Những quy định chung về viên chức và hoạt động nghề nghiệp

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM (tài liệu ôn thi) (Trang 33 - 42)

Khi tiến hành hoạt động nghề nghiệp, viên chức tuân theo các nguyên tắc sau:

- Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

Tương tự như cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ, viên chức phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc tuân thủ những quy định thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình viên chức tác nghiệp. Nếu vi phạm những quy định đó, viên chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Tận tụy phục vụ nhân dân.

Điều 8 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân... Viên chức là những người trực tiếp tiến hành các hoạt động cung ứng các dịch vụ công thiết yếu cho nhân dân hoặc tiến hành các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước xuất phát từ chức năng của đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, thái độ tận tụy phục vụ nhân dân trong suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp của viên chức một mặt thể hiện đạo đức nghề nghiệp, mặt khác tạo dựng và nâng cao uy tín của Nhà nước trước nhân dân.

- Tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử.

Đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức là thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi một vị trí việc làm, mỗi một chức danh nghề nghiệp có một quy trình, quy định thực hiện cụ thể khác nhau. Bởi vậy, khi tiến hành những công việc chuyên môn, nghiệp vụ, viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, viên chức cần rèn luyện phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp. Mỗi một nghề nghiệp thường có một chuẩn mực đạo

đức riêng biệt để tạo ra lợi ích, giá trị cho xã hội. Đạo đức nghề nghiệp là việc xác định đúng mục đích nghề nghiệp và các chuẩn mực về hành vi phù hợp với đặc thù hoạt động nghề nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cơ bản, nhằm đảm bảo cho sản phẩm và dịch vụ của ngành nghề đó. Bác Hồ đã từng dạy: "Có tài mà không có đức... thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người".

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và của nhân dân.

Nhân dân là chủ thể cao nhất trong xã hội đánh giá và kiểm tra, giám sát hoạt động nghề nghiệp của viên chức thông qua những sản phẩm mà họ cung cấp cho xã hội.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM (tài liệu ôn thi) (Trang 33 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(60 trang)
w