7. Bố cục của luận văn
2.2. Văn hóa Đàng Trong được giới thiệu sang phương Tây thế kỉ XVII, XVIII
2.2.1. Văn hóa Đàng Trong thế kỉ XVII, XVIII qua các tài liệu của người phương Tây
Trong việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và xã hội Đàng Trong thế kỉ XVII, XVIII, bên cạnh nguồn tài liệu chính sử còn có một nguồn tài liệu phong phú, đa dạng và quan trọng mà giới học giả không thể coi nhẹ, đó là các tài liệu ghi chép của người phương Tây, gồm có thương nhân, nhà truyền giáo và một số nhà du hành đã từng đặt chân đến Đàng Trong ở giai đoạn này.
Trong quá trình đến Việt Nam tuyên giảng Phúc Âm, các thừa sai phương Tây hết sức quan tâm đến văn hóa của người Việt. Qua các tác phẩm của một số giáo sĩ như Cristophoro Borri, Alexande de Rhodes,… cùng với các thư từ, báo cáo tình hình truyền giáo ở Việt Nam của các giáo sĩ phương Tây gửi về châu Âu lúc bấy giờ, nền văn hóa của người Việt được miêu tả hết sức tỉ mỉ và qua đó thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá của người phương Tây đối với nền văn hóa Việt Nam. Những tài liệu đó chính là kết quả của quá trình quan sát, tìm hiểu đời sống văn hóa của cư dân bản xứ của người châu Âu, có giá trị không nhỏ đối với việc nghiên cứu giá trị văn hóa của người Việt trong các thế kỉ XVII, XVIII.
Có thể nói những tác giả phương Tây viết về văn hóa xứ Đàng Trong giai đoạn từ thế kỉ XVII, XVIII chủ yếu là giáo sĩ, thương nhân, nhà du hành. Trong đó, Cristophoro Borri, Alexandre de Rhodes, John Barrow... là những trường hợp tiêu biểu. Những cuốn sách này tuy có một số quan niệm sai lạc như coi tôn giáo, tín ngưỡng bản địa là mê tín dị đoan, nhưng tất cả mang đến cho độc giả nhiều thông tin quý giá, bổ khuyết cho
những điều mà sử liệu của người Việt không ghi chép cũng như giúp người đời sau hiểu rõ hơn về đất nước và con người Đàng Trong thế kỉ XVII, XVIII.
Cristophoro Borri (1583-1632) là một giáo sĩ Dòng Tên người Ý. Là một trong những giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Trong thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và lưu trú ở đó trong 5 năm (1618-1622). “Ông là một trong những người châu Âu đầu tiên và chắc chắn là người thứ hai sau cha Francoi de Pina say mê nghiên cứu tiếng An Nam” [11, tr. 16]. Tập kí sự của ông mang tên “Xứ Đàng Trong 1621” đã được in lần đầu tiên vào năm 1631 tại Ý, sau đó được tái bản đến 15 lần. Tập kí sự tường thuật khá chi tiết về xứ Đàng Trong, từ quốc hiệu, cương vực, diện tích, khí hậu, đất đai, sản vật cho đến phong hóa, tập quán, hành chính, quân sự, thương mại, đời sống tinh thần của người Việt xứ Đàng Trong. Đặc biệt, qua cuốn kí sự này ông đã để lại cho người đời sau những mẫu tự quý giá đầu tiên của chữ Quốc ngữ.
Alexandre de Rhodes (1591-1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Pháp. Ông là người có công lớn trong việc truyền bá đạo Thiên Chúa ở Đàng Trong và góp phần quan trọng trong sự hình thành chữ Quốc ngữ. Ông đã viết và xuất bản cuốn “Hành trình và truyền giáo” - một tác phẩm quan trọng liên quan đến giai đoạn lịch sử truyền giáo ở Đàng Trong. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1653 ở Paris và sau đó được tái bản nhiều lần. Tuy được viết dưới nhãn quan tôn giáo, nhưng nội dung cuốn sách có nhiều chi tiết giúp giới nghiên cứu hiểu hơn về nhiều phương diện của Đàng Trong lúc bấy giờ.
