Vai trò của quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây thế kỉ

Một phần của tài liệu Giao lưu văn hóa giữa đàng trong việt nam với các nước phương tây thế kỷ xvii, xviii 1 (Trang 75 - 78)

7. Bố cục của luận văn

3.2. Vai trò của quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây thế kỉ

thế kỉ XVII, XVIII

Thứ nhất là trên phương diện quân sự - chính trị. Cần phải thấy rằng, trong các thế kỉ XVII, XVIII, khi chúa Nguyễn ở Đàng Trong luôn phải đối mặt với nguy cơ bị chúa Trịnh ở Đàng Ngoài tấn công, thì việc củng cố tiềm lực quân sự là một nhu cầu cấp thiết. Để thực hiện điều này, chúa Nguyễn đã lựa chọn giải pháp dựa vào phương Tây để “hiện đại hóa” nền quân sự của mình, do nhận thấy những ưu thế của các nước phương Tây so với phương Đông trong lĩnh vực này. Trên thực tế, chính quyền chúa Nguyễn đã bằng nhiều cách khác nhau để có được kĩ thuật quân sự của phương Tây. Một mặt, chính quyền tăng cường hoạt động trao đổi, buôn bán với tàu buôn châu Âu để thông qua đó mua các loại hàng hóa, nhất là vũ khí súng đạn. Mặt khác, chính quyền chúa Nguyễn thông qua mối quan hệ với Bồ Đào Nha để có được sự phục vụ của một số người Bồ am hiểu về lĩnh vực vũ khí, nhằm giúp chúa Nguyễn đúc súng đại bác theo kiểu phương Tây, mà trường hợp Jao da Cruz là một dẫn chứng điển hình. Ngoài ra, Chúa còn tiến hành trục vớt các tàu buôn phương Tây bị đắm trong vùng biển mà mình kiểm soát và thu lượm những hàng hóa, trong đó một loại vật phẩm rất được Chúa mong đợi là súng đạn và đại bác phương Tây. Chính nhờ những phương thức trên mà chính quyền chúa Nguyễn đã dần dần nắm bắt được kĩ thuật chế tạo vũ khí, xây dựng và củng cố được sức mạnh quân sự của mình theo mô thức phương Tây. Do đó, trong cuộc đối đầu với chúa Trịnh, mặc dù về tương quan lực lượng binh lính cũng như thuyền chiến của Đàng Trong không bằng được Đàng Ngoài, nhưng chúa Nguyễn vẫn có thể chặn đứng được những cuộc tấn công của quân Trịnh. Theo các nhà nghiên cứu sở dĩ như vậy là vì ngoài kế sách của Đào Duy Từ cho xây dựng các lũy kiên cố chống lại đại quân của chúa Trịnh thì trên các lũy ấy, chúa Nguyễn đã cho bố trí với mật độ dày đặc các khẩu đại bác phương Tây mà Chúa được người Bồ giúp chế tạo. Loại vũ khí này với sức công phá mạnh đã làm cho quân Trịnh khiếp vía. Cho nên, trong bảy lần giao chiến trong giai đoạn 1627-1672, mặc dù quân Trịnh có đến 6 lần chủ động tấn công vào Đàng Trong, nhưng cuối cùng đều không thể vượt qua lũy Trường Dục (lũy Thầy) để tiến đánh dinh sở của chúa Nguyễn và đành phải rút về [72]. Việc đẩy lùi được những đợt tấn công của quân Trịnh và sau đó là thỏa thuận “đình chiến”, phân chia khu vực cai quản đã giúp chúa Nguyễn duy trì được tình hình chính trị ổn định trong một thời gian

dài, đồng thời củng cố nền thống trị của mình trên vùng đất mới được khai lập ở phương Nam. Và chính vũ khí và kĩ thuật quân sự mà chúa Nguyễn tiếp nhận được từ người Bồ Đào Nha đã là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên điều đó.

Thứ hai là trên phương diện kinh tế - xã hội. Cần phải thấy rằng, chính quá trình giao lưu với phương Tây đã dẫn tới quá trình tiếp nhận ở một mức độ nhất định những yếu tố kinh tế theo mô hình phương Tây tại Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII. Trên thực tế, sự phát triển của kinh tế hàng hóa dưới tác động của sự giao lưu với thương nhân phương Tây đã dẫn tới sự manh nha hình thành những mầm móng đầu tiên của mô hình kinh tế theo kiểu thức phương Tây như hiện tượng thuê mướn nhân công trong khai thác hầm mỏ, sản xuất để phục vụ cho thị trường lớn, đặt hàng cho người sản xuất bằng vốn tạm ứng… [55, tr. 380]. Khoa học kĩ thuật của phương Tây cũng thâm nhập vào thủ công nghiệp nhà nước khi người ta nhận thấy sự có mặt của người phương Tây trong công xưởng chế tạo vũ khí của chính quyền Đàng Trong ở Thuận Hóa để giúp chúa Nguyễn đúc các loại đại bác phương Tây.

