Triều Tống (960 – 1279)

Một phần của tài liệu Quá trình mở rộng cương vực lãnh thổ phía nam của trung quốc thời tống, nguyên, minh, thanh (Trang 37 - 41)

7. Cấu trúc của đề tài

2.1.1. Triều Tống (960 – 1279)

Khi nhà Bắc Tống mới thành lập, trên lãnh thổ Trung Quốc còn có nhiều nước nhỏ cát cứ và vùng đất đai ở phía Bắc Hoàng Hà đang bị nước Liêu chiếm. Chính sách của Bắc Tống là “tiêu diệt các lực lượng cát cứ ở miền Nam trước, rồi sau mới giải quyết vấn đề ở miền Bắc” [21, tr. 147]. Chủ trương này thể hiện ở ngay từ đầu triều đại. Năm 965, vua Tống Thái Tổ là Triệu Khuôn Dận từng sai tướng quân Vương Toàn Bân dẫn địa quân tiêu diệt Tây Thục, sau đó chuyển mục tiêu về các nước ở vùng Giang Nam (phía Nam sông Trương Giang). Các quốc gia ở Giang Nam đang trong giai đoạn cuối thời kỳ Ngũ đại Thập Quốc, mỗi nước chiếm cứ một vùng có chế độ chính trị độc lập, đề phòng lẫn nhau. Nếu xét lẻ từng quốc gia thì thế lực yếu hơn Tống. Nhưng nếu các quốc gia này liên minh lại thì quân đội của họ ước chừng hơn bảy, tám trăm nghìn quân, thế lực hơn hẳn triều đình. Nếu vậy thì khó lòng thực thi kế hoạch thống nhất Trung Quốc. Triệu Khuôn Dận hiểu rõ điều này nên ông quyết tâm thực thi kế sách: “phân hóa các nước nhỏ để chúng xa rời nhau mà suy yếu” [24, tr.39].

Lợi dụng việc nhà Nam Đường tuy không phải là nước chư hầu lớn nhất ở phương Nam nhưng có thế lực quân sự mạnh, quân đội hùng cường, có thể là mối đe dọa với triều Tống, vì vậy triều Tống chọn Nam Đường để thực thi chính sách chia rẽ các nước nhỏ. Triều Tống nhân việc bang giao giữa Tống và Nam Đường để thăm dò tình hình và họ đã thành công trong kế sách của mình. “Cho đến khi nước láng giềng

34

của Nam Đường bị Tống tấn công, vua Nam Đường chỉ đứng nhìn, thậm chí còn viết thơ khuyên vua Nam Hán đầu hàng, sau khi Nam Hán bị tiêu diệt, Tống chuyển hướng tấn công sang Nam Đường, lúc ấy vua Nam Đường mới biết mình bị mắc mưu nước Tống”[24, tr.50]. Nhà Nam Đường bị tiêu diệt. Theo đà đó, các nước phương Nam vì không có sự liên minh, hỗ trợ chặt chẽ với nhau nên khi Triệu Khuôn Dận phân hóa, đánh từng nước một thì các quốc gia này nhanh chóng bị tiêu diệt.

Thêm một trong những đối sách mà Tống Thái Tổ đã thực thi nhằm thống nhất Trung Quốc là “viễn giao cận công” nghĩa là “hòa với kẻ thù ở xa, đánh kẻ thù ở gần” [24, tr. 51,52] Tức là khi mục đích quân sự gặp phải trở ngại do điều kiện địa lý thì nên kết giao, hòa hữu với các kẻ thù ở xa để rảnh tay thôn tính các kẻ thù ở gần, sau đó mở dần phạm vi thôn tính, tiêu diệt mọi kẻ thù. Miền Nam của Nam Đường có nước Ngô Việt, vị trí cách nước Tống tương đối xa, vì vậy, sau khi tiêu diệt Nam Hán, Nam Đường, triều Tống thực thi chính sách ngoại giao hòa bình với Ngô Việt. Năm Kiến Long nguyên niên (960), Tống Thái Tổ ban cho vua Ngô Việt là Tiền Xúc chức “Thiên Hạ Binh Mã Đại Nguyên Soái”, rồi phái sứ đi ban tặng cho họ ngựa chiến, dê, lạc đà,... với ngụ ý muốn kết tình giao hảo với nhau [11, tr.521]. Sau đó, Ngô Việt phối hợp với quân Tống bình định Giang Nam. Sau khi tiêu diệt Nam Đường, chỉ còn lại Ngô Việt, nhà Tống không cần vội xuất binh đánh chiếm chỉ cần dọa nạt, vua Ngô Việt tự dâng Ngô Việt cho Tống.

