Ngôn ngữ nghệ thuật ám gợi

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 63 - 69)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.Ngôn ngữ nghệ thuật ám gợi

Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy, là chất liệu duy nhất của văn học. Nó không chỉ là vật liệu, là cái cấu tạo, mà còn là hình tượng. Maiakovsky và Kvaranalx cho rằng: “ngôn ngữ là tướng của đạo quân sức mạnh của con người”, “từ ngữ là hiệp sĩ của đạo quân không thể thay thế được”. Ngôn ngữ trong tác phẩm trữ tình nói chung và thơ nói riêng “là ngôn ngữ được tổ chức trên cơ sở nhịp điệu, hết sức cô đọng, hàm súc và đặc biệt gợi cảm” [53, 215]. Theo Martin Heidegger,

“Tác phẩm thơ không phải là một cái gì khác ngoài sự tạo ra một ngôn ngữ mới” [34, 233]. Chúng ta có thể coi thơ như sự kết tinh trong cách biểu đạt tư tưởng bằng ngôn từ. Những cảm xúc, tâm tình, thế giới tâm hồn nhà thơ đều thể hiện thông qua ngôn từ. “Mỗi nhà thơ khi lựa chọn ngôn ngữ thể hiện cho tư tưởng, tình cảm, ấn tượng, cảm xúc đều in rõ dấu ấn phong cách lên khoảng ngôn ngữ mà anh ta lựa chọn” (Khrapchenco). Nói như Lê Đạt: “Mỗi công dân có một dạng vân tay - Mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ - Trộn không lẫn”.

Có thể nói, sự lựa chọn ngôn ngữ của thi sĩ được định hướng bởi tư tưởng, quan niệm, tư duy nghệ thuật, phong cách, cá tính riêng. Đặc biệt, trong Thơ mới, ngôn ngữ được thể hiện lạ lẫm và đầy ấn tượng. “Thơ mới là sự sáng tạo ngôn từ về nhiều mặt; nó mở rộng câu thơ, bài thơ; nó đi vào chiều sâu của thơ bằng cấu trúc mới, cú pháp mới, từ ngữ mới, nhịp điệu mới” (Đỗ Đức Hiểu). Chính sự tác động mạnh mẽ của thơ lãng mạn, tượng trưng và siêu thực Pháp đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình “Tây hóa” trong phong trào Thơ mới. Sự đổi mới ngôn từ này không đơn thuần là sự đổi mới về hình thức mà nó xuất phát từ những biến đổi trong cách nhìn nhận, nhận thức cuộc sống của các nhà thơ. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam tổng kết: khởi điểm của phong trào Thơ mới là tháng 10 năm 1932 khi trên Phụ nữ tân văn xuất hiện “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” của Phan Khôi. Thơ mới bắt đầu như thế về mặt “chủ trương”, còn người có công khẳng định Thơ mới trên thi đàn Việt Nam bằng thực tiễn sáng tác là Thế Lữ… Đánh giá về lịch trình phát triển của phong trào Thơ mới, theo Đông Hoài và Quỳnh Thư Nhiên: “Thế Lữ lu mờ trước Xuân Diệu, Xuân Diệu nhường chỗ cho bộ ba Trường Thơ Loạn tức Chế Lan Viên, Bích Khê và Hàn Mặc Tử, ngọn cờ đầu vào những năm cuối thập niên ba mươi” [44, 69]. Còn theo Hoài Thanh:

cặp song sinh” Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên được xem là: “cai trị Trường thơ Loạn và đã chiêu tập một số đồ đệ…”. Trong Thơ mới, Trường Thơ Loạn tách hẳn ra một lối khác, nặng về tượng trưng, siêu thực, huyền ảo…; và tôn chỉ mục đích của tổ chức thi ca này được trình bày trong lời tựa tập Thơ Điên của Hàn

Mặc Tử (về sau thi sĩ đổi tên là Đau thương) và Điêu tàn của Chế Lan Viên.

