góc độ văn hoá và văn học, từ đó xác định đặc điểm và vai trò của biểu tượng trong sáng tác văn chương. Chúng tôi nhận thấy, hệ thống biểu tượng thơ Chế Lan Viên trong Điêu tàn được hình thành trên cơ sở tích tụ của nhiều yếu tố. Chính hiện thực của người thuộc địa trong vòng nô lệ tối tăm và những tàn phai đổ nát từ những gì còn sót lại trên mảnh đất kinh kỳ một thuở đã khơi gợi Chế Lan Viên về sự suy vong một dân tộc. Cùng với đó là cảm quan triết mỹ và tư duy tôn giáo - ưa thích những vấn đề mang tính phổ quát triết học để nghiệm suy về thực tại đã tác động vào tư tưởng, chi phối mạnh mẽ quan niệm nghệ thuật, từ đó hình thành nên thế giới biểu tượng rợn ngợp trong thơ ông trong thời kỳ tiền chiến.

3. Thế giới biểu tượng trong Điêu tàn hiện lên vô cùng phong phú, đa dạng. Thế giới ấy được tồn tại trong mối quan hệ biện chứng, không tách rời nhau và luôn chịu sự chi phối của màu sắc cá nhân tác giả, cho nên trở thành riêng biệt và độc đáo. Đó là thế giới đầy ma quỷ khai sinh từ những vần thơ quái dị khiến người đọc hoang mang. Đó còn là một thế giới siêu thực, huyền bí, được tạo dựng bởi những biểu tượng của cái chết, như sọ người, nấm mộ, hồn ma, xương máu... Nhà thơ hoài vãng về một thời kỳ xa xôi để tâm tình tháp Chàm, Chiêm nữ… Tất cả được đặt trong mối liên hệ, hỗ tương, tác động với

nhau để tạo ra thế giới nghệ thuật tân kỳ và bí hiểm, làm nên mĩ học tượng trưng đặc thù của Điêu tàn.

4. Để xây dựng thế giới biểu tượng đó, Chế Lan Viên đã rất chú trọng tới việc sử dụng ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật cấu thành tác phẩm. Ông đã sáng tạo nên một lớp ngôn từ khá độc đáo: lớp từ gợi sự táo bạo gợi cảm giác, diễn tả hành động, cảm giác nhục thể. Đây là một hệ thống ngôn từ được chắt lọc, lựa chọn kĩ càng gắn với một hệ thống ngữ nghĩa mang đậm dấu ấn riêng, thể hiện một quan niệm, một cảm hứng, một phong cách thơ. Chính những lớp từ này đã mang lại cho thơ Chế Lan Viên một diện mạo rất riêng, rất lạ.

Để mở rộng các tầng nghĩa của biểu tượng, Chế Lan Viên còn rất chú ý tới việc sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hoá. Biện pháp tu từ so sánh trong thơ ông không chỉ phong phú về số lượng mà còn rất đa dạng về cấu trúc và độc đáo về hình ảnh. Về nghệ thuật ẩn dụ, nhà thơ nâng ẩn dụ lên thành biểu tượng để xây dựng một thế giới nghệ thuật thơ như một kí hiệu tượng trưng. Biện pháp nhân hoá cũng được sử dụng thường xuyên, tạo nên những tín hiệu nghệ thuật đầy ám ảnh. Để ngôn ngữ biểu tượng thêm mới lạ, Chế Lan Viên sử dụng thành công tư duy nghệ thuật tương phản làm nổi bật được những vẻ đẹp bất ngờ của những sự vật trong cấu trúc biểu tượng. Song trùng nghệ thuật tương phản là nghệ thuật tương hợp giữa màu sắc, ánh sáng và âm thanh trong không gian tương ứng của mĩ học tượng trưng; tương hợp giữa trực giác và vô thức của chủ nghĩa siêu thực. Nhà thơ khai phá thế giới tâm linh vi diệu ấy bằng trực giác sắc nhạy, vô thức và bản năng để thiết kế nên một mô hình thơ hiện đại. Bên cạnh đó, biểu tượng nghệ thuật trong Điêu tàn cũng được Chế Lan Viên đặt trong nhiều chiều không gian, thời gian. Hầu như tất cả các biểu tượng đều châu tuần quanh những sợi không gian, thời gian với rất nhiều sắc màu tâm trạng, nhưng đều ở mức độ mãnh liệt nhất, đồng hiện cùng những buồn, vui, hạnh phúc và đớn đau, qua đó nói lên hiện thực và các phạm trù có liên quan đến đời sống con người.

