Tư duy nghệ thuật tương hợp

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 83 - 88)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2.Tư duy nghệ thuật tương hợp

Nghệ thuật tương hợp là đặc trưng quan trọng nhất của thơ tượng trưng, tạo nên hiệu ứng lan toả, đan xen nhiều tầng cảm xúc và thực sự đem lại cho thơ những cảm nhận mới lạ. Chủ nghĩa tượng trưng đề cao mối tương hợp, hô ứng với nhau giữa các giác quan, giữa mùi hương, màu sắc và âm thanh; coi đó là nguyên tắc mĩ học chủ đạo. Họ cho rằng, thơ không phải là những cảm xúc trực tiếp mà quan trọng là phải gợi ra được cảm xúc, phải tìm mối liên hệ vô hình của thế giới: giữa cái vô hình của con người và tự nhiên, giữa con người và con người. Tương hợp cảm giác chính là cách đi tìm mối liên hệ vô hình đó, họ có

thể nhìn thấy được những thứ mà con người nghe được, do đó phải xáo trộn các giác quan để đi tìm cái vô hình. Tương hợp của chủ nghĩa tượng trưng phương Tây đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà thơ mới như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê. Do đó, trong thơ các tác giả này có cả một lớp từ được kiến tạo nên từ cảm quan tương ứng. Đó là những từ chỉ cảm giác của con người như thính giác, vị giác, khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác được chuyển đổi sang các cảm giác khác. Tương hợp là cách để các thi sĩ thơ tượng trưng thay đổi quan hệ của con người với thế giới. Rimbaud đòi hỏi nhà thơ phải là “một kẻ thấu thị” (un visionnist), nghĩa là “có khả năng thấy được cái siêu nhiên mà người thường không trông thấy” bằng “sự gây rối loạn lâu dài, rộng khắp và có suy tính tất cả các giác quan” (Phùng Văn Tửu)... Âm thanh, màu sắc, hương thơm - những đối tượng của giác quan xuất hiện với tần số rất cao ở thi giới Thơ mới nói chung và thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên nói riêng... Khảo sát Điêu tàn, Chế Lan Viên 52 lần nhắc đến màu sắc, 63 lần nhắc đến âm thanh, 24 lần nhắc đến mùi hương... Nhà thơ cảm nhận tất cả những gì đang diễn ra bằng năng lực tổng hợp qua thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác, đem lại sự khám phá tinh túy, kỳ diệu về thế giới xung quanh mình. Với ý thức chấp nhận cái tột cùng của bi thảm là sống với hư vô, Chế Lan Viên cảm nhận được cái nhỏ bé, đơn côi của mình trong cõi siêu hình như “một con chim thu lạc cuối ngàn”. Nhưng trong những phút giây ấy, thi sĩ được dịp phát triển hết mọi cảm quan, ngây ngất, đê mê, mơ mộng trước cảnh tượng u sầu, huyền ảo. Có thể nói, lớp từ ngữ gợi lên sự tương hợp cảm giác xuất hiện với một mật độ tương đối nhiều trong Điêu tàn của Chế Lan Viên. Nhờ sử dụng lớp từ này mà biên giới thơ ông mở rộng, cho phép nhà thơ đi mãi vào cõi vô hình để đem về những thanh âm, sắc màu diễm ảo của một thế giới khác hẳn thế giới ta đang sống. Trong thế giới đó, màu sắc, âm thanh và hương thơm cùng hô ứng:

Hãy lắng nghe, nhạc tơ mềm giãy giụa Trong nhạc trăng vang nổi khắp cung mây (Vo lụa)

Bằng cách xáo trộn các giác quan, thi nhân đã chuyển những từ chỉ thị giác sang một cảm giác thính giác: nghe tiếng nhạc trong trăng. Còn đây, nhà thơ thưởng thức trăng bằng khứu giác:

Cho ta đựng cả một bầu sao rụng

Cả một nguồn trăng sáng cả muôn hương (Đầu mênh mang)

Từ năng lực khám phá những tương ứng, tương giao trong thiên nhiên, Chế Lan Viên đã bỏ “cái trông thấy” để đi vào thế giới bên trong, nơi âm thanh, màu sắc, hương thơm hòa hợp, sáp nhập với nhau. Thế giới đầy nhạc, đầy hoa thơm tho vô độ ấy là “thế giới của ước mơ, của sự giao hòa tương ứng giữa các giác quan, của sự mập mờ bất phân định giữa chủ thể và khách thể” [35,163].