Điêu tàn ra đời năm 1937, khi phong trào Thơ mớiở giai đoạn phát triển đạt đến đỉnh cao của nó. Nói qua về Thơ mới và Trường Thơ Loạn như vậy, nhằm nhấn mạnh: để hiểu được ngôn ngữ biểu tượng thơ Chế Lan Viên, buộc người đọc phải đặt nó trong tương quan chung với các thi sĩ thơ Loạn.

Trong sự đa dạng và cách tân của Thơ mới, ngôn ngữ nghệ thuật của Chế Lan Viên trong Điêu tàn có sự khu biệt nhất định bởi cách kiến tạo biểu tượng lạ hoá và táo bạo. Nhà thơ sử dụng một loạt từ ngữ như những biểu tượng nghệ thuật độc đáo để nhắc đến, gợi lại dân tộc Chàm đã bị tuyệt diệt: “gạch Chàm”, “Tháp Chàm”, “Chiêm quốc” (Những sợi tơ lòng); “nước non Chiêm”, “bóng Chiêm nương”(Ngủ trong sao); “giống dân Hời”, “tháp gầy mòn”, “tượng Chàm lở lói”, “ma Hời”, “máu Chàm”, “xương Chàm”, “Chiêm quốc”, “Chiêm nữ”, “vua quan Chiêm”, “giống dân Hời” (Trên đường về); “voi Chàm”, “muôn binh Chàm”, “bầy voi Chàm”, “ánh lửa của dân Hời”, “vạn quân Chiêm”, “voi Chàm” (Chiến tượng); “nước non Chàm”, “gạch Chàm rơi”, “máu Chàm ri rỉ chảy” (Bóng tối); “sầu hận nước Chàm ta”, “nước non Chiêm” (Đêm tàn); “khối máu của dân Chàm”, “hài cốt vạn quân Chiêm” (Xuân về); “người Chiêm nữ” (Đợi người Chiêm nữ); “Chiêm nương”, “Chiêm nữ” (Mộng); “nước Chàm” (Nắng mai); “tháp Chàm buồn tư lự”, “Hời khóc” (Sông linh); “tháp Chàm sao ủ rũ”,

“Chiêm nữ” (Đêm xuân sầu). Thống kê cho thấy trong tập Điêu tàn, Chế Lan Viên nhắc lại, hoài nhớ về đất nước Chiêm Thành trong 12 trên tổng số 36 bài thơ. Có thể kể đến:

- Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi

(Trên đường về) - Chắc có lẽ linh hồn ta lay động, Khi vội vàng trở lại nước non Chiêm

- Hãy bảo ta cánh hoa đào mơn mởn Không phải là khối máu của dân Chàm

Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm

(Xuân về)

Ngôn ngữ trong Điêu tàn đã duy tân một cách đa dạng, biến hóa pha chút thần linh… Ở đó, tín hiệu ngôn ngữ có tính biểu đạt cao, gây cảm giác mạnh, khiến người đọc rơi vào một thế giới mặc khải với những liên kết kỳ lạ, đột ngột. Đọc Điêu tàn, người ta có thể nhận thấy sự khắc khoải, điên loạn trong lòng thi nhân, tìm được những biểu tượng ma quái mà thơ Việt trước đây chưa từng có: “máu cân”, “sọ người”, “xương khô”, “thịt nát”, “máu lan”,… Những câu thơ trong tập thơ với các biểu tượng nhục thể con người làm quay cuồng, điên đảo cả cô hồn, tử khí, xương khô bằng sự lệch chuẩn và phá vỡ cái logic ngôn ngữ thông thường:

Ta muốn thấy mi kêu gào, mi than thở Ta muốn nghe mi khóc lóc, mi van lơn! Ta muốn trông, từ mắt mi, máu đỏ Từ đầu mi, não trắng, rủ nhau tuôn! (Xương khô)

