Cơ chế phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mỹ Sơn

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mỹ sơn để phục vụ phát triển du lịch (Trang 68 - 74)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Cơ chế phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mỹ Sơn

2.3.2.1. Phối hợp với các cơ quan ban ngành

Việc phối hợp với các cấp, các ngành cùng với các cơ chế, chính sách của địa phương đã góp phần rất quan trọng trong việc hoạch định các chương trình, kế hoạch quản lý, bảo tồn khu di sản Mỹ Sơn. Đơn cử, để bảo vệ giá trị cảnh quan tự nhiên vùng di sản Mỹ Sơn, khu vực không chỉ là trong phạm vi đền tháp mà bao gồm tổng thể cảnh quan Hòn Đền, Núi Chúa, vùng phụ cận xung quanh trên khoảng 1.158, các đơn vị đã cùng phối hợp làm tốt các công tác như phòng chống cháy rừng, tổ chức tuần tra truy quét bảo vệ rừng, bảo vệ hệ động vật, trồng tái tạo chăm sóc nhiều loại cây trồng bản địa…

Ban quản lý cũng phối hợp với các đơn vị của ngành giáo dục trong địa phương các tỉnh thành trong việc hỗ trợ triển khai các hoạt động dã ngoại, tìm hiểu kiến thức trong chương trình Giáo dục di sản tại trường học. Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch và Cơ quan hợp tác quốc tế như Tây Ban Nha, Ý, Pháp để đưa ra các giải pháp, nhằm khai thác tối đa thế mạnh của di sản.

Đi liền với công tác bảo tồn, việc phối hợp với các đơn vị để đầu tư xây dựng nâng cấp nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch cũng rất được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tốt như: Nhà đón tiếp, biểu diễn, nhà bán hàng lưu niệm, bãi xe, công trình vệ sinh…

Ngoài ra, một công trình mang tính dân sinh nổi bật nhất kể từ sau khi Mỹ Sơn được công nhận DSVH Thế giới chính là nâng cấp hệ thống giao thông kết nối từ Nam Phước đến Mỹ Sơn năm 2007 (chiều dài khoảng 27km, kinh phí 169 tỷ đồng), tạo điều kiện quan trọng để thúc đẩy du lịch di sản phát triển, góp phần nâng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng năm từ 20 – 40%.

2.3.2.2. Phối hợp với người dân địa phương, du khách

Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của cộng đồng, địa phương đã có cơ chế chính sách phù hợp, sự sáng tạo và linh hoạt nhất định, đưa lợi ích mà người dân nhận được từ bảo vệ di sản thông qua hoạt động du lịch. Những lợi ích từ du lịch cũng là động lực tinh thần rất lớn thôi thúc cộng đồng cư dân tích cực tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Đơn cử như việc hình thành làng du lịch cộng đồng Homestay Mỹ Sơn từ năm 2013 đến nay, thông qua các hoạt động đơn vị thường xuyên hỗ trợ sự phát triển của làng bằng hình thức tổ chức hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ làng du lịch cộng đồng và triển khai nhiều giải pháp đạt kết quả như củng cố lại Ban Quản lý Làng. Được sự tài trợ của tổ chức lao động thế giới (ILO), tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn được hình thành với hơn 30 thành viên sống tại thôn Mỹ Sơn. Tổ chức ILO đã cấp kinh phí để xây dựng 05 phòng lưu trú và tập huấn các dịch vụ du lịch cho người dân từ cách tổ chức kế hoạch kinh doanh, hướng dẫn nấu ăn, học ngoại ngữ giao tiếp... Bước đầu bà con trong tổ đã có nhận thức mô hình của loại hình du lịch này.

