Người thu nhập thấp và yêu cầu về nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Phát triển nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị Nghiên cứu thực tế Thành phố Hà Nội (Trang 40 - 42)

1.1.2.1. Quan niệm về người thu nhập thấp khu vực đô thị

Việc nhận dạng người TNT ở đô thị sẽ đóng góp quan trọng cho chiến lược phát triển nhà ở nhằm xoá bỏ bất bình đẳng trong lĩnh vực này tại các vùng đô thị. Định nghĩa chính xác về người TNT không phải là một việc dễ dàng, bởi lẽ khái niệm này luôn biến đổi theo không gian và thời gian. Thông thường, người TNT được định nghĩa theo những tiêu chí cụ thể. Ở mỗi vùng lãnh thổ hoặc khu vực địa lý khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội trong những thời kỳ nhất định, tuỳ thuộc vào điều kiện sống của từng hộ gia đình, vào phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc mà có những tiêu chí được chọn làm căn cứ xác định người TNT. Dưới đây là một số quan niệm cơ bản về người TNT:

Theo WB và Un-Habitat thì “người TNT là người mà thu nhập bình quân một tháng của họ phải chi tiêu cho khẩu phần ăn uống để duy trì cuộc sống tối thiểu mất 66% thu nhập, còn lại 34% chi dùng cho các nhu cầu cơ bản khác như: nhà ở, văn hoá, giáo dục, y tế, đi lại, giao tiếp”.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Người TNT đô thị có thu nhập bình quân một tháng chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho cuộc sống hiện tại, có mức sống trên mức trung bình tối thiểu, còn nhiều khó khăn trong tiếp cận giải quyết nhà ở và cải thiện điều kiện nhà ở”. Như vậy, không có mức chuẩn chung, cụ thể xác định một người hoặc một hộ gia đình là thu nhập thấp. Tuy nhiên, có thể nhận dạng người TNT là một bộ phận dân cư mà thu nhập của họ ở dưới mức trung bình của xã hội, gặp khó khăn về nhà ở.

Theo “Đề án phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị và khu công nghiệp tập trung” của Bộ Xây dựng trình Quốc hội tháng 11/2004 đã bổ sung thêm ý “những hộ gia đình thực sự gặp khó khăn về chỗở”“nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ thông qua hình thức cho thuê nhà, bán trả góp, cho vay vốn ưu đãi”. Còn theo quan điểm của Viện nghiên cứu Kiến trúc (2004), “người TNT ở đây xét cho toàn quốc, là người vay vốn làm nhà có khả năng hoàn trả, có thu nhập tương đối ổn định.

Họ có khả năng tích luỹ vốn để tự cải thiện điều kiện ở, nhưng cần sự hỗ trợ của nhà nước về vay vốn dài hạn trả góp, về chính sách đất đai và cơ sở hạ tầng”.

Theo Luật nhà ở đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2014: người TNT đủ điều kiện mua nhà phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy

định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy có thể thấy, căn cứ xác định người TNT dựa vào thu nhập: Người TNT là người có mức thu nhập và điều kiện sống dưới mức trung bình của xã hội. Có thể thấy rằng chuẩn mực xác định mức thu nhập thấp thường được lượng hoá bởi 8 yếu tố trong nhu cầu cơ bản, đó là 3 nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, ở) và 5 nhu cầu hàng ngày (văn hoá, giáo dục, y tế, đi lại, giao tiếp).

Sự phân tích cũng cho thấy khái niệm người TNT là một phạm trù kinh tế - xã hội và nhân khẩu học phức tạp, mang tính tổng hợp trên nhiều phương diện. Theo quan điểm của tác giả trong luận án này thì người TNT là những người có thu nhập (và mức tích luỹ) thấp dưới mức trung bình, thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; đang có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội dành cho người TNT, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà

ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do nhà nước quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực), cần sự hỗ

trợ về cơ chế, chính sách để tiếp cận nhà ở trên thị trường theo cách đặc biệt. Theo đó, đối tượng khảo sát trong luận án này tập trung vào những người thuộc phân khúc Q1, Q2 trong ngũ phân vị thu nhập trong thống kê (40% số hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm 1 - Q1 và nhóm 2 - Q2) trong tổng thu nhập của cả 5 nhóm của Hà Nội) - là những người có mức thu nhập thuộc nhóm trung bình trở xuống.

1.1.2.2. Những yêu cầu về nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị

Nhà ở TNT hướng tới đối tượng là người có thu nhập thấp khu vực đô thị, mức thu nhập bình quân của họ chỉ đủ đáp ứng được nhu cầu cơ bản tối thiết yếu so với cuộc sống hiện tại và đang gặp khó khăn về nhà ở, cần sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách phù hợp. Do vậy, yêu cầu đầu tiên về nhà ở TNT đó là chi phí thuê/ mua thấp, giá cả phải phù hợp với kinh tế của người TNT. Đối với các dự án bán nhà ở TNT thường sẽ bán lúc dự án bắt đầu xây dựng và chia làm nhiều đợt thanh toán tiền

(đối với người TNT không phải chuẩn bị một số tiền rất lơn một lúc còn nhà đầu tư lại huy động được nguồn vốn từ việc bán nhà để xây dựng) và các dự án này có nhiều trường hợp chậm tiến độ hay thu hết tiền mà các công trình phụ trợ hay hạ tầng kỹ thuật bỏ dở không thi công…

Ngoài yêu cầu chi phí thuê/mua thấp, nhà ở TNT còn phải đảm bảo tính bền chắc/chí phí bảo dưỡng, vận hành thường xuyên thấp. Nhà ở TNT phải đảm bảo độ bền vững với những tiêu chuẩn xây dựng cơ bản, chi phí bảo dưỡng, vận hành thường xuyên nên được thông báo cụ thể, chính xác, giảm thiểu tối đa những dịch vụ không cần thiết… Đồng thời, nhà ở TNT cũng phải đảm bảo phù hợp với kế sinh nhai của người TNT. Người có thu nhập thấp thường là các đối tượng trẻ tuổi, độ tuổi lao động có công ăn việc làm ổn định nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng cũng phải thuận tiện cho công việc, không được ở quá xa chỗ làm hay thiếu hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ thiết yếu (chợ, trường học, siêu thị...). Và một yêu cầu tối thiểu cuối cùng của nhà ở TNT đó là chi phí cuộc sống phải phù hợp với nhóm người TNT, giảm thiểu tất cả các dịch vụ không cần thiết để giảm thiểu chi phí vận hành, gần chợ, gần bệnh viện, trường học…

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Phát triển nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị Nghiên cứu thực tế Thành phố Hà Nội (Trang 40 - 42)