Quan niệm về con người trong triết học hiện sinh + Khái lược về triết học hiện sinh

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ 8 TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI (Trang 27 - 31)

+ Khái lược về triết học hiện sinh

Chủ nghĩa hiện sinh hiện đại ra đời sau đại chiến thế giới lần I tại Đức, sau đại chiến II chuyển sang Pháp; tiếp đó thuyết hiện sinh đến châu Âu, Á, Phi, thập niên 60 đến Mỹ. Chủ nghĩa hiện sinh ra đời có hai nguyên nhân chủ yếu: Một là, tai họa của hai cuộc thế chiến gây ra sự tàn phá khủng khiếp, đẩy con người vào sự tha hóa cùng cực, tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong đời sống tinh thần. Hai là, phản ứng trước việc sùng bái, tuyệt đối hóa vai trò của khoa học - kỹ thuật, hạ thấp, bỏ rơi con người hoặc chỉ quan tâm đến mặt vật chất và lý trí con người mà xem nhẹ mặt tâm hồn, đời sống tình cảm của con người.

Chủ nghĩa hiện sinh thường được chia thành bốn loại: 1, Chủ nghĩa hiện sinh vô thần với các đại biểu tiêu biểu như: Heidegger, Gi.P Sartre, Méclô Pôngti; 2, Chủ nghĩa hiện sinh công giáo với các đại biểu như E.Muniê, G.Macsxen, K.Giatspe; 3, Triết học hiện sinh Tin lành với đại biểu tiêu biểu là Kiếckêgo; 4, Chủ nghĩa hiện sinh theo xu hướng chủ nghĩa Tômát với các đại biểu như L. Laven và G.Guysđoc. + Quan niệm về con người trong triết học hiện sinh

Con người - cá nhân trong triết học hiện sinh

Triết học hiện sinh không coi việc nghiên cứu quan hệ giữa vật chất và ý thức là đối tượng nghiên cứu của mình. Họ muốn thoát khỏi khuynh hướng quen thuộc đó mà tập chung nghiên cứu vấn đề con người. Nhưng con người trong triết học hiện sinh, không phải là con người phổ quát nói chung, mà là cá nhân, tức là con người có những số phận độc đáo, riêng tư - con người có một tồn tại riêng, một bản chất riêng và một nỗ lực đi đến tự do của chính mình, kiến tạo một bản chất của chính mình. Đó là con người cá nhân - nhân vị.

Thân phận con người trong triết học hiện sinh

Vấn đề thân phận con người được các nhà triết học hiện sinh quan tâm đặc biệt. Hầu hết các nhà triết học hiện sinh đều có quan niệm tiêu cực về thân phận con người trong xã hội. Họ đều cho rằng, khi ra đời con người không mỉm cười mà cất tiếng khóc để chào đời. Nỗi đau khổ là tiền định của chính con người. Con người đau khổ là vì cuộc đời con người là một sự vứt bỏ vào trong thế giới, đó chính là giới hạn của cuộc đời, con người thấy mình luôn hướng về cái hoàn thiện, hoàn mỹ để vượt qua những hạn chế, thiếu sót, và khiếm khuyết. Con người luôn bị giam hãm trong những mâu thuẫn ấy khó có thể thoát ra được.

Theo M.Heidegger, con người sống trong trần thế như những kẻ bị bỏ rơi, những kẻ bị lưu đầy. Con người sống trong cuộc đời nhưng không biết mình đi từ đâu và đến đâu? Con người chỉ biết mình tồn tại trong trần gian, bị ném vào một thế giới xa lạ, không có sự nương tựa chống đỡ nào khác ngoài chính hoàn cảnh sống của mình. Vì thế, con người luôn cảm thấy cô đơn. Song chính trong sự cô đơn ấy, con người vẫn tạo ra cho mình một cuộc sống có ý nghĩa, tự mình tạo nên cho chính mình trong sự ruồng bỏ.