John Barrow (1764-1848) là một chính khách, nhà du hành và tác giả du ký người Anh. Cuốn sách “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793)” được ông viết năm 1797 sau khi trở về Anh quốc, kể về những trải nghiệm của ông tại Đàng Trong trong giai đoạn 1792-1793 và được xuất bản lần đầu năm 1806 tại Lôn Đôn. Đây là một tác phẩm cực kỳ thú vị với người phương Tây tại thời điểm xuất bản vì có một số chương cho người đọc thấy được khá chi tiết về đất nước và con người Việt Nam trong những năm cuối thế kỉ 18. Ông vừa miêu tả, tường thuật những gì ông trông thấy, bên cạnh đó ông còn nghiên cứu, tổng hợp những tài liệu khác để có những khảo luận của riêng mình về kinh tế, chính trị, lịch sử, xã hội ở vùng đất này. Ông đã phác họa những nét khái quát về địa lý, lịch sử của cả hai xứ Nam Hà và Bắc Hà, khảo sát thực địa về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân cảng thị Đà Nẵng cũng như những lợi ích to lớn khi giao dịch buôn bán với xứ Nam Hà.
Như vậy, từ những phân tích từ một số tác phẩm tiêu biểu trên đây, có thể thấy rằng, khi đến Đàng Trong, các nhà truyền giáo, thương nhân và du hành gia người phương Tây đã tìm hiểu văn hóa Việt một cách tỉ mỉ. Cùng với quá trình truyền giáo buôn bán và du ngoạn, họ có điều kiện gần gủi với đời sống của dân chúng Đàng Trong.
Họ đã ghi lại, kể lại những gì mắt thấy tai nghe thiết chế xã hội, tập tục, cách sống, ngôn ngữ và tập quán người Việt. Mỗi người trong số họ đã có những quan sát trải nghiệm khác nhau, vì vậy, trong cách miêu tả của họ, tuy có những điểm tương đồng song không tránh khỏi điều khác biệt. Cũng có giáo sĩ không quen với đời sống hay cách ăn uống, sinh hoạt của người Việt nên đã tỏ ra khó chịu, không hài lòng, thậm chí là chê bai những gì họ nhìn thấy ở Đàng Trong. Bên cạnh đó, cũng có một số khác tỏ ra thích thú, hiếu kì với những tập tục, tín ngưỡng, phong tục hay cách sống giản dị của những người dân bản xứ. Tuy không thật đầy đủ, nhưng với những tác phẩm, du ký hay thư từ của các giáo sĩ, thương nhân và nhà du hành phương Tây cũng đã phác họa được phần nào những nét chủ đạo trong đời sống văn hóa của người Việt ở Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII. Qua ghi chép của người phương Tây, có thể nhận thấy một sự phản ánh đa dạng các lĩnh vực trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân Đàng Trong.
2.2.2. Đời sống văn hóa vật chất
* Ẩm thực
Nhiều nét khác lạ và đặc sắc trong bữa ăn của người Việt ở Đàng Trong so với văn hóa châu Âu đã được người phương Tây khám phá trong quá trình tiếp xúc với con người nơi đây. Để thỏa mãn sự hiếu kì của bản thân, họ đã quan sát và ghi chép khá tỉ mỉ bữa ăn cũng như cách ăn uống, cách chế biến các món ăn của người Việt.
Về các món ăn, giáo sĩ Alexandre de Rhodes quan sát thấy cơ cấu bữa ăn những người dân xứ sở này chủ yếu là cơm gạo, cá và các loại rau. Còn theo ghi chép của Cristophoro Borri trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong”, thức ăn thông thường nhất của người Đàng Trong là cơm và ông thấy thật là kì lạ vì toàn lãnh thổ có rất nhiều thứ thịt, gà, vịt, cá và trái cây đủ loại, thế mà bữa ăn ngon nhất lại là cơm, họ xới thật nhiều cơm, ngay khi ngồi vào mâm, rồi chỉ gắp sơ sơ và nếm các món thịt như để theo nghi lễ. Người Đàng Trong ăn cơm là chính và ăn cơm 4 lần trong ngày. Theo Borri, trong bữa ăn của người Đàng Trong không thể thiếu bát nước mắm để kích thích cảm giác ngon miệng và hương vị của bữa ăn. Ông viết: “Thứ gia vị này làm từ cá ướp muối, ủ thành chất lỏng, mùi vị tựa như mù tạc. Nhà nào cũng có hàng thùng nước mắm chẳng khác nào bên Âu châu người ta trữ rượu vang. Thứ nước cốt này không dùng riêng mà để tạo vị cho món ăn, người ta sẽ thấy bữa