7. Bố cục của luận văn
3.1. Đặc điểm quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây thế kỉ XVII,
Trong các thế kỉ XVII, XVIII, xu hướng “Đông tiến” của các quốc gia phương Tây được tạo ra từ những điều kiện khách quan và chủ quan đương thời đã dẫn tới sự gặp gỡ giữa họ với các quốc gia phương Đông và giao lưu văn hóa là một hệ quả tất yếu của quá trình này. Trong đó, Đàng Trong (Việt Nam) cũng không phải là ngoại lệ. Trên thực tế, trong giai đoạn này, không ít các thành tựu văn hóa phương Tây bằng nhiều con đường khác nhau đã du nhập vào Đàng Trong. Trong khi đó, các thành tựu văn hóa của người Việt ở Đàng Trong cũng được người phương Tây có mặt tại khu vực này lúc bấy giờ tiếp nhận và truyền sang châu Âu thông qua các loại tư liệu khác nhau. Vậy quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII có những đặc điểm gì? Quá trình đó đã có tác động như thế nào đối với hai bên? Những bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ quá trình này cho hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với thế giới trong thời đại ngày nay? Tất cả những vấn đề trên bước đầu sẽ được giải quyết trong chương này.
3.1. Đặc điểm quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây thế kỉ XVII, XVIII thế kỉ XVII, XVIII
Từ việc nghiên cứu quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII, tác giả rút ra một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII thể hiện rõ nét tính hai chiều. Trước đây, khi nghiên cứu về vấn đề giao lưu văn hóa, thông thường người ta chỉ chú ý đến khuynh hướng “từ Tây sang Đông” trong giao lưu văn hóa giữa phương Đông với phương Tây nói chung và Đàng Trong với phương Tây nói riêng. Cần nhấn mạnh rằng, nhận thức trên không sai, nhưng nó không phản ảnh một cách toàn diện quá trình đó. Trên thực tế, trong giai đoạn này, theo bước chân của các thương nhân, nhà truyền giáo và một vài nhà du hành người phương Tây, các giá trị văn hóa phương Tây từ tôn giáo, ngôn ngữ cho đến khoa học kĩ thuật đã từng bước du nhập vào Đàng Trong và đã được giới cầm quyền cũng như cả dân chúng xứ sở này tiếp nhận ở các mức độ khác nhau. Song song với quá trình đó, không ít các giá trị văn hóa của người Đàng Trong, từ đời sống vật chất cho đến tinh thần, thậm chí cả những tri thức khoa học của người Việt bằng nhiều cách khác nhau đã được truyền sang phương Tây ngay trong các thế kỉ XVII, XVIII, giúp cho người châu Âu hoặc chí ít là các nhà truyền giáo phương Tây lúc bấy giờ hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục tập quán, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc Việt ở vùng Viễn Đông xa xôi.
Điều đó chắc chắn đã thỏa mãn ở một mức độ nhất định sự hiếu kì và nhu cầu hiểu biết lẫn nhau giữa người Việt ở Đàng Trong và người phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII. Đồng thời cũng góp phần chứng minh một cách thuyết phục tính hai chiều, tác động qua lại trong quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong giai đoạn này.