Thơ Chế Lan Viên không chỉ có sự tương hợp giữa các giác quan mà còn có cả sự tương hợp giữa trực giác và vô thức trong tư duy nghệ thuật. Tư duy văn học đóng vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định đến sáng tác cũng như chất lượng tác phẩm. Đặc điểm quan trọng nhất của tư duy thơ là sự thể hiện cái tôi trữ tình, cái tôi cảm xúc. “Nghe ngóng, quan sát, lấy tài liệu cũng chỉ giúp ta nắm chân lý lấy một nửa. Còn một nửa nữa là phải biết vận dụng tư duy… Tư duy phải làm nghìn triệu phép tính, bộ óc phải vận dụng từ sức quan sát, sự phán đoán, trí tưởng tượng” (Chế Lan Viên). Ảnh hưởng từ những luồng tư tưởng tiến bộ phương Tây, Chế Lan Viên đã có những chuyển biến mạnh mẽ đầy sáng tạo, phóng túng theo trí tưởng tượng, cảm xúc, nhân sinh quan, thế giới quan và hoàn cảnh riêng của chủ thể trữ tình. Trong Điêu tàn, có sự dung hòa giữa tư duy phương Đông và phương Tây, thiên về trực giác và phi lý tính.

Hơn ai hết, Chế Lan Viên quan niệm thi nhân phải là người thức nhọn mọi giác quan, đi sâu vào tận tâm hồn, cõi tâm linh của mình để đánh thức những miền bí ẩn, huyền diệu của thế giới vô thức, cảm nhận thế giới bằng trực giác chứ không phải bằng những trực cảm thông thường. Vậy trực giác là gì? “Trực giác là một đột

nhiên trong tâm lý ta bắt gặp một hình tướng hay ý tượng, mà thực ra đó là sự sáng tạo vì hình tướng là sự sáng tạo nên nghệ thuật [75,164]. Thông qua trực giác, nhà thơ có thể nắm được cái tiềm ẩn bên trong, “cái lõi” của sự vật, hiện tượng một cách trực tiếp nhất, nó khác với những trực cảm thông thường của các nhà thơ lãng mạn. Đó là sự vụt hiện, là khoảnh khắc gây nổ tung, tuôn vọt những cảm xúc, cảm giác ở thang độ đỉnh điểm vốn tích lũy những mãnh lực nằm ẩn sâu trong lớp vô thức. Chính trực giác và vô thức làm cho nghệ thuật bùng phát và tỏa sáng. Theo Maritain, nguồn gốc của sự hoạt động con người dù là lý tính hay phi lý tính đều gom về một mối là tinh thần vô thức.

Trong Điêu tàn, thế giới tượng trưng mờ ảo là thế giới lý tưởng của thi sĩ. Đó là thế giới của những biểu tượng hồn ma, tử khí, xương khô... Và trong thế giới tượng trưng, dường như tất cả được nhìn bằng trực giác và vô thức. Vô thức như một giây phút thôi miên từ hư vô xa thẳm vẫy gọi tác phẩm hình thành. Từ trực giác và vô thức, thi sĩ có thể nghe “ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”, nghe được “tiếng xương máu khóc không thôi”... Vô thức trong Điêu tàn được khởi phất từ những điều ám ảnh của thực tại khách quan mà nhà thơ từng trải qua và có tác động cực kỳ to lớn đến nhận thức. Nhưng những ám ảnh của các thi nhân có thể xuất phát từ những ẩn ức dồn nén do bi kịch cá nhân đem lại. Chính những ảnh hưởng to lớn của thực tại khách quan chèn ép đến nhận thức khiến nhà thơ ám ảnh. Trong Điêu tàn, có nhiều bài thơ sáng tác từ kiểu tư duy kết hợp trực giác và vô thức. Chán ghét thực tại, Chế quay về quá khứ, tìm lại nước Chàm xưa cũ. Trên đường về, bằng trực giác của mình, thi nhân đã nghe được bao âm thanh huyền bí, ghê sợ vọng lên từ cõi hư vô:

Ta hãy nghe, trong mồ sâu lạnh lẽo, Là thịt người nảy nở tiếng xương rên Ta hãy nghe mơ màng trong cỏ héo Tiếng cô hồn lặng thở khí trời đêm!