Chế Lan Viên xây dựng nên nhiều biểu tượng nghệ thuật mang tính siêu hình, trừu tượng. Mà như đã nói, văn học là một hình thái ý thức xã hội, lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng. Cho nên khi nói trong Điêu tàn, Chế Lan Viên xây dựng nên nhiều biểu tượng nghệ thuật mang tính siêu hình, trừu tượng thì cũng có nghĩa là tác giả đã sử dụng ngôn ngữ mang tính siêu hình, trừu tượng để biểu hiện thế giới biểu tượng đó. Đó là loại ngôn ngữ xa rời cuộc sống đời thường, không dành cho cuộc sống hiện hữu, trần thế, xác thực. Để đưa người đọc đi vào khu rừng kỳ lạ của trí tưởng tượng bay bổng, nhà thơ thường dùng hệ thống biểu tượng như: “hồn”, “máu”, “trăng”, “sao”, “xương”, “sọ”, “tháp Chàm”, “Chiêm nữ”… làm hằng số nghệ thuật đặc trưng, đặt chúng trong

sự biến hóa khôn lường. Bằng tài năng thiên bẩm, Chế Lan Viên đã sử dụng rất nhiều biểu tượng khác nhau để thể hiện thế giới kinh dị của “vạn cô hồn” trong cõi hư vô. Số lượng từ ngữ lặp đi lặp lại biểu trưng cho nỗi đau thương tràn ngập khắp tập thơ tạo thành những ám ảnh khôn nguôi về hồn ma, bóng quỷ. Chẳng hạn, để diễn tả cảnh tang thương chết chóc, Chế Lan Viên sử dụng biểu tượng “xương” với rất nhiều những cung bậc sắc thái: “khớp xương”, “làn xương”,“đống xương”, “khối xương”, “nền xương”; “xương trăng”, “xương khô”, “xương mỏng”, “xương tàn”; “tiếng xương”, “xương rên”... tạo nên những ma lực khiến người đọc kinh hoàng, sợ hãi.

Là một trong tam trụ của Trường thơ Loạn, cả trong tuyên ngôn cũng như trong thực tiễn sáng tạo, Điêu tàn khởi sự một mỹ học mới, một quan niệm khác lạ về thơ. Khi viết “Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó thoát Hiện tại. Nó xối trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói: Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy...” (Tựa

Điêu tàn), cũng có nghĩa Chế Lan Viên và các thi sĩ thơ Loạn phóng thoát tuyệt đối khỏi quan niệm quen thuộc của thơ trữ tình. Với họ, làm thơ là thả hồn vào mê lộ của phi thường và dị thường; là tiếng khóc than, gào rú của những cơn điên... Khảo sát Điêu tàn, chúng ta dễ dàng nhận thấy, hệ biểu tượng miêu tả cõi âm và bóng tối xuất hiện nhiều nhất, được nhà thơ miêu tả kỹ lưỡng, chi tiết. Những biểu tượng được kiến tạo có linh hồn như chủ thể hoạt động, biết trò chuyện, đi đứng, nhớ thương:

Thôi vắng bặt từ đây bao giây phút Mà tiếng cười ghê rợn dậy vang mồ Mà hơi khóc rung dài trong gió lướt Mà lời than náo động cõi hư vô

Thế giới trong Điêu tàn không phải là thế giới được nhìn thấy mà là thế giới được nhận ra với những điều sâu thẳm và bí ẩn. Không còn sử dụng phương thức kể, thi nhân đã khải thị một khoảng không chưa từng biết, đầy huyền diệu và linh động thông qua quyền năng ngôn ngữ. Diễn đạt thế giới thi ca ấy là bất khả đối với ngôn từ của trí năng và là cơ hội cho ngôn từ của sự liên tưởng đầy trực giác và thần cảm. Đây là lời đối thoại của nhà thơ với sọ người:

Này chiếc sọ người kia, mi hỡi!