- Được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt Ban ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã tạo mọi điều kiện để tổ du lịch cộng đồng ra đời và đi vào hoạt động. Tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn nằm trong vùng phụ cận di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là cơ hội thuận lợi để khách du lịch trong và ngoài nước biết đến và có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ của tổ. Bên cạnh di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn ở địa phương xã Duy Phú và các vùng phụ cận có nhiều trầm tích văn hóa của người Chăm, người Việt cổ, các di tích liên quan để đời sống tâm linh của người dân địa phương, các món ăn đặc sản, cảnh quan nhà vườn, đình chùa, miếu mạo... các di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu, đập Vĩnh Trinh. Các chứng tích chiến tranh như sân bay An Hòa - Đức Dục... Các hoạt động văn hóa xã hội có thể tạo sự tò mò hứng thú cho du khách.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương “dầu chổi Mỹ Sơn”, vừa khôi phục sản phẩm làng nghề vừa tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương vừa đa dạng sản phẩm dịch vụ trong khu di tích. Hằng năm, trích từ nguồn thu Mỹ Sơn, hỗ trợ cho các ngành các cấp như Công an, Quân sự, Giáo dục, Văn hóa Thông tin, UBND xã Duy Phú để thực hiện công tác bảo vệ di tích, tuyên truyền giáo dục di sản trong trường học và nhân dân, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, hỗ trợ các chương trình phúc lợi, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng…

Ngoài ra, việc trao đổi, hợp tác, học hỏi lẫn nhau thường xuyên với ban quản lý các di sản khác như: Cố đô Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), DSVH thế giới Vatphou (Lào)… cũng đã giúp Mỹ Sơn dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin, kiến thức mới trong công tác bảo tồn di sản của khu vực và thế giới.

2.3.2.3. Công tác quảng bá, tuyên truyền khu di sản

Trong những năm qua, khu Đền tháp Mỹ Sơn đã được trao tặng nhiều giải thưởng quan trọng, được bình chọn nhiều danh hiệu cao quý và được đánh giá là mẫu kinh nghiệm điển hình về công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để phát huy được thế mạnh của một điểm đến du lịch hấp dẫn như vậy, BQL di sản Mỹ Sơn nói riêng, các đơn vị chính quyền địa phương nói chung đã rất đề cao công tác quảng bá, tuyên truyền các thông tin về khu di sản đến với bạn bè trong nước, quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào Quảng Nam. Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn luôn dành sự quan tâm cao trong công tác quảng bá, xúc tiến, duy trì gặp gỡ đối thoại các doanh nghiệp du lịch thường niên, phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, câu lạc bộ hướng dẫn du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam nhằm liên kết tour tuyến, trao đổi, cung cấp thông tin điểm đến. Hoàn thiện bảng biểu trực quan tại các khu vực Nam Phước, Quảng trường Sông Hoài (Hội An), Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng). Kết nối quảng bá trên cổng wifi Đà Nẵng. Nâng cấp giao diện, trang thông tin Mỹ Sơn. Xuất bản ấn phẩm sách báo, tập gấp bằng 4 thứ tiếng Việt, Anh, Hàn, Trung. Tổ chức điều tra đối tượng khách và khuyến mãi

khách là đối tượng sinh viên các trường đại học, tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng Internet, báo đài.

Trong năm vừa qua, nhờ sự kêu gọi nâng cao ý thức và sự đồng thuận của cộng đồng chung tay, phối hợp cùng nhiều ban ngành, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 20 năm khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận DSVH thế giới vào tháng 9 và tháng 12 tại Duy Xuyên.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn”. Đây là diễn đàn quan trọng để trao đổi, đúc kết kinh nghiệm nghiên cứu, đánh giá tác động và phân tích sâu hơn trên các phương diện chính sách, phương pháp, cách tiếp cận và quá trình tăng cường sự gắn kết giữa di sản và cộng đồng, thúc đẩy sự hưởng lợi và tham gia của cộng đồng vào việc quản lý và bảo vệ di sản thế giới; đồng thời, đánh giá những đóng góp của di sản đối với mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy cơ hội phát triển bền vững kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân địa phương; đặc biệt đánh giá về hoạt động du lịch di sản, bảo vệ các DSVH qua thực tiễn tại Quảng Nam.

