II. QUAN ĐIỂM CỦA TRIẾT HỌC MÁC LÊNIN VỀ CON NGƯỜ
4. Quan điểm của C.Mác về lao động bị tha hóa và vấn đề giải phóng con ngườ
người
Trong các tác phẩm của mình, C.Mác đã chỉ ra những biểu hiện của lao động bị tha hóa, nguyên nhân dẫn đến tha hóa, trên cơ sở đó C. Mác xác định phương thức và những lực lượng có thể thực hiện sự nghiệp giải phóng con người thoát khỏi tha hóa để tiến tới một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Theo C.Mác, lao động bị tha hóa là lao động làm người lao động đánh mất mình trong “ hoạt động người” nhưng lại tìm thấy mình trong “hoạt động vật”. Lao động là hoạt động bản chất của con người, là cái phân biệt con người với con vật. Song ở lao động bị tha hóa, người lao động thực hiện hoạt động không phải để thỏa mãn nhu cầu lao động mà chỉ vì sự sinh tồn của thân xác. Đó là lao động bị cưỡng bức, điều này tất yếu dẫn đến việc người lao động chỉ cảm thấy mình hành động tự do trong khi thực hiện những chức năng động vật như ăn, uống, sinh đẻ con cái,v.v…; còn trong những chức năng con người thì người lao động cảm thấy mình chỉ là con vật. Cái vốn có của súc vật trở thành chức phận của con người, còn cái có tính người biến thành cái vốn có của súc vật. “Tính bị tha hóa của lao động biểu hiện rõ rệt ở chỗ là một khi còn sự cưỡng bức lao động về thể xác hoặc về mặt khác thì người ta trốn tránh lao động như trốn tránh bệnh dịch hạch vậy”(14)13.
Lao động bị tha hóa là lao động làm đảo lộn các quan hệ của người lao động. Trong lao động, người lao động thực hiện quan hệ với tư liệu sản xuất là quan hệ với đồ vật. Song, vì hoàn toàn phụ thuộc vào tư liệu sản xuất nên không phải con người sử dụng tư liệu sản xuất mà tư liệu sản xuất sử dụng con người. Mặt khác, chỉ vì phải có sản phẩm để nhận thù lao mà người lao động phải lao động, cho nên, con người đã bị sản phẩm của chính bàn tay mình làm ra nô dịch; người lao động tạo ra sản phẩm song sản phẩm không phải của người lao động mà của người chủ, nên nó trở thành xa lạ đối với người đã tạo ra nó. Cùng với quá trình trên là người lao động phải thực hiện quan hệ với người chủ. Đây là quan hệ giữa người với người. Song người lao động quan hệ với người chủ qua số sản phẩm người chủ thu được và số tiền thù lao mà người lao động được trả. Cho nên, bản chất quan hệ giữa người với người đẫ trở thành quan hệ giữa người với đồ vật.
Lao động bị tha hóa là lao động làm cho người lao động bị phát triển què quặt. Đây là hậu quả của sự phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ và việc sử dụng những thành tựu của nó chỉ vì lợi nhuận. Với mục đích sản xuất chỉ vì lợi nhuận nên khoa học kỹ thuật, công nghệ càng phát triển mạnh thì máy móc thay thế
người lao động càng nhiều, chuyên môn hóa lao động càng sâu, số người lao động bị máy móc thay thế càng lớn, những người còn lại bước vào quá trình lao động thuần thúy thực hiện những thao tác mà dây chuyền sản xuất đã quy định. Vì vậy, nền sản xuất máy móc vì lợi nhuận đã ném một bộ phận công nhân thành những cái máy.
C.Mác cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tha hóa là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chủ nghĩa và chế độ tư hữu tư bản về tư liệu sản xuất đã tập trung những tư liệu sản xuất cơ bản của xã hội vào trong tay một số nhà tư bản, một số tập đoàn tư bản, làm tuyệt đại đa số người lao động trở thành vô sản. Nhu cầu sinh tồn đã buộc những con người không có tư liệu sản xuất này tự nguyện một cách cưỡng bức đến với các nhà tư sản và họ trở thành những người làm thuê cho nhà tư bản. Và do đó, quá trình người bóc lột người, quá trình lao động bị tha hóa diễn ra.
Quan điểm của Mác về phương thức và lưc lượng giải phóng con người
Giải phóng con người là xóa chế độ người bóc lột người, xóa bỏ tha hóa để con người trở về với chính mình, phát triển bản chất chân chính của mình.
Nguyên nhân sinh ra tha hóa là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất nên “xóa bỏ một cách tích cực chế tư hữu với tính cách là sự khẳng định sinh hoạt của con người là sự xóa bỏ một cách tích cực mọi sự tha hóa”(15)14.
Lực lượng thực hiện sự giải phóng chính là những người bị tước đoạt tư liệu sản xuất – những người vô sản. Sức mạnh giải phóng họ không phải là sức mạnh của những cá nhân đơn độc, mà theo Mác, chỉ khi nào họ nhận thức và tổ chức được “những lực lượng của bản thân” thành lực lực lượng xã hội – cũng chính là thành lực lượng chính trị - thì giải phóng con người mới thực hiện được. Giải phóng xã hội khỏi sở hữu tư nhân, khỏi sự nô dịch trở thành hình thức chính trị của sự giải phóng giai cấp vô sản. Song ở đây không chỉ là sự giải phóng cho họ, vì sự giải phóng của họ bao hàm sự giải phóng toàn thể nhân loại. Theo nhận xét của Lênin, điều chủ yếu trong học thuyết của Mác là làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người thực hiện sứ mệnh giải phóng con người.