Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Phát triển nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị Nghiên cứu thực tế Thành phố Hà Nội (Trang 119 - 121)

Phát triển nhà ở dành cho người TNT khu vực đô thị thành phố Hà Nội những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có thể xem xét trên một số khía cạnh sau:

Công tác xây dựng kế hoạch và bố trí quỹ đất phát triển nhà ở TNT được coi trọng. Mục tiêu phát triển nhà ở TNT đến năm 2015 của thành phố Hà Nội là xây dựng 15.500 căn hộ cho người TNT bước đầu đã căn cứ theo đánh giá về nhu cầu và dữ liệu thống kê nhưng chủ yếu hướng đến nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực nhà nước. Sau đó, mặc dù đã có các dữ liệu cơ bản về nhu cầu nhà ở xã hội của nhiều nhóm đối tượng (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009) nhưng do việc xác định mục tiêu chỉ căn cứ trên quy mô của các dự án nhà ở TNT hiện có nên Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở vẫn giữ nguyên mục tiêu phát triển nhà ở TNT là 15.500 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã điều chỉnh mục tiêu lên 20.000 căn hộ cũng chỉ căn cứ vào nguồn cung thực tế của các dự án nhà ở TNT (trong đó bổ sung nguồn cung của các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội). Việc xác định và điều chỉnh mục tiêu chỉ dựa trên số lượng nguồn cung hiện có của các dự án, không cân nhắc các giải pháp có thể rút ngắn khoảng cách cung - cầu là lựa chọn hợp lý: Mục tiêu cần phải được cân đối trên cơ sở xem xét cả hai yếu tố nhu cầu và nguồn lực; xác định mục tiêu chỉ dựa trên cơ sở nguồn lực có thể đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện nhưng không đáp ứng được mục tiêu an sinh xã hội.

Hệ thống văn bản quy định chi tiết về cơ chế chính sách của Trung ương để phát triển nhà ở cho người TNT được ban hành đầy đủ, kịp thời. Thành phố đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều quy định, chương trình, kế hoạch chuyên ngành để thực hiện các Nghị quyết, nghị định, thông tư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp làm cơ sở trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố. Thành phố cũng tích cực, chủ động xây dựng và triển khai các Đề án thí điểm phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, qua đó đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế chính sách quan trọng; nhiều nội

dung đã được bổ sung đưa vào các quy định của pháp luật của Trung ương về nhà ở; đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 (Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả

nước được phê duyệt chương trình phát triển nhà ở dài hạn, trung hạn theo chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số

2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011). Đây là nội dung quan trọng mang tính định hướng trung hạn và dài hạn, đầu tư theo kế hoạch mà không mang tính đầu tư dàn trải, tiết kiệm được nguồn lực tránh lãng phí, tạo sự chủ động trong việc đầu tư hạ tầng khung và huy động các nguồn lực xã hội phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở học sinh, sinh viên.

Số lượng diện tích sàn xây dựng nhà ở, số căn hộ cho người TNT tăng mạnh. Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu trong việc phát triển nhà ở TNT, với hàng nghìn căn hộ được đưa vào sử dụng, gồm cả loại hình nhà ở bán, cho thuê và thuê mua. Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở TNT nói riêng của nhà nước ban hành đến nay tương đối đầy đủ, tạo tiền đề cho việc huy động các nguồn lực tham gia phát triển quỹ nhà ở cho người TNT. Nhiều dự án nhà ở xã hội đầu tư bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách đã được triển khai đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho người TNT có khó khăn về nhà ở có cơ hội lựa chọn nơi ở phù hợp. Đến nay toàn thành phố đã có quy hoạch được 26,61 ha đất để xây dựng nhà ở TNT với tổng diện tích sàn xây dựng đạt 764.029 m2, với số căn hộ là 11.111 căn, giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở cho các đối tượng người nghèo, người TNT tại đô thị, góp phần đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, ổn định kinh tế - chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố và góp phần kết quả chung về phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả phát triển nhà ở cho người TNT cũng góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ với nhà ở và cải thiện tiện ích sinh hoạt cho người dân Thủ đô, tăng mỹ quan đô thị, đồng thời bước đầu đã tạo niềm tin của người dân về mục tiêu phát triển nhà ở cho người TNT và niềm tin của người dân đối với nhà nước, Thành phố khi thu hồi đất để phục vụ đầu tư xây dựng các công trình công cộng của Quốc gia, Thành phố trên địa bàn.

Việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại theo Thông tư 02/2013/TT-BXD đã đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm nhà ở, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, giải quyết một phần khó khăn về nhà ở cho các đối tượng là thu nhập thấp đô thị. Các chính sách đưa ra giải

pháp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Việc thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản sớm phục hồi, giải quyết được một phần khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và người TNT tại khu vực đô thị.

Nhiều khu nhà ở TNT tập trung của Hà Nội được đầu tư khang trang, hiện đại và đồng bộ, giải quyết được một bộ phận nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thu nhấp thấp, khó khăn về nhà ở, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người lao động; đạt tiêu chuẩn cao về cảnh quan môi trường đô thị, chất lượng sống, không gian kiến trúc cảnh quan xanh, mang lại diện mạo đô thị mới hiện đại và bền vững.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Phát triển nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị Nghiên cứu thực tế Thành phố Hà Nội (Trang 119 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)