Hoạt động tôn vinh, khen thưởng và một số hoạt động khác như khởi động Tour du lịch “Con đường di sản Đông Dương ” năm 2006; đăng cai tổ chức giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV cúp 2019 và Triển lãm mỹ thuật về chủ đề DSVH, đây là một sự kiện văn hóa thể thao lớn trong chuỗi các sự kiện của tỉnh kỷ niệm 20 năm Mỹ Sơn và Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới, và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Bên cạnh đó, có các hoạt động kỷ niệm của thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên sẽ tổ chức triển lãm ảnh “DSVH Hội An - 20 năm bảo tồn và phát triển” gắn với trưng bày và giới thiệu “Các sản phẩm thủ công truyền thống”; triển lãm “Các danh hiệu Khu Di sản Hội An trong 20 năm qua”; triển lãm “Sách viết về Hội An”; Hội nghị “Thành lập Câu lạc bộ các di sản thế giới tại Việt Nam”.

Ở huyện Duy Xuyên còn tổ chức các hoạt động như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật theo chủ đề “Mỹ Sơn - Di sản trường tồn”; Trưng bày hình ảnh, hiện vật của Di sản Mỹ Sơn; Tọa đàm “Doanh nghiệp đồng hành cùng Di sản”; Lễ hội Bà Thu Bồn; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; văn hóa, văn nghệ, thể thao; bảo vệ môi trường…

2.3.2.4. Công tác giáo dục

Thực hiện công tác phát huy di sản, chính quyền huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục di sản đến cộng đồng thông qua việc giáo dục di sản trong trường học. Thông qua dự án của UNV (thanh niên với việc bảo tồn di sản) từ 2004 đến 2006, hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên của đơn vị đã đến các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận

thức về Mỹ Sơn. Đơn vị thường xuyên phối hợp với phòng Giáo dục Đào tạo huyện Duy Xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Mỹ Sơn, xuất bản sách và đã in hơn 2.000 cuốn tài liệu dùng cho giáo viên và sách dùng cho học sinh trong nhà trường cấp I và II, thông qua đó nhằm giáo dục ý thức bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa của địa phương. Ngoài ra, hằng năm, đều có các hoạt động thi viết, vẽ về Mỹ Sơn, thi tìm hiểu về giá trị Mỹ Sơn, thi “Em là hướng dẫn viên” bằng tiếng Anh và Việt.

Ban Quản lý hằng năm đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để thực hiện công tác an sinh, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, hỗ trợ các chương trình phúc lợi, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng…. Mỗi năm tổ chức hàng chục chuyến lưu diễn nghệ thuật ở các xã vùng địa phương di sản (huyện Nông Sơn, Duy Xuyên) qua đây tuyên truyền những giá trị văn hóa đặc sắc của Mỹ Sơn đến cộng đồng, chung tay bảo tồn cảnh quan rừng tự nhiên và tài nguyên kiến trúc di tích Mỹ Sơn.

Tuy nhiên, qua 20 năm, ngoài các giải pháp hỗ trợ cộng đồng thông qua việc đào tạo công nhân lành nghề, tuyển chọn công nhân tham gia các dự án trùng tu, tuyển dụng phần lớn con em địa phương vào công tác tại đơn vị, việc phát triển du lịch để cộng đồng cùng hưởng lợi còn có những hạn chế nhất định, người dân quanh vùng di sản chưa thực sự được hưởng lợi từ du lịch, lượng khách du lịch trong nước quan tâm đến Mỹ Sơn chưa cao đó là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, do vậy công việc này ttrong thời gan tới cần được quan tâm thường xuyên với sự chung tay giữa chính quyền và Ban Quản lý.

