7. Cấu trúc của đề tài
2.1.3. Triều Minh (1368 – 1644)
Đối với đối ngoại, Minh Thành Tổ tính cực thi hành chính sách “Viễn giao cận công” [21, tr.156]. Viễn giao cận công là kế sách đã có từ thời Tần ở Trung Quốc, tức là ở xa thì giao thiệp, ở gần thì tấn công. Đây là kế thứ 23 trong ba mươi sáu kế. Tể tướng nước Tần là Phạm Thư đề ra kế viễn giao cận công, theo đó với các nước gần, Tần sẽ dùng vũ lực uy hiếp, chiếm thành chiếm đất, với các nước xa không đem quân đi được thì lại dùng ngoại giao dụ dỗ làm đồng minh. Thời Minh cũng dùng chính sách này để thi hành chính sách đối ngoại của mình.
Về phía Bắc, Minh Thành Tổ 5 lần tự mình đem quân đánh người Tácta và người Oirat, 2 chi nhánh của tộc Mông Cổ, mua chuộc và xúi dục họ đánh lẫn nhau. Ông còn hết sức lôi kéo, chiêu dụ tộc Nữ Chân thần phục triều Minh. Kết quả là có lúc thủ lĩnh các tộc Tácta, Oirat, Nữ Chân tạm thời quy phục nhưng quan hệ ấy không bền chặt, trái lại sau đó đã trở thành mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc trong một thời gian dài. Để thuận lợi hơn trong các hoạt động quân sự ở phía Bắc, năm 1421, Minh Thành Tổ nhiều lần cử sứ giả đến các nước Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á nhằm lôi kéo những nước ở vùng này đến thần phục Trung Quốc. Trong những hoạt động nhằm mở rộng ảnh hưởng, rầm rộ nhất là những chuyến đi bằng đường biển do Thái giám Trịnh Hòa dẫn đầu xuống các nước ven biển phía Nam.
Đối với nước ta, năm 1406, nhân khi triều Hồ thay triều Trần, Minh Thành Tổ đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược và kéo dài cho đến năm ông ta chết (năm 1424) vẫn chưa kết thúc.