Cơ sở hình thành biểu tƣợng trong Điêu tàn

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 28)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.Cơ sở hình thành biểu tƣợng trong Điêu tàn

1.3.1. Hiện thực cuộc sống và dấu ấn Chiêm Thành

Những năm 1930 - 1945 là thời kỳ xã hội Việt Nam ở vào giai đoạn rất phức tạp. Người dân Việt Nam phải chịu “một cổ hai tròng” thống trị, một của nhà nước phong kiến đã đi vào thời kỳ mạt vận, một của thực dân Pháp. Tuy có tình cảm với cách mạng, nhưng phần lớn các nhà thơ phong trào Thơ Mới Việt

Nam đều đứng ngoài cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng của giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo. . Sự đảo lộn, biến đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội cùng với sự tiếp xúc với văn hoá, đặc biệt là văn học Pháp đã dẫn đến sự thay đổi tư tưởng, tình cảm, thị hiếu thẩm mĩ của thanh niên tiểu tư sản thành thị. Giữa không khí hoang mang, bi quan đó, các nhà thơ mới cảm thấy lạc loài, bơ vơ, đơn chiếc. Đằng sau những buồn thương, những tiếng kêu cô đơn, các nhà thơ mới thường đặt ưu tiên vào con người mộng mơ, đối lập giữa lý tưởng với thực tế đời sống. Nhà thơ Tản Đà, người được coi là nhà thơ đêm trước của chủ nghĩa lãng mạn trong thơ Việt Nam, coi đời là giấc mộng lớn, là giấc mộng con. Thế Lữ chỉ muốn: “Trăm năm theo dõi áng mây trôi”. Xuân Diệu thì: “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, Hàn Mặc Tử khao khát: “Tìm cái phi thường cái ước mơ”… Trong hoàn cảnh mất nước, phải sống trong xã hội thực dân phong kiến tầm thường, hủ lậu, ngột ngạt, các nhà Thơ Mới thường lấy mộng làm thực, trốn thoát vào mộng: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu…” [72, 47]. Và trong vô vàn cách trốn thoát, không ít nhà thơ chọn đường quay về quá khứ, một ngày xưa mơ hồ nào đó giúp họ lí tưởng hóa cõi mộng ước khôn nguôi. Quá khứ là cõi của thơ, của mộng, của cái đẹp, là nơi con người được sống lại những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc để được tiếc nuối, thở than. Hướng về quá khứ là một tâm thế sáng tạo chung cho các nhà Thơ Mới. Nguyễn Nhược Pháp có cả một tập thơ lấy tên là Ngày xưa nhằm làm sống lại một thời với sắc màu tươi, hình dáng ngộ nghĩnh. Vũ Đình Liên nhớ bóng dáng của ông đồ viết câu đối tết thuở nào trong một niềm da diết: “Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ”. Vũ Hoàng Chương gọi dậy quá khứ để đối lập với hiện thực vô vọng, nhàm chán đương thời: “Nhớ thuở xưa khi chưa có ta hề đường đi thênh thang - Kịp đến khi có ta hề chông gai mênh mang”…

Cũng với tâm trạng u hoài thời gian hiện tại, Chế Lan Viên quay về tháp xưa, gửi gắm vào đó nỗi đau buồn, uất hận của người dân mất nước, mất tự do.

