Khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chính sách thuế

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 39 - 40)

Theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, DNNVV được xác định theo số lao động hoặc số vốn. Tuy nhiên, tiêu chí “số lao động” và “số vốn” chỉ mang ý nghĩa thống kê. Những tiêu chí này không phù hợp trong chính sách thuế. Chẳng hạn, theo Nghị định trên DNNVV không phân biệt có tư cách pháp nhân hay không. Nhưng việc phân chia theo tư cách pháp nhân có ý nghĩa nhất định trong lĩnh vực quản lý thuế: doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và không có tư cách pháp nhân sẽ chịu điều chỉnh của một số qui định riêng. Do vậy, trong chính sách thuế có cách xác định DNNVV riêng, để phù hợp với hệ thống quản lý thuế.

Việc xác định DNNVV trong chính sách thuế thường nhằm mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp. Để phục vụ cho công tác quản lý thuế cần phải có khái niệm riêng biệt về DNNVV. Tiêu chí được sử dụng để xác định DNNVV phải tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thuế, tránh làm tăng chi phí quản lý. Vì vậy, tiêu chí xác định DNNVV có thể khác nhau ở các loại thuế. Tiêu chí doanh thu thường được sử dụng để xác định DNNVV trong quản lý thuế.

Mặc dù vậy, khái niệm DNNVV trong chính sách thuế rất linh hoạt, không cứng nhắc như trong thống kê. DNNVV trong chính sách thuế được xác định thông qua các qui định đặc biệt áp dụng riêng cho nhóm đối tượng, nhằm hỗ trợ hay tạo sự ưu đãi cho doanh nghiệp. Ngưỡng kê khai thuế GTGT là ví dụ tiêu biểu cho cách tiếp cận này. Ngưỡng kê khai thuế GTGT qui định một mức doanh thu, doanh nghiệp có doanh thu ở dưới mức đó không phải kê khai nộp thuế GTGT. Qui định này không nhất thiết phải đề cập rằng những doanh nghiệp dưới ngưỡng kê khai thuế GTGT là DNNVV. Bởi vậy, trong chính sách thuế có thể sẽ không tìm thấy một khái niệm rõ ràng, xác định DNNVV. Sự cứng nhắc trong xác định DNNVV không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định các ngưỡng hay tiêu chuẩn để áp

33 dụng chế độ đặc biệt trong chính sách thuế cũng cần có sự tham khảo các tiêu chí xác định DNNVV theo mục đích thống kê. [46]

Theo quan điểm của luận án, mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh là đối tượng quản lý thuế đều được coi là doanh nghiệp. Luận án sử dụng tiêu chí doanh thu để xác định DNNVV. Theo thống kê của tổng cục thuế năm 2011, chỉ có 4,82% doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 100 tỷ đồng; 4,5% doanh nghiệp có doanh thu từ 50 đến 100 tỷ đồng và 7,07% doanh nghiệp có doanh thu từ 20 đến 50 tỷ đồng; 84,61% doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng.[46]

Vì vậy, để phục vụ nghiên cứu, luận án phân chia doanh nghiệp thành các nhóm sau: Nhóm doanh nghiệp lớn có doanh thu hàng năm hơn 100 tỷ đồng; nhóm doanh nghiệp có doanh thu từ 50 đến 100 tỷ đồng là doanh nghiệp vừa; nhóm doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng là doanh nghiệp nhỏ và cá nhân, hộ kinh doanh thuộc nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ. Do đó, đối tượng nghiên cứu của luận án là các nhóm doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 100 tỷ đồng trở xuống.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 39 - 40)