Chi phí tuân thủ thuế

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 44 - 55)

2.2.2.1 Khái niệm

Theo Cedric Sanford(1989) “chi phí tuân thủ là các chi phí phát sinh bởi người nộp thuế hoặc bởi bên thứ ba (ví dụ như doanh nghiệp đối tác) trong việc đạt được các yêu cầu của hệ thống thuế, bao gồm các chi phí ngoài nghĩa vụ thuế của chính người nộp thuế và ngoài các chi phí mà hệ thống thuế đã quy định”. [68, tr.89]

Đối với cá nhân, chi phí tuân thủ bao gồm các chi phí phát sinh để có hiểu biết đầy đủ nhằm đáp ứng các quy định pháp lý; tuân thủ các giấy tờ và dữ liệu cần thiết; xây dựng các cách tính toán có liên quan và hoàn thành các tờ khai thuế; chi trả cho chuyên gia về các vấn đề tư vấn thuế; chi trả các chi phí liên quan cho bưu điện, điện thoại, di chuyển để liên hệ với cán bộ thuế hoặc cơ quan thuế.

Đối với doanh nghiệp, chi phí tuân thủ gồm các chi phí đối với việc thu thập chứng từ, nộp tờ khai, kế toán thuế và tiền lương, tiền công của nhân viên kế toán thuế. Chi phí tuân thủ của doanh nghiệp cũng bao gồm chi phí nhằm có được hiểu biết đầy đủ để thực hiện công việc, bao gồm các hiểu biết về nghĩa vụ pháp lý và các khoản phạt. [68]

38 Như vậy, chi phí tuân thủ thuế gồm các chi phí phát sinh trong quá trình kê khai, nộp thuế và các chi phí khác để thực hiện nghĩa vụ thuế như trả lương cho nhân viên kế toán thuế, học tập tiếp thu qui định mới về thuế…

2.2.2.2 Các chi phí cấu thành chi phí tuân thủ thuế

Với phân tích nêu trên, chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp gồm các chi phí bằng tiền và các chi phí về thời gian.

Chi phí bằng tiền gồm có:

Thứ nhất là tiền thuê tư vấn thuế: trong nền kinh tế phát triển có sự chuyên môn hóa sâu sắc, tư vấn thuế là một nghề ra đời từ nhu cầu thiết thực của xã hội. Doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu thuê tư vấn thuế. Doanh nghiệp có thể không có nhân viên kế toán thuế hoặc do nghiệp vụ quá phức tạp, họ đều cần tới tư vấn thuế. Do vậy, việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ làm phát sinh chi phí thuê tư vấn thuế cho doanh nghiệp.

Thứ hai là lương của nhân viên làm công việc chuẩn bị tờ khai thuế và kế toán thuế. Có nhiều qui định về kê khai, nộp thuế rất phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, một nhân viên kế toán thông thường không thể đảm nhiệm đồng thời công việc kê khai, nộp thuế. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải thuê đội ngũ nhân viên chuyên thực hiện các công việc liên quan tới thuế, gọi tắt là kế toán thuế. Nếu không phải thực hiện nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp sẽ không phải thuê nhân viên làm kế toán thuế. Vì vậy, lương trả cho nhân viên kế toán thuế cũng là một phần của chi phí tuân thủ thuế

Thứ ba là chi phí sử dụng phần mềm quản lý liên quan tới nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp có thể sẽ phải cần tới sự trợ giúp của phần mềm quản lý chuyên dụng về thuế. Việc sử dụng phần mềm quản lý chuyên dụng cũng được coi là một phần của chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp.

Thứ tư là chi phí mua tài liệu hoặc chi phí cho nhân viên tham gia các khóa học liên quan tới thuế. Việc trau dồi kiến thức, cập nhật những qui định mới về thuế, nâng cao trình độ quản lý là nhu cầu rất thiết thực của doanh nghiệp. Những

39 chi phí đối với các hoạt động này cũng nhằm mục tiêu thực hiện nghĩa vụ thuế. Do đó nó được coi là một phần của chi phí tuân thủ thuế.