Thứ hai, các nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là giáo sĩ Dòng Tên đã trở thành một trong những “nhịp cầu” quan trọng nhất của quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII. Một điều đặc biệt của quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong với phương Tây trong giai đoạn này đó là các nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là giáo sĩ Dòng Tên đã trở thành trung gian và đồng thời cũng là chủ thể, giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quá trình này. Trên thực tế, với tư cách là một trong những lực lượng truyền giáo coi trọng giáo dục, có thời gian học tập khá dài lâu trước khi lên đường truyền giáo tại các quốc gia phương Đông, không những thấm nhuần tư tưởng thần học mà còn tinh thông các lĩnh vực khoa học khác nhau, nên khi đặt chân đến các vương quốc tại vùng Viễn Đông, trong đó có Đàng Trong, các thừa sai Dòng Tên đã vận dụng triệt để chính sách thích nghi với văn hóa bản địa và đường lối “học thuật truyền giáo”, tức sử dụng các kiến thức khoa học của châu Âu để chinh phục đức tin của giới cầm quyền và cả dân chúng các quốc gia này. Điều đó đã khiến cho hàng loạt các thành tựu khoa học kĩ thuật của phương Tây như thiên văn học, toán học, y học… thông qua các nhà truyền giáo như Jean Baptiste Sanna (người Ý), Sébatien Pirès, Francois de Pina (Bồ Đào Nha), Joeph Neugebauer (người Đức) hoặc như nhà y học Jean Sibert (Tiệp Khắc), Jean de Leurerio (Bồ Đào Nha)… lần lượt du nhập vào Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII. Bên cạnh việc đưa những thành tựu văn hóa của phương Tây đến với người Việt ở Đàng Trong, chính các nhà truyền giáo cũng là lực lượng giữ vai trò chủ chốt trong việc truyền tải những giá trị văn hóa của người Việt sang châu Âu thời bấy giờ. Điều này đương thời có thể diễn ra một cách ngẫu nhiên và không nằm trong chủ định của các nhà truyền giáo. Bởi trong quá trình tuyên giảng Phúc Âm ở các quốc gia phương Đông nói chung và Đàng Trong nói riêng, các nhà truyền giáo phải định kì làm các bản tường trình, báo cáo để gửi về Macau hoặc Rome. Họ cũng thường xuyên liên lạc qua thư từ với các Cha Bề Trên hoặc những người đã bảo trợ, giúp đỡ họ về mặt tài chính trong quá trình truyền giáo. Hoặc trong quá trình loan báo Tin Mừng tại các địa phương khác nhau ở Đàng Trong, họ cảm thấy hiếu kì trước những sự việc, hiện tượng diễn ra trong đời sống của cư dân bản xứ và ghi chép lại. Trong các văn bản này, xen lẫn với các phần nội dung liên quan đến công việc truyền giáo là những ghi chép về các giá trị văn hóa của người Việt ở Đàng Trong. Điều quan trọng hơn là tất cả những ghi chép đó đều được chuyển
về lưu trữ trong các kho tư liệu của Tòa Thánh hoặc được xuất bản ở châu Âu ngay trong các thế kỉ XVII, XVIII, đã góp phần giới thiệu những đặc sắc văn hóa của người Việt với người phương Tây. Trên thực tế, tác giả đã không đủ cơ sở khoa học cũng như trình độ nghiên cứu để xác định bằng phương pháp định lượng người phương Tây đã biết đến hay tiếp thu bao nhiêu phần trăm các giá trị văn hóa Việt, tuy nhiên, thông qua sự hiện diện của các tư liệu ghi chép về văn hóa người Việt tại châu Âu đương thời, nó chí ít cũng đã đặt cơ sở, nền tảng cho quá trình tiếp nhận văn hóa của người Việt mà các giáo sĩ phương Tây là những người tiên phong. Đồng thời, các nhà truyền giáo cũng là một trong những “nhịp cầu” giao lưu văn hóa quan trọng nhất, đúng như tác giả Nguyễn Văn Kiệm đã từng khẳng định:“Bên cạnh mang đến niềm tin về sự cứu rỗi, các giáo sĩ phương Tây cũng mang đến cho xã hội nông nghiệp Việt Nam những tiếp xúc đầu tiên với các yếu tố văn hóa phương Tây bởi tôn giáo là một phương diện của văn hoá và mọi sự tiếp xúc tôn giáo đều có thể được coi là tiếp xúc văn hoá” [32, tr. 34].
