Là việc các cơ quan, cán bộ có thẩm quyền sử dụng các biện pháp bắt buộc bằng bạo lực của nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức, nhằm buộc các cá nhân, tổ chức phải thực hiện hoặc không thực hiện những hành vi nhất định; hạn chế về quyền, tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc hạn chế tự do thân thể của cá nhân.
Việc sử dụng phương pháp cưỡng chế mang tính chất hành chính - chính trị, thể hiện bản chất giai cấp của nhà nước một cách rõ nét. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, phương pháp này chỉ có thể coi là được "ưu tiên" sử dụng đối với các phần tử phản động, phản cách mạng mà không phải là đối với quần chúng nhân dân. Ngược lại, trong nhà nước bóc lột thì cưỡng bức, bạo lực là cách tác động chủ yếu nhằm mục đích cai trị đối với quần chúng nhân dân lao động.
Ở Việt Nam, việc sử dụng phương pháp cưỡng chế đòi hỏi phải tuân theo những nguyên tắc quan trọng sau:
- Chỉ áp dụng cưỡng chế khi nào thuyết phục không đạt hiệu quả.
- Chỉ áp dụng cưỡng chế khi có quy định pháp luật cụ thể và rõ ràng, tuân theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
- Khi cần thiết áp dụng thì phải lựa chọn các biện pháp cưỡng chế mang đến thiệt hại ở mức thấp nhất cho đối tượng bị áp dụng.
- Ngay cả trước khi áp dụng cưỡng chế, vẫn phải tiến hành thuyết phục để tạo điều kiện cho đối tượng quản lý tự giác chấp hành các mệnh lệnh của chủ thể quản lý.
Cưỡng chế hành chính là biện pháp cưỡng chế nhà nước do cơ quan nhà nước hay cán bộ, công chức có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật hoặc nhằm ngăn chặn vi phạm hành chính xảy ra hoặc nhằm khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh... gây ra hoặc vì lý do an ninh --quốc phòng:
Các biện pháp cưỡng chế hành chính được áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật (trước hết là vi phạm hành chính) và ngay cả khi không có vi phạm pháp luật mà chỉ cần vì lợi ích nhà nước, tập thể và cộng đồng. Đó chính là nét đặc trưng của loại biện pháp cưỡng chế này so với cưỡng chế hình sự, dân sự hay kỷ luật. Các biện pháp cưỡng chế hành chính cũng rất đa dạng, phù hợp với đặc thù của đối tượng quản lý và yêu cầu của công tác quản lý, bao gồm:
- Nhóm biện pháp xử phạt hành chính: là những hình thức, biện pháp áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhằm giáo dục, phòng ngừa vi phạm, gồm các hình thức phạt được quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất...
Nhóm các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra được quy định tại Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 3012 gồm: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
Nhóm biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: là các biện pháp được áp dụng khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Bao gồm các biện pháp: khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
- Nhóm biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính: Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính: tạm giữ người; áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trongthời gian làm thủ tục trục xuất; giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính; truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp
bỏ trốn (Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012). - Nhóm biện pháp xử lý hành chính: Đây là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành 'chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý tại gia đình. Biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Nhóm biện pháp phòng ngừa hành chính và biện pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh hoặc vì yêu cầu lợi ích chung: kiểm tra giấy tờ của các đối tượng tham gia giao thông; cấm đi qua khu vực nhất định khi có dấu
hiệu mất an toàn; kiểm tra y tế bắt buộc khi có dịch bệnh; đóng cửa biên giới; trưng dụng, trưng mua...
Trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm pháp luật mà có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính, cưỡng chế kỷ luật, cưỡng chế hình sự, cưỡng chế dân sự. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, chủ thể quản lý phải nắm vững bản chất và vai trò của phương pháp cũng như nguyên tắc áp dụng cưỡng chế để đảm bảo sử dụng đúng phương pháp. Giữa thuyết phục và cưỡng chế có mối quan hệ qua lại, hỗ trợ góp phần làm nên hiệu quả quản lý. Sự kết hợp của chúng tạo ra các phương pháp khác.