Thứ năm là các loại chi phí khác, như tiền điện thoại, bưu điện, đi lại, các khoản tiền phạt do rủi ro không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, nhân viên phải di chuyển từ doanh nghiệp tới cơ quan thuế, tới nơi nộp thuế. Quá trình đó làm phát sinh chi phí đi lại, cần phải tính trong chi phí tuân thủ thuế. Bên cạnh đó, do sự phức tạp của các qui định về thuế, doanh nghiệp có rủi ro kê khai và nộp thuế không đúng qui định. Rủi ro này phải chịu xử phạt bằng các khoản tiền phạt. Số tiền phạt phụ thuộc vào mức độ vi phạm. Nếu doanh nghiệp gửi hồ sơ qua bưu điện thì chi phí đó cũng được tính vào chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp.

Chi phí về thời gian gồm có:

Thứ nhất là thời gian chuẩn bị số liệu để kê khai. Doanh nghiệp phải tiến hành tập hợp các dữ liệu nội bộ (chẳng hạn như sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ...); phân tích thêm các thông tin về kế toán và các số liệu, chính sách thuế quan trọng có ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế; Tính toán các nghĩa vụ thuế trên cơ sở các dữ liệu đầu vào, nhập dữ liệu vào các bảng tính thuế, các ứng dụng hỗ trợ hay sổ sách kế toán; cập nhật hệ thống kế toán đáp ứng sự thay đổi của chính sách mới về thuế suất hoặc các quy định khác; Chuẩn bị các sổ sách kế toán bắt buộc cho mục đích thuế và lưu giữ khi được yêu cầu cung cấp.

Thứ hai là thời gian kê khai. Hoạt động kê khai thuế của doanh nghiệp gồm các công việc sau: thực hiện lập các Tờ khai thuế và các mẫu biểu, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế. Nếu gửi hồ sơ trực tiếp tại cơ quan thuế thì phải tính cả thời gian đi lại, thời gian chờ đợi tại cơ quan thuế để nộp được tờ khai.

Thứ ba là thời gian nộp thuế. Thời gian nộp thuế bao gồm: Tính toán số thuế phải nộp, bao gồm cả việc đối chiếu, tính toán lại số thuế phải nộp trên tờ khai thuế với sổ sách kế toán; Phân tích, tính toán số thuế phải nộp thêm so với số thuế tạm

40 nộp; Nộp tiền thuế vào ngân sách, bao gồm cả thời gian đi lại và chờ đợi để nộp được tiền thuế.

Thứ tư là thời gian để chuẩn bị và hỗ trợ cho thanh tra thuế. Cơ quan thuế có thể thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp bất kỳ lúc nào. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp các loại văn bản, chứng từ, hóa đơn phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của thanh tra thuế; Do vậy, doanh nghiệp phải dành thời gian chuẩn bị giấy tờ, tiếp đón thanh tra thuế.

Thứ năm là thời gian thực hiện hoàn thuế, khiếu nại thuế. Để được hoàn thuế hoặc giải quyết khiếu nại thuế, doanh nghiệp cũng phải gửi hồ sơ tới cơ quan thuế, yêu cầu hoàn thuế, giải quyết khiếu nại thuế. Sau khi hoàn tất hồ sơ gửi cơ quan thuế, doanh nghiệp phải chờ đợi quyết định và nhận lại tiền hoàn thuế hoặc kết quả giải quyết khiếu nại. Thời gian nhận lại chờ đợi càng lâu thì chi phí càng cao vì nó làm giảm tốc độ quay vòng vốn của doanh nghiệp. [46]

2.2.2.3 Các yếu tố ảnh hưởng tới chi phí tuân thủ thuế

Qua phân tích trên đây có thể thấy, tất cả các quy định của chính sách thuế liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp, các quy định về thủ tục hành chính thuế như mẫu biểu kê khai, sự hỗ trợ của cơ quan thuế trong các thủ tục về kê khai, nộp thuế... đều có tác động ảnh hưởng đến gánh nặng tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Có thể tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng tới chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất là sự phức tạp của các quy định về thuế. Đây là yếu tố đầu tiên, cơ bản ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Chẳng hạn như các quy định về thuế không rõ ràng, khó hiểu; các ấn phẩm tuyên truyền, hướng dẫn không đầy đủ,... là những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ thuế. Sự khó hiểu, phức tạp của các qui định làm cho công việc chuẩn bị số liệu kê khai, tính toán nghĩa vụ thuế mất nhiều thời gian hơn. Quy định về thuế phức tạp còn tạo ra những khác biệt giữa kế toán thuế và kế toán thông thường, làm doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí quản lý như: phải thuê nhân viên chỉ làm kế toán thuế; phải ghi chép sổ sách kế toán riêng, mẫu biểu để phục vụ cho mục đích thuế, làm tăng chi phí tuân thủ. Mặt

41 khác, các quy định về thuế phức tạp, không rõ ràng cũng làm cho doanh nghiệp dễ gặp rủi ro không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế và phải chịu phạt.

