7. Bố cục của luận văn
2.1.3. Khoa học kĩ thuật
Những tài liệu do chính người phương Tây ghi chép cho thấy, trong các thế kỉ XVI, XVII, tàu buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đã nối tiếp nhau tìm đến giao thương với nhiều vùng lãnh thổ ở khu vực Viễn Đông, trong đó có Đàng Trong. Đồng hành với giới thương nhân trên các tàu buôn này là sự hiện diện của các nhà truyền giáo. Chính trong bối cảnh ấy, một quá trình du nhập các thành tựu khoa học kĩ thuật phương Tây vào nước ta nói chung và ở Đàng Trong nói riêng đã diễn ra một cách tự nhiên, gắn liền với vai trò tiên phong của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, đặc biệt là thừa sai Dòng Tên.
* Thiên văn học
Trước khi các tri thức Thiên văn học của người châu Âu du nhập vào Việt Nam nói chung và Đàng Trong nói riêng thì trình độ thiên văn học của người Việt cũng đã có những bước phát triển nhất định. Từ những tư liệu lịch sử do các nhà truyền giáo phương Tây ghi chép đương thời, có thể thấy rằng, bản thân người Việt cũng rất quan tâm đến các hiện tượng tự nhiên, đến bầu trời, trăng sao. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một điều rằng, thiên văn học của người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Hoa, thiên về kinh nghiệm và việc lý giải về các hiện tượng tự nhiên còn mang nhiều màu sắc thần bí. Sự phát triển của Thiên văn học trong thời gian này chủ yếu nhằm phục vụ cho các công việc liên quan đến triều đình, vua chúa và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo ghi chép của Borri, các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong rất quan tâm đến môn khoa học này, cho sắp đặt hẳn những gian phòng mênh mông để dạy thiên văn, Tư Thiên giám - cơ
quan thiên văn, lịch pháp của nhà nước được cấp lương bổng đặc biệt và thưởng đất đai.“Chúa có Tư Thiên giám của Chúa, các vương công, hoàng tử cũng có Tư Thiên giám của họ và ai nấy đều chuyên chú dự đoán thiên thực” [11, tr. 189]. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo Dòng Tên cũng phát hiện ra rằng, việc tính lịch và dự báo nhật thực, nguyệt thực của các nhà thiên văn Đàng Trong đương thời thường xảy ra sai sót hoặc nhầm lẫn [11, tr. 189]. Chính vì vậy, các nhà truyền giáo Dòng Tên đã nảy ra ý định sử dụng kiến thức thiên văn phương Tây, để giúp các chính quyền Đàng Trong khắc phục hạn chế nói trên. Thông qua đó, các thừa sai Dòng Tên hi vọng sẽ có thể tiếp cận và cải giáo giới thống trị, hoặc chí ít là nhận được thái độ thiện cảm của vua quan Đàng Trong đối với hoạt động truyền bá Thiên Chúa giáo do họ tiến hành đương thời. Tiền đề cho sự du nhập thiên văn học phương Tây vào Đàng Trong ở các thế kỉ XVII, XVIII còn được tạo ra bởi các chính quyền chúa Nguyễn, khi họ chủ động sử dụng không ít giáo sĩ Dòng Tên vào một số lĩnh vực khoa học kĩ thuật mà lúc bấy giờ người phương Tây có ưu thế hơn so với người Việt. Trong đó, thiên văn học là một trong những lĩnh vực tiêu biểu. Theo học giả Trương Bá Cần, ngay từ nửa đầu thế kỉ XVII, các nhà truyền giáo Dòng Tên hoạt động tại Đàng Trong đã bắt đầu sử dụng những hiểu biết thiên văn, đặc biệt là về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực để tìm cách tiếp cận và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với các chúa Nguyễn [9, tr. 527]. Tuy nhiên, phải từ nửa sau thế kỉ XVII trở đi, việc sử dụng giáo sĩ phương Tây trong lĩnh vực này của giới cầm quyền Đàng Trong mới chính thức được bắt đầu, với sự hiện diện của một số nhà truyền giáo Dòng Tên đồng thời cũng là nhà thiên văn - toán học trong phủ Chúa như Antoine Arnedo, Jean Baptisle Sanna, Francisco de Lima. Trong những năm 30 của thế kỉ XVIII, niềm