Để tăng cường hiệu quả công tác thanh tra tại trụ sở DNVVN, Cục thuế Thanh Hóa cần áp dụng những giải pháp phù hợp để từng bước hoàn thiện kỹ thuật, quy trình thanh tra thuế. Cụ thể như sau:
- Cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật phân tích rủi ro trên tất cả mọi phương diện, từ các tiêu thức đánh giá rủi ro đến quy trình thực hiện quản lý rủi ro, đồng thời hướng dẫn từng khâu nghiệp vụ cho công chức làm công tác kiểm tra thuế trước khi thực hiện công tác thanh tra tại trụ sở người nộp thuế. Xây dựng mô hình phân tích rủi ro theo các yếu tố đầu vào và đầu ra của đơn vị, phân theo hình thức, ngành nghề kinh doanh và phân theo từng sắc thuế. Tiếp tục xây dựng, đánh giá hiệu quả của các tiêu thức xác định, đánh giá rủi ro phù hợp với tình hình thực tế để tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật phân tích rủi ro trên tất cả các phương diện, từ các tiêu thức đánh giá rủi ro đến quy trình thực hiện quản lý rủi ro. Cụ thể là: xây dựng các mô hình phân tích rủi ro theo các loại hình DN, theo lĩnh vực kinh doanh, theo sắc thuế GTGT, TNDN….Tiếp tục xây dựng, đánh giá hiệu quả của các tiêu thức xác định, đánh giá rủi ro phù hợp với tình hình thực tế, chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí và đánh trọng số tương ứng với từng nhóm đối tượng DNVVN.
Cục thuế Thanh Hóa bước đầu có thể áp dụng những tiêu thức đơn giản, dễ làm, dễ đánh giá như: đánh giá rủi ro theo quy mô, theo tỷ lệ nộp thuế, lợi nhuận/ vốn sở hữu để công chức nào cũng có thể sử dụng các công cụ này nhằm đánh giá mức độ rủi ro cho DN, giúp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thuế; sau đó nghiên cứu triển khai bổ sung, đánh giá, phân tích các tiêu chí phức tạp hơn, phù hợp với từng phân tổ DNVVN.
- Áp dụng kỹ thuật chọn mẫu trong quá trình kiểm tra tại trụ sở NNT. Trong quá trình kiểm tra đối chiếu số liệu kê khai và chứng từ gốc của NNT có rất nhiều chứng từ mà cán bộ thanh tra không thể và cũng không cần thiết phải kiểm tra toàn bộ, nên việc chọn mẫu là một kỹ thuật để hỗ trợ cán bộ thanh tra trong công tác này. Việc chọn mẫu có thể được thực hiện theo nhóm (theo thứ tự thời gian hoặc theo thứ tự số học); hoặc chọn mẫu một cách ngẫu nhiên(cứ 05 hoá đơn thì chọn 01 hoá đơn để kiểm tra); và cuối cùng là áp dụng việc chọn mẫu theo phân tầng (kiểm tra tất cả các khoản chi phí có giá trị từ 50 triệu trở lên...).
- Cục thuế Thanh Hóa cần nghiên cứu tổng hợp các biện pháp kỹ thuật phân tích báo cáo tài chính để có thể lựa chọn người nộp thuế cũng như các chỉ tiêu có dấu hiệu kê khai sai, trốn thuế, thiết kế và sử dụng các thủ tục, kỹ thuật thanh tra thuế để thu thập các bằng chứng thanh tra có liên quan đến tính thích hợp và hiệu qủa của hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị. Đây chính là phương pháp kiểm tra tính thích hợp và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ làm cơ sở cho việc mở rộng hay thu hẹp việc thanh tra chi tiết sổ sách, chứng từ của DN giúp giảm bớt thời gian thanh tra thuế, nâng cao chất lượng của công tác thanh tra thuế.
- Hoạt động thanh tra thuế chỉ thực sự hiệu quả khi các quyết định xử lý thanh tra thuế được thực hiện kịp thời và đầy đủ. Vì vậy, Cục thuế cần tổ chức tốt công tác theo dõi, đôn đốc đối tượng thanh tra thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định xử lý sau thanh tra thuế. Thực tế, có nhiều trường hợp NNT cố tình trì hoãn thực hiện quyết định thanh tra thuế, cũng có trường hợp NNT muốn điều chỉnh theo kết luận thanh tra thuế nhưng họ chưa biết cách điều chỉnh như thế nào. Do
đó, Cục thuế cần có những theo dõi, hướng dẫn NNT thực hiện quyết định xử lý, đối với những trường hợp cố tình không thực hiện quyết định xử lý, theo dõi chặt chẽ và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức cưỡng chế nhằm thực hiện các quyết định xử lý khi cần thiết đảm bảo pháp luật thuế được thực hiện nghiêm minh.
- Để thực hiện tốt công tác xử lý sau kết luận thanh tra thuế thì điều kiện cần là xây dựng một quy chế phối hợp hiệu quả với các lực lượng hỗ trợ, phối hợp công tác xử lý sau thanh tra như cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án...