Nhưng so với các nhà Thơ Mới khác, Chế Lan Viên tiến xa hơn và cực đoan hơn. Ông đi sâu tưởng tượng về một quá khứ Chiêm Thành với những đổ nát, rợn ngợp kinh người, với quan niệm “làm thơ là làm sự phi thường” để thoát ly những bế tắc của cuộc đời và lấn dần vào nơi u hiểm. Cho nên, thế giới nghệ thuật trong thơ Chế Lan Viên giai đoạn Điêu tàn là thế giới có sự xuất hiện vô cùng phong phú của những biểu tượng âm thế, biểu tượng thiên giới và biểu tượng trần gian. Tất cả đều tạo ấn tượng mạnh bởi sự hoà ghép của những mảng không gian nghệ thuật hoặc kinh dị, rùng rợn đến gai người; hoặc hỗn loạn, đổ nát đến điêu tàn; hoặc chập chờn, xa vời đến hư vô. Cái chất chung, tan chảy, điều hòa mọi cõi giới trong Điêu tàn là “chất sầu”. Tình cảnh ấy đúng như Hoài Thanh cảm nghiệm: “Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh…” Bên cạnh nỗi bất mãn thời đại, những dấu tích Chiêm Thành trên đất Bình Định cũng là nguyên do khiến nhà thơ quay về dĩ vãng, tìm đến nước non Chàm tàn lụi để khơi nguồn thi hứng. Chế Lan Viên quê gốc Quảng Trị, nhưng mảnh đất Bình Định mới là nơi bén duyên tài năng thi sĩ của ông. Trong bài trả lời phỏng vấn một người bạn Đức, Chế Lan Viên đã giới thiệu về mình thế này: “Sinh ra ở miền Trung (centre Việt Nam)… Quê là một nơi có nhiều tháp Chàm, gần bể” (Chân dung tự hoạ). Năm bảy tuổi, ông đã theo gia đình chuyển vào An Nhơn (Bình Định) và nơi đây đã để lại ấn tượng đậm trong hồn thơ Chế Lan Viên. Với vẻ đẹp của không gian thiên nhiên, không gian văn hoá lịch sử truyền thống kết hợp các yếu tố văn hoá phương Tây hiện đại, Bình Định quả là một vùng khí hậu độc đáo cho văn học nghệ thuật phát triển. Phải chăng, những mênh mông trời xanh và cát trắng, núi xa và biển rộng, tươi đẹp và khổ nghèo,… đã giao ứng với nhau trong những đối cực nghiệt ngã đã làm nên một hồn thơ Chế Lan Viên với bao đối cực và nghịch lý. Ngược dòng thời gian, Bình Định xưa từng có thành Đồ Bàn là kinh đô Chiêm Thành từ thế kỷ thứ X - XV, giai đoạn văn hóa Chămpa phát triển đến mức độ tột đỉnh. Thế nhưng, nền văn minh ấy giờ đây đã sụp đổ, tàn vong. Dù vậy, vẫn còn đó những tháp Chàm lở lói, đổ

nát, rêu phong, cổ kính mang vẻ đẹp u buồn, bí ẩn, trầm mặc. Ngay cả trong những câu hát bài chòi và cả trong tiếng mẹ ru con cũng còn phảng phất âm hưởng nhạc Hời thê lương, ảm đạm. Chính quá khứ Chămpa và hình ảnh kinh thành hoang phế cùng những ngọn tháp Chàm còn sót lại đã khơi gợi hồn thơ Chế Lan Viên về sự hưng thịnh, tiêu vong của dân tộc. Một dân tộc có lịch sử, có văn minh như Chiêm Thành ngờ đâu lại chịu số kiếp điêu tàn, tiêu diệt! Tài năng thiên bẩm, sự ám ảnh kì dị của dấu tích Chiêm Thành lở lói, rêu phong cộng với tấm lòng đa sầu, đa cảm của một trí thức trẻ tuổi trong cơn bế tắc đã làm nên

Điêu tàn - một tập thơ “xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị… Nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm chắc chắn và lẻ loi, bí mật và văng vẳng đâu đây tiếng nức nở ngàn thu Chiêm nữ hận” (Hoài Thanh). Giữa thâm sâu của dấu tích Chiêm thành rêu phong, cổ kính và hệ thống biểu tượng kinh dị, bí hiểm trong thơ Chế Lan Viên tất yếu có mối liên hệ. Nó tác động trực tiếp, tạo sức ám ảnh và lôi cuốn trong thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên giai đoạn Vàng saoĐiêu tàn.

1.3.2. Tư duy tôn giáo và cảm quan triết mỹ

Một câu hỏi được đạt ra: tại sao các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Quách Tấn, Yến Lan…, cũng gắn bó với mảnh đất Bình Định từ thời niên thiếu, lại không chọn cho mình một khách thể thẩm mĩ là những dấu tích của nước non Chàm? Lý giải điều này, phải tìm đến tư tưởng triết lý căn bản nhất của ông, đó là tư tưởng siêu hình, ưa thích những suy nghiệm có tính phổ quát triết học. Không chỉ nhạy cảm với hoàn cảnh sống quanh mình, Chế Lan Viên còn chịu ảnh hưởng rất đậm của các tư tưởng triết học và duy tâm siêu hình, đặc biệt là tôn giáo. Những tư tưởng tôn giáo thường mang tính triết học. Hiểu theo cách phổ quát, tôn giáo là kết quả của các câu trả lời nhằm giải thích nguồn gốc, quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ, những câu trả lời về mục đích, ý nghĩa cuối cùng về sự tồn tại. Đó là những vấn đề thuộc phạm trù triết học. Giữa tôn giáo và thơ ca có mối quan hệ gần gũi và tương tác lẫn nhau. Cũng như thơ ca, sự hình thành và

