Xươn g máu

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 45 - 49)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Xươn g máu

Thế giới của Điêu tàn là thế giới cõi âm, bóng tối với thịt rữa, xương tan, sọ người, đầu lâu, máu chảy,... Những hình ảnh trong tập thơ được tác giả lặp đi lặp lại trở thành những biểu tượng nghệ thuật có khả năng ám gợi rất cao. Nhà thơ như dẫn đầu một đoàn ma, kéo vào thi đàn Việt Nam bằng những trang thơ đẫm máu. Hệ biểu tượng này xuất hiện 63 lần trong 19 bài. Ở một số bài thơ, sọ người, xương máu xuất hiện với tần số cao như: “xương khô” 9 lần, “máu xương” 8 lần, “Xương vỡ máu trào” 6 lần. Biểu tượng xương - máu thường đi song hành, gắn bó với nhau và chúng tồn tại trong mối cộng hưởng với những biểu tượng sọ người (xuất hiện 14 lần trong 9 bài thơ) tạo nên sức ám gợi cao, ám ảnh tâm trí người đọc: “Đem mau đây chiếc sọ người ứ huyết - Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh” (Điệu nhạc điên cuồng).

Sọ người, xương máu là những bộ phận quan trọng đối với cơ thể con người. “Chiếc sọ người” biểu tượng hoá niềm siêu nhiên, thăm thẳm bao gồm ba trạng thái cô đơn - cái chết - hư vô từng thách đố triết học và tôn giáo. “Chế Lan Viên dùng thi ca để giải mã những chiếc sọ người mong tìm tôn giáo, tìm bí mật phía bên kia tồn tại như tìm nỗi không đau, vớ vẩn kiếp người” [51, 223]… Theo

Từ điển Biểu tượng văn hoá thế giới, “xương là bộ khung, là yếu tố cốt yếu và tương đối chính yếu của cơ thể. Xương hợp thành cái phần bền vững nhất, nếu không phải là bất diệt của cơ thể con người, cái bên trong; là giá đỡ của cái hữu hình” [51, 1029]. Từ đó, xương trở thành biểu tượng của cái cốt yếu, bản thể của vũ trụ, của tính quả quyết, sức mạnh và đức hạnh. Mặt khác, xương chứa tuỷ là “cái mầm của sự phục hưng”, của sự “tái sinh”, nên nó có thể gợi sự phục hưng hiển vinh. Trong khi đó, “Máu tượng trưng cho tất cả những giá trị liên đới với lửa, với sức nóng và sự sống, gắn với mặt trời. Tất cả những gì là đẹp, quý phái, hào hiệp, cao thượng đều gắn với những giá trị đó… Máu được coi như là phương tiện truyền dẫn sự sống. Máu còn ứng với nhiệt, nhiệt của sự sống, nhiệt của thân thể và còn là vật dẫn linh hồn” [51, 566]. Như vậy, máu và xương đều

là những biểu tượng biểu trưng cho sự sống. Nói như Kinh thánh: “máu là sự sống”. Tuy nhiên, các biểu tượng này có tính hai chiều đối nghịch. Khi xương ở trạng thái vững chắc, ổn định, nó là giá đỡ, là yếu tố cốt yếu đảm bảo cho sự sống. Nhưng xương vỡ, xương tan đồng nghĩa sự sống bị huỷ hoại. Khi tồn tại ẩn giấu kín bên trong cơ thể, máu là điều kiện của sự sống. Ngược lại, nếu vãi ra, nó mang ý nghĩa của cái chết. Biểu trưng cái chết là dạng thức tồn tại chủ yếu của máu và xương trong thế giới Điêu tàn.

Máu xương trước hết biểu trưng cho cái chết, cho tột cùng cảm giác đau thương. Nó là sự cụ thể hoá những tiêu vong về thể xác, là sự cụ thể hóa sự lụi tàn và diệt vong của cả một thế hệ, một dân tộc, nó là những nỗi đau của quá khứ:

Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.

(Trên đường về)

Tiếng máu dân Chàm “kêu rạo rực”, làm “rung chuyển cỏ xanh non”. Tiếng xương Chàm “rên rỉ nỗi căm hờn”. Máu chảy lênh láng và những “sọ dừa”, “xương khô”, xương tàn”, “xương vỡ rạn” chất thành gò đống phả ra một luồng khí lạnh, gai góc và ám ảnh. Xương máu trùm mọi không gian, cảnh vật: bầu trời trở thành “trời huyết”, Sông Linh “quằn quại dòng máu thắm”, cảnh vật tươi tắn lúc xuân về cũng gợi hình “khối máu của dân Chàm”:

Hãy bảo ta: cánh hoa đào mơn mởn Không phải là khối máu của dân Chàm

Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm!

