Quan điểm xây dựng chính sách thuế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 40 - 43)

nhỏ và vừa

Như phần tổng quan đã nói, đã nhiều nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế nhưng chưa nhấn mạnh đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, những nghiên cứu này lại chủ yếu đứng trên giác độ quản lý thuế. Mặt khác những nghiên cứu về chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV lại đứng trên góc độ của DNNVV. Quan điểm nghiên cứu của luận án là: việc hoàn thiện chính sách thuế để một mặt làm thế nào vừa giảm bớt gánh nặng cho các DNNVV khi chịu thuế, nhưng mặt khác trên một mức độ nhất định đáp ứng được những yêu cầu của chính sách thuế. Vì thế quan điểm của luận án khi nghiên cứu chính sách thuế hỗ trợ phát triển DNNVV như sau: 2.1.3.1 Cân bằng giữa lợi ích nhà nước và lợi ích doanh nghiệp

Doanh nghiệp nộp thuế để hình thành nên ngân sách Nhà nước. Nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp là bắt buộc. Chính phủ sẽ sử dụng ngân sách để cung cấp hàng hóa, dịch vụ công trở lại cho doanh nghiệp. Vì vậy, về bản chất doanh nghiệp

34 sẽ được hưởng quyền lợi khi nộp thuế. Mặc dù vậy, việc nộp thuế ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của doanh nghiệp, trong khi đó, lợi ích nhận được thông qua việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ công là gián tiếp và khó đo lường nên doanh nghiệp luôn nhìn nhận thuế là gánh nặng, một trong những nguyên nhân kìm hãm đầu tư, kinh doanh. Vì thế cần phải tính tới lợi ích của doanh nghiệp khi xây dựng chính sách thuế.

Việc tạo gánh nặng thuế quá mức sẽ kìm hãm sự phát triển doanh nghiệp, vì thế hạn chế sự tăng trưởng của cơ sở thuế, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách từ thuế, dù thuế suất không đổi. Vì vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu, chính sách thuế không thể tạo gánh nặng quá mức cho doanh nghiệp. DNNVV có nhiều hạn chế, cần phải có sự hỗ trợ để phát triển. Vì thế khi xây dựng chính sách thuế cần đặc biệt chú ý giảm gánh nặng thuế của DNNVV hơn những doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách thuế có những qui định riêng, ưu đãi cho DNNVV sẽ ảnh hưởng nhất định tới nguồn thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là những ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế. Do đó khi xây dựng chính sách thuế hỗ trợ phát triển DNNVV cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp.

2.1.3.2 Hướng tới hiệu quả xã hội

Chính sách thuế chỉ là một trong những công cụ, giải pháp hỗ trợ phát triển DNNVV. Vì thế khi xây dựng chính sách thuế hỗ trợ phát triển DNNVV cần xem xét trên giác độ tổng thể lợi ích xã hội.

DNNVV không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách mà còn tạo khoảng 50% việc làm trong nền kinh tế. Vì vậy, việc phát triển DNNVV sẽ góp phần đáng kể vào công cuộc giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp. Bên cạnh đó, DNNVV cũng là nhân tố chính giúp trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng trong phân phối thu nhập sẽ góp phần giảm mâu thuẫn giai cấp, đảm bảo công bằng xã hội, ổn định an ninh chính trị xã hội, một điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế xã hội.

35 Chính vì vậy, cần coi việc xây dựng chính sách thuế hỗ trợ cho DNNVV chỉ là một trong những giải pháp tổng thể phát triển DNNVV. Việc phân tích lợi ích và chi phí khi quyết định ưu đãi thuế cho DNNVV cần xem xét trên giác độ tổng thể hiệu quả xã hội, gồm có lợi ích của doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách và những lợi ích kinh tế-xã hội khác do sự phát triển của DNNVV mang lại. Những qui định về ưu đãi thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhưng sự phát triển của DNNVV sẽ mang lại những lợi ích khác như xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, góp phần ổn định an ninh chính trị xã hội. Những ảnh hưởng gián tiếp của công cuộc phát triển DNNVV còn tiếp tục khi việc ổn định an ninh chính trị xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.

2.1.3.3 Hướng tới lợi ích dài hạn

Quan điểm thứ ba cho rằng khi xây dựng chính sách thuế hỗ trợ phát triển DNNVV cần hướng tới lợi ích dài hạn. Doanh thu thuế của chính phủ phụ thuộc vào cơ sở thuế và thuế suất. Vì thế trong ngắn hạn khi cơ sở thuế không thay đổi, thì việc ưu đãi thuế suất cho DNNVV sẽ làm giảm doanh thu thuế. Tuy nhiên trong dài hạn, khi nhóm DNNVV phát triển cả về số lượng và qui mô vốn đầu tư thì cơ sở thuế sẽ tăng lên vì thế làm tăng doanh thu thuế.

Trong thực tế quản lý thuế, để tăng doanh thu thuế thì ưu tiên hàng đầu là tăng cơ sở thuế. Việc tăng thuế suất sẽ giúp tăng doanh thu thuế trong ngắn hạn nhưng sẽ gây ra những tác động làm méo mó thị trường. Mặt khác thuế suất cao là động lực chính dẫn tới rủi ro trốn thuế của doanh nghiệp. Việc qui định thuế suất cao sẽ tạo gánh nặng thuế quá mức, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Vì thế trong dài hạn, dù thuế suất cao, nhưng cơ sở thuế tăng chậm (do sự kìm hãm của gánh nặng thuế quá mức) cộng với rủi ro trốn thuế sẽ khiến cho doanh thu thuế tăng trưởng chậm. Vì vậy, để tăng doanh thu thuế không chú trọng vào thuế suất và lợi ích ngắn hạn mà cần quan tâm tới việc làm tăng cơ sở thuế trong dài hạn.

Việc hỗ trợ phát triển DNNVV là một trong những giải pháp quan trọng làm tăng cơ sở thuế trong dài hạn. Tuy nhiên việc tăng cơ sở thuế không thể đạt được trong ngắn hạn vì vậy việc xây dựng chính sách thuế hỗ trợ phát triển DNNVV cần

36 hướng tới lợi ích dài hạn thay vì chỉ quan tâm tới việc doanh thu thuế bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 40 - 43)