- Sớm ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp uỷ trực thuộc tiến hành soát xét toàn diện thực trạng cán bộ nữ (kể cả nguồn cán bộ đương chức và nguồn quy hoạch) của các cấp, các ngành để chuẩn bị tốt nhân sự cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tỉnh đạt trên 30%; cấp huyện trên 25%. Cần xác định rõ trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp, các ngành chủ động chuẩn bị nhân sự để bổ nhiệm, bố trí, sử dụng bảo đảm sự kế thừa và phát triển liên tục đội ngũ cán bộ nữ LĐQL nhiệm kỳ sau có tỷ lệ cao hơn nhiệm kỳ trước.
- Quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, chủ trương về công tác cán bộ nữ của Đảng, nhất là người đứng đầu, từ đó nâng cao trách nhiệm, tạo sự thống nhất về công tác cán bộ nữ, lãnh đạo thực hiện chủ trương về công tác cán bộ nữ có hiệu quả. Thực hiện đánh giá công bằng đối với cán bộ nữ, coi trọng quy hoạch cán bộ nữ đảm bảo dân chủ, chặt chẽ, đúng nguyên tắc; đảm bảo những ngành, lĩnh vực có nhiều cán bộ nữ thì phải có cán bộ quản lý là nữ.
- Cần ưu tiên và quan tâm tuyển dụng cán bộ nữ, lao động nữ có trình độ đại học, trên đại học nhất là những ngành chiếm ưu thế về lao động nữ như y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, lao động thương binh xã hội...Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng các gương điển hình, các tài năng là cán bộ nữ ở các cấp, đặc biệt là cán bộ nữ dân tộc thiểu số, nâng tỉ lệ phát triển đảng viên mới là nữ. Hoàn thiện chính sách đối với cán bộ nữ, kèm theo các chế tài để thực hiện. Quan tâm chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia các
khóa đào tạo, bồi dưỡng; có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe, nuôi con nhỏ, cán bộ nữ công tác ở vùng sâu, vùng xa, cán bộ nữ dân tộc thiểu số.
Tiểu kết chương 3
Để tăng đại diện của phụ nữ trong HTCT của tỉnh Đắk Nông, việc đảm bảo những biện pháp để đạt được số lượng đại biểu nữ là cần thiết. Chiếm gần một nửa dân số, sẽ công bằng và đảm bảo quyền của phụ nữ có đại diện ngang bằng trong HTCT để tham gia và đưa ra những quyết định liên quan đến chính cuộc sống của bản thân. Điều đó đòi hỏi cần phải bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các vị trí quy hoạch ứng viên tiềm năng, tổ chức bồi dưỡng, hỗ trợ và khích lệ họ phấn đấu thăng tiến trong sự nghiệp. Phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế sẽ góp phần tăng tính đại diện của phụ nữ lãnh đạo, quản lý. Sự cải cách và sáng tạo từ môi trường kinh tế lành mạnh có thể mang đến những tập quán mới, tạo ra nhiều cơ hội cho sáng kiến, chấp nhận những giá trị mới qua đó tăng sự chấp nhận xã hội cho vị trí phụ nữ nói chung và phụ nữ lãnh đạo, quản lý.
Các vấn đề phát triển xã hội quan trọng như bình đẳng giới, bền vững môi trường, giáo dục, sức khỏe gia đình, an sinh xã hội, nguồn lực y tế có liên quan đến sự phồn vinh về văn hóa và kinh tế của địa phương, đến lượt nó, sẽ là cơ hội để phụ nữ có thể tham gia vào lĩnh vực chính trị và những hoạt động ngoài gia đình. Hoàn thiện thể chế về văn hóa theo hướng cởi mở và tự do cho các cá nhân trong xã hội cũng đóng vai trò quan trọng, xóa bỏ những rào cản, định kiến giới truyền thống vốn đã ăn sâu, bám dễ lâu dài trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
KẾT LUẬN
Đề tài đã giải quyết được 3 nhiệm vụ nghiên cứu, qua đó đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra
1- Nghiên cứu và phân tích các khái niệm, thuật ngữ khoa học liên quan đến vị trí, vai trò cán bộ nữ, tầm quan trọng và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng cán bộ nữ từ các góc độ khác nhau làm cơ sở cho việc xác định các cách tiếp cận phù hợp với bản chất vấn đề, đó là tiếp cận theo quan điểm giới và phát triển, xác định những câu hỏi nghiên cứu cần phải trả lời làm định hướng cho điều tra thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL. Để đánh giá thực trạng chất lượng cán bộ nữ LĐQL trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cần làm rõ khía cạnh: Tỷ lệ nữ tham gia LĐQL, chất lượng cán bộ nữ, công tác tuyển chọn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển và chính sách đối với cán bộ nữ cùng với nguyên nhân của nó. Để có cơ sở đề xuất các giải pháp mang tính định hướng giúp cho cấp ủy tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các mục tiêu, chiến lược về bình đẳng giới trong công tác cán bộ và trong phát triển KT-XH của tỉnh.
2- Kết quả thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ nữ LĐQL trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khẳng định tiềm năng và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, những kết trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai về công tác cán bộ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ là LĐQL ở các sở, ban, ngành và địa phương còn thấp nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn; chất lượng cán bộ nữ có mặt còn hạn chế nhất định như đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa vững chắc, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao so với yêu cầu phát triển; phân bố không đều tại các địa phương, các ngành; luân chuyển cán bộ nữ còn khó khăn; công tác đánh giá cán bộ nữ vẫn khắt khe, định kiến về giới; quy hoạch cán bộ nữ còn khép kín trong cơ quan, đơn vị. Một trong những nguyên nhân do còn một số cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ
quan, đơn vị nhận thức về công tác cán bộ nữ còn chưa đúng; chưa tạo điều kiện để cán bộ nữ vươn lên; thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ chưa được đồng bộ. Một bộ phận cán bộ nữ chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, chưa vượt qua được những trở ngại gia đình, ngại phấn đấu vươn lên trong học tập, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý cũng như những hoạt động xã hội.
3- Trên cơ sở đánh giá thực trạng và những nguyên nhân tồn tại, hạn chế cũng như phương hướng, quan điểm, mục tiêu chung về nâng cao chất lượng cán bộ nữ LĐQL của tỉnh, tác giả đề xuất 7 nhóm giải pháp chủ yếu: Tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ nữ; Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ nữ; Xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ thực hiện tốt chức năng trong gia đình và tham gia các hoạt động xã hội; Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nữ; Phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu và cải tiến nội dung, phương thức hoạt động của Hội LHPN và Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ; Bản thân cán bộ nữ không ngừng vươn lên về mọi mặt.
Các giải pháp này mang tính đồng bộ, cần thực hiện chúng trong tính tổng thể. Trong phạm vi của luận văn, tác giả chỉ đề cập tới vấn đề chất lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ LĐQL ở tỉnh Đắk Nông đáp ứng yêu cầu quá trình CNH-HĐH, từ sự phân tích thực trạng của đội ngũ cán bộ nữ LĐQL ở tỉnh Đắk Nông phát hiện những vấn đề về chất lượng đội ngũ cán bộ nữ LĐQL từ đó đề xuất một số quan điểm và các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ LĐQL tỉnh Đắk Nông trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.