(Xuân về)

Máu xương gợi về nơi chiến địa của dân tộc Chàm, về một quá khứ đã lùi vào dĩ vãng:

Trong gió rét, tiếng huyết kêu rạo rực ...Ồ ạt trôi nguồn máu chiến trường xa

Chính vì thế mà khi nhìn màu hoa đào của mùa xuân, thi sĩ cũng tưởng đó là “khối máu của dân Chàm”, cành cây là “hài cốt của muôn vạn dân Chiêm” và trời xuân lúc này chỉ là “trời huyết”... Nó là một phần cơ thể tinh tuý của muôn dân Chàm lưu sót lại. Cho nên, chủ thể trữ tình khát thèm nó đến cuồng loạn và kinh dị. Thực chất, nhà thơ muốn “nếm lại cả một thời xưa cũ” để thấu hiểu, cảm thông với những niềm bi hận, hờn căm của dân Chàm.

Những hình ảnh máu xương ngập tràn trong Điêu tàn chính là một không gian đặc biệt để cái tôi trú ngụ, thả vào đó những đau thương khủng khiếp nhất. Nó là kết tinh và hội tụ thương đau khủng khiếp trong tâm hồn và thể xác thi nhân: “Ta sẽ uống máu lan thành tủy chảy - Ta sẽ nhai thịt nát với xương khô - Lấy hơi ma nuôi sống tấm hồn mơ - Luyện âm khí chuyển rung bao mạch máu” (Máu Xương).

Máu không chỉ xuất hiện một cách đơn thuần mà đã trở thành “suối”: “Nồng tươi như suối máu lúc ban mai”, “Phải chăng còn trào bao suối huyết”, thành “giòng”, “giải” : “Thi nhân sầu, nhìn theo dòng huyết cuốn - Tâm hồn trôi theo giải máu bơ vơ” (Sông Linh).

Máu xương chính là một “dạng thức”, của cái tôi siêu thực muốn phân mảnh, đi tìm bản thể. Không chỉ Chế Lan Viên, những người bạn thơ trong Trường thơ Loạn của ông cũng mang trong mình mạch xúc cảm đau thương này. Những vần thơ Loạn dính đầy máu, những búng máu đỏ tươi thoát ra từ lồng ngực nóng bỏng bị ẩn ức, từ trái tim vật vã đầy khát khao: “Người Trăng ăn vận toàn Trăng cả - Gò má riêng thôi lại đỏ hườm - Ta nằm trong vũng Trăng đêm ấy - Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say Trăng - Hàn Mặc Tử). Đó là những giọt máu của điên cuồng, phẫn uất: “Ai bảo là tôi chửa chết rồi! - Máu cuồng vẫn chảy điệu mê tơi - Máu cuồng ran khắp trong cơ thể - Ai bảo là tôi chửa chết rồi!” (Cơn mê - Bích Khê). Sự cảm nghiệm về máu của mỗi hồn thơ Loạn hiện lên ở những góc độ đậm nhạt khác nhau. Hàn Mặc Tử ám ảnh bởi sự tuôn chảy không ngừng của máu, ban đầu là “rớm máu”, rồi mỗi ngày càng trầm trọng hơn với những “máu vọt”, “mửa máu”, “hộc máu”… thành “vũng máu”, “búng

huyết”, và cuối cùng tan thành một biển máu đầy xót xa được chảy ra từ khoái cảm ngất ngây và điên dại trong người thi sĩ: “Máu tim ta tuôn ra làm bể cả - Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi - Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ - Dâng lên cao, cao tột tới trên trời” (Biển hồn ta - Hàn Mặc Tử). Sự đau thương trong thơ Bích Khê cũng được đẩy đến tột cùng ám ảnh: “Buồn sao muốn khóc cho ra máu - Hiện ảnh trong hồn một đám tang” (Sầu lãng tử - Bích Khê). Những câu thơ của của các thi sĩ thơ Loạn thật đúng như Egar Poe từng nói: “Làm thơ làm những điều kì lạ dị thường, vượt lên trên mọi giới hạn thông thường”.

Xương máu vừa là biểu tượng của cái chết, vừa là biểu tượng của sự sống, trạng thái nhiệt hững trong sáng tạo thi ca. Xương máu là xác của linh hồn, cũng là hồn của thể xác. Cho nên, lắm khi xương máu mang đến cho Chế Lan Viên những cảm xúc say mê sáng tạo được đẩy đến cực điểm. Dường như với ông, khi làm thơ là khi đang đổ máu, trong một hành trình thể nghiệm, tìm kiếm đầy đau thương:

Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta! Để những giọt máu đào còn đọng lại Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ (Cái sọ người)

Quá vãng về non nước Chàm bi hận và tìm đến xương máu là khách thể để khách thể thơ ông được thăng hoa, tư tưởng siêu hình cất cánh:

Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ Ta sẽ ca giọng hát của Hồn Điên Để máu cạn, hồn tàn, tim rạn vỡ Để trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền! (Điệu nhạc điên cuồng)

Xương máu là nguồn sáng tạo vô biên, đưa linh hồn nhà thơ đến gần với thể thống nhất sâu xa của vũ trụ. Và khi đi đến tận cùng, thoát thai vào một cõi uy nghiêm nào đó, hóa thân thành muôn vàn tinh khí, cũng là lúc khả năng sáng tạo của các nhà thơ trở thành miên viễn.

Một phần của tài liệu Thế giới biểu tượng trong điêu tàn của chế lan viên (Trang 45 - 49)