Hạn chế của quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong

Một phần của tài liệu Giao lưu văn hóa giữa đàng trong việt nam với các nước phương tây thế kỷ xvii, xviii 1 (Trang 78 - 81)

7. Bố cục của luận văn

3.3. Hạn chế của quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong

trong thế kỉ XVII, XVIII

Thứ nhất, sự du nhập của các thành tựu văn hóa phương Tây trong giai đoạn này, đặc biệt là Thiên Chúa giáo, mặc dù đã góp phần nhất định trong việc làm phong phú đời sống tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí còn trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng của

một bộ phận dân chúng Đàng Trong thời bấy giờ, nhưng chính nó cũng tạo nên sự xáo trộn lớn trong xã hội, dẫn tới việc ban hành và thực thi chính sách cấm đạo Thiên Chúa của chúa Nguyễn. Trên thực tế, ngay từ khi du nhập vào Đàng Trong, Thiên Chúa giáo đã thể hiện không ít sự khác biệt và xa lạ với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Một số nhà truyền giáo không có tư tưởng cởi mở hoặc thiếu sự thích nghi với văn hóa bản địa đã công khai bày tỏ thái độ phản đối đối với các hoạt động thờ cúng tổ tiên, thần linh, thành hoàng… của người Việt và cho đó là mê tín dị đoan. Giới nghiên cứu có thể dễ dàng tìm thấy điều này trong các ghi chép của Alexandre de Rhores, Cristoforo Borri và các thừa sai khác. Trong khi đó, giới cầm quyền Đàng Trong đương thời cũng nhận ra được sự mâu thuẫn giữa thần quyền của Thiên Chúa giáo với vương quyền của dòng họ mình. Chính từ những nguyên nhân trên, nên trong các thế kỉ XVII, XVIII, việc cấm đạo Thiên Chúa đã không ít lần được chúa Nguyễn tiến hành. Thừa sai phương Tây bị truy lùng ráo riết, cầm tù và trục xuất khỏi Đàng Trong theo lệnh của Chúa. Trong khi đó, lực lượng giáo dân trong nước cũng bị truy bắt, tù đày, buộc phải từ bỏ đạo Thiên Chúa và nhiều khi ảnh hưởng đến cả sinh mệnh. Điều đó chắc chắn đã gây nên một sự xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống của dân chúng Đàng Trong lúc bấy giờ.

Thứ hai, mặc dù quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII đã diễn ra và đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, có thể nhìn thấy rõ sự hạn chế trong mức độ giao lưu cũng như tính không toàn diện của quá trình này. Trên thực tế, trong khoảng gần hai thế kỉ, cùng với quá trình giao lưu văn hóa, người Việt ở Đàng Trong đã tiếp cận và tiếp nhận một số thành tựu của phương Tây như tôn giáo, ngôn ngữ, toán học, thiên văn, y học, kĩ thuật chế tác đồng hồ, chế tạo vũ khí …. Trong khi đó, người phương Tây, trước tiên là các nhà truyền giáo thông qua những tài liệu, ghi chép của mình cũng đã đưa các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt ở Đàng Trong đến với người phương Tây. Mặc dù như vậy, nhưng nếu so sánh với quá trình giao lưu văn hóa giữa một số nước trong khu vực với phương Tây đương thời, tiêu biểu như Trung Quốc, thì có thể thấy rằng các thành tựu văn hóa phương Tây được du nhập vào Đàng Trong cũng như các giá trị văn hóa của người Việt ở Đàng Trong được người phương Tây biết đến và tiếp nhận là còn khá khiêm tốn về mặt số lượng. Nếu như đương thời ở Trung Quốc, hai xu hướng “Tây học Đông truyền” và “Đông học Tây tiến” hình thành và phát triển mạnh mẽ, tạo nên một quá trình giao lưu mang tính hai chiều khá cân bằng, hoạt động giao lưu văn hóa dường như diễn ra trên tất cả các lĩnh vực và đạt đến một mức độ khá sâu sắc, thì ở Đàng Trong, quá trình đó mặc dù mang tính hai chiều, nhưng lại diễn ra không toàn diện, mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực. Đặc biệt, trong từng lĩnh vực đó, việc giao lưu, tiếp biến cũng chưa thực sự sâu sắc.

