Nói đến việc thẩm mỹ hóa khía cạnh xã hội của môi trường sáng tạo trong điều kiện hiện nay, trước hết phải nói đến quá trình dân chủ hóa xã hội. Trước thời đổi mới,
65
chúng ta đã thiết lập chế độ dân chủ. Đó là thành quả của cách mạng Việt Nam sau bao nhiêu năm chống thực dân và phong kiến. Tuy nhiên, vì chưa trải qua nền dân chủ tư sản như phương Tây, nên trên thực tế, chúng ta chưa khắc phục triệt để những di hại của chế độ phong kiến từng tồn tại lâu dài trong lịch sử dân tộc. Những nhân tố dân chủ truyền thống chỉ là những nhân tố của của dân chủ công xã, làng xã, nghĩa là dân chủ ở trình độ thấp so với yêu cầu của thời đại. Bởi vậy dân chủ trước thời đổi mới còn rất nhiều hạn chế. Quần chúng nhân dân tuy được pháp luật thừa nhận là chủ thể của nền dân chủ nhưng chưa đủ những hiểu biết cần thiết về dân chủ, về quyền dân chủ của mình, chưa đủ những điều kiện và khả năng thực hiện quyền dân chủ. Đồng thời, chủ nghĩa giáo điều trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội đã dẫn đến mô hình nhà nước hóa, tập thể hóa từ kinh tế đến các lĩnh vực hoạt động xã hội khác. Chính vì vậy trong xã hội còn tồn tại nhiều biểu hiện thiếu dân chủ, chẳng hạn, tệ độc đoán, chuyên quyền, ức hiếp trù dập cá nhân, tình trạng quan liêu, cửa quyền, xem thường pháp luật kỉ cương, như đánh giá của Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kì khóa VII của Đảng. Khi dân chủ ở tình trạng như vậy, thì các quan hệ giữa con người và xã hội, giữa con người và con người không bộc lộ được những yêu cầu cần thiết về những năng lực nhân tính, và do vậy không bộc lộ được mức độ cần thiết về mặt thẩm mĩ. Trong một môi trường thiếu nhân tố thẩm mĩ như vậy, không thể nói đến phát huy năng lực sáng tạo cho con người.
Đổi mới xã hội đòi hỏi phải mở rộng dân chủ trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội của con người, trong tất cả các cấp quản lý xã hội. Điều đó không chỉ vì dân chủ là động lực chính trị của đổi mới xã hội, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà còn vì dân chủ là một nhu cầu thiết yếu của con người hiện đại. Sự phát triển những năng lực nhân tính, trong đó có năng lực sáng tạo của con người không thể tách rời quá trình mở rộng dân chủ, mà còn trên bình diện thẩm mĩ, đó cũng chính là quá trình thẩm mĩ hóa các quan hệ người. Để mở rộng dân chủ trong điều kiện hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, tăng cường giáo dục ý thức dân chủ cho nhân dân, là những giải pháp có ý nghĩa quyết định nhất. Những giải pháp đó khi được thực hiện đồng bộ và triệt để sẽ đảm bảo cho việc khắc phục những khiếm khuyết về dân chủ trước đây,
66
đồng thời tạo ra bầu không khí dân chủ rộng rãi trong xã hội, tạo ra môi trường thẩm mĩ thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của con người.
Tác động của nghệ thuật với sự nghiệp đổi mới đất nước trước hết thể hiện ở thái độ ủng hộ của người nghệ sĩ đối với sự phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; là sự ủng hộ quan hệ thị trường trong nghệ thuật, ủng hộ sự giải phóng nghệ thuật thoát khỏi những giới hạn khuôn mẫu có tính bền vững của truyền thống, đẳng cấp, mở rộng phạm vi giao lưu, phổ biến nghệ thuật trong mọi giai tầng của công chúng, tức là thực hiện từng bước dân chủ hóa trong nghệ thuật, tạo ra khả năng tự điều chỉnh của nghệ thuật.
Sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hướng tới những giá trị đích thực mang tính thời đại, là giá trị về sự giàu có, ấm no, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội; về sự công bằng và văn minh của xã hội. Những điều quan trọng hơn đối với nhiệm vụ trung tâm của nghệ thuật nước ta hiện nay là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách, tạo cho mỗi người một nhân cách vững vàng, có bản lĩnh ngang tầm sự nghiệp đổi mới của đất nước, mau chóng bắt kịp xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Sáng tác nghệ thuật luôn gắn liền với tự do sáng tác. Tự do sáng tác, trước hết là tự do sáng tác của người nghệ sĩ, của nhà phê bình lý luận và cả của công chúng thưởng thức nghệ thuật. Đó là cảm hứng của sự tìm tòi, khám phá cái mới của nghệ sĩ; là những cảm xúc thẩm mỹ chân thực khi ta nhận định, đánh giá nghệ thuật của nhà lý luận phê bình; là sự lựa chọn tiếp nhận thưởng thức của công chúng đối với tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, giải phóng và phát huy mọi khả năng sáng tạo, thực chất là vấn đề tự do thật sự cho hoạt động thẩm mỹ, hoạt động nghệ thuật, xét cả phương diện bên trong và bên ngoài nghệ thuật.
Tự do vốn là điều kiện khởi điểm của sáng tạo, hẳn không phải ngẫu nhiên trong những năm đàu của sự nghiệp đổi mới, hai chữ “cởi trói” đã được nêu lên như một nhu cầu hàng đầu đối với sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật truyền thống thường bị ràng buộc bởi hệ thống các quy phạm xã hội, những khuôn mẫu kinh nghiệm và những chuẩn mực bất biến về giá trị. Nghệ thuật trước thời kỳ đổi mới ở một mức độ nhất định
67
vẫn bị hạn chế bởi truyền thống, bởi những định hướng chính trị - xã hội đạo đức nghiêm ngặt và giáo điều đang cản trở quá trình xây dựng một nền nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà thực chất là một nền nghệ thuật cách mạng phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân ta. Do những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhất là trong thời kỳ chiến tranh, với những yêu cầu chính trị - xã hội nhất định mà nghệ thuật phải tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ở một mức độ nhất định trong hoạt động thẩm mỹ nói chung và hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói riêng một thời gian dài một thời gian dài ngoài sức nặng của truyền thống cũng có những “vùng cấm”, làm cho các chủ thể sáng tạo có phần e ngại, không được thực sự bộc bạch tâm tư, nguyện vọng của mình vào tác phẩm.
Khi yêu cầu về tự do sáng tạo và “cởi trói” đã được đặt ra thì sự đa dạng trong suy nghĩ và sự tìm kiếm về tư tưởng trong hoạt động thẩm mỹ nghệ thuật như một nhu cầu khách quan của sự phát triển nghệ thuật. Nhưng hiện nay nhu cầu về tự do sáng tạo gắn liền với việc khẳng định vai trò cá nhân, tức là cá nhân được giải phóng, nhưng sự giải phóng này đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà nghệ sĩ, đồng thời sự trưởng thành của công chúng khiến cho việc cảm thụ, đánh giá những tác phẩm nghệ thuật hiện nay và soi lại quá khứ không thể theo quan niệm và phương pháp cũ. Cố nhiên, cũng không thể ngây thơ đòi hỏi hoặc mặc nhiên khẳng định có một sự tự do tuyệt đối như một ảo tưởng của một số người theo cách hiểu của chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Bởi vì, chẳng có nghệ thuật nào không phục vụ cho những mục tiêu chính trị - xã hội nhất định. Nhưng cũng phải thấy rằng so với thời kỳ trước đổi mới, nghệ thuật Việt Nam hôm nay đã có bước tiến vững vàng và thể hiện được không khí tự do sáng tạo; người nghệ sĩ được giải phóng mình, tự do tìm tòi sáng tạo cả trong chủ đề lẫn trong phương pháp sáng tạo. Tuy nhiên kết qủa sáng tạo không chỉ phụ thuộc vào cơ chế dân chủ và tự do sáng tạo, mà phần đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng tác phẩm là năng lực sáng tạo của nghệ sĩ. Cho nên vấn đề đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa xã hội, tăng cường nguồn lực, phương tiện cho sáng tạo, phải gắn liền với vấn đề phát hiện năng khiếu, đào tạo, bôì dưỡng nhân tài.