Dưới làn xương mỏng mảnh của đầu mi; Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối? Mi trông mong ao ước những điều chi (Cái sọ người)

Ngôn ngữ nghệ thuật Điêu tàn với hệ thống biểu tượng Tháp Chàm, Chiêm nữ, máu, xương, hồn, mộ… được đặt trong một thế giới đầy chết chóc, siêu hình, siêu thực, trừu tượng…, hoàn toàn khác với thế giới chúng ta đang sống. Đó là thế giới của “cõi Chết” (Cái sọ người), “cõi Hư Vô” (Những sợi tơ lòng), “dòng Ngân”, “cung Hằng”, “sao Đẩu”, “cõi Trời Mơ”, “thẳm Hư Vô” (Ngủ trong sao), “Hư Không”, “Âm giới”, “U Minh” (Bóng tối), “bể U Sầu” (Đêm tàn), “cung Hằng” (Vo lụa), “cõi Tang” (Thu), “cung Quảng”, “Điện ngọc rộng không cùng” (Trăng điên), “Cõi Ta”, “cõi Ta”, “xứ Trăng Mây”, “suối Khổ” (Cõi Ta), “sông Ngân” (Mơ Trăng)…

Hồn say sưa vào khắp cõi Trời Mơ,

Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư Vô?

(Ngủ trong sao)

Cảm hứng nổi bật của Điêu tàn hướng tới cõi trăng sao, cõi ta, cõi những người đã chết, những ngôi mộ tiêu tan từ vạn kiếp, sọ dừa, đầu lâu, Chiêm nữ, chiến binh Chàm… nơi âm giới. Tất cả tạo nên nỗi sầu buồn đến ảm não pha màu sắc huyền bí đến rợn ngợp. Nhà thơ luôn chất chứa những trạng thái khác thường trong những cơn mơ, cơn điên cuồng đau đến thành thật. Cách bộc bạch tình cảm trong thơ đi ngược với truyền thống, khác hẳn các nhà thơ lãng mạn

Việt Nam cùng thời. Vì vậy, ngôn ngữ Điêu tàn phải truyền được cảm giác “say”, “mơ”, “điên” vào thơ để tạo ấn tượng rùng rợn với người đọc. Quan điểm trên là cương lĩnh của Chế Lan Viên cũng như của Trường thơ Loạn. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, những biểu tượng nổi bật nhất ở ngôn ngữ Điêu tàn là thế giới của yêu ma. Và, cũng không phải ngẫu nhiên, nhà thơ đặt tên cho những bài thơ của mình gắn với những biểu tượng rùng rợn của cõi yêu ma: Cái sọ người, Mồ không, Xương khô, Đám ma, Hồn trôi, Máu xương, Xương vỡ máu trào, Đầu rơi… Nhan đề ấy kích thích trí tưởng tượng của độc giả hướng tới cõi hoang tưởng tận cùng của niềm kinh dị. Và đó cũng là những biểu tượng khơi gợi một thế giới chết. Với quyền năng ngôn ngữ, nhà thơ trò chuyện cùng oan hồn dân Chàm đang hiện hữu trong “cái sọ người”; thấu hiểu, chia sẻ với nỗi cô đơn, lạc loài của yêu ma, bóng quỷ.

Bằng cô đơn và nỗi đau tinh thần, bằng trí tưởng tượng phong phú, bằng ngòi bút kỳ tài, nhà thơ đã làm sống dậy trong thơ một thế giới huyền diệu, khéo léo kết hợp giữa ngôn ngữ tâm linh và ngôn ngữ thi ca để tạo ra lớp ngôn từ mới lạ. Diện mạo ngôn ngữ thơ Chế Lan Viên này là kết quả của quá trình nhận thức lý thuyết thi pháp học phương Tây, từ trải nghiệm cá nhân trong sáng tạo, cũng như những bất hạnh riêng về thân phận của các nhà thơ. Nó là sản phẩm của một sự khủng hoảng, một khát khao và một nỗ lực duy tân thơ...

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 63 - 69)