Thứ ba, quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII diễn ra đồng thời theo ba con đường khác nhau, đó là truyền giáo, thương mại và du hành. Đối với con đường thương mại, trong các thế kỉ XVII, XVIII, quan hệ thương mại giữa Đàng Trong và phương Tây đạt được nhiều kết quả quan trọng với sự xuất hiện của không ít thương nhân phương Tây tại khu vực này. Đương thời, cả Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đều đặt quan hệ giao thương với Đàng Trong. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khách quan và chủ quan khác nhau, bản thân thương nhân các nước Hà Lan, Anh, Pháp đã không thể thiết lập một quan hệ lâu dài với Đàng Trong và cùng với thời gian mối quan hệ đó càng phai nhạt dần, thậm chí đã từng phát sinh mâu thuẫn, xung đột như trường hợp của người Hà Lan hay người Anh. Tuy nhiên, chính điều đó đã càng làm cho mối quan hệ giữa Đàng Trong với người Bồ Đào Nha thêm khắng khít. Trên thực tế, trong giai đoạn này, tàu buôn của người phương Tây nói chung và thương nhân Bồ Đào Nha nói riêng chở đến Đàng Trong những hàng hóa, sản phẩm của phương Tây mà chính quyền chúa Nguyễn đương thời đang cần, nhất là vũ khí, đạn dược. Đối với các thương nhân phương Tây, nó chỉ đơn thuần là một loại hàng hóa mang tính chất thương mại, mang về cho họ một nguồn lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, những sản phẩm đó lại chứa đựng trong chính bản thân nó những giá trị văn hóa, những thành tựu khoa học kĩ thuật của phương Tây trong giai đoạn này. Chính vì vậy, thông qua việc trao đổi mua bán, một cách ngẫu nhiên các thành tựu văn hóa phương Tây đã theo các sản phẩm hàng hóa này truyền vào xã hội Đàng Trong thời bấy giờ. Ngược lại, trong quá trình mua những sản vật của Đàng Trong như tổ yến, hương liệu, lụa, Calamba (trầm kỳ nam), vải bông, các vị thuốc, giấy vàng bạc, kim tuyến, ngân
tuyến, y phục, quạt giấy, đồ bạc, đồ gốm sứ, trà, …. để chở về phương Tây tiêu thụ, đối với thương nhân phương Tây, đó chỉ đơn thuần là những hàng hóa có nguồn gốc Đàng Trong, lúc bấy giờ đang được ưu chuộng ở châu Âu, tuy nhiên, trong chính bản thân các hàng hóa này lại mang cả những giá trị văn hóa của người Việt, từ cách thức, kĩ thuật sản xuất, khai thác cho đến cách sử dụng và giá trị sử dụng. Tất cả những thứ đó đã được kết tinh lại trong các hàng hóa của Đàng Trong để chuyển sang châu Âu, giúp cho những giá trị văn hóa của người Việt được người phương Tây biết đến. Đó chính là quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây thông qua con đường thương mại trong các thế kỉ XVII, XVIII.
Tuy nhiên, cần phải chú ý đến một hiện tượng khác, đó là trong các thế kỉ XVII, XVIII, đồng hành với các thương nhân châu Âu trên các tàu buôn còn có một lực lượng khác là các nhà truyền giáo. Chính vì vậy, quá trình giao lưu văn hóa Đàng Trong và phương Tây trong giai đoạn này không chỉ diễn ra bằng con đường thương mại mà còn thông qua con đường truyền giáo. Trên thực tế, kết quả của quá trình này đã dẫn tới sự giao lưu trên lĩnh vực tôn giáo, khi mà đạo Thiên Chúa dần dần du nhập vào xã hội Đàng Trong và được một bộ phận không nhỏ dân chúng, thậm chí cả quý tộc, quan lại, trí thức Nho học ở khu vực này tiếp nhận. Không những thế, để chinh phục đức tin của giới cầm quyền, quan lại, quý tộc và tri thức người Việt, vốn có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và hiếu kì trước các thành tựu, vật phẩm khoa học kĩ thuật phương Tây, các nhà truyền giáo đã tìm cách đưa kiến thức thuộc các lĩnh vực toán học, thiên văn, cơ học, quang học… đến với các lực lượng trên. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa những căn bệnh cho giới cầm quyền cũng như dân chúng mà lúc bấy giờ nền y học truyền thống của người Việt chưa chữa trị được, các nhà truyền giáo trong quá trình tuyên giảng Phúc Âm cũng đã tổ chức xây dựng bệnh viện, khám chữa bệnh, phát thuốc cho cả giáo dân và những người không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhu cầu truyền giáo cũng đã là động lực cho sự ra đời của một thành tựu văn hóa tiêu biểu khác, có sự hợp sức sáng tạo của cả các thừa sai phương Tây và người Việt, đó là chữ Quốc ngữ, cho đến ngày nay vẫn được sử dụng với tư cách là văn tự chính thức của nước Việt Nam….. Như vậy, từ những phân tích trên đây, có thể thấy rằng, các nhà truyền giáo và công cuộc tuyên giảng Phúc Âm của họ trên vùng đất Đàng Trong ở các thế kỉ XVII, XVIII đã giữ một vai trò khá quan trọng trong việc ra đời của những thành tựu trong quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong với phương Tây trong giai đoạn này.