Bên cạnh đó, sự du nhập của Thiên Chúa giáo và khoa học, kĩ thuật châu Âu vào Đàng Trong đã làm thay đổi thành phần xã hội cũng như cơ cấu nghề nghiệp của người Việt ở Đàng Trong trong giai đoạn này. Sự tiếp nhận Thiên Chúa giáo đã làm xuất hiện ngày càng đông bộ phận tín đồ Thiên Chúa giáo với đời sống tâm linh và sinh hoạt tôn giáo ít nhiều có khác biệt với bộ phận còn lại trong dân chúng. Quá trình tiếp cận và tiếp thu một số lĩnh vực khoa học kĩ thuật phương Tây cũng đã làm xuất hiện một bộ phận người trong xã hội làm các ngành nghề mới như sửa chữa đồng hồ phương Tây, đúc súng, đóng thuyền, xây dựng công trình kiến trúc phương Tây…

Thứ ba là trên phương diện văn hóa. Đối với người Việt ở Đàng Trong,quá trình giao lưu văn hóa với phương Tây đã giúp cho họ mở rộng hiểu biết về các lĩnh vực khoa học kĩ thuật mà đương thời người phương Tây có ưu thế hơn so với người bản xứ. Cần phải thấy rằng, không phải tự nhiên mà vua chúa, quan lại và trí thức Đàng Trong lại có thái độ cởi mở đối với việc tiếp nhận các thành tựu khoa học kĩ thuật của phương Tây thời bấy giờ. Sở dĩ như vậy là vì trước tiên xuất phát từ sự hiếu kì của nhà cầm quyền, nhưng quan trọng hơn là vì họ nhận ra được sự ưu việt và chính xác với khoa học kĩ thuật phương Tây. Tiêu biểu như trong lĩnh vực thiên văn lịch pháp, nếu như đương thời cách tính toán về nhật thực, nguyệt thực cũng như lịch dùng hàng năm của các nhà thiên văn của chúa Nguyễn thường xảy ra sai lệch, do dựa vào cách tính toán của người Trung Quốc thì các giáo sĩ phương Tây như Pina, Borri, Alexandre de Rhodes lại có thể tính toán một cách cụ thể, chi tiết, khoa học và chính xác các hiện tượng thiên văn cũng như lịch pháp. Và sau đó, đã không ít nhà thiên văn của chúa Nguyễn đã phải theo học lĩnh vực này với các nhà truyền giáo phương Tây. Hay việc các chúa Nguyễn sử dụng các

nhà truyền giáo vào việc dạy toán cho các hoàng tử trong phủ đệ của mình là vì họ nhận thấy kiến thức và khả năng ứng dụng toán học vào việc giải quyết các công việc trong đời sống của người phương Tây là rộng lớn hơn so với người Việt. Các chúa Nguyễn cũng thể hiện sự tin tưởng đối với y học phương Tây trong một thời gian dài sử dụng các nhà truyền giáo tinh thông y thuật vào việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như những người trong hoàng tộc và quan lại. Quá trình tiếp xúc và tiếp nhận ở các mức độ khác nhau kiến thức khoa học kĩ thuật của phương Tây ấy chắc chắn đã mở rộng hiểu biết của người Việt trong giai đoạn này.

Không những thế, quá trình tiếp thu các thành tựu văn hóa phương Tây, đặc biệt là Thiên Chúa giáo cũng như chữ Quốc ngữ mà các giáo sĩ phương Tây góp phần sáng tạo nên ở một mức độ nhất định đã làm phong phú nền văn hóa của người Việt ở Đàng Trong. Trên thực tế, khi Thiên Chúa giáo chính thức xuất hiện ở Đàng Trong vào đầu thế kỉ XVII thì ngay tại thời điểm đó, những yếu tố mới cũng theo tôn giáo này du nhập vào nền văn hóa dân tộc Việt. Thiên Chúa giáo giúp cho dân chúng thời bấy giờ cảm nhận thực tại thần thiêng một cách rõ ràng và hữu lý nhất. Vì thực tại thần thiêng trong Thiên Chúa giáo không phải là những điều cao siêu, trừu tượng hay những bí nhiệm từ trời cao mà là những gì cụ thể, hiện hữu ngay trong cuộc sống thường nhật. Thiên Chúa giáo không chỉ dành cho những con người uyên thâm, đức cao vọng trọng hay những học giả tư tưởng thời danh, mà còn là chỗ dựa tinh thần của dân chúng nghèo khổ. Thiên Chúa giáo có khả năng đồng hành với mọi nỗi niềm của con người, cho dù họ là học giả cao siêu hay kẻ cùng đinh trong xã hội. Như vậy, tiếp nhận văn Thiên Chúa giáo, điều đó cũng đồng nghĩa với việc văn hóa Việt Nam đã được làm giàu thêm bởi những yếu tố văn hóa phương Tây.