Trong vòng gần hai mươi năm, Bắc Tống đã lần lượt tiêu diệt Kinh Nam (963), Hậu Thục (965), Nam Hán (971), Nam Đường (975), Ngô Việt (978), Bắc Hán (979). Tình trạng chia cắt thời Ngũ đại Thập quốc hoàn toàn chấm dứt.

Năm 979, sau khi tiêu diệt tiểu quốc cuối cùng là Bắc Hán, Tống Thái Tông (976-997) đem quân đánh Khiết Đan (Liêu), nhưng tại sông Cao Lương (ở ngoại thành Bắc Kinh ngày nay), quân Tống bị thất bại nặng nề nên buộc phải rút lui. Năm 982, ở nước Liêu, Liêu Cảnh Tông chết, Liêu Thánh Tông mới 11 tuổi lên ngôi, lợi dụng tình thế đó, năm 986, Tống Thái Tông xuất quân đánh Khiết Đan nhưng bị thất bại, từ đó Tống không dám đem quân đánh Khiết Đan mà ngược lại Khiết Đan liên tiếp tấn công Bắc Tống.

Trung Quốc đã không thể đối mặt với sự thật rằng sức mạnh quân sự của họ đã luôn bị thử thách với những cuộc chạm trán liên tục với người Khiết Đan, một dân tộc sống ở hầu hết vùng Mãn Châu và đang chiếm đóng vùng cực bắc của họ. Sau khi

nhiều lần bị người Khiết Đan đánh bại, Tống Chân Tông, năm 1004 đã ký một thỏa ước với người Khiết Đan, nhường lại vĩnh viễn cho người Khiết Đan phần đất Trung Quốc mà họ đang chiếm, gồm cả Bắc Kinh và ông đồng ý triều cống hàng năm cho họ. Năm 1042, Bắc Tống phải gả công chúa (mới 4 tuổi) cho vua Liêu đồng thời hàng năm phải nộp cống phẩm như lụa, bạc. Như vậy, Bắc Tống tuy là một nước lớn nhưng phải nhượng bộ Liêu và Tây Hạ, phần nào đó cũng bị lệ thuộc vào Liêu.

Sau khi dùng nhiều biện pháp giảng hòa với Liêu và Tây Hạ, đất nước nhiều năm chinh chiến liên miên cũng đi vào lập lại trật tự. Tuy nhiên do phải nộp cống phẩm hàng năm cho Liêu và Tây Hạ nên kinh tế đất nước nhiều lần khó khăn, phải dùng biện pháp tăng thuế khiến nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Sau này, khi cuộc cải cách của Vương An Thạch được tiến hành, tuy mang mục đích làm cho dân giàu nước mạnh nhưng ngoài việc khẩn được một số vùng đất bỏ hoang, đào đắp và sửa chữa một số công trình thủy lợi thì không mang liệu hiệu quả gì nhiều, khiến cho tình hình đất nước càng thêm suy yếu.

Trong suốt nhiều năm trị vì, triều Tống cũng như nhiều triều đại trước kia, vẫn tiến hành nhiều chính sách mở rộng lãnh thổ. Thời bấy giờ, ở nước ta, cha con Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, tình hình trong triều không ổn định. Vì vậy Bắc Tống quyết định đem quân sang xâm lược. Trước khi xuất quân, vua Tống sai Lư Đa Tốn đem thư sang đòi nước ta đầu hàng, nếu không sẽ đem quân sang đánh, thư có đoạn:

“...Từ đời Thành Chu, (nước ngươi) đã đem chim trĩ trắng sang dâng, cho đến đời Lý Đường, vẫn thuộc về nội địa. Cuối đời Đường, nhiều hoạn nạn chưa kịp xử trí.

...Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ, quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta sẽ tha tội cho, nếu trái mệnh, ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy”. [21, tr. 130, 131]

Năm 981, Bắc Tống cho quân chia làm hai đường thủy, bộ ồ ạt tấn công nước ta, dự định sẽ phối hợp với nhau để vây hám kinh đô Hoa Lư, nhưng thủy quân bị thất bại ở cửa sông Bạch Đằng, còn bộ binh thì vừa mới đến Chi Lăng đã bị tổn thất nặng nề, chủ tướng Hầu Nhân Bảo bị giết chết, nhiều tướng khác bị bắt sống, có cánh quân bị chết đến quá nửa, vua Tống phải ra lệnh rút quân.