Chính vì vậy, khi bàn về kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây nói chung và trên lĩnh vực khoa học kĩ thuật nói riêng trong các thế kỉ XVII, XVIII, học giả Trương Bá Cần nhấn mạnh: “Vai trò của các thừa sai Dòng Tên ở trong triều đình Chúa Nguyễn cũng chỉ giới hạn ở một vài công việc như tính toán sự di chuyển của các vì sao có thể trông thấy được hoặc chữa bệnh cho nhà vương và các người trong hoàng tộc theo phương pháp Tây y cũng như chăm sóc và cai quản bầy chó của triều đình. Còn về việc đem khoa học lĩ thuật của Tây phương vào Đàng Trong thì có thể nói là chưa có gì” [9, tr. 529].

Thứ ba, các thành tựu văn hóa phương Tây truyền vào Đàng Trong trong giai đoạn này, đặc biệt là khoa học kĩ thuật chỉ được tiếp nhận và phổ biến trong bộ phận giới cầm quyền, quý tộc, quan lại và trí thức Nho học. Trong khi đó, việc truyền bá các giá trị văn hóa của người Việt ở Đàng Trong sang phương Tây mặc dù có diễn ra, nhưng về cơ bản nó chỉ dừng lại ở sự hiểu biết của người phương Tây thông qua những mô tả, ghi chép mà chưa có sự nghiên cứu và áp dụng trên thực tế. Cần phải thấy rằng, ngoại trừ Thiên Chúa giáo có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ dân chúng trong xã hội Đàng Trong thời bấy giờ, còn lại các thành tựu khác của phương Tây chỉ được lưu hành trong một phạm vi nhỏ trong phủ Chúa và chủ yếu cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu hoặc thỏa mãn sự hiếu kì của giới thống trị và tầng lớp thượng lưu trong xã hội Đàng Trong thời bấy giờ. Tiêu biểu như trong các thế kỉ XVII, XVIII, mặc dù kĩ thuật sửa chữa đồng hồ đã có mặt ở Đàng Trong, tuy nhiên, lúc bấy giờ chỉ có một vài người bản xứ có thể nắm được kĩ thuật này. Hay như kĩ thuật chế tạo đại bác phương Tây do người Bồ Đào Nha chuyển giao cho chúa Nguyễn, chắc chắn nó cũng chỉ được phổ biến và áp dụng trong các xưởng đúc súng của Chúa ở Phú Xuân. Không chỉ vậy, Chúa Nguyễn sử dụng các giáo sĩ Dòng Tên vào lĩnh vực thiên văn, toán học trong phủ Chúa cũng chủ yếu là để giúp giải thích những hiện tượng thiên văn cũng như dạy cho các hoàng tử của Chúa biết về toán học phương Tây. Việc sử dụng các giáo sĩ giỏi về nghề y trong giai đoạn này cũng chủ yếu để phục vụ cho việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho chúa Nguyễn, hoàng tộc, quan lại mà thôi.

Trong khi đó, thông qua các nhà truyền giáo, một số thành tựu văn hóa của người Việt ở Đàng Trong đã được truyền sang phương Tây trong giai đoạn này. Tuy nhiên, dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận rằng, những điều đó cũng chỉ được tìm thấy trong các tác phẩm, tường trình báo cáo, thư từ của các thừa sai, tức là nó mới chỉ tồn tại ở dạng thức tư liệu, đa phần được lưu trữ trong các thư viện của các dòng tu, để trước tiên phục vụ cho công việc tìm hiểu của các nhà truyền giáo, chứ không được phổ biến rộng khắp. Chính vì vậy, có những giá trị văn hóa mang tính chất thực dụng khá cao của người Việt ở Đàng Trong nhưng dưới con mắt của người phương Tây nó chỉ mà những

tài liệu mô tả đơn thuần và họ tìm đọc nó cũng chỉ để thỏa mãn sự hiếu kì là chính. Tiêu biểu như giới nghiên cứu có thể tìm thấy trong các tài liệu của Alexandre de Rhodes hay Cristoforo Borri không ít các nội dung về nền y học cổ truyền của người Việt cũng như công dụng tuyệt diệu của những loại thuốc và phương pháp người Việt dùng để chữa những căn bệnh mà lúc bấy giờ người phương Tây chưa thể chữa trị được. Tuy nhiên, trên thực tế trong suốt thế kỉ XVII, XVIII, người ta đã không thể tìm thấy bất cứ một công trình nào do người phương Tây tiến hành nghiên cứu hay áp dụng những kiến thức y học đó vào việc chữa trị bệnh. Điều đó ở một mức độ nhất định đã hạn chế sự hiểu biết và phổ biến những giá trị văn hóa của người Việt đến với người phương Tây lúc bấy giờ.

Một phần của tài liệu Giao lưu văn hóa giữa đàng trong việt nam với các nước phương tây thế kỷ xvii, xviii 1 (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)