Khi truyền đạo cho người Việt Nam, khó khăn đầu tiên mà các giáo sĩ vấp phải là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn tự. Các giáo sĩ có thể học nói tiếng Việt khá dễ dàng, nhưng để học chữ Nôm thì không phải là việc đơn giản. Bởi vậy, họ đã dùng bộ chữ cái Latinh quen thuộc có bổ sung thêm các dấu phụ mà một số ngôn ngữ phương Tây như chữ Bồ Đào Nha đã từng làm để ghi âm tiếng Việt và sáng tạo ra một thứ văn tự mà về sau được gọi là chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ chính là thành quả và công sức tập thể của các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp… và những người Việt Nam đã từng giúp họ học tiếng Việt. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi một văn tự mới ra đời và được sử dụng trong một xã hội nào đó, điều đó đồng nghĩa với nguy cơ đứt gãy về mặt văn hiến đang hiện hữu. Tuy nhiên, nếu nhìn với một lăng kính tích cực hơn, thì có thể thấy rằng, một văn tự mới ra đời cũng đồng nghĩa dân tộc đó có thêm một phương tiện ghi chép để làm phong phú thêm nguồn thư tịch của quốc gia mình. Chữ Quốc ngữ cũng không phải là ngoại lệ. Khi mới ra đời, loại văn tự này chỉ được dùng để ghi chép những gì liên quan

đến công việc truyền giáo của các thừa sai phương Tây. Tuy nhiên, qua thời gian, nó đã thể hiện rõ sự ưu việt so với những văn tự được người Việt sử dụng trước đó như chữ Hán, chữ Nôm. Chính vì vậy, nó càng được sử dụng phổ biến và cho đến ngày nay đã trở thành chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam. Khi dân tộc đang có một thứ chữ viết tiện lợi và ưu việt như vậy, cần phải nhớ rằng đó chính là một trong những thành tựu tiêu biểu của quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII.

Trong khi đó, đối với người phương Tây, quá trình giao lưu văn hóa với Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII cũng giúp tăng cường sự hiểu biết của họ đối với người Việt và các giá trị văn hóa Việt. Trên thực tế, người phương Tây trong thời gian này đã ít nhiều biết đến các giá trị văn hóa của người Việt ở Đàng Trong thông qua các tác phẩm, du kí, nhật kí, tường trình, báo cáo và thư từ mà các thương nhân, nhà truyền giáo, nhà du hành phương Tây viết gửi về châu Âu lưu trữ và xuất bản. Điển hình Bản tường trình về công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong của Cristoforo Borri đã được xuất bản ở Rome vào năm 1631, chứa đựng không ít nội dung liên quan đến xứ Đàng Trong. Theo Li Tina, “những thông tin mà cuốn sách cung cấp về một đất nước xa xôi có giá trị không đồng đều, đó là sự thật, nhưng hoàn toàn xứng đáng được coi là hấp dẫn với các độc giả châu Âu, người sùng tín cũng như kẻ ngoại đạo” [50, tr. 19]. Qua cuốn sách, độc giả biết được về vị trí, khí hậu, sản vật, chính quyền, nguồn lợi, nền thương mại của xứ Đàng Trong, các phong tục tập quán của dân chúng, cũng như cách sinh sống, ăn mặc và chữa bệnh của họ. Alexandre de Rhodes trong thời gian sinh sống và truyền giáo ở Đàng Trong đã tìm hiểu tiếng nói, phong tục, tính cách của dân chúng khu vực này và thể hiện nó trong nội dung cuốn sách “Hành trình và truyền giáo”, xuất bản tại châu Âu lần đầu tiên vào năm 1650, trong đó chứa đựng những hiểu biết đầy đủ và chắc chắn về xứ Đàng Trong mà người phương Tây đương thời hiếu kì muốn tìm hiểu. Hay như trong bản báo cáo của Poivre, ông cũng đã cung cấp cho độc giả châu Âu những hiểu biết về địa lý, chính quyền, thuế má, tập tục, tôn giáo, các mặt hàng, điều kiện buôn bán ở xứ Đàng Trong. Nó đã có giá trị lớn đối với việc bổ sung thêm những hiểu biết của người Pháp về Đàng Trong lúc bấy giờ. Như vậy, từ một số dẫn chứng trên đây, có thể thấy rằng, giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII trên thực tế đã giúp hai bên tăng cường sự hiểu biết về nền văn hóa của nhau.

Một phần của tài liệu Giao lưu văn hóa giữa đàng trong việt nam với các nước phương tây thế kỷ xvii, xviii 1 (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)