Trong cuốn “Buồn nôn”của J.P.Sartre cho rằng, cuộc đời là phi lý và chán ngấy, vì chúng ta không thể cắt nghĩa là chúng ta xuất hiện từ đâu, tại sao sống và sống để làm gì? phi lý vì cuộc sống của tôi là không cần thiết, nó có thể có và cũng có thể không, là thừa vì nó không cần thiết, không phải là một đấng nào sinh ra, mà tôi là kết quả của một sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa hai yếu tố đực và cái tại một hầm rượu hay quán bar, sự phi lý đó đưa tôi đến một cảm giác buồn nôn khi nghĩ đến cuộc đời. Nhưng buồn nôn cũng là một trong những động lực, phát hiện ra cái cơ bản hiện hữu, tức là hiện sinh của con người, không buồn nôn trước cái phi lý của cuộc đời thì con người bị tha hóa, đánh mất mình trở thành người khác. Chính sự tha hóa này dẫn con người đến sự cô đơn, một mình đi tìm tự do mà không bao giờ tới đích. Tận cùng của sự sự cô đơn là lo âu, là tuyệt vọng và cái chết. Đó là tư tưởng khởi nguồn cho thuyết “chủ nghĩa hiện sinh hành động”của J.P.Sartre.

Quan niệm về con người trong “thuyết nổi loạn” của Jasperl. Ông cho rằng, thân phận con người được làm sáng tỏ trong sự vật lộn, đấu tranh bền bỉ của con người giữa cái mà ông gọi là “quy phạm ban ngày” và “đam mê ban đêm”. Quy phạm ban ngày tượng trưng cho những gì sáng sủa, minh bạch, quy tắc, trật tự và có đạo đức. Còn đam mê ban đêm là cái tượng trưng cho những điều con người nhìn nhận một cách mơ hồ. Mọi vật như bị biến dạng, chuyển động phong phú và linh hoạt. Phạm trù ban ngày là lí trí đanh thép còn ban đêm là tình cảm tuôn trào, có thể phá bỏ mọi trật tự, phép tắc, đạo đức mà ban ngày tạo dựng nên. Đam mê ban đêm chính là những tình cảm được bắt nguồn từ những nơi thẳm sâu nhất, bí ẩn nhất trong con người, chúng có những sức mạnh thật lớn lao, nhiều khi không có một lực vật chất tinh thần nào tiêu diệt chôn vùi được. Nó có thể đối lập sâu sắc với lý trí, với những chuẩn mực quy tắc đạo đức. Con người chỉ thật sự hạnh phúc khi kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm, giữa quy pháp ban ngày và đam mê ban đêm. Nhưng trên thực tế, theo các nhà hiện sinh, con nguời không thể kết hợp được hai điều đó. Nó trở thành bi kịch lớn nhất của đời người. Con người tuy phải sống trong thế giới vô nghĩa và phi lý. Song Jasperl cho rằng, nó thôi thúc con người muốn làm một cái gì khác hơn để thân phận con người có khả năng tiến bước, vượt lên trên thực trạng buồn thảm để làm cho đời người có một ý nghĩa nào đó.

Chủ nghĩa hiện sinh khẳng định, không thể có định nghĩa về con người nói chung, mà con người chỉ có được định nghĩa khi nó thể hiện tất cả cái hiện sinh của mình.

Từ phân tích trên cho thấy, dù con người được quan niệm dưới góc độ nào thì hầu hết các nhà hiện sinh đều có cái nhìn tiêu cực về thân phận con người, nhưng cũng ở những góc độ này chủ nghĩa hiện sinh cũng khảng định tinh thần hiện sinh của con người luôn vươn lên mọi hoàn cảnh để khẳng định mình.

Quan hệ giữa tồn tại và bản chất của con người trong chủ nghĩa hiện sinh

Trong quan niệm về con người chủ nghĩa hiện sinh còn cho rằng, “đối với con người tồn tại có trước bản chất”. Họ phê phán quan điểm của các nhà triết học cho rằng, bản chất con người có trước sau đó con người mới tồn tại. Theo các nhà triết học hiện sinh thì các nhà triết học mắc phải sai lầm như vậy là do ảnh hưởng của tôn giáo chi phối. Vì theo tôn giáo, con người do Thượng đế nặn ra có sẵn bản chất. Hoặc là bắt nguồn từ sai lầm của các nhà duy lý khoa học trước khi sản xuất ra vật gì đã định rõ các tính chất, công dụng của nó từ trước.