Tất cả như tan biến chỉ còn hồn ma ám ảnh, vô thức sống dậy đẩy lùi ý thức, thậm chí phủ nhận luôn sự tồn tại của ý thức. Từ đây, cái hoang tàn, đau thương của Chiêm Thành càng được hiển lộ. Thiên nhiên, vũ trụ đều tan vỡ: “hoa rạn vỡ”, “muôn cánh rũ”, “sao sa”, trăng rụng”… Với ý thức chấp nhận cái tột cùng của vũ trụ là sống với hư vô, Chế Lan Viên cảm nhận như thân thể của mình cũng đang dần tan vỡ:

Hầu rang nóng lửa hồn bừng cháy mắt Máu hồng tươi lay vỡ cả thành tim Đâu điệu nhạc điên cuồng khao khát Chẳng vang lên tràn ngập suối trăng êm Đem mau đây chiếc sọ người ứ huyết Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh Và rót mau trong hồn ta tê liệt

Những nguồn thơ rồ dại hỡi yêu tinh (Điệu nhạc điên cuồng)

Qua rừng biểu tượng đầy rùng rợn, Chế Lan Viên dẫn người đọc đến những trang thơ Điêu tàn nhuốm màu khủng khiếp của địa ngục máu xương. Dòng suy tưởng nhà thơ trôi theo sắc đỏ của máu, màu trắng của xương, màu vàng của chết chóc, màu đen của bóng đêm... Từ trực giác và vô thức, nhà thơ ao ước: “Cho hồn phách say sưa trong giả dối (...) Cho lăn lóc hôn mê trong ảo huyễn” (Tạo lập). Tất cả đều được đính kèm những hình ảnh và biểu tượng làm bật lên ý nghĩa của sự huỷ diệt, chết chóc. Đây là lời thơ miêu tả một yêu tinh nhớ nơi trần thế.

Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng Nút bao dòng huyết đẫm khí tanh hôi Tìm những miếng trần gian trong tủy cạn Rồi say sưa, vang cất tiếng reo cười

Rồi nhà thơ kêu lên:

Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta? Ý của ai trào lên trong đáy óc,

Để bay đi theo tiếng cười, điệu khóc? (Ta)

Đề cao trí tưởng tượng nhằm tạo ra những vần thơ lung linh, kỳ ảo, nên đối với Chế Lan Viên, thơ nhiều khi như là một sự thách đố. Và cũng nhờ vậy, thơ nhiều trường nghĩa, giàu liên tưởng, “ngôn tận ý nhi bất tận”. Thi nhân luôn mở rộng giác quan để hứng lấy vạn vật và trao cho nó một hình hài cụ thể để thế giới tinh thần và vạn vật trở nên có tâm trạng. Chẳng hạn, các nhà thơ biến dải ngân hà thành sông, ở đó mỗi vì sao như con cá thủy tinh trong suốt:

Ta để xiêm lên mây, rồi nhẹ bước

Xuống dòng Ngân lòa chói ánh hào quang Sao tán loạn đua bơi trên mặt nước,

Tiếng lao xao dội thấu đến cung Hằng (Ngủ trong sao)

Bằng ngôn ngữ biểu tượng của tư duy nghệ thuật tương hợp, Chế Lan Viên đã vượt lên khỏi cái vẻ tầm thường của những kiến tạo ngôn ngữ thông thường, hình thành nên những biểu tượng tượng trưng đầy ám ảnh, từ đó thiết kế nên nhiều bài thơ tân kỳ, lôi cuốn người đọc vào miền tâm linh miên viễn.

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 83 - 88)