Thứ hai là tần suất kê khai, nộp thuế trong năm. Tần suất kê khai là số lần mà doanh nghiệp phải chuẩn bị số liệu, lập tờ khai, gửi tờ khai, nộp thuế cho cơ quan thuế trong một năm. Điều này phụ thuộc vào quy định về tần suất kê khai thuế đối với từng loại thuế cụ thể. Tần suất kê khai, nộp thuế càng ít thì chi phí tuân thủ của doanh nghiệp càng thấp. Về mặt lý thuyết, nếu giảm tần suất kê khai thuế từ hàng tháng sang hàng quý thì gánh nặng chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp sẽ chỉ còn một phần ba.

Thứ ba là thủ tục hành chính thuế: Thủ tục hành chính thuế bao gồm các mẫu biểu tờ khai, hồ sơ, giấy tờ, phụ lục... mà doanh nghiệp phải lập và gửi cho cơ quan thuế. Mẫu biểu tờ khai thuế càng đơn giản, số lượng thông tin phải kê khai càng ít, các chỉ tiêu kê khai có nội dung rõ ràng thì chi phí tuân thủ của doanh nghiệp càng nhỏ.

Thứ tư là phương thức kê khai và nộp thuế. Phương thức kê khai, nộp thuế cũng ảnh hưởng tới chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Phương thức kê khai, nộp thuế thủ công (nộp hồ sơ, tiền mặt trực tiếp cho cơ quan quản lý) sẽ làm chi phí tuân thủ thuế tăng cao. Việc thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp. Hệ thống khai thuế điện tử sẽ hỗ trợ giảm các lỗi số học trên tờ khai, tạo thuận lợi hơp trong việc chuẩn bị số liệu, có thể liên kết với hệ thống kế toán để tiết kiệm chi phí về thời gian kê khai. Đặc biệt, thực hiện khai thuế điện tử sẽ giảm thiểu được rất nhiều chi phí không đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp như việc đi lại, chờ đợi để nộp tờ khai, nộp thuế. Việc nộp thuế bằng phương thức chuyển khoản cũng giúp giảm chi phí tuân thủ thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên việc kê khai, nộp thuế điện tử có thể làm phát sinh chi phí khác cho doanh nghiệp, như: phí chuyển khoản…

Thứ năm, là tính nhiều sắc thuế trên cùng một căn cứ tính thuế. Quy định nhiều thu nhiều sắc thuế tính trên cùng một căn cứ tính thuế làm tăng sự phức tạp và tăng tần suất kê khai, nộp các loại thuế cho doanh nghiệp. Do đó, nếu loại bỏ, hoặc

42 sát nhập hay sắp xếp các sắc thuế này thành một loại thuế duy nhất trên một căn cứ tính thuế thì không làm giảm số thu ngân sách nhưng sẽ có thể giảm đáng kể gánh nặng chi phí tuân thủ thuế cho doanh nghiệp.

Thứ sáu là qui trình giải quyết khiếu nại, hoàn thuế. Khiếu nại và hoàn thuế là những yêu cầu rất chính đáng của doanh nghiệp và được qui định cụ thể trong chính sách thuế. Thời gian chờ đợi giải quyết khiếu nại và hoàn thuế là một trong những chi phí làm tăng chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Vấn đề này phụ thuộc nhiều vào qui trình giải quyết của cơ quan thuế cũng như năng lực chuyên môn của cá bộ thuế. Do vậy để góp phần giảm chi phí tuân thủ thuế cho doanh nghiệp thì cần thiết phải đổi mới qui trình giải quyết khiếu nại và hoàn thuế, kết hợp với nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý thuế. [21],[46],[53],[55],[57]

Việc nghiên cứu chi phí tuân thủ thuế sẽ giúp luận án xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu gánh nặng thuế nói chung và gánh nặng chi phí tuân thủ nói riêng của doanh nghiệp. Trên cơ sở khung lý thuyết đó, luận án sẽ đánh giá gánh nặng thuế và chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp qua chi phí bằng tiền và chi phí về thời gian. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới chi phí tuân thủ sẽ giúp luận án tìm ra nguyên nhân tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, làm cơ sở đề xuất hướng hoàn thiện chính sách thuế.