khao khát có được sự phục vụ từ các giáo sĩ Dòng Tên trên lĩnh vực thiên văn - toán học vẫn không hề suy giảm, khi vào năm 1731, chúa Nguyễn Phúc Chu yêu cầu giáo phận Macao phái đến các thừa sai giỏi về toán học, đặc biệt là thiên văn. Đáp ứng niềm mong mỏi của chúa Nguyễn, năm 1738, hai thừa sai Jean Siebert và Grueber được phái đến Đàng Trong để nối tiếp nhiệm vụ trở thành nhà thiên văn - toán học của chúa Nguyễn và họ đã nhận được thái độ đón tiếp vô cùng trọng thị, hân hoan và vui mừng từ những người trong hoàng thất. Từ năm 1740 cho đến khi chính quyền Đàng Trong bị phong trào nông dân Tây Sơn lật đổ (1777), chúa Nguyễn tiếp tục chào đón hai giáo sĩ Dòng Tên khác là Jean de Loureiro và Joseph Neugebeaur đến Đàng Trong đảm nhận vai trò nhà thiên văn - toán học trong phủ Chúa. Không những được tiếp nhận bởi những nhân vật có quyền lực chính trị cao nhất của giới cầm quyền Đàng Trong, trong các thế kỉ XVII, XVIII, các thừa sai Dòng Tên thông qua việc sử dụng thành tựu và kiến thức thiên văn học phương Tây để tính toán và dự báo chính xác các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực trong quá trình truyền giáo tại một số địa phương mà họ có cơ hội đặt chân đến ở cả hai
khu vực, còn dành lấy được thiện cảm cũng như thái độ tích cực tiếp nhận của bộ phận quan lại tại các nơi đó, mà một số sự việc được ghi chép trong các tác phẩm hoặc bản tường trình về hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong của Cristoforo Borri,Gaspar Luis và Alexandre de Rhodes đã chứng minh rõ điều đó. Chính những điều đó đã tạo tiền đề thuận lợi cho sự du nhập của thiên văn học phương Tây vào Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII.
Trên thực tế, thành tựu thiên văn học phương Tây du nhập vào Đàng Trong ở các thế kỉ XVII, XVIII gắn liền với hai cách thức. Một là các giáo sĩ Dòng Tên trực tiếp bàn luận, giảng giải các kiến thức thiên văn phương Tây cho giới thống trị Đàng Trong. Hai là các nhà truyền giáo thuộc dòng tu này đã không ít lần tiến hành tính toán, phác họa bằng hình vẽ và thông báo cho vua chúa, quan lại bản xứ về nhật thực, nguyệt thực sắp xảy ra cũng như tranh luận với các nhà thiên văn người Việt về một số vấn đề liên quan đến các hiện tượng ấy. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhật thực, nguyệt thực - Những hiện tượng mà trong suy nghĩ của người Việt thời bấy giờ luôn mang đầy tính tâm linh, thần bí và thiêng liêng, nhận được sự sùng bái vô hạn nhưng cũng đem lại không ít nỗi khiếp sợ đối với giới cầm quyền và dân chúng Đàng Trong, thì ngược lại đã trở thành cơ hội hiếm có để các nhà truyền giáo Dòng Tên thể hiện sự diệu kì, ứng nghiệm và chính xác của những kiến thức thiên văn phương Tây, từ đó mà thu hút các giai tầng trong xã hội Đàng Trong đương thời tin theo Thiên Chúa giáo. Tư liệu của thừa sai Dòng Tên hoạt động tại Đàng Trong vào đầu thế kỉ XVII cũng ghi nhận ảnh hưởng thiên văn học phương Tây đối với vua chúa, quan lại và trí thức xứ sở này, thông qua hoạt động tính toán, dự báo nhật thực, nguyệt thực của các thừa sai Dòng Tên. Tiêu biểu như trong bản tường trình về Đàng Trong của Cristoforo Borri, vị thừa sai Dòng Tên này đã đề cập đến sự việc nguyệt thực xuất hiện vào ngày 19 tháng 12 năm 1620. Lúc bấy giờ, bản thân ông đang ở Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) và thừa sai Francisco de Pinađang hoạt động tại Kẻ Chàm (tỉnh Quảng Nam) – Trung tâm chính trị lớn thứ hai ở Đàng Trong đương thời, đã tiến hành tính toán thời gian cũng như vẽ ra diễn trình của lần nguyệt thực này trước khi hiện tượng ấy xảy ra một thời gian và báo với quan lại địa phương ở Qui Nhơn cũng như vị