tồn tại của tôn giáo luôn gắn liền với một thế giới biểu tượng. Đó là thế giới trừu tượng, hư vô, sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, một tư duy hướng nội siêu hình. Tuy nhiên, so với biểu tượng tôn giáo, biểu tượng thơ ca có những đặc trưng riêng, rõ nhất là tính hình tượng. Quan hệ tương tác giữa tôn giáo và thơ ca thể hiện ở chỗ: thó thể có sự thâm nhập những biểu tượng tôn giáo và thơ hoặc những biểu tượng thơ được linh hoá bởi một tư duy tôn giáo. Sự tương tác này góp phần mang đến cho thơ một trường ngữ nghĩa rộng lớn chứa đựng khả năng ám gợi. Chẳng hạn, đọc thơ Tagore, ta choáng ngợp bởi thế giới biểu tượng thiên nhiên, đặc biệt là biểu tượng “hoa sen”. Biểu tượng này có nguồn gốc từ tôn giáo, triết học Ấn Độ, là biểu tượng cho tâm hồn - phần tinh tuý nhất của con người. Khi đi vào thơ Tagore, nó được vận dụng sáng tạo, bổ sung thêm nhiều nét nghĩa mới, thể hiện một quan niệm, triết lý sống nhân sinh tích cực, mà như ông nói: “Thà làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”: “Hoa sen nở dưới ánh mặt trời - Rồi mất đi tất cả những gì nó có - Nhưng nó không muốn làm một chiếc nụ - Vĩnh viễn trong sương mù của mùa đông” (Bài thơ số 27 - Người làm vườn vĩnh cửu).

Chế Lan Viên nghiên cứu cả Phật giáo, kinh thánh của Thiên Chúa giáo, kinh Coran của Hồi giáo. Nhà thơ từng thú nhận: “Nỗi buồn ghê gớm nhất, những hư vô sâu thẳm nhất để lại cho tôi, chính là các nền tôn giáo. Mở đầu tôi yêu Chúa. Rồi tôi yêu Phật. Tôi tìm Chúa qua các giáo lý của Cơ đốc giáo, của Tin lành. Và tôi tìm Phật nơi bàn thờ Phật của cha tôi, ở kinh các chùa và ở ngoài chùa nữa. Có lẽ văn chương đã góp phần nhiều, dẫn lối đưa đường nhiều trong vấn đề này. Làm sao không rung động trước những trang Tân ước và Cựu ước, trước cái trữ tình của Nhã Ca (Cartique des cantiques) và siêu thực của Khải Huyền (Apocalypse). Và Kinh Lăng Nghiêm kiến trúc tầng tầng lớp lớp sâu thẳm và rạng rỡ như cái trời sao thăm thẳm rạng ngời làm tôi mê lúc ấy” [27, 53]. Và cầu nguyện: “Thích Ca! Giê Su! Khổng Khâu! Khổng Tử! Tôi đều thành tâm trước uy linh huyền diệu của các ngài”. Tuy nhiên, Chế Lan Viên chịu ảnh

hưởng của đạo Phật sâu đậm hơn cả. Ông thừa nhận quy luật nghiệt ngã của kiếp người trầm luân khổ ải: “Sự thọ khổ vẫn xả thân như sự ban ơn, đang mất bỗng thấy mình còn, ta giàu sang lên để hi sinh vô hạn… Một hạt không khí đời ta ta biết – nhưng ta thở cả vào bầu không khí chung quanh… Ta thôi đánh phút giờ ngắn ngủi của con người, nhưng ta đã nhịp vào thời khắc bất tận của trời đất” (Vàng sao đêm tin tưởng). Đây là kiểu tư duy triết lý, suy tưởng tạo nên màu sắc trí tuệ rất đậm trong thơ. Ông thường chú trọng khai thác những yếu tố nghịch lí, những mặt đối lập đầy mâu thuẫn nhưng cũng rất thống nhất trong các sự vật và hiện tượng, giữa nội dung và hình thức, giữa cái xấu và cái đẹp, giữa thực tại và hư vô… Ông hay đặt ra và lý giải những vấn đề triết học nhân sinh, đặc biệt là những suy ngẫm, nghi vấn siêu hình về bản thể trước cuộc đời: sự sống và cái chết, quá khứ và hiện tại… Những hoài nghi về sự tồn tại của chính mình mang màu sắc cô đơn triết học duy tâm siêu hình: “Ta là ai?”, “Ai bảo giùm: ta có có ta không” (Ta). Tư duy tôn giáo, suy tưởng quy định cách xây dựng hình ảnh và biểu tượng trong thơ Chế Lan Viên. Thế giới nghệ thuật Điêu tàn được tạo bởi những khung cảnh huyền ảo, hư vô, vừa rộng vừa sâu, mở ra vô cùng với mọi chiều kích và biên độ. Chất Đạo và chất Đời hài hoà, xuyên thấm vào từng biểu tượng thi ca làm nên hồn cốt thơ Chế Lan Viên trước Cách mạng.

