Quan niệm con người trong Chủ nghĩa Phơrớt

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ 8 TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI (Trang 31 - 33)

Chủ nghĩa Phơrớt ra đời khi chủ nghĩa tư bản bước vào chủ nghĩa đế quốc, các mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, bệnh tinh thần phát triển nhanh. Sinh học, sinh lý học, tâm lý học cũng phát triển mạnh mẽ làm tiền đề cho cách giải thích mới về những hiện tượng tâm lý của con người.

Trong bối cảnh đó, Phơrớt sáng lập ra thuyết phân tích tâm lý (phân tâm học) để giải thích những hiện tượng tâm lý, bệnh tâm thần và sau đó vận dụng để giải thích các hiện tượng xã hội khác. Phân tâm học không còn bó hẹp trong phạm vi y học mà trở thành một trào lưu triết học. Phơrớt là người sáng lập nên gọi là chủ nghĩa Phơrớt, ngoài ra còn các đại biểu nổi tiếng khác là: Alfred Adler (1870-1937), Otto Rank (1884-1939), Carl Jung (1875-1961), Rrich Fromm (1900-1980).

Lý luận về cái Vô thức trong đời sống tinh thần của con người là bộ phận quan trọng trong thuyết phân tâm học, và là một đóng góp quan trọng trong sự phát triển lý luận vô thức của Phơrơt. Ông cho rằng, phần lớn hành vi con người đều xuất phát từ vô thức.

Vô thức là hiện tượng tâm lý nằm ngoài phạm vi của lý trí, có nguồn gốc từ bản năng, thói quen và dụng vọng của con người. Vô thức hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm, tức là do dục vọng chi phối, không do quy tắc lôgíc.Vô thức là cơ sở của hành vi con người. Vô thức xuất hiện ở tầng sâu nhất của đời sống tinh thần, còn ý thức chỉ là một phần nhỏ nổi lên trên, chỉ là một thuộc tính không ổn định của trạng thái tâm lý. Trung gian giữa vô thức và ý thức là tiềm thức. Ý thức là tâm lý nhận biết của con người, còn tiềm thức là yếu tố trung gian giữa ý thức và vô thức, hoạt động theo nguyên tắc tính hiện thực. Vô thức ẩn dấu những xung đột bản năng, phải thông qua sự lựa chọn và phê chuẩn của tiềm thức mới trở thành ý thức. Phơrớt mô tả đời sống tinh thần của con người như một tảng băng, phần lớn nhất chìm sâu xuống dưới mặt nước là vô thức. Phần nhỏ hơn nổi lên trên là ý thức. Vô thức là cái chủ yếu trong đời sống tinh thần và ngấm ngầm chi phối y thức.

Lý luận về nhân cách con người, Phơrớt nêu ra ba khái niệm: “Cái ấy” (id), “cái tôi” (ego)và “cái siêu tôi”(superego).

Cái ấy là cái bản năng, chính là bản năng tình dục có từ khi con người mới sinh ra, nó là một kết cấu phi lý tính, chỉ tuân theo nguyên tắc khoái cảm; nó là nguồn năng lượng tâm lý đòi hỏi phải được thỏa mãn một cách mãnh liệt.

Cái tôi là hệ thống ý thức của con người, là cái đứng giữa cái ấy và thế giới bên ngoài, hoạt động theo nhu cầu của thế giới bên ngoài, điều tiết sự xung đột giữa cái ấy và thế giới bên ngoài.

Cái siêu tôi là cái xã hội, được tạo thành từ những chuẩn mực xã hội, những quy tắc luân lý, những giới luật tôn giáo.

Trạng thái tâm lý bình thường của con người là sự cân bằng giữa ba cái: cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi. Sự xung đột giữa cái ấy và cái tôi là nguyên nhân của bệnh tâm thần. Cái siêu tôi khuyến khích sự đấu tranh giữa cái tôi và cái ấy.

Thuyết tình dục cũng là một nội dung quan trọng trong hệ thống phân tích tâm lý của chủ nghĩa Phơrớt. Ông cho rằng, trong mọi xung động bản năng của cái ấy thì bản năng tình dục là là hạt nhân, là cơ sở của hành vi con người. Tình dục ở đây theo nghĩa rộng, gồm mọi khoái cảm. Theo ông, nguyên nhân của nhiều bệnh tinh thần là do bản năng tình dục bị đè nén.

Phơrớt đề ra phương pháp chữa bệnh tinh thần gọi là “phương pháp giải thoát tinh thần”. Theo ông, nằm mơ là một biểu hiện của tình dục, là khởi điểm tốt nhất của tự do liên tưởng. Thông qua tự do liên tưởng một cái gì đó trong giấc mơ đều không phải là vô cớ mà là thể hiện hoặc sự thỏa mãn một nguyện vọng nào đó. Do đó thông qua tự do liên tưởng và tự phân tích có thể biết được điều bí mật trong nội tâm để chữa khỏi bệnh tinh thần. Phơrớt mở rộng lý luận và phương pháp đó sang giải thích các hiện tượng xã hội. Ông cho rằng văn hóa nghệ thuật của nhân loại không có liên quan gì đến điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội mà bắt nguồn từ bản năng tình dục bị áp chế. Theo ông, bức tranh về nàng Monalisa của Lêôna Đơ Vinxi là sự thể hiện bằng nghệ thuật nụ cười quyến rũ của Catơrina, người mẹ đã mất của ông. Qua sự tái hiện đó, Lêôna Đơ Vinxi đã thỏa mãn được lòng thương nhớ tình yêu dưỡng dục đối với người mẹ thời niên thiếu. Phơrớt còn cho rằng, mẹ của Lêôna Đờ Vinxi sớm khêu gợi tình dục, chính sự khêu gợi đã đưa đến tình cảm say sưa sáng tác của Lêôna Đờ Vinxi.

Chủ nghĩa Phơrớt đến nay vẫn là một học thuyết có ảnh hưởng rộng trên thế giới, không những trở thành trường phái phổ biến nhất của tâm lý học hiện đại –

trường phái tâm lý học nhân bản, mà còn là nguồn gốc nẩy sinh nhiều trào lưu triết học phương Tây hiện đại.

Học thuyết Phơrớt lần đầu tiên nêu nhiều vấn đề quan trọng cần phải được nghiên cứu một cách sâu sắc như vai trò của vô thức, của bản năng tình dục, của sự xung đột bản năng tình dục. Ông đã đưa ra cách nhìn nhận mới đối với những vấn đề trên và bổ sung nhiều kiến thức quan trọng vào chỗ trống của tâm lý học. Tuy nhiên hạn chế trong học thuyết của ông là ở chỗ: Đề cao vô thức, tuyệt đối hóa cái tâm lý, bản năng, hạ thấp vai trò của ý thức, coi vô thức là cơ sở, là yếu tố chỉ đạo mọi hành vi con người; tuyệt đối hóa bản năng tình dục, cho rằng, bản năng tình dục là động lực tâm lý duy nhất của mọi hành vi con người, phủ nhận động lực kinh tế, chính trị tinh thần của xã hội.

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ 8 TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w