Bên cạnh con đường thương mại và truyền giáo, con đường du hành cũng đã góp phần nhất định trong quá trình giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong với phương Tây ở các thế kỉ XVII, XVIII. Một trong những trường hợp tiêu biểu thường hay được nhắc
đến là du hành gia người Anh James Bean với tập nhật kí gặp vua Đàng Trong vào năm 1765. Ông đã miêu tả khá cụ thể cuộc hành trình kéo dài trong 29 ngày từ Hội An đến Huế để yết kiến Chúa Nguyễn và trở lại Hội An với tất cả những sự việc diễn ra tại các địa điểm mà ông đã có dịp đặt chân qua trong cuộc hành trình này. Trong đó, có không ít chi tiết phản ảnh đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt ở Đàng Trong. Điều đặc biệt là những ghi chép của ông đã được mang về châu Âu lưu trữ và xuất bản với tên gọi Nhật ký du hành gặp vua xứ Đàng Trong (Journey to meet the King of Cochinchina), giúp cho người phương Tây mở rộng hiểu biết của mình đối với một dân tộc ở phương Đông xa xôi [69].
Đến cuối thế kỉ XVIII, mặc dù lúc này chính quyền Chúa Nguyễn đã bị sụp đổ (1777), tuy nhiên những nét văn hóa đặc trưng của xã hội Đàng Trong vẫn được phản ảnh khá đậm nét trong tác phẩm “Một chuyến du hành đến xứ Nam hà” của nhà du hành người Anh John Barrow, ghi chép nhiều nội dung liên quan đến vùng đất này trong khoảng thời gian 1792-1793. John Barrow sinh năm 1764, mất năm 1848 tại vùng Ulverston thuộc tỉnh Lancashire, Anh Quốc, là một người thích phiêu lưu mạo hiểm và đã từng đi đến nhiều nơi trên thế giới. “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà” được Barrow khởi thảo trong hành trình đến Trung Quốc và ghé lại Đàng Trong trong thời gian 1792-1793 và được in vào năm 1806. Trong tập du ký này, bên cạnh việc mô tả một cách tỉ mỉ các vấn đề về địa lí, lịch sử của xứ Nam Hà, Barrow còn cung cấp nhiều thông tin thú vị về văn hóa, tín ngưỡng của xứ Nam Hà qua những gì nhận thấy trong lần lưu lại tại vịnh Đà Nẵng vào mùa xuân năm 1793. Trong đó, Barrow nhấn mạnh rằng,ngành kỹ nghệ đặc biệt mà người xứ Nam Hà nổi trội hơn cả là kĩ thuật đóng tàu biển. Những du thuyền dùng mái chèo là những chiếc thuyền thật xinh đẹp.Những địa điểm ở Đàng Trong mà tàu buôn phương Tây thường xuyên lui tới giao thươngnhư Cù Lao Chàm, Hội An cũng được Barrow nhắc đến nhiều lần trong tập du ký này. Về Cù Lao Chàm, Barrow mô tả: “Một hòn đảo nhỏ có tên là Callao nằm cách phía nam vịnh Turon chừng 30 dặm…. Hòn đảo này hoàn toàn kiểm soát lối ra vào của nhánh chính con sông mà Faifo - trước đây là nơi buôn bán chính của nền ngoại thương nằm trên đó” [31, tr. 143]. Mô tả về cảng thị Hội An, đáng chú ý nhất là bức tranh vẽ cảnh thuyền bè buôn bán tấp nập trên sông Faifo vào cuối thế kỉ XVIII, với các thuyền buôn lớn của nước ngoài và nhiều loại ghe thuyền địa phương. Trên bờ bắc của sông Faifo, bên cạnh ngôi nhà là vọng gác cao có hai người đang quan sát tàu thuyền trên sông. Xa xa về phía tây là xóm nhà nhỏ và những dãy núi trùng điệp. Hai bên bờ sông có những cây dừa cao vút. Bức tranh này cho biết rằng vào cuối thế kỉ XVIII, cảng thị Hội An vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong con đường giao thương quốc tế. Như vậy, với việc