hoàng tử của Chúa Nguyễn ở Kẻ Chàm. Sau đó, một cuộc tranh luận quyết liệt đã nảy sinh giữa quan lại và những nhà thiên văn bản xứ với hai ông về các vấn đề có hay không sự xuất hiện của nguyệt thực, cũng như thời gian cụ thể diễn ra hiện tượng này. Đặc biệt, trước dự báo sai lệch của các nhà thiên văn người Việt về thời gian xuất hiện nguyệt thực, vị hoàng tử của chúa Nguyễn ở Kẻ Chàm đã sai quan lại của mình đến tham vấn ý kiến của Francisco de Pina và cuối cùng kết quả diễn ra đúng như những gì vị thừa sai này đã dự báo [11, 192]. Hay đối với lần nhật thực diễn ra vào ngày 21 tháng 5 năm 1621, giữa các thừa sai Dòng Tên và các nhà thiên văn, toán
học của Chúa Nguyễn cũng diễn ra một cuộc tranh luận về thời gian xuất hiện cũng như khả năng quan sát nhật thực từ Đàng Trong. Giáo sĩ Cristoforo Borri thông báo với Chúa Nguyễn rằng, vì lí do có thị sai giữa mặt trăng và mặt trời, nên không có cách nào để có thể nhìn thấy nhật thực lần này từ Đàng Trong. Trong khi đó, do không hiểu hiện tượng thị sai là gì, nên các nhà thiên văn của chúa Nguyễn khẳng định nhật thực sẽ xảy ra đúng thời gian mà họ tiên đoán và hoàn toàn có thể quan sát được. Kết quả cuối cũng đã diễn ra đúng như những gì mà các nhà truyền giáo Dòng Tên đã dự báo [11, tr. 197]. Sau sự việc này, theo ghi chép của thừa sai Cristoforo Borri, đã có không ít các nhà thiên văn, toán học của chúa Nguyễn ở Huế và của hoàng tử ở Kẻ Chàm (tỉnh Quảng Nam) tìm đến xin được học tập cách tính toán, trắc lượng nhật thực, nguyệt thực. “Không thể nói được sự kiện này đã khiến chúng tôi được tín nhiệm và nâng cao uy thế đến mức nào bên cạnh những bậc hiền tài của xứ này. Thêm nữa, các nhà tinh tượng học của thế tử và cả của các chúa Nguyễn đều đến tìm chúng tôi xin được nhận làm học trò” [11, tr. 197-200].
Như vậy, mặc dù những dẫn chứng trên đây vẫn chưa thể “phục dựng” một cách toàn diện, đầy đủ và rõ ràng nhất bức tranh toàn cảnh với các kết quả cụ thể đạt được của quá trình du nhập thiên văn học phương Tây vào Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII, tuy nhiên, dựa vào những chi tiết này, giới nghiên cứu vẫn hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định, thông qua hoạt động giảng giải trực tiếp kiến thức thiên văn học phương Tây cũng như tính toán, dự báo nhật thực, nguyệt thực của thừa sai Dòng Tên, bộ phận thống trị và trí thức người Việt ở Đàng Trong chắc hẳn đã có sự tiếp cận và tiếp thu ở một mức độ nhất định các kiến thức thuộc lĩnh vực này, hoặc chí ít là nhận ra được tính ưu việt của nó so với nền tảng thiên văn học truyền thống, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc, để rồi từ đó làm nảy sinh nhu cầu của giới cầm quyền lúc bấy giờ đối với việc sử dụng giáo sĩ Dòng Tên trong các lĩnh vực khoa học kĩ thuật nói chung và thiên văn học nói riêng, diễn ra phổ biến ở thế kỉ XVIII.
* Y học
Trong các thế kỉ XVII, XVIII, những tri thức y học phương Tây bước đầu được truyền bá vào Đàng Trong gắn liền với vai trò của các nhà truyền giáo phương Tây, trong đó có thừa sai Dòng Tên. Trong quá trình hoạt động ở Đàng Trong, họ không chỉ tiến hành công việc truyền giáo mà còn phục vụ cho giới cầm quyền bản xứ trên phương diện y học, góp phần quan trọng trong việc đưa những kiến thức y học phương Tây đến với người Việt thời bấy giờ. Trong khi đó, xuất phát từ sự hiếu kì và mong muốn tìm hiểu những kiến thức y học mới lạ, hoàn toàn khác về bối cảnh ra đời, nền tảng lí luận, phương pháp chữa trị so với nền y học truyền thống, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu chữa
bệnh, nên giới thống trị Đàng Trong thời bấy giờ rất chú trọng tiếp nhận y học phương Tây.
