2.1.1. Báo điện tử Tri thức Trực tuyến (Zing.vn) (https://news.zing.vn/)
Xuất hiện từ năm 2013, đến nay Zing.vn đã trở thành tờ báo điện tử số 1 Việt Nam. Theo số liệu của comScore, tính đến hết tháng 8/2018, Zing.vn là tờ báo điện tử đứng đầu bảng xếp hạng các trang báo và thông tin điện tử tại Việt Nam, với 14.632 triệu lượt xem, chiếm 33% tổng số người đọc báo điện tử thường xuyên. Đặc biệt, tỉ lệ người đọc Zing.vn trên các thiết bị di động chiếm tới 31.5%.
Giao diện màn hình chính của báo điện tử Zing.vn
Tờ báo cũng xác định nhóm đối tượng độc giả chủ yếu là những người trẻ, có sở thích, thói quen tiếp nhận thông tin qua các thiết bị công nghệ như laptop hay điện thoại thông minh. Do đó, giao diện, nội dung của báo cũng
như cách thức truyền tải thông tin luôn được tòa soạn xây dựng phù hợp với các đặc điểm của nhóm công chúng này.
Về giao diện, báo xuất hiện với giao diện đơn giản, dễ nhìn. Màu chủ đạo là đen trắng, khu vực mục Multimedia được ưu tiên đặt trên nền vàng làm điểm nhấn. Các tin bài được sắp xếp linh hoạt theo chiều dọc, chủ yếu được chia thành 4 cột nhỏ. Nhìn chung, phần nội dung tin bài chiếm diện tích chủ yếu trên giao diện trang, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin cần thiết với bản thân.
Về nội dung, Zing.vn luôn cập nhật tin tức nhanh chóng, khách quan trên tất cả các lĩnh vực, từ thời sự, thế giới, pháp luật đến giải trí, ẩm thực, du lịch. Tờ báo sở hữu số lượng mục đa dạng, bao trọn các khía cạnh của cuộc sống. Hiện nay, báo có 18 mục, mỗi mục lại gồm ít nhất 2 chuyên mục nhỏ hơn. Ví dụ, mục Thời sự bao gồm 3 chuyên mục nhỏ hơn là Chính trị, Giao thông và Đô thị. Số chuyên mục trong Công nghệ lại lên tới con số 5, với Mobile, AI, Smarthome, Startup, Oppo F11 Series.
Không chỉ chú trọng về việc cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và hiện đại, Zing.vn còn nghiên cứu tâm lý, nhu cầu và thói quen chia sẻ, bình luận phản hồi của độc giả với tòa soạn. Do đó đã kích thích được nhu cầu chia sẻ của bạn đọc và nhận về, xử lý và xuất bản số lượng phản hồi khá lớn. Chuyê mục Voices là nơi tiếp nhận các bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của các chuyên gia, những người có hiểu biết sâu về lĩnh vực, vấn đề được bàn tới. Đây vừa là cách để báo đa dạng hóa góc nhìn của mình, vừa trở thành diễn đàn để bạn đọc tìm hiểu và chia sẻ ý kiến cá nhân về vấn đề.
2.1.2. Báo điện tử VnExpress (https://vnexpress.net/)
Ra mắt công chúng vào ngày 26/2/2001, báo điện tử VnExpress là tờ báo công nghệ hình thành từ ý tưởng của nhà báo Thang Đức Thắng (khi đó là Trưởng ban điện tử của báo Lao Động) và ông Trương Đình Anh (Giám đốc Trung tâm Internet FPT).
Giao diện màn hình chính báo điện tử VnExpress
Ngày 25/11/2012, VnExpress chính thức trở thành tờ báo mạng điện tử độc lập đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm này, theo dữ liệu của Google Analytics, tờ báo có hơn 17 triệu độc giả thường xuyên với khoảng 34 triệu lượt truy cập mỗi ngày, tỉ lệ độc giả trong nước chiếm hơn 80%. Tính đến hết năm 2016, tờ báo đã nhận về gần 16 tỷ lượt truy cập và vẫn đang trên đà tăng trưởng độc giả không ngừng.
Tòa soạn cũng đã xây dựng tờ báo phong phú với nhiều chuyên mục hơn, đặc biệt chú trọng các mục, bài viết mang tính bình luận chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Về hình thức, VnExpress là tờ báo mạng điện tử có giao diện đơn giản, chuyên nghiệp và thân thiện với hai màu chủ đạo là trắng và đỏ sẫm. Các tin bài được sắp xếp theo chiều dọc, với 3 cột cơ bản: cột bên trái là tin, bài chính; cột ở giữa là những tin bài được nhiều người đọc và tin, bài cũ hơn tin, bài chính; cột bên phải là nội dung quảng cáo. Phần nội dung tin, bài được sắp xếp vị trí khoảng 2/3 diện tích trang chủ, giúp bạn đọc dễ tiếp cận thông tin; trong khi đó các hình ảnh quảng cáo chỉ chạy dọc theo chiều dài tin, bài và
kích thước không lớn, do đó không gây bất tiện, phiền phức và làm người đọc mất tập trung.
Về nội dung, đưa tin nhanh chóng, chính xác, có kiểm chứng là mục tiêu phát triển nội dung tờ báo của VnExpress. Đó là lý do tòa soạn VnExpress được thiết kế với kiến trúc mở để dễ dàng trao đổi thường xuyên, nhanh chóng giữa các nhà báo nhằm theo kịp dòng thời sự, với khoảng 500 tin bài được sản xuất trong 24 tiếng.
Đến nay, VnExpress có 18 mục gồm: Video, Thời sự, Góc nhìn, Thế giới, Kinh doanh, Thể thao, Pháp luật,... Mỗi mục lại có các chuyên mục nhỏ hơn giúp độc giả dễ dàng theo dõi và tìm kiếm thông tin. Ví dụ, mục Kinh doanh bao gồm 10 chuyên mục nhỏ, là: Doanh nghiệp, Bất động sản, Ebank, Thương mại điện tử, Hàng hóa, Tiền của tôi, Chứng khoán, Quốc tế, Vĩ mô, Startup. Mặc dù không phải tất cả tin, bài trong các mục đều được phân chia vào từng chuyên mục cụ thể, song việc đưa ra các chuyên mục này cũng góp phần giúp tòa soạn dễ dàng phân loại tin tức hơn, độc giả cũng dễ dàng tìm đọc thông tin mình cần.
Ra đời vào năm 2014, mục đích của Góc nhìn là nhằm diễn giải thông tin chuyên sâu dưới các dạng bài bình luận của phóng viên, nhà báo làm việc tại tòa soạn, hoặc của các chuyên gia về lĩnh vực có hiểu biết sâu rộng. Từ đó phân tích, giải thích, giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn bức tranh thông tin toàn cảnh với đa góc nhìn.
Thông qua các kênh tiếp nhận ý kiến độc giả, mỗi năm VnExpress xuất bản xấp xỉ 4 triệu bình luận, trở thành một trong các tờ báo tiếng Việt xuất bản nhiều ý kiến độc giả nhất.