Một tình trạng diễn ra phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới đó là việc các tòa soạn báo mạng điện tử đùn đẩy một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm quản lý môi trường bình luận cho các trang mạng xã hội. Tuy nhiên đây cũng không phải là phương án giải quyết hiệu quả, thậm chí còn có thể gây tổn hại đến danh tiếng của tờ báo.
Hồi năm 2014, hãng tin Reuters đã đóng phần bình luận dưới mỗi tin bài, và chuyển những cuộc thảo luận của độc giả lên các trang mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến với lý do: “Những cộng đồng này cung cấp không gian trò chuyện sôi nổi và quan trọng là người dùng tự chịu trách nhiệm về lời nói của mình”. [25]
Tại Việt Nam, hồi tháng 7/2016, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi công văn số 779/CBC-TTPC tới các cơ quan báo chí, nêu rõ nhiều cơ quan báo chí trong nước đã mở fanpage để đăng tải bài viết từ báo mạng điện tử nhưng chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ các bình luận. Do đó, Cục yêu cầu các cơ quan báo chí phải rà soát hoạt động cung cấp nội dung trên fanpage, không để các đối tượng xấu lợi dụng bình luận, tuyên truyền xuyên tạc, gây dư luận xấu.
Không chỉ Việt Nam, chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng tăng cường yêu cầu các tờ báo cần chịu trách nhiệm trong việc quản lý bình luận trên fanpage, đặc biệt là trong bối cảnh Facebook tuyên bố không chịu bất cứ trách nhiệm nào với môi trường bình luận tại các trang này.
Tuy nhiên để kiểm duyệt khối lượng bình luận khổng lồ trên không gian không biên giới Internet là điều khó khăn với bất cứ tờ báo nào. Do đó, hợp tác cùng các trang mạng xã hội là việc cần làm để quản lý được lượng bình luận này.
Trong đó, các nền tảng mạng xã hội có thể cung cấp các công nghệ hiện đại nhất để quản lý bình luận của người dùng tại các trang fanpage của tờ báo cũng như hỗ trợ sàng lọc, xét duyệt bình luận theo quy chế hậu kiểm của mình.
Hồi năm 2015, Facebook đã cho ra mắt tính năng quản lý bình luận trong phần Hoạt động của các trang bán hàng, cho phép hiển thị toàn bộ các bình luận theo thời gian thực. Giao diện của tính năng này tương tự các công cụ quản lý bình luận trên fanpage hiện nay trên thị trường như Pancake, Harapage... Quản trị viên trang bán hàng có thể theo dõi chính xác khách hàng đã bình luận vào bài viết nào, và trả lời họ trực tiếp từ giao diện này. Với tính năng này, quản trị viên có thể gắn cờ, đánh dấu đã đọc tại các bình luận như với phần tin nhắn của Facebook. Ngoài ra, thông tin sơ lược về
người bình luận cũng được hiển thị nhằm giúp các quản trị viên có cái nhìn tổng quát về khách hàng của mình.
Nếu hợp tác cùng Facebook, các tờ báo có thể phối hợp nghiên cứu cùng trang mạng xã hội này để cho ra tính năng quản lý bình luận các fanpage báo chí hoạt động tương tự như với các trang thương mại. Từ đó dễ dàng kiểm tra lịch sử bình luận của người dùng, kịp thời loại bỏ bình luận độc hại và tham gia tương tác sâu hơn với người dùng.
Ngoài ra, các tờ báo cũng có thể sử dụng bản quy định hậu kiểm của Facebook nhằm sàng lọc, báo cáo và gỡ bỏ các bình luận có nội dung gây ảnh hưởng xấu đến môi trường chung. Những quy định trong Facebook Safety Summit sẽ bao quát và một số quy định sẽ phù hợp hơn với môi trường mạng Internet hơn, giúp quản trị viên của các trang fanpage báo chí dễ dàng phân loại bình luận hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng có thể hỗ trợ việc quản lý bình luận bằng việc lên danh sách các từ khóa để đưa vào công cụ lọc bình luận của Facebook, cập nhật danh sách các địa chỉ email đã từng đăng kí tài khoản trên báo và có nhiều bình luận vi phạm nội quy của báo. Danh sách địa chỉ này sau đó có thể được đối chiếu chéo với hệ thống các tài khoản người dùng của Facebook để chỉ ra các đối tượng cần chú ý khi gửi bình luận.