1.2.1. Khái niệm nhân cách
Nhân cách là một khái niệm được nghiên cứu ở nhiều ngành khoa học khác nhau như: triết học, xã hội học, tâm lý học, ... Đứng trên mỗi lập trường khoa học khác nhau sẽ có cách hiểu khác nhau về nhân cách. Theo Từ điển tiếng Việt, nhân cách là
“phẩm chất của con người” (Văn Tân chủ biên, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, tr. 738). Dưới gốc độ tâm lý học, nhân cách là “tổng hoà tất cả những gì hợp thành một con người, một cá nhân với bản sắc và cá tính rõ nét: Đặc điểm thể chất (tạng), tài năng, phong cách, ý chí, đạo đức, vai trò xã hội. Và một cá nhân có ý thức về bản thân, đã tự khẳng định được, giữ được phần nào tính nhất quán trong mọi hành vi” (Nguyễn Khắc Viện (chủ biên), Từ điển tâm lý, Nxb. Ngoại văn, Hà Nội, 1991, tr. 190).
Dù ở gốc độ nào, về mặt lý luận mà nói, phải làm rõ quá trình phát triển mối quan hệ giữa con người và xã hội. Con người phải tồn tại trong xã hội và biểu hiện năng lực, trình độ của mình trong xã hội, đó là điều bất biến, chân lý vĩnh cửu. Dưới góc độ triết học, vấn đề nhân cách được nhìn nhận dưới hai khuynh hướng chủ yếu là duy vật và duy tâm, và đây cũng chính là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai
28
“xu hướng hay đường lối của Platon hay Đêmôcrit trong triết học” (Lênin toàn tập, tập 18, Maxcơva, 1980, tr.151).
Chủ nghĩa duy tâm đã dùng những lý lẽ của mình để chứng minh rằng lý trí của con người là do khả năng nhận thức và sự tự nhận thức của con người sinh ra, còn chủ nghĩa duy vật thì lại cho rằng sự tồn tại của con người trước hết “dựa trên cơ sở của tính quy luật tự nhiên, của sự phụ thuộc của nó vào tự nhiên” (Chủ nghĩa xã hội và nhân cách, tập 1, NXb Sách giáo khoa Mác – Lênin, 1983, Hà Nội, tr.22). Quan điểm duy vật lịch sử cho rằng, nhân cách có tiền đề xuất phát là hiện thực và không lúc nào có thể xa rời tiền đề ấy, tiền đề ấy là những con người, mà quá trình phát triển nhân cách thông qua bằng kinh nghiệm từ hiện thực.
Cần phải khẳng định rằng, nhân cách của con người mang tính xã hội. Nói đến nhân cách là nói đến sự tác động của yếu tố xã hội lên con người gây nên sự thay đổi trong cách tư duy, nhận thức, tư tưởng cũng như hành động ứng phó với những vấn đề xảy ra ngoài xã hội. Mỗi người sinh ra có thành phần gia đình khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, tâm lý khác nhau. Nhờ lao động, con người đảm bảo sự tồn ại của mình, cải biến tự nhiên theo mục đích và nhu cầu của mình. Sự thay đổi của giới tự nhiên đã dẫn đến sự thay đổi chính trong bản thân con người, trong khi tác động “vào tự nhiên ở bên ngoài và thông qua sự vận động đó, và làm thay đổi tự nhiên, con người cũng đồng thời làm thay đổi bản tính của chính nó”
(C. Mác, Tư bản, quyển 1, tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1973, tr. 334). Do đó, nhân cách là sản phẩm của lịch sử, của quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên và xã hội.
Thông qua hoạt động, con người ngày một trưởng thành hơn và phát triển ý thức, đó là quá trình “tự thân vận động” dưới tác động của nhiều yếu tố bên ngoài xã hội. Vốn dĩ, từ khi sinh ra con người chưa có nhân cách, sự hình thành và chuyển biến của nhân cách bị quy định bởi những điều kiện xã hội cụ thể.
Có thể nói, nhân cách là sự tổng hợp các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tạo nên đặc trưng riêng về di truyền, về sinh lý thần kinh, về hoàn cảnh sống của cá nhân theo cách riêng của mình.
29