Trên thực tế, từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII, nhiều thừa sai phương Tây giỏi về y học đã được chúa Nguyễn, hoàng tộc và quan lại trọng dụng, đảm nhận chức vụ ngự y trong phủ chúa. Năm 1686, để có được sự phục vụ của thừa sai Dòng Tên Bartholomeu da Costa – Người đã từng có thời gian làm thầy thuốc trong phủ Chúa trước đó, Chúa Hiền và tiếp theo là Chúa Nghĩa đã từng gây sức ép với chính quyền người Bồ Đào Nha tại Macao bằng những tuyên bố gây bất lợi trong quan hệ thương mại giữa hai bên, để buộc họ phải đưa vị thừa sai này trở lại Đàng Trong, mặc dù lúc bấy giờ Bartholomeu da Costa đang chuẩn bị trở về châu Âu.
Nhà truyền giáo Langlois cũng là một thầy thuốc phương Tây đến sống và làm việc tại Đàng vào cuối thế kỉ XVII. Trong quá trình hành nghề chữa bệnh tại khu vực này, ông rất được triều đình phong kiến trọng dụng: “Các vị vương của Nam Kỳ đã đặt niềm tin về sức khỏe của họ vào Cha Langlois và hoàng tử thứ hai sau này nối ngôi vị vương lúc đó đã cấp cho ông một vạt đất lớn gần dinh của Hoàng tử. Từ đó, ông đã sử dụng tri thức của mình để chữa bệnh cho dân chúng. Theo cha đạo Vachet nói thì ông đã dựng lên tại đây một nhà thương rất lớn có thể chứa 300 bệnh nhân. Không ai là không biết tiếng về lòng từ thiện của ông ta, người giàu cũng như người nghèo đều được ông giúp đỡ” [21, tr. 284]. Trong giai đoạn trị vì của Chúa Minh, hai thừa sai J. B Sanna và Sébastien Pirès đã nối tiếp các giáo sĩ trước đó đặt chân đến Đàng Trong và đảm nhận chức vụ thầy thuốc của vuavào thời Minh vương trong khoảng thời gian từ 1714 đến 1726. Khi hành nghề thầy thuốc tại đây, thừa sai J. B Sanna đã dựng lên một nhà thương tại Thuận Hóa để chữa bệnh.
Dưới thời Võ Vương, triều đình Chúa Nguyễn tiếp tục đón một vị thừa sai Dòng Tên khác rất giỏi về y học phương Tây, đó là Jean Siebert. Ông phục vụ trong phủ Chúa ông từ năm 1738 đến 1745. Đánh giá về sự ảnh hưởng của Jean Siebert tại triều đình Đàng Trong, thương nhân người Pháp Pierre Poivre đã viết: “Các thầy Dòng Tên rất vinh dự có được cha Siebert trong hàng ngũ, vì đó là một nhà truyền giáo người Đức, một nhà toán học tài giỏi, một con người đầy trí tuệ: Vị vương hiện nay rất yêu thương và ban cho ông ấy chức quan hạng nhất, nhà truyền giáo này là một nhân vật chính trị của triều đình, biết cư xử khéo léo và làm cho bản thân được tin cậy…” [21, tr. 288].
Năm 1745, Siebert qua đời tại Huế và người thay thế là thừa sai Slamenski. Cũng giống như các nhà truyền giáo phương Tây khác trước đó, “Cha Slamenski cũng được ban chức thầy thuốc riêng của vua. Trong một lá thư 7/1847 viết tại Huế gửi Cha Ritter đã có nhiều lời khen ngợi đối với Cha Slamenski, xem Cha Slamenski như là người rất có kinh nghiệm trong nghề chữa trị bệnh nhân, mổ xẻ và điều chế thuốc” [21, tr. 288].
Một nhà truyền giáo khác cũng rất được trọng dụng tại triều đình Đàng Trong sau Siebert và Slamenski đó là Koffler. Không những giữ vai trò là thầy thuốc riêng của chúa Nguyễn, Koffler thể hiện tầm ảnh hưởng của bản thân trên phương diện chính trị tại triều đình Đàng Trong thời bấy giờ. Theo ghi chép của Koffler thì chúa Nguyễnrất yêu mến ông ấy. “Đây cũng là vinh dự chung cho các thầy thuốc vì thầy thuốc đang được mọi người cần đến, và cũng cho chính bản thân tôi vì tôi thì lại càng được các ông quan và các nữ giới nâng đỡ hơn nữa….” [21, tr. 289]. Trong thư gửi linh mục Ritter, giáo sư của nữ hoàng Bồ Đào Nha, vào tháng 6 năm 1749, ông thông báo đã chữa lành 50 bệnh sốt, 5 bệnh viêm họng nặng, 3 hoại thư, hơn 100 bệnh kinh phong, bệnh sốt rét, tràn dịch phổi, bệnh mắt và răng. Trong cuộc truy nã của chính