2.2.3 Sự cần thiết phải hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển

doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo phân tích ở trên, doanh nghiệp trong mọi nền kinh tế đều phải chịu gánh nặng thuế được tạo ra bởi chính sách thuế. Tác động của chính sách thuế tới DNNVV chính là gánh nặng thuế được tạo ra. Vì vậy, để trả lời câu hỏi “Tại sao phải hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV?”, cần làm rõ gánh nặng thuế ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của DNNVV.

Trước tiên để làm rõ gánh nặng thuế của DNNVV cần xem xét gánh nặng về số thuế trực thu phải nộp và gánh nặng chi phí tuân thủ thuế. Số thuế trực thu phải

43 nộp phụ thuộc vào cơ sở thuế và thuế suất. Nếu như cơ sở thuế rất khó thay đổi thì thuế suất lại có thể thay đổi một cách dễ dàng, chỉ đơn giản bằng việc qui định mức thuế suất mới. Tuy nhiên việc thay đổi thuế suất cần phải được cân nhắc kỹ vì nó sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách và tính công bằng trong chính sách thuế. Do vậy, để đánh giá gánh nặng thuế đối với DNNVV, cần đánh giá thuế suất thuế trực thu và chi phí tuân thủ thuế.

2.2.3.1 Gánh nặng do thuế suất cao

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy, DNNVV coi thuế suất cao là trở ngại chính trong hoạt động kinh doanh của họ.

Theo báo cáo toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, 90% công ty tại các nước được khảo sát đã xếp hạng hệ thống thuế là một trong năm trở ngại chính trong kinh doanh. Trong đó: thuế suất cao, qui trình quản lý phức tạp, chính sách thuế thường xuyên thay đổi là những yếu tố chính của chính sách thuế gây ảnh hưởng lớn nhất. [73]

Một nghiên cứu khác Ukraine cho thấy rằng trong số 4 vấn đề cản trở sự phát triển của DNNVV, thì có 3 vấn đề liên quan đến thuế, đó là: thuế suất cao, quá nhiều sắc thuế, qui định thuế thay đổi quá thường xuyên.[61]

Tại Pakistan, 67% DNNVV được hỏi cho rằng gánh nặng thuế là vấn đề lớn nhất cản trở hoạt động kinh doanh của họ. Trong đó có tới 28% DNNVV cho rằng thuế suất tại nước mình quá cao. [62]

Tại Bulgaria, các doanh nghiệp nhỏ coi gánh nặng về thuế là trở ngại đáng kể nhất đối với việc đầu tư của họ.[52]

Qua những kết quả nghiên cứu trên có thể thấy thuế suất cao là một trong những nhân tố chính cản trở sự phát triển của DNNVV. Vì thế, các nước cần có những ưu đãi về thuế suất để hỗ trợ phát triển DNNVV.

2.2.3.2 Gánh nặng chi phí tuân thủ lũy thoái theo qui mô doanh nghiệp

Những nghiên cứu trước đều chỉ ra rằng gánh nặng thuế cao không chỉ bởi vì thuế suất cao. Chi phí tuân thủ thuế cũng tạo gánh nặng lớn cho DNNVV.

44 Một nghiên cứu năm 2007 của CIEM1 cho thấy, mỗi năm, doanh nghiệp phải mất khoảng 1.733 giờ cho các thủ tục mua hóa đơn thuế giá trị gia tăng, trong đó, chỉ tính riêng thời gian lập hồ sơ đã mất 1.680 giờ. Doanh nghiệp cũng phải mất 728 giờ/năm để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. [1]

Nghiên cứu của La Xuân Đào năm 2009 cũng chỉ ra rằng chi phí tuân thủ thuế ở Đồng bằng sông Cửu Long là 407 giờ/năm cho hoạt động kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và 309 giờ/năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. [21]

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 44 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)