Tài chính cho nhà ở thu nhập thấp

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Phát triển nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị Nghiên cứu thực tế Thành phố Hà Nội (Trang 64 - 66)

Tài chính nhà ở là một vấn đề không mới mẻ trên thế giới. Tại các nước phát triển, tài chính, tín dụng nhà ở đóng vai trò quan trọng và thường chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc gia. Tại Mỹ, tổng các khoản tín dụng thế chấp bất động sản chiếm đến 50% GDP, khoảng 88% GDP tại Hà Lan và 62% tại Anh Quốc [ADB - 2002]. Trong khi đó, tại nhiều nước phát triển thuộc khu vực Châu Á, vấn đề tài chính nhà ở vẫn còn rất khiêm tốn, chưa thực sự phát triển với tỷ lệ dưới 2% GDP của các quốc gia và cũng có nhiều nơi, tín dụng nhà ở vẫn chưa được triển khai và áp dụng trong nền kinh tế. Tại những nước Châu Á, nơi có các hoạt động tín dụng nhà ở, thì hầu hết cũng chỉ là các khoản vay ngắn hạn, giá trị khoản vay nhỏ chỉ có thể đáp ứng được một phần rất nhỏ so với giá trị bất động sản, và hầu hết là các khoản vay có lãi suất thả nổi (floating rate) theo thỏa thuận (Trần Hà Kim Thanh, 2011).

Tại hầu hết các khu vực đô thị của các nước, những căn nhà có chất lượng tốt, hợp pháp đều rất đắt đỏ và hầu như khó có thể sở hữu được những căn nhà như vậy mà

không cần đến các khoản tín dụng. Ngay cả những người có thu nhập trung bình khá và cao cũng cần đến những khoản tín dụng để có thể mua được những căn nhà khang trang, hoặc cần những tài trợ về tài chính dài hạn để có thể xây dựng và sửa chữa. Trong khi đó, những người có thu nhập thấp hầu như có rất ít cơ hội để có thể sở hữu được một căn nhà. Một trong những lý do chính là những người có thu nhập thấp không đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ cho việc mua, xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở. Thu nhập và những yêu cầu về chứng minh nguồn thu nhập của đối tượng này hoặc tính hợp pháp của căn nhà họ đang ở thường không đáp ứng được các yêu cầu của các tổ chức tài chính để có thể nhận được các khoản cấp tín dụng [Mitlin, 2007-2008].

Trong những năm qua, vấn đề nhà ở tại các đô thị tăng nhanh, nhưng cũng chỉ đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của một số người có thu nhập cao, vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn là vấn đề khó khăn của các nước phát triển như Việt Nam, bởi vì vấn đề nhà ở hiện nay phụ thuộc vào khả năng thu nhập của mỗi người hoặc mỗi gia đình trong xã hội. Do đó, việc phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp đòi hỏi nhà nước phải có chính sách huy động mọi nguồn vốn tham gia. Trong đó, không thể không kể đến vai trò của các tổ chức tài chính trung gian trong việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp và người dân để giải quyết bài toán tài chính. Việc cấp tín dụng cho người TNT có nhu cầu vay để mua nhà và doanh nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở TNT là hết sức cần thiết, mang ý nghĩa quan trọng về kinh tế và xã hội.

Như vậy có thể thấy tài chính nhà ở là rất quan trọng trong quá trình phát triển xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở TNT nói riêng. Tài chính nhà ở ảnh hưởng đến cả bên cung (người xây dựng) và bên cầu (người mua nhà). Tiếp cận tín dụng nhà ở bị hạn chế đối với những người có thu nhập không ổn định, hộ gia đình có thu nhập thấp.

Các chính sách tài chính khuyến khích phát triển nhà ở TNT có thể được thể hiện dưới dạng dạng ưu đãi như: (1) Ưu tiên bố trí các nguồn vốn ưu đãi từ các nguồn thu được từ việc bán, cho thuê và cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn; do ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp; hay từ các chương trình tín dụng ưu đãi trong từng thời kỳ, từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, công trái nhà ở; vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có); vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và các nguồn vốn khác vay của nước ngoài (nếu có); nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua các tổ chức tín dụng chuyên biệt như Ngân hàng Chính sách xã hội và từ các tổ chức tín dụng khác do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở TNT và cho các đối tượng được hưởng

chính sách hỗ trợ nhà ở TNT vay ưu đãi với lãi suất ưu đãi, thông thường không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Phát triển nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị Nghiên cứu thực tế Thành phố Hà Nội (Trang 64 - 66)