Đánh giá chung

Có thể nói, qua 20 năm được vinh danh di sản, công tác quản lý, bảo tồn Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Cơ sở pháp lý về bảo tồn Mỹ Sơn ngày càng được củng cố vững chắc, sự can thiệp trực tiếp qua công tác trùng tu, tôn tạo giúp kiến trúc di tích từng bước ra khỏi tình trạng đổ nát, sang giai đoạn ổn định, bền vững. Quá trình hợp tác, phối hợp đã tạo những tiền đề, kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu đối với di tích kiến trúc Chăm nói chung và Mỹ Sơn nói riêng, di tích được gìn giữ bảo tồn phát huy theo hướng bền vững. Công tác phát huy giá trị di sản với những sản phẩm du lịch được định hình đã khẳng định thương hiệu, điểm đến di sản Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch Quảng Nam và miền Trung Việt Nam, có

sức lan tỏa đến vùng phụ cận xung quanh. Bộ mặt Mỹ Sơn ngày một thay đổi, đời sống cộng đồng từng bước nâng lên, người dân ngày càng gắn trách nhiệm với di sản.

Hai mươi năm Khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (1999 - 2019), được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của cả hệ thống chính trị, cùng với sự vận động không ngừng của tập thể cán bộ Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn - Di sản Văn hóa Thế giới đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội ở địa phương huyện Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam.

Tiểu kết chương 2

Nhu cầu tham quan du lịch đối với khu di tích Mỹ Sơn ngày càng cao, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Mỹ Sơn ngày càng đông hơn. Đây là cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội. Tuy vậy, cho tới nay vẫn chưa có một kế hoạch toàn diện, mang tính lâu dài để đáp ứng nhu cầu trên. Mọi công việc đã thực hiện để phát triển du lịch ở Mỹ Sơn mới chỉ mang tính tự phát, đối phó, do vậy đã bộc lộ những bất cập, những yếu kém cả về tổ chức và hoạt động, chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc bảo tồn di tích, thậm chí ảnh hưởng xấu ngay cả tới việc phát triển du lịch (ấn tượng đối với khu di tích, tỉ lệ khách đến di tích nhiều lần thấp,…). Đã xuất hiện một số nguy cơ làm ảnh hưởng tới cảnh quan di tích (phá rừng, cháy rừng, săn bắt trái phép), môi trường sinh thái (rác thải), môi trường nhân văn (văn hoá du lịch, thái độ ứng xử,…) và ảnh hưởng trực tiếp tới di tích (nạn đánh cắp cổ vật, các tác động cơ học tới di tích,…).

Định hướng bảo tồn và phát triển của khu di tích chưa được cụ thể hoá, dẫn đến những khó khăn rất lớn trong gắn kết với kế hoạch phát triển chung của kinh tế - xã hội, nhất là trong mối quan hệ phát triển ngành như lâm nghiệp, thuỷ lợi, du lịch, văn hoá, xây dựng,… Có thể đang hướng tới kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp, các hãng lữ hành, các nhà đầu tư tư nhân vào hợp tác để đầu tư khai thác du lịch bền vững ở các vùng đệm bên ngoài di sản. Một trong những thành công của Mỹ Sơn chính là sự đột phá trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học một cách bài bản, đúng nguyên tắc vào công tác bảo tồn và đã được thực tế chấp nhận.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều đã hoàn hảo. Việc bảo tồn và phát triển Mỹ Sơn cũng đang đối diện với không ít yếu tố tác động cần được giải quyết, hoàn thiện như: Cơ chế quản lý; trình độ của cán bộ, nhân viên còn hạn chế; khó khăn về nguồn vốn đầu tư; sản phẩm du lịch đơn điệu…Vậy câu hỏi đặt ra ở thời điểm này là cần có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Mỹ Sơn? Chương 3 sẽ trả lời câu hỏi này

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG BẢO TỒN

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mỹ sơn để phục vụ phát triển du lịch (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)