Đến thập kỷ 70 của thế kỷ XI, Bắc Tống lại tiếp tục xâm lược nước ta thêm một lần nữa. Lúc này, vào năm 1072, ở nước ta vua Lý Thánh Tông từ trần, Lý Nhân Tông

36

mới 7 tuổi lên nối ngôi. Bắc Tống nhân cơ hội đó cho rằng: “Giao Chỉ đánh nhau với Chiêm Thành bị thua, binh lính còn không đầy một vạn, có thể lấy được”.[21, tr. 138].

Lúc này ở Trung Quốc đang khó khăn chồng chất, lại bị Liêu và Tây Hạ uy hiếp. Vì vậy, Bắc Tống chủ trương đánh nước ta, hy vọng có thể tạo nên thắng lợi để tăng thêm uy thế cho Tống, làm cho Liêu Hạ kiêng nể. Nếu Tống giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm lược này thì sẽ cổ vũ khí thế chiến thắng của quân và dân miền Bắc Trung Quốc, do đó sẽ “nuốt tươi nước Hạ mà nếu nuốt được nước Hạ thì ai dám quấy nhiễu Trung Quốc nữa” [21, tr.148]. Trên cơ sở nhận định đó, Bắc Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta. Vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay được dùng làm căn cứ xuất phát. Nhưng những căn cứ quân sự và hậu cần ấy đã bị quân đội nhà Lý, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đánh phá. Mặc dù bước đầu bị tổn thất, cuối năm 1076, Bắc Tống vẫn sai Quách Qùy sang tấn công nước ta. Sau hơn ba tháng, quân Tống không thể chọc thủng phòng tuyến sông Cầu của quân Đại Việt, trái lại, lực lượng của Tống ở đây có 30 vạn quân, mà chết mất quá nửa, Quách Quỳ buộc phải rút quân. Cuộc viễn chinh xâm lược nước ta lần thứ hai của Bắc Tống thất bại nặng nề.

Như vậy, chủ trương của nhà Bắc Tống muốn dùng chiến tranh xâm lược bên ngoài để làm tăng sức mạnh trong nước, chẳng những không đạt được mà trái lại còn làm cho Bắc Tống càng gặp nhiều khó khăn và càng ngày càng suy yếu, dẫn đến sự diệt vong là điều không tránh khỏi.

Sau khi Bắc Tống diệt vong, em trai của Tống Khâm Tông là Triệu Cấu được lập lên làm vua ở phủ Ứng Thiên (Hà Nam), hiệu là Cao Tông, triều Nam Tống bắt đầu (1127-1279). Tuy nhiên quan hệ giữa Nam Tống và Kim không tốt, nhiều lần đánh chiếm nhau, Nam Tống nhiều lần thua, phải kí hòa ước với nước Kim và hằng năm phải nộp cống. Dựa vào tình hình và bối cảnh của nhà Nam Tống lúc bấy giờ, vừa từ sự tan rã của triều Bắc Tống, thành lập lại triều Nam Tống sức mạnh quân sự còn yếu, thêm vào đó thế lực phía Bắc ngày càng lớn mạnh, Nam Tống muốn thực hiện chính sách thống nhất lại triều Tống lại càng khó khăn ngược lại còn bị đe dọa trở lại, triều Kim đánh chiếm một số vùng đất ở miền Bắc, đẩy Nam Tống xuống dần phía Nam. Với phía Bắc, triều Nam Tống thất thế trước nước Kim và Tây Hạ nên phải chấp nhận cục diện “Tam quốc” phân chia nhau lãnh thổ. Tuy Nam Tống nhiều lần thi hành chính sách đầu hàng thỏa hiệp nhưng không tránh được chiến tranh liên miên. Từ đó

triều Nam Tống suy yếu, cuối thời Nam Tống, khởi nghĩa nông dân nổ ra dẫn đến sự kết thúc của triều Tống.

Nhìn chung, nhà Tống (Bắc Tống và Nam Tống) trong suốt hơn 300 năm thống trị đều thi hành chính sách mở rộng lãnh thổ nói chung và chính sách mở rộng lãnh thổ phía Nam nói riêng. Tuy nhiên, những chính sách của họ dù có tư duy chiến lược rất cao, nhưng lại vấp phải sai lầm đó là không cân bằng được giữa thế lực, quân sự của mình và các mục tiêu mà bản thân hướng tới.

Một phần của tài liệu Quá trình mở rộng cương vực lãnh thổ phía nam của trung quốc thời tống, nguyên, minh, thanh (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)