Bên cạnh đó, cảm quan triết mĩ với sự yêu chuộng trào lưu văn học phương Tây cũng tác động rất lớn đến quan niệm nghệ thuật, đặc biệt là trong việc tạo dựng mô hình thơ độc đáo của Chế Lan Viên giai đoạn này. Ông chịu ảnh hưởng trực tiếp và khá sâu đậm quan niệm thẩm mĩ của Edgar Poe, nhất là các nhà thơ thuộc trường phái thơ lãng mạn, tượng trưng và siêu thực Pháp, như: Paul Verlaire, Arthur Rimbaud… Thơ ông tiếp nhận những yếu tố rùng rợn, quái dị. Chính vì thế, khách thể thẩm mĩ trong thơ Chế Lan Viên mang tính hư cấu - siêu hình - kinh dị để đẩy suy nghĩ của mình vào tưởng tượng, hư vô; tạo dựng một đối tượng riêng để triết luận. Nhà thơ tìm thấy những rung cảm trong sự tuyệt vọng, hãi hùng, với những âm thanh man rợ: “Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy” (Tựa Điêu tàn). Chúng có sức thu hút ghê gớm và trở thành biểu

trưng nghệ thuật đầy cám dỗ. Dấu ấn tượng trưng và siêu thực thể hiện khá rõ trong thơ Chế Lan Viên. Nhà thơ xây nên một “rừng biểu tượng” theo lối viết “tự động tâm linh” của Breton, hướng tới sự hồn nhiên mê sảng, đến những ảo giác mộc mạc nguyên sơ. Tất cả mọi ý tưởng đều được thể hiện bằng những cảm xúc ngẫu nhiên từ cõi tiềm thức, những giấc mơ ảo giác, “diễn đạt tư tưởng thoát khỏi sự kiểm soát của lý tính” (Breton). Nó có thể trộn lẫn sống và chết, thực tại và tưởng tượng, quá khứ và tương lai. Quá trình sáng tạo nghệ thuật ấy của Chế Lan Viên được coi là “làm sự phi thường” (Tựa Điêu tàn). Quan niệm về nhà thơ như vậy nên trong Điêu tàn, Chế Lan Viên tạo cho mình một thế giới chìm vào bóng âm với những biểu tượng của quỷ dữ, ma Hời, đầu lâu, những mồ không, xương khô, máu trào. Nhà thơ triền miên ngụp lặn trong cõi âm rùng rợn ấy mà vùng vẫy, kêu la: “Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy” (Tựa Điêu tàn). Thơ được làm nên từ những cơn mê sảng, siêu thăng, cuồng tâm, loạn trí… Hoài Thanh đã trèo lên “tháp Chàm”, “Tháp nghệ thuật” khủng khiếp ấy mà “thấy đầu choáng váng, không biết mình là người hay ma”. Lời thơ đậm nét huyền bí cùng máu huyết bi ai của một nỗi lòng trắc ẩn trước số phận một tộc người.

Tiểu kết chƣơng 1

Trong chương 1, chúng tôi điểm qua một số khái niệm liên quan đến biểu tượng nhìn từ góc độ văn hoá và văn học, đồng thời nêu được ba đặc trưng và ba chức năng cơ bản của biểu tượng trong sáng tác văn chương. Cũng trong chương này, chúng tôi tìm hiểu tiền đề chi phối và hình thành biểu tượng trong tập thơ

Điêu tàn. Chính hiện thực cuộc sống và dấu tích Chiêm Thành, tư duy tôn giáo và cảm quan triết mĩ đã tác động trực tiếp vào tư tưởng, vào quan niệm nghệ thuật, để từ đó hình thành nên thế giới biểu tượng độc đáo và ấn tượng của thơ Chế Lan Viên trước cách mạng. Có thể nói, đây là những tiền đề tạo cơ sở cần thiết để chúng tôi triển khai phần trọng tâm của luận văn ở những chương sau.

Chƣơng 2

GIÁ TRỊ BIỂU TRƢNG CỦA BIỂU TƢỢNG TRONG ĐIÊU TÀN

Theo Từ điển tiếng Việt, biểu trưng là “dùng một sự vật cụ thể có tính chất thích hợp để gợi ra sự liên tưởng đến một cái trừu tượng nào đó”, “đồng nghĩa với tượng trưng”. Trong Đại cương ngôn ngữ học, (tập 2) do Đỗ Hữu Châu chủ biên, biểu trưng được hiểu là “Từ ngữ được dùng trong tu từ và chỉ có ý nghĩa tu từ. Có nghĩa là cái được nói tới không trùng với nghĩa chính hoặc nghĩa phụ của từ mà là cái được nêu ra trong tác phẩm theo các phương thức chuyển nghĩa khác nhau.”

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 28)