Trong tác phẩm “Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân bản”, J.P.Sartre khẳng định, con người bằng hoạt động sáng tạo của mình sáng tạo ra chính bản chất của mình, Ông nhất mạnh: ở con người mà chỉ ở con người, tồn tại có trước bản chất”.

Điều đó có nghĩa là con người phải có trước đã rồi sau này mới thành thế này hay thế khác. Chính sự tồn tại của con người có trước bản chất đã tạo ra sự khác biệt giữa con người và động vật. Động vật chỉ là tồn tại tự nó, nó không thể tự sáng tạo ra bản chất của nó. Ở góc độ này các nhà triết học hiện sinh đã nhấn mạnh tính tích cực sáng tạo của con người trong hoạt động tự lựa chọn của chính mình.

Quan niệm về tự do của con người trong chủ nghĩa hiện sinh

Trong quan niệm về tự do của con người, hầu hết các nhà hiện sinh đều cho rằng, trong thế giới chúng ta đang sống, chỉ có con người là tự do. Nhưng tự do theo chủ nghĩa hiện sinh không phải là tất yếu được nhận thức mà là sự lựa chon của mỗi cá nhân trong việc làm chủ thái độ đối với cuộc sống. J.P.Sartre cho rằng, tự do của con người có trước bản chất của con người, bản chất của con người chỉ có được khi con người bằng tự do lựa chọn của mình, hoạt động dấn thân vào hoàn cảnh của đời sống để sáng tạo ra bản chất của mình. Sự lựa chọn này là hoàn toàn tự do không bị chi phối bởi ai, người nào hay hoàn cảnh nào và chỉ sau khi con người lựa chọn, người ta mới biết chính xác sự lựa chọn của người đó là gì và bản chất của người đó ra sao. Con người không chỉ lựa chọn một lần mà có thể lựa chon nhiều lần, do con người phải sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bản chất con người theo đó cũng luôn thay đổi, không có cái bản chất của cùng của con người. Như vậy, theo chủ nghĩa hiện sinh, bản chất con người tốt hay xấu đều do sự tự lựa chọn của mỗi cá nhân và tự mình tạo nên một bản chất cho chính mình, sáng tạo nên chính mình.

Thông qua phân tích triết học hiện sinh về con người cho thấy chủ nghĩa hiện sinh nhìn nhận vấn đề con người, số phận con người hết sức bi quan. Con người được mô tả như sự chết chẹt giữa cái thế giới khách thể mà con người phải dựa vào để sống. Cuộc đời con người đầy lo âu sợ hãi cô đơn, trống rỗng, ảm đạm và bi thảm và luôn bị cái chết đe dọa, do vậy, con người không còn cách nào khác, buộc phải hiện sinh. Hiện sinh trở về của con người, con người - cá nhân là nhân tố số một, phải được quan tâm hàng đầu.

Theo quan điểm của chủ nghĩa hiện sinh, tự do là sự lựa chọn hoàn toàn chủ quan cái gì phù hợp với xúc cảm nội tâm, cái gì mà cá nhân coi là đúng đắn, không do bất kỳ sự quy định nào bên ngoài, không có bất kỳ sự tất yếu nào, không bị ràng bởi bất kỳ cái gì đã có, kể cả phong tục tập quán, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ, luật pháp, tôn giáo. Sự tự do không bị quy định bởi bất kỳ cái gì khác ngoài trách nhiệm cá nhân. Chủ nghĩa hiện sinh là sự phản ứng của con người trước tình trạng bị hạ thấp, bị bỏ rơi, bị tha hóa cùng cực trong thời kỳ tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa hiện sinh là trào lưu triết học duy tâm chủ quan, phủ nhận

thực tại và quy luật khách quan, phủ nhận khả năng nhận thức của con người, nên không thể tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng con người.

Bên cạnh những hạn chế đó, triết học hiện sinh vô thần đề cao tự do con người chống lại niềm tin mù quáng và ràng buộc của đạo đức, tôn giáo. Chủ nghĩa hiện sinh đề cao tính tích cực cá nhân; khích lệ con người cá nhân tham gia vào hoạt động xã hội; khích lệ ý chí, nghị lực luôn vươn lên trên mọi hoàn cảnh của con người, không trông chờ, ỷ lại vào hoàn cảnh hay vào người khác.

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ 8 TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w