5. Trong hành trình kiến tạo hệ biểu tượng riêng cho mình, dù còn những hạn chế nhất định, nhưng đã mang đến cho Điêu tàn của Chế Lan Viên vẻ đẹp thăng hoa từ những điều thiêng liêng và kinh dị. Thi sĩ đã khai phá thế giới tâm linh vi diệu ấy bằng tất cả linh hồn và bản năng để thiết kế nên một mô hình thơ hiện đại. Cùng với thời gian, Điêu tàn của Chế Lan Viên vẫn mãi là “niềm kinh dị” cho độc giả hôm nay, và cho cả mai sau.

6. Với mong muốn đóng góp một phần nhỏ trong việc nghiên cứu thơ Chế Lan Viên, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu thế giới biểu tượng trong Điêu tàn ở những phương diện cơ bản và nổi bật nhất. Kết quả chúng tôi đạt được chỉ là bước đi ban đầu. Nếu có điều kiện mở rộng hướng nghiên cứu đề tài, chúng tôi sẽ tìm hiểu, khám phá thế giới biểu tượng ở những tập thơ khác trong chặng đường sáng tác sau này của Chế Lan Viên.

CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐỀ TÀI

[1] Nguyễn Quốc Toàn (2021), “Biểu tượng Xương - Máu trong Điêu tàn của Chế Lan Viên”, Tạp chí Thiết bị giáo dục (ISSN 1859-1810), số 232. [2] Nguyễn Quốc Toàn (2021), “Biểu tượng tháp Chàm và Chiêm nữ trong Điêu

tàn của Chế Lan Viên” (ISSN2354-0559), Tạp chí Văn hiến Việt Nam (Hà Nội) (Có giấy nhận đăng).

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO TÁC PHẨM CỦA CHẾ LAN VIÊN

[1] Chế Lan Viên (1967), Điêu tàn, Nxb Hoa tiên, Sài Gòn. [2] Chế Lan Viên (1955), Gửi các anh, Nxb Văn nghệ, Hà Nội.

[3] Chế Lan Viên (1960), Ánh sáng và phù sa, Nxb Văn học, Hà Nội.

[4] Chế Lan Viên (1967), Hoa ngày thường, Chim báo bão, Nxb Văn học, Hà Nội. [5] Chế Lan Viên (1972), Những bài thơ đánh giặc, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. [6] Chế Lan Viên (1973), Đối thoại mới, Nxb Văn học, Hà Nội.

[7] Chế Lan Viên (1977), Hái theo mùa, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. [8] Chế Lan Viên (1984), Hoa trên đá, Nxb Văn học, Hà Nội.

[9] Chế Lan Viên (1986), Ta gửi cho mình, Nxb Văn học, Hà Nội. [10] Chế Lan Viên (1992), Di cảo thơ (tập 1), Nxb Thuận Hóa, Huế. [11] Chế Lan Viên (1993), Di cảo thơ (tập 2), Nxb Thuận Hóa, Huế. [12] Chế Lan Viên (1996), Di cảo thơ (tập 3), Nxb Thuận Hóa, Huế. [13] Chế Lan Viên (1942), Vàng sao, Nxb Tân Việt, Sài Gòn.

[14] Chế Lan Viên (1971), Suy nghĩ và bình luận, Nxb Văn học, Hà Nội.

[15] Chế Lan Viên (1976), Bay theo đường dân tộc đang bay, Nxb Văn nghệ giải phóng, Sài Gòn.

[16] Chế Lan Viên (1981), Nghĩ cạnh dòng thơ, Nxb Văn học, Hà Nội.

[17] Chế Lan Viên (1987), Thơ văn chọn lọc, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình. [18] Chế Lan Viên (1981), Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân, Nxb Tác

phẩm mới, Hà Nội.

[19] Chế Lan Viên (1963), Thăm Trung Quốc, Nxb Văn học, Hà Nội. [20] Chế Lan Viên (1990), Nói chuyện văn thơ, Nxb Văn học, Hà Nội. [21] Chế Lan Viên (1992), Phê bình văn học, Nxb Văn học, Hà Nội. [22] Chế Lan Viên (1993), Vào nghề, Nxb Văn học, Hà Nội.

[24] Chế Lan Viên (1976), Nói chuyện đầu xuân, Nxb Giải phóng.

[25] Chế Lan Viên (2009), “Ông Trương Tửu cãi lại ông Trương Tửu”, Tạp chí

Thơ, (9).

[26] Chế Lan Viên (1985), Tuyển tập, (tập 1), Nxb Văn học, Hà Nội. [27] Chế Lan Viên (1990), Tuyển tập, (tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội.

CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

[28] Vũ Tuấn Anh (1984), Chế Lan Viên, nhà thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[29] Vũ Tuấn Anh (1997) Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945 - 1995, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 92 - 104)