cơm nhạt nhẽo nếu thiếu nó”[11, tr. 64]. Ngoài ra, còn có một món được người phương Tây nhắc đến là món tổ chim yến. Alexandre de Rhodes trong tác phẩm “Hành trình và truyền giáo” cũng có viết về món ăn làm từ tổ yến:“…người ta cho vào cháo và thịt có một hương vị đặc biệt. Có một hương vị đặc biệt, thường là các món ăn cao sang các ông hoàng bà chúa, vì thế tổ yến vừa trắng vừa có vị ngon. Người ta không ăn riêng nhưng nấu chung với cá hoặc thịt” [5, tr. 50]. Còn theo Borri,“nó là kết tinh sự ngon ngọt của những sơn hào hải vị bậc nhất, chỉ khác
rằng tổ yến này là phẩm vật của một loài chim bé nhỏ còn những thứ kia là do bàn tay
thần linh tạo thành’’ [11, tr. 65]. Các nguồn tư liệu phương Tây cũng cho biết, nguồn thức ăn ở Đàng Trong cũng
khá phong phú. Thịt thà và hải sản rất nhiều. Theo Borri, người Đàng Trong không chỉ có vô số gia súc như bò, dê, lợn, trâu mà còn có cả thú hoang như lợn rừng, hươu, nai, lớn hơn hươu nai Âu châu. Gia cầm nhiều đến nỗi gà nhà lẫn gà rừng đầy đồng, cu gáy, bồ câu, ngỗng, sếu đều cho thịt rất ngon và nhiều loại khác không có ở Âu châu. Còn về hải sản, Borri chưa từng thấy cá nơi nào có thể sánh với cá Đàng Trong. Thuyền đánh cá rất nhiều, cảnh tượng đoàn người dài dằng dặc mang cá từ biển lên núi thật kỳ diệu [11, tr. 63]. Bên cạnh đó, cũng có một số món ăn xứ Đàng Trong mà người phương Tây cảm thấy rất lạ lẫm và không thể nào thưởng thức. Chẳng hạn như món tắc kè nướng, đối với dân xứ Đàng Trong là một đặc sản với cách chế biến riêng biệt, nhưng đối với Borri, ông tỏ ra e ngại, không dám ăn: “tôi thấy một người bạn mua vài xâu tắc kè và ném chúng vào than đỏ…người bạn tôi khều chúng ra, cạo vảy bằng một con dao, để lộ phần thịt trắng tinh. Ông ta dằm thịt đó ra, quết lên một lớp gì như bơ, ông ăn ngon lành trong khi mời tôi nếm thử; nhưng tôi chỉ nhìn thôi cũng đủ rồi” [11, tr. 66].
Về cách ăn của người Đàng Trong, Borri miêu tả như sau: “Người Đàng Trong ngồi trên đất để ăn, chân xếp lại, trước một bàn tròn (mâm) cao ngang bụng” [11, tr. 90]. Tùy hoàn cảnh của gia chủ, mâm có thể làm bằng gốc trơn, không chạm khắc hay được chạm trổ tỉ mỉ, riềm bịt bạc hoặc vàng và theo tục lệ mỗi người một mâm riêng, khi hội họp đình đám cũng như lúc ở trong gia đình, thi thoảng vợ chồng, cha con mới dùng chung một mâm. Người Đàng Trong vẫn có thói quen dùng đũa một cách khéo léo, rất sành sỏi mà không dùng tay hay không dùng dao, xiên, khăn ăn như người phương Tây.
Trong những ghi chép về ẩm thực của người Việt ở Đàng Trong, người phương Tây còn nhắc tới một thú vui tao nhã của người Việt đó là uống trà (chè). Đối với người Việt, uống trà (chè) như một nét văn hóa truyền thống đã được người xưa lưu truyền lại. Trong những ngày nhàn rỗi, thú vui đối với họ là được cùng một tri kỷ vừa uống trà vừa nói chuyện. Thói quen thưởng thức trà của người Đàng Trong được Borri mô tả như sau:“Ban ngày họ có thói quen uống một loại nước rất nóng nấu từ rễ của một loại thảo mộc là chìa [trà]. Nước trà rất bổ, giúp dạ dày bài tiết tốt và tiêu hóa dễ dàng” [11, tr. 92].Ông cho rằng việc uống trà này của người Đàng Trong cũng giống người Nhật và người Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, người ta không dùng rễ mà dùng lá và ở Nhật người ta tán nhỏ, nhưng chung quy lại thì hiệu lực giống nhau và tất cả đều gọi là trà.
Người dân xứ Đàng Trong không uống rượu vang mà uống rượu gạo chưng cất. Họ có nhiều rượu tới nỗi họ thường uống bao nhiêu tùy thích và họ say rượu như người phương Tây say vang vậy. Theo ghi chép của John Barrow trong cuốn “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà”: “Họ không ham thích bia hay rượu vang của chúng tôi, nhưng họ lại mê loại rượu rum nguyên chất” [31, tr. 82].
* Trang phục
Từ ghi chép của người phương Tây từng có thời gian ở Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII, có thể tìm thấy một số nội dung đề cập đến y phục, trang sức và kiểu tóc của người dân bản xứ. Theo họ, tại xứ Đàng Trong, giữa đàn ông và đàn bà, giữa người bình dân và quý tộc có những khác biệt về trang phục và các đồ phụ kiện. Trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong”, Borri đã đưa ra một nhận xét có phần mâu thuẫn về cách ăn mặc của người Đàng Trong là khá “giản dị” và cũng khá “rườm rà”. Đối với phụ nữ, họ mặc váy và không chỉ mặc một mà tới năm hay sáu cái cùng một lúc, cái nọ chồng lên cái kia, tất cả có màu sắc khác nhau và cái trong dài hơn cái ngoài để “các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm” [11, tr. 85]. Giống như phụ nữ, đàn ông Đàng Trong thì quấn một tấm vải quanh thân thay cho quần chẽn, phần thân trên được che bằng năm hoặc sáu lớp áo dài và rộng bằng lụa rất mịn và nhiều màu….Từ thắt lưng trở xuống, người ta xẻ thành nhiều tà rộng rất đẹp. Theo ghi chép của John Barrow trong tác phẩm “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà”, vào những dịp lễ đặc biệt, một quý bà thường mặc một bộ lễ phục cùng lúc mang ba bốn chiếc áo màu sắc, dài ngắn khác nhau, chiếc ngắn nhất ở trên cùng. Y phục của đàn ông ít phân biệt với y phục nữ giới, nếu có là chiếc áo khoác và đôi ống quần dài [31, tr. 108]. Học trò và thầy đồ ăn mặc nghiêm trang hơn, y phục của họ không có quá nhiều tua và màu sắc: một chiếc áo dài đen khoác ngoài những lớp áo khác, họ quàng thêm một chiếc khăn ở cổ và vắt một chiếc khăn xanh trên tay, đầu đội mũ như mũ của giám mục [11, tr. 87-88]. Khi nhà có tang, người Đàng Trong chỉ mặc duy nhất đồ màu trắng.
Theo Borri, chất liệu dùng làm trang phục của người Đàng Trong đều là tơ lụa hoặc là bằng sợi bông. “Nói tới y phục, họ có vô vàn tơ lụa đến nỗi tiều phu, thợ thủ công cũng dung vải rất tùy tiện” [11, tr. 66]. Trong tác phẩm “Hành trình và truyền giáo” của Alexandre de Rhodes cũng đã từng đưa ra nhận định rằng, Đàng Trong “nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền” [5, tr. 49].
Về trang sức, giày dép và kiểu tóc, để làm tôn lên vẻ đẹp cũng như kiểu dáng của người phụ nữ, ngoài những bộ trang phục “trang trọng” mà giản dị, phụ nữ Xứ này còn thích sử dụng nhiều loại trang sức khác. Họ mê nữ trang còn hơn cả người đàn bà châu Âu: “Họ đeo nữ trang từ trên tóc, trên cổ, ở cánh tay và cổ chân, tùy theo giàu nghèo nữ trang làm bằng vàng, cẩm thạch, bạc hay thủy tinh [11, tr. 85 ]. Borri cũng nhận thấy
rằng, nữ trang ở đây thật tinh xảo nhưng không “rườm rà”, còn thợ làm nữ trang thì vô cùng khéo léo, họ “tự nấu vàng, cán vàng” để chế tác.Cả nam và nữ đều cầm trên tay một chiếc quạt, họ coi đó là đồ trang sức hơn là vật dụng cần thiết. Người Đàng Trong ở thế kỉ XVII không có thói quen đi dép hay đi giầy mà chủ yếu đi chân đất. Khi cần họ mang một miếng da buộc mấy dây lụa và khuy trên mu bàn chân như kiểu săn đan của người châu Âu. Gắn với việc đi chân đất, người Đàng Trong có tục rửa chân và bỏ dép ra trước khi vào nhà [11, tr. 88 ].
* Nhà ở
Các tài liệu của người phương Tây có mặt tại Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII còn đề cập đến nhà ở của cư dân xứ sở này. Có nhiều loại hình và vật liệu để xây dựng nên nhà ở. Cách xây dựng nhà ở của người Đàng Trong phù hợp với khí hậu, thời tiết, tài nguyên thiên nhiên khu vực này, đồng thời